Mỹ, Nhật hoan nghênh Hải quân châu Âu điều động đến châu Á để đối phó với Trung Quốc
Anh sẽ điều một Hàng Không Mẫu Hạm đến Đông Á, Pháp đưa tàu Hải quân đến Nhật Bản và Đức gởi khu trục hạm đến Ấn Độ Dương, trong tình hình Trung Cộng ngày càng tỏ ra hung hăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. South China Morning Post hôm nay 05/01/2021 trích thông cáo của các chính phủ liên quan cho biết như trên. Nhật Bản và Hoa Kỳ rất hoan nghênh sự tham gia này.
Ông Kishi hy vọng chiến hạm Đức sẽ tham gia tuần tra với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản trên Biển Đông. Trong một hành động đột phá hiếm hoi về ngoại giao của nước Đức, vốn rất thận trọng từ sau Đệ II Thế chiến, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố : “Người ta không thể đặt gánh nặng lên vai người khác khi theo đuổi tham vọng kinh tế và an ninh”. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức ám chỉ việc Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông và liên tục xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Sự kiện Bắc Kinh thẳng tay đàn áp Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, cũng góp phần vào quyết định của Luân Đôn điều động hàng không mẫu hạm đến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Với các chiến đấu cơ F-35B của Hàng Không Mẫu Ham Queen Elizabeth sẽ được bảo dưỡng tại tỉnh Aichi, một số chuyên gia cho rằng HKMH 65,000 tấn này sẽ lưu lại một thời gian ngắn tại Nhật. Một chuyên gia dự đoán Anh và Mỹ sẽ cùng tập trận tại Tây Thái Bình Dương, như hai đồng minh vẫn thường tiến hành ở Đại Tây Dương.
Trong một diễn biến liên quan, Nhật, Mỹ, Pháp sẽ tập trận đổ bộ trên một đảo hoang ở tây nam Nhật Bản vào tháng Năm năm nay.
Đài Loan tố cáo chiến đấu cơ Trung Cộng xâm nhập ở mức kỷ lục
Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay tố cáo các phi cơ quân sự Trung Cộng đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) đến 380 lần trong năm 2020. Đài Bắc nhấn mạnh đây là sự đe dọa cho an ninh khu vực, cho rằng Bắc Kinh “muốn thử nghiệm phản ứng quân sự, gây áp lực lên phòng không và thu hẹp không phận cần thiết cho các hoạt động của Đài Loan”.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng Đài Loan trong báo cáo thường niên đã cảnh báo “mối đe dọa quân sự của Trung Cộng đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1996 tại eo biển Đài Loan”. Báo cáo nhận định các hành động này nhằm hăm dọa Đài Bắc không nên “vượt qua lằn ranh đỏ” trong quan hệ đang nồng ấm hơn với Hoa Kỳ.
Theo RFI (05/01/2021)