Mỹ-Nam Hàn tuyên bố chính thức thảo luận bố trí hệ thống hỏa tiễn THAAD
Sau vụ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn sáng 7/2, Mỹ và Nam Hàn tuyên bố chính thức thảo luận việc thết kế hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo.
THAAD là viết tắt của Terminal High Altitude Area Defense, đó là hệ thống hỏa tiễn đạn đạo của quân đội Hoa Kỳ được chế tạo để tiêu hủy các hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa của đối phương. Hỏa tiễn THAAD không mang đầu đạn nguyên tử, nhưng dựa vào động năng (kinetic energy) của các tác động để tiêu diệt các hỏa tiễn địch bắn đến. Khi động năng của THAAD chạm trúng hỏa tiễn địch thì nó sẽ làm các hỏa tiễn địch mang đầu đạn nguyên tử hay đạn thường không phát nổ (làm tịt ngòi nổ).
Sự việc này được đưa ra như một phản ứng sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công hỏa tiễn tầm xa mang vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo vào sáng ngày 7 tháng 2, 2016
Tin tức chính thức được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Hàn phụ trách chính sách quốc phòng, ông Yoo Jeh Seung cùng tướng Thomas S. Vandal – chỉ huy Quân đoàn số 8 (EUSA) của Hoa Kỳ đóng tại Nam Hàn tuyên bố trong cuộc họp báo chung.
Theo ông Yoo: “Mỹ và Nam Hàn đã quyết định bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức về khả năng thiết kế hệ thống THAAD của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nam Hàn, như một phần biện pháp tăng cường hiệu năng phòng thủ hỏa tiễn của liên minh Mỹ-Hàn.”
Còn theo Trung tướng Vandal, quyết định thiết kế hệ thống THAAD ở Nam Hàn được đưa ra dựa trên đề nghị của tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nam Hàn. Tướng Vandal tuyên bố: “Đã đến lúc phải thúc đẩy lộ trình vấn đề này,”
Theo đại diện quốc phòng Mỹ-Hàn tuyên bố hôm nay, mục đích chính của song phương là cùng thảo luận khả năng thiết lập sớm nhất hệ thống phòng thủ THAAD tại lãnh thổ Nam Hàn và vận dụng hệ thống này trong tác chiến.
Sắp tới, Mỹ-Hàn sẽ thành lập toán công tác chung, nghiên cứu căn cứ phù hợp để đặt hoả tiễn THAAD.
Quan chức Bộ quốc phòng Nam Hàn tiết lộ, nếu dự án của toán công tác chung được chính phủ hai nước phê chuẩn thì việc thiết lập THAAD tại Nam Hàn xem như đạt được quyết định cuối cùng.
Điều Trung Cộng lo sợ sắp thành sự thật?
Quyết định của Washington và Seoul được đưa ra thiết kế THAAD trên bán đảo Nam Hàn vấp phải sự phản đối của Trung Cộng và Nga.
Sau sự việc Bắc Hàn tiến hành thử vũ khí hạt nhân hôm 6/1 và Nam Hàn có ý định đẩy nhanh vấn đề này, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối việc Mỹ-Hàn định bố trí hỏa tiễn THAAD ở Nam Hàn “sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Trung Cộng trong khu vực”.
Tuy nhiên, ông Yoo Jeh Seung ngày hôm nay đã khẳng định hệ thống phòng thủ hỏa tiễn này “chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng”. Ông Yoo nói: “Nếu THAAD được bố trí trên bán đảo thì hệ thống này sẽ chỉ được vận hành để chống lại Bắc Hàn,”
Một quan chức giấu tên thuộc chính phủ Nam Hàn tiết lộ, Seoul đã thông báo cho Bắc Kinh và Moscow trước khi chính thức đưa ra tuyên bố về việc khởi động thảo luận với phía Hoa Kỳ.
Giới phân tích cho rằng, đây là hành động nhằm tránh tối đa khả năng gây nên bất mãn đối với Trung Cộng và Nga.
Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Cộng) hồi cuối tháng Giêng vừa rồi cho biết, Bắc Kinh nhận định hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD có khả năng nhằm vào Bắc Hàn thì cũng có khả năng tương đương nhằm vào Trung Cộng.
Những vấn đề ngoại giao xoay quanh vấn đề này cũng khiến quan hệ Trung-Hàn trong năm ngoái “khi nóng khi lạnh”. Đây được xem là “cái gai” trong quan hệ song phương, vốn khá hòa dịu trong nhiều năm qua.
Thời điểm gần đây nhất Seoul tỏ rõ thái độ nghiêng về phương án cho phép Mỹ bố trí THAAD là hôm 29/1, khi đại diện Bộ quốc phòng nước này khẳng định việc thết kế trên “sẽ có lợi cho tình hình an ninh của Nam Hàn”.
Đặc biệt, Cankaoxiaoxi cho hay, Nam Hàn thực sự nghiêm chỉnh trong việc xem xét việc bố trí THAAD, bởi bất chấp yêu cầu từ Nam Hàn, Trung Cộng – đồng minh và đối tượng thương mại chủ yếu của Bắc Hàn – đã không có dấu hiệu thay đổi lập trường về Bình Nhưỡng.
Sau sự kiện 6/1, Trung Cộng nhiều lần lặp lại quan điểm của mình.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Cộng, Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Bất cứ nước nào, trong khi mưu cầu an ninh quốc gia, đều cần suy xét đến lợi ích, an ninh của quốc gia khác và hòa bình, ổn định khu vực.”
“Tình hình bán đảo Bắc Hàn hiện tại hết sức tế nhị, hy vọng các bên liên quan thận trọng trong xử lý vấn đề.”
Trên thực tế, những tín hiệu ngoại giao tích cực của Bắc Kinh năm vừa rồi đã giúp Nam Hàn trì hoãn những cuộc thảo luận liên quan tới việc bố trí hệ thống THAAD ở Nam Hàn năm ngoái.
Dù vậy, Seoul đã thực sự thất vọng với phản ứng “có cũng như không” gần đây của Trung Cộng, và buộc phải thúc đẩy trở lại lộ trình thảo luận với Mỹ.
Cankaoxiaoxi bình luận, đây là một cách để Nam Hàn tỏ thái độ cho thấy hành động của Bắc Hàn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, mà bên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hậu quả đó không phải ai khác ngoài Trung Cộng.
Vietquoc.org