Mỹ sẽ công nhận tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?

Elbridge Colby

Elbridge Colby, nguyên Phó phụ tà bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ 2017-2018 và là một trong những tác giả chính của NDS 2018, cho thấy thêm góc nhìn thay đổi của chính quyền Hoa Kỳ lúc này.
Elbridge Colby là cháu nội của Giám Đốc CIA William Colby, trùm tình báo khét tiếng một thời trong những năm 1960 ở Sài Gòn và là Giám đốc CIA cảu Mỹ 1973-1976.
Ngay từ 2014, giới quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ thách thức quân sự từ Bắc Kinh sẽ là vấn đề thật sự. So với các ngành khác trong chính quyền, khối quốc phòng nhìn rõ hơn về điều này.

Một thế hệ chuyên viên mới về Trung Cộng của Mỹ đang ủng hộ thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ với Bắc Kinh so với cách tiếp cận truyền thống của các chiến lược gia cũ là đặt nặng về đối thoại.  Ở Washington, thay đổi này có thể thấy rõ nhất trong Chiến Lược Quốc Phòng Mỹ (NDS) 2018 khi Trung Cộng được nhắc tới như là tâm điểm về cạnh tranh chiến lược dài hạn của Washington.

Trong NDS 2018, Trung Cộng được nhắc tới như cường quốc “xét lại” với sức mạnh quân sự và nhiều lợi thế cạnh tranh mới, muốn tìm kiếm bá quyền ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, sân khấu chính trị chính mà chính quyền Hoa Kỳ xem như tâm điểm trong chiến lược của mình.

Những câu có (*) là câu hỏi:

Mối lo bá quyền khu vực

(*) Góc nhìn của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương lúc này?

– Chính phủ Mỹ lúc này thật sự ưu tiên châu Á – Thái Bình Dương như là khu vực chính, quan trọng nhất trên thế giới.
Mỹ đã có lợi ích lâu dài ở đây trong vài thế kỷ và có quyền tiếp cận thị trường chính ở đây. Một số học giả Australia đặt giả thiết về việc Mỹ rời bỏ châu Á thì điều đó hoàn toàn không thể xẩy ra khi Mỹ sẽ không bao giờ rút lui hay để bị loại bỏ ra ở đây.

Điều lo lắng chính của Mỹ tại khu vực là Trung Cộng sẽ thiết lập một dạng bá quyền khu vực – không hẳn là kiểm soát trực tiếp toàn bộ khu vực mà là tình trạng mọi nước trong khu vực sẽ phải hỏi, xem ý kiến của Bắc Kinh từ chính sách thương mại, quan hệ an ninh… Mỹ sẽ không chấp nhận tình trạng này. Chúng tôi không muốn rơi vào tình trạng phải “xin phép” nếu muốn có quan hệ thương mại với một nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…

Tôi nghĩ là chúng ta có sự tương đồng tự nhiên về mặt lợi ích khi các nước trong khu vực đều không muốn bị Trung Cộng chi phối. Điều đó đúng với cả Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines hay Việt Nam.

Nếu nhìn chính sách của Tập Cận Bình thì các bạn có thể hình dung Trung Cộng sẽ thế nào, đặc biệt khi nước này ngày càng mạnh. Ví dụ như chúng ta nhìn vào những gì đang diễn ra ở bãi Tư Chính… Bắc Kinh sẽ chỉ ngày càng mạnh thêm.

Đương nhiên Washington hiện nay thì cũng không hành xử theo cách truyền thống nhưng tôi nghĩ phần nào đó thì điều này lại tích cực. Washington đang nhìn quan hệ một cách thực tế, cạnh tranh hơn với Trung Cộng.

Mỹ sau khoảng 25-30 năm có chính sách cởi mở đối với Trung Cộng từ chấp nhận cho họ vào WTO với “hy vọng vào điều tốt nhất” rằng họ thay đổi thì nay chúng tôi có cách tiếp cận khác. Cách tiếp cận cạnh tranh và sẽ không có đảo ngược lại. Giờ với mức thuế mới, các công ty quốc tế sẽ phải suy tính xem “tại sao mình đầu tư vào Trung Cộng” khi có mức phí rủi ro như vậy.  Kể cả là có thỏa thuận về thương mại thì sẽ vẫn có “mức phí” này.

Những người như tôi và ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ muốn thể hiện rằng chúng tôi có quan điểm cứng rắn với Trung Cộng để các nước như Việt Nam có thể tin tưởng vào cam kết lâu dài, bền vững của Mỹ về cách tiếp cận này.

Khoảng cách chiến lược, thực địa

(*)  Các chiến lược an ninh quốc gia (NSS) 2017, Chiến Lược An Ninh Quốc Phòng (NDS) 2018 đều có lời lẽ rất cứng rắn về Trung Cộng nhưng những gì trên thực địa không phản ánh điều này?

– Các tài liệu chiến lược thể hiện chiều hướng mà các thành viên lãnh đạo của chính quyền như bộ trưởng Quốc phòng muốn hướng tới. Ngân sách bộ Quốc phòng Mỹ là khoảng 740 tỷ USD – lớn hơn quy mô của hầu hết các nước. (Với quy mô lớn vậy) thì việc dịch chuyển của nó sẽ chậm, trên góc độ đầu tư, sắp xếp (nhân lực, khí tài…), huấn luyện. Tôi đương nhiên mong mọi việc chuyển biến nhanh hơn.
Chiến lược này là chỉ dấu nói “đây là hướng chúng tôi sẽ đi”. Bạn đã thấy những trao đổi ở Washington thay đổi rất nhiều. Đã có những biến chuyển trên góc độ quốc phòng, thuế quan hay là liên quan tới công ty Huawei…
Nếu bạn nhìn vào chiều hướng đầu tư ở Malaysia, VN, Trung Cộng hay các nơi khác bởi các nhà đầu tư Mỹ thì sẽ thấy sự chuyển hướng rất lớn này.
Khi bạn nghe những gì Bộ trưởng Mark Esper hay các thành viên ủy ban quốc phòng Thượng viện nói trong phiên điều trần bổ nhiệm thì thấy rõ. Họ rất rõ ràng với chính sách về Trung Cộng. Đó là thông điệp rất khác so với 5 năm hay thậm chí là 3 năm trước.

(*) Sau 4-5 năm vừa rồi thì Mỹ có rất nhiều việc phải làm để bắt kịp với Trung Cộng trên Biển Đông. Tôi không cảm thấy các chuyến tuần tra tự do FONOP đủ đối trọng với sự bành trướng và quyết liệt hơn từ Trung Cộng?

– Anh đúng. Rõ ràng là có rất nhiều điều mà Mỹ phải làm để bắt kịp – không chỉ là từ 2014 mà còn là từ sự kiện Scarborough vào 2012 hay thậm chí từ những năm 1990 khi chúng tôi có cú đánh cược chiến lược rằng Trung Cộng sẽ trở thành đối tác tốt, có tinh thần hợp tác trong cộng đồng quốc tế (khi vào WTO). Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Nói nươc Mỹ “ngủ trên vô lăng” thì hơi nặng nhưng rõ ràng chúng tôi không chú ý tới mục tiêu của mình.
Trong giai đoạn đó thì Trung Cộng đã phát triển rất nhanh, lấy cắp rất nhiều công nghệ từ Mỹ, cả quốc phòng và thương mại, rất nhiều tài sản trí tuệ. Đồng thời là họ phát triển năng lực kỹ thuật số mạnh, thực hiện rất nhiều hành động [mở rộng, xâm lược] ở Biển Đông.
Washington đã quyết liệt hơn trong thực hiện các tuần tra FONOP. Nhưng tôi cũng đồng ý là FONOP là không đủ để thay đổi cục diện.
Chúng tôi sẽ phải nghĩ tới các bước lớn hơn như công nhận các tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) của các nước còn lại. Làm nhiều việc hơn để củng cố năng lực lực lượng tuần duyên các nước.
FONOP về căn bản là mang tính biểu tượng. Nó cho thấy là chúng tôi không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Nhưng đó không chỉ là vấn đề duy nhất. Trung Cộng đã xây những căn cứ quân sự rất lớn trên những đảo nhân tạo. Chúng tôi hiểu là không có giải pháp dễ dàng nào ở đó.
Cạnh tranh Mỹ – Trung về tổng thể sẽ không phải giải quyết ở Biển Đông. Tôi không nghĩ đó là điểm quyết định. Điểm quyết định sẽ là sự chung sức của Mỹ và các nền kinh tế có cùng (quan điểm chiến lược), và chúng ta sẽ hợp tác được tốt tới đâu. Một dạng kết hợp giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, VN, Australia, Philippines. Đương nhiên đó sẽ không phải là một dạng liên minh chính thức nhưng sẽ là sự phối hợp của các nước muốn chống lại sự hung hăng, quyết liệt của Trung Cộng ở khu vực.

Khó khăn đọc tín hiệu của Washington

(*) Quốc phòng là không đủ để đối phó Trung Cộng. Một số chuyên viên khi trao đổi vẫn nói về việc Mỹ bỏ qua góc độ đối ngoại, kinh tế trong đối phó với Bắc Kinh?

– Điều đó trước kia đúng. So với các nhánh khác trong chính quyền, khối quốc phòng có cái nhìn rõ và sớm hơn về thách thức của Trung Cộng.
Điều này một phần là vì lực lượng quốc phòng Trung Cộng phát triển quá nhanh nên thách thức có thể thấy rõ từ rất sớm. Thách thức quân sự đến sớm hơn so với thách thức từ ý đồ chính trị (của Bắc Kinh).
Ngay từ 2014, giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ thách thức quân sự từ Bắc Kinh sẽ là vấn đề thật sự. Khi đó trong giới lãnh đạo chính trị và kinh tế Mỹ không cùng chia sẻ quan điểm này.
Nhưng giờ thì khối kinh tế Mỹ, dù chưa thống nhất hết, đã nhìn thấy được rõ mối đe dọa từ Trung Cộng hơn so với 10 năm trước.
Điều này một phần là vì các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư quá nhiều thời gian và nguồn lực ở Trung Cộng và họ không kiếm được nhiều từ điều này. Trung Cộng có những liên doanh kiểu áp đặt, lấy mất phần sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp Mỹ vì vậy không phải có lợi nhiều.
Giờ thì các bạn có thể thấy chuyển biến diễn ra nhiều ở khối doanh nghiệp với các lệnh tăng thuế, việc giám sát xuất khẩu các hàng nhạy cảm sang Trung Cộng hay vụ Huawei…

(*) Trung Cộng có chiến lược rất rõ ràng với ngân hàng AIIB hay “Vành đai, Con đường”. Mỹ thì không có những chiến lược kinh tế rõ ràng như vậy ở khu vực?

– Chúng tôi có thông qua sáng kiến Build Act hồi cuối năm ngoái (về phát triển hạ tầng).
Quy mô sáng kiến đó rất nhỏ so với TC đổ ra.
– Đương nhiên tiền mà Trung Cộng có thể đổ vào bằng các quyết sách của nhà nước thì rất lớn. Chúng tôi có cơ chế thị trường tự do hoàn toàn (nên không thể vậy). Ngân sách nhà nước có những khuyến khích nhưng chúng tôi không thể ra lệnh cho các công ty đi đầu tư đâu – Trung Cộng thì họ có thể làm vậy. Nhưng liệu là tất cả nguồn vốn (của Trung Cộng) có tốt hoàn toàn hay không?
Giờ là một trong thời điểm đầu tiên kể từ thế kỷ 19 mà Mỹ không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa. Trước kia thì cứ có vấn đề là chúng tôi ném tiền vào. Chúng tôi có nhiều tiền nhưng họ cũng có rất nhiều. Chúng tôi không thể áp đảo bằng tiền như cách làm trong quá khứ nữa.

(*) Về vấn đề đọc tín hiệu từ Washington, đặc biệt với chính quyền này, thì kể cả những đồng minh như Nhật hay Hàn Quốc cũng không chắc chắn Mỹ có bảo vệ họ hay không. Có rất nhiều điều không rõ ràng từ Washington.

– Tôi nghĩ là TT Trump đưa ra một tín hiệu thức tỉnh rằng cách làm như cũ không còn hiệu quả. Thực tế kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì cũng đã có những khủng hoảng giữa Mỹ với đồng minh về phân bổ ngân sách quốc phòng.

Trong những năm 1960, người Mỹ từng buộc người Đức phải trả chi phí cho việc triển khai quân Mỹ ở Đức. Trong những năm 1970 Mỹ với Hàn Quốc cũng có tranh cãi rất dữ tới mức Washington từng tính tới việc rút toàn bộ quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên – điều đã gây rất nhiều chấn động khi đó. Những năm 1980, người Mỹ cũng “chiến đấu” rất căng thẳng với Nhật trong lĩnh vực ôtô và giá trị của đồng yen.

Trong khoảng 20 năm qua thì các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều có tâm lý “siêu cường” – một siêu cường đơn độc. Chúng tôi có những thỏa thuận thương mại nhưng chúng tôi không gây sức ép quá nhiều bởi nghĩ mình quá lớn và có thể cho đi chút cũng được.

Tổng thống Trump đưa ra quan điểm rằng phần lớn người Mỹ cảm thấy kinh tế hiện không tốt và giờ họ muốn tổng thống phải đấu tranh quyết liệt hơn nữa cho họ. Tôi nghĩ là tổng thống đúng.

Nếu bạn nhìn vào những thỏa thuận cũ chúng tôi có với các đồng minh thì sẽ thấy rõ là bất hợp lý. Ví dụ Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới nhưng chỉ chi 1% GDP cho quốc phòng trong khi đó là một trong những nước lo lắng về Trung Cộng nhất – Mỹ trong khi đó phải chi tới 3% GDP. Tình hình vậy sẽ không thể tiếp diễn. Giờ Mỹ và Nhật có thể nói rất nghiêm túc với nhau về vấn đề này thay vì phớt lờ nó đi.

Cách của tổng thống thì có thể khiến mọi người không thấy thoải mái nhưng hy vọng là sẽ tạo được kết quả tốt.

Các nước trong khu vực nên nhìn thấy là chúng ta đang nhìn thẳng với thực tế vào lúc này. Tôi nghĩ kể cả tổng thống có muốn rút khỏi châu Á thì chúng tôi cũng không thể làm vậy. Vì nếu không có Mỹ thì tất cả sẽ rơi vào ảnh hưởng của Trung Cộng. Và như vậy thì Trung Cộng sẽ tạo ra hệ sinh thái kinh tế mà loại Mỹ hoàn toàn ra – chúng tôi sẽ nghèo đi. Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra.

Tôi nghĩ người Nhật đang xử lý vấn đề này khá tốt và tôi nghĩ đó là cách đúng: tương tác với chính quyền Mỹ để coi có cách sắp xếp nào tốt hơn hay không. Hàn Quốc cũng đang đàm phán rất rắn. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì các liên minh này nó không đơn thuần là tình bạn hữu mà nó là quan hệ đối tác – đương nhiên có những giá trị chung nhưng chúng tôi gắn kết nhiều là bởi những lợi ích chiến lược song trùng. Vì vậy chúng tôi nên có những cuộc trao đổi cứng rắn như những đối tác thương mại vẫn có với nhau – hơn là cuộc hôn nhân.

(*) Vấn đề với các nước là có quá nhiều tiếng nói từ Washington nên đôi khi không biết nghe ai – ông bộ trưởng, tổng thống hay là ông con rể. Nhiều tiếng nói với thông điệp khác nhau?

– Đó là hệ thống của Mỹ thôi. Thời Reagan thì Ngoại trưởng Shultz và Bộ trưởng Quốc phòng Weinberger rất ghét nhau, Powell và Rumsfeld thời Bush cũng ghét nhau… sẽ luôn có những cuộc chiến như vậy trong chính quyền. Chuyện có quan điểm khác nhau như vậy trong chính quyền tôi nghĩ là bình thường.

Với chính quyền này, tổng thống cố tình đưa yếu tố bất định, khó đoán đó một cách chủ động. Ông ấy rõ ràng không muốn dễ dàng bị đoán định.

Uy tín của nước Mỹ tại Biển Đông

(*) Từ 2014 tới nay đã thấy nhiều hơn sự hung hăng của Bắc Kinh và thấy những gì đã xảy ra với Philippines (bãi cạn Scarborough), thì dù có là đồng minh cũng không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ Washington?

– Mỹ và Philippines có hiệp ước đồng minh và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã nói rõ hơn phạm vi những gì sẽ được bảo vệ theo hiệp ước này – bao gồm tàu, thuyền chính phủ Philippines hoạt động ở trên Biển Đông. Chúng tôi có cam kết với điều này. Chúng tôi chưa có cam kết vậy với VN.

(*) Trong trường hợp các dự án có Mỹ tham gia ở Biển Đông thì chính sách của bộ Quốc phòng Mỹ đối với vấn đề này sẽ như nào?

– Tôi không rõ cụ thể chính sách của bộ trong trường hợp đó sẽ ra sao. Nhưng Trung Cộng thấy họ có khả năng cứng rắn vậy ở Biển Đông nên họ làm. Họ không làm như vậy ở Senkaku/Điếu Ngư vì họ biết rằng sau Nhật sẽ có Mỹ.

Tôi nghĩ Trung Cộng sẽ tiếp tục các hoạt động (gây hấn) ở Biển Đông vì họ có rất nhiều nguồn lực ở đây trong khi chúng tôi thì không. Vị trí của chúng tôi không phải là ở trận tiền trong đối phó với tuần duyên hay lực lượng bán quân sự của Trung Cộng. Đó là các nước có tranh chấp ở khu vực.

(*) Việc Trung Cộng đưa tàu Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN, trong trường hợp này Mỹ nên làm gì?

– Mỹ nên ủng hộ hành động của VN để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình và chống lại việc Trung Cộng tạo ra những hiện trạng mới ở đó. Trung Cộng cũng cử rất nhiều tàu cá tới khu vực biển của Philippines…

Như hiện tại thì tôi cảm thấy chúng tôi đang thất thế trong cuộc đua này (ở Biển Đông). Đó là lý do tôi nghĩ Mỹ nên làm hành động gì đó quyết liệt hơn như công nhận tuyên bố chủ quyền của một số nước tranh chấp. Chúng tôi đã tiến một bước khi làm rõ vừa thừa nhận hiệp ước với Philippines. Giờ thì phía Trung Cộng biết rằng họ sẽ phải cẩn thận hơn (đối với các tàu Philippines).

Nhưng Bắc Kinh cũng biết rằng nếu họ cố tình quấy phá tàu Philippines thì họ cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Mỹ.

(*) Với TC ngày càng quyết liệt vậy thì VN nên làm gì?

– VN nên tự bảo vệ lợi ích của riêng mình. Washington sẽ ủng hộ. Nhưng VN cũng nên rõ và cùng đồng thuận với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia (về chiến lược). Tôi cũng không thấy đâu là giải pháp khác cho VN. Nếu VN chỉ muốn ở giữa thì phản ứng ở Washington sẽ là rất nhiều ngần ngại.

VN ở vị thế đối đầu với Trung Cộng rất nhiều từ trên đất liền cho tới trên biển.

Nếu VN không thể hiện rõ lập trường của mình thì phía Mỹ cũng sẽ giữ khoảng cách nhất định. Chúng tôi không cần VN phải quá cứng rắn – tôi hiểu VN phải giữ cách tiếp cận trung tính – nhưng sẽ cần một thông điệp rõ ràng hơn.

Cuối cùng thì các bạn càng thể hiện rõ bạn cần Mỹ giúp thì Mỹ sẽ có cơ sở để giúp các bạn nhiều hơn.

(*) Xin chân thành  cảm ơn ông.

Tác giả: Thanh Tuấn & Thu Hằng pv

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt