Mỹ-Nga: Nguy cơ đụng độ cao trên chiến trường Syria

Assad thăm không quân Nga ở Hmeymim năm 2017. (Ảng: REUTERS nhận được từ hãng tin Syrira SANA)

Quân nổi dậy rút hoàn toàn khỏi đông Ghouta, đế chế Nga củng cố vị thế tại Syria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ các kế hoạch cải cách trên truyền hình. Trên đây là một số tít lớn các nhật báo Pháp ngày 13/04/2018.

Công luận quốc tế đặc biệt chú ý đến cuộc tấn công của phương Tây có thể sắp xảy ra, trong vụ chính quyền Syria bị nghi dùng vũ khí hóa học. Nếu chiến dịch xảy ra, nguy cơ đụng độ Mỹ – Nga là rất cao. Le Figaro có bài phân tích: “Thế đối đầu Mỹ – Nga đang ở thời điểm có thể chuyển thành đụng độ“.

Hiếm khi nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga lại cao như hiện nay. Le Figaro so sánh không khí hiện nay với tình hình cuối 1962, với cuộc “khủng hoảng hỏa tiễn” Cuba, khi Washington và Moskva “trên bờ vực chiến tranh”.

Kể từ can thiệp quân sự Nga tại Gruzia năm 2008, các bất đồng giữa phương Tây và Nga ngày càng chồng chất: từ vụ Moskva can thiệp vào Ukraine (sáp nhập bán đảo Crimea, hỗ trợ phe ly khai miền đông), đến việc Nga ủng hộ chính quyền Assad tại Syria, nỗ lực can thiệp vào bầu cử Mỹ, hay đưa oanh tạc cơ khiêu khích NATO, và mới đây là vụ Skripal. Về phần mình, Nga cũng lên án kế hoạch của Hoa Kỳ khai triển hệ thống lá chắn hỏa tiễn tại châu Âu, và việc NATO “lấn sâu” vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Tuy nhiên, chính trên chiến trường Syria mà nguy cơ đụng độ giữa hai đại cường là lớn nhất.

Các hệ thống chống hỏa tiễn S-300, và S-400 của Nga đặt tại Syria, từ năm 2015, khiến liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu phải dè chừng. Đầu tháng 2/2018, hàng chục “lính đánh thuê”  Nga bị không quân Mỹ tiêu diệt, trong chiến dịch bảo vệ lực lượng nổi dậy đồng minh tại Syria. Căng thẳng tăng thêm một nấc với chiến dịch can thiệp quân sự, mà Mỹ, Pháp, Anh đang chuẩn bị, để trừng phạt chính quyền Damas.

Le Figaro đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra, nếu Nga bắn hạ một oanh tạc cơ hay một tàu chiến của Mỹ (như đe dọa của một quan chức cao cấp trong chính quyền Nga)? Và ngược lại, nếu binh sĩ Nga bị thiệt mạng do “vô tình” bị trúng đạn của quân đội phương Tây, Moskva sẽ phản ứng thế nào ?

Theo Le Figaro, Washington và Paris ý thức rất rõ, là nếu xảy ra một chiến dịch quân sự, thì nguy cơ đụng độ với Nga hiện nay “cao hơn rất nhiều” so với năm 2013. Nhật báo Pháp phỏng đoán, đây “chắc chắn là một trong các lý do” khiến chiến dịch tấn công bị chậm lại, để có thời gian chuẩn bị “tránh mọi va chạm với quân đội Nga“. Về phần mình, Moskva hiểu là trong lĩnh vực chiến tranh quy ước, quân đội Nga không thể sánh được với Hoa Kỳ.

Thế nhưng vấn đề là “các yếu tố bất ngờ” có thể đi ngược lại logic tránh va chạm của hai bên. Thái độ khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm gia tăng tính bất trắc của khủng hoảng. Le Figaro lưu ý “bắt đầu một cuộc chiến thì dễ, chấm dứt mới khó“.

Thời điểm tấn công: Mơ hồ bao trùm

Về chiến dịch tấn công của phương Tây vào Syria, Les Echos cho biết Washington và Paris đang tiếp tục cân nhắc. Thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ sáng ngày 12/04, gieo thêm không khí mơ hồ về thời điểm diễn ra cuộc tấn công, “có thể sẽ rất sớm, nhưng cũng có thể không sớm như vậy”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris sẽ ra quyết định vào thời điểm cần thiết, đồng thời nhấn mạnh đã có “bằng chứng” về việc Damas sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ lập trường của Berlin là kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria chưa bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Les Echos, Mỹ – Pháp – Anh đứng trước tình thế “khó trở lui”, nếu không muốn mất uy tín trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Moskva sống trong “không khí chờ Tweet” của Trump

Về thái độ của Nga, Les Echos có bài: “Điện Kremlin thử xuống thang”, mở đầu với nhận định: “Tại Moskva, người ta sống trong không khí chờ đợi cú Tweet sắp tới của Trump” của tổng biên tập báo “Russia in Global Affairs“, ông Fiodor Loukianov, người được coi là am hiểu về giới cầm quyền Nga.

Nhật báo kinh tế trích dẫn nhận định tờ báo Nga Kommersant, cho rằng để tránh thiệt hại cho quân đội nước mình, Moskva chờ đợi phía Mỹ chuyển giao tin tức về các mục tiêu tấn công. Trong khi đó, nhật báo Nezavisimaia Gazeta thì khẳng định quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động tối đa, các hỏa tiễn nhắm vào các mục tiêu quân sự Mỹ.

Dù sao, người phát ngôn phủ tổng thống Nga vẫn bảo đảm là “đường dây nóng” giữa hai bên được duy trì. Có điều đụng độ là kịch bản hoàn toàn có thể xẩy ra, theo nhà báo Fiodor Loukianov, nếu Mỹ tấn công thủ đô Damas, hoặc vào các cơ sở hạ tầng của Nga, việc trả đũa quân sự là chắc chắn, ngược lại, nếu chỉ có các địa điểm của chính quyền Syria bị tấn công, giữa Washington và Moskva sẽ chỉ có “khẩu chiến”.

Syria: Trừng phạt Damas, nhưng sau đó thì sao ?

Về xung đột Syria, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý khác “Syria: hỏa tiễn, còn sau đó thì sao ?”. Nhà bình luận Alain Frachon chua chát rút ra nhận xét về tình trạng thiếu vắng một chính sách thực sự nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng Syria hiện nay, cả về phía phương Tây, cũng như phía Nga, hay Iran. Chưa có ai giành thắng lợi trong các cuộc chiến tại quốc gia này.

Điều mà nhà báo Le Monde lo ngại là, “bên ngoài Syria trong các trại tị nạn, và trên các đống đổ nát hoang tàn trong nước, chắc chắc một thế hệ thánh chiến mới đang hình thành”.

Trọng Thành

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt