Mỹ muốn Việt Nam có những bước tiến đáng kể về nhân quyền, vịnh Cam Ranh, TPP…

Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, trong khi đó, đổi lại Washington muốn Việt Nam có những bước tiến đáng kể về nhân quyền, một vấn đề mà Mỹ coi là mấu chốt trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên đi xa hơn nữa.

Ông Ted Osius đại sứ Mỹ ở Việt Nam (bìa phải) và ông Phạm Quang Vinh đại sứ CS Việt Nam tại Mỹ (bìa trái) tại buổi gặp gỡ ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Washington DC, ngày 24/3/2015.

Chiều 24/3 tại Washington DC, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS đã tổ chức một cuộc gặp giữa hai vị đại sứ: ông Ted Osius đại sứ Mỹ ở Việt Nam và ông Phạm Quang Vinh đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Sự kiện này có sự tham gia đông đảo của báo giới, các tổ chức chính trị, xã hội ở Washington quan tâm tới mối quan hệ Việt – Mỹ.

Trong buổi nói chuyện này, hai ông đề cập tới một loạt tiến triển trong hợp tác giữa hai bên cũng như giải đáp những quan ngại được những người tới dự nêu ra.

Nhân quyền

Vấn đề được đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius coi là thách thức nhất và gây trở lại lớn nhất đối với quan hệ hai nước đó là nhân quyền. Ông Ted Osius thừa nhận Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong vấn đề này song Việt Nam vẫn cần có những thay đổi nữa để giúp quan hệ hai nước đạt tới mức cao nhất có thể. Ông Ted Osius nói:

“Tôi nghĩ rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ không thể đạt được tới mức cao nhất nếu vấn đề nhân quyền không được giải quyết. Hiện tại, chúng tôi tập trung vào việc khuyến khích Việt Nam sửa đổi một số đạo luật về dân sự và hình sự để cho nhất quán với hiến pháp bởi vì không phải tất cả các đạo luật và điều lệ bổ sung đều phù hợp với hiến pháp. Tôi không nghĩ nhân quyền là vấn đề dễ giải quyết. Tôi không nói rằng hai nước có chung quan điểm trên mọi khía cạnh. Cái quan trọng giờ đây là tiếp tục trao đổi và xem xét những điều ta có thể mở rộng hợp tác.”

Đại sứ Osius đưa ra ví dụ về những tiến triển trong vấn đề nhân quyền, chẳng hạn như việc Hà Nội đã thả nhiều tù nhân lương tâm trong 18 tháng trở lại đây hay quyền tự do tôn giáo và bày tỏ ý kiến chính trị đã được mở rộng một phần nào. Tuy nhiên, ông cho biết Hà Nội vẫn cần có nhiều thay đổi và hai bên vẫn bàn thảo hàng năm về vấn đề này.

Vấn đề nhân quyền từ lâu đã là khúc mắc trong quan hệ Việt – Mỹ. Trong cuộc họp mặt kéo dài một tiếng đồng hồ chiều 24/3 vừa rồi, ông Ted Osius nhắc đến nó không dưới ba lần, cho thấy Mỹ coi trọng vấn đề này như thế nào.

Trong sự kiện của CSIS, một người tham dự là tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, cựu tù nhân chính trị của Việt Nam và đang sống lưu vong ở Mỹ. Ông này đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Việt Nam xử lý vấn đề nhân quyền. Ông này đặt câu hỏi trong tương lai liệu chính phủ Việt Nam có thể chấm dứt việc bắt những người bất đồng chính kiến hoặc việc trao đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích về ngoại giao hay không.

Trái với đại sứ Ted Osius, đại sứ Phạm Quang Vinh tránh không nhắc tới vấn đề nhân quyền quá nhiều, ngoại trừ tái khẳng định việc Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Ông nói rằng không có một nước nào giống nhau hoàn toàn, chính vì thế việc hai bên tiếp tục đối thoại về nhân quyền là cần thiết.

Vịnh Cam Ranh

Một trong những vấn đề các bên cùng quan tâm trong những ngày qua là việc Mỹ đề nghị Việt Nam không cho Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom. Washington cho rằng Nga máy bay Nga tiếp nhiên liệu ở đây đã có những hành động khiêu khích gần Guam, nơi mà Mỹ đặt căn cứ không quân.

Trả lời về vấn đề này, đại sứ Phạm Quang Vinh tái khẳng định chính sách độc lập của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao. Ông nói:

“Chúng tôi không cho phép mối quan hệ của chúng tôi với một quốc gia làm phương hại tới một nước thứ ba. Chúng tôi mở cảng này cho tất cả các nước về vấn đề hậu cần và nó không phải để làm phương hại tới một nước khác. Về máy bay Nga, chúng tôi không có thông tin về vấn đề này.”

Đại sứ Mỹ cũng khẳng định Washington tôn trọng những thoả thuận của Việt Nam với các nước khác và đổ lỗi cho Nga đã lợi dụng việc được sử dụng cảng Cam Ranh để có hành động khiêu khích. Ông nói:

“Chúng tôi nghĩ Nga đặt Việt Nam vào tình thế khó xử bằng việc lợi dụng những sự sắp xếp này mà thực hiện những hành vi khiêu khích. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng lỗi ở đây là ở nước đã lợi dụng những sắp xếp từ trước này để thực hiện những hành vi khiêu khích trên.”

Cảng Cam Ranh có một địa thế quan trọng và từng là căn cứ quân sự của Pháp thời Pháp thuộc và của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Sau khi Mỹ rời khỏi Việt Nam năm 1975, Liên Xô đã sử dụng cảng này và biến nó trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của liên bang này ở nước ngoài. Hợp đồng này kết thúc năm 2002 song từ đó Nga vẫn được phép sử dụng cảng Cam Ranh.

Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí

Cũng trong cuộc trò chuyện này, đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh cho rằng đã đến lúc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, và cho rằng đây là một “biểu tượng chính trị”. Ông nói:

“Việt Nam tất nhiên là muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Nó cũng có một ý nghĩa biểu tượng về mặt chính trị. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ, vì thế tất cả mọi vấn đề đều nên được bình thường hoá, bao gồm cả vấn đề cấm vận vũ khí.”

Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam năm ngoái. Ông Ted Osius cho biết nhờ vào đó mà Mỹ đã có thể cung cấp cho Việt Nam một số tàu tuần tra tốc độ nhanh nhằm giúp cho công tác an ninh hàng hải. Tuy nhiên, phía Mỹ và Việt Nam chưa có một thoả thuận mua bán vũ khí nào do Mỹ còn là một đối tác mới và Việt Nam chưa hiểu rõ tiến trình thông qua việc mua bán vũ khí của Mỹ. Ông Ted Osius cũng khẳng định việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí hay không cho Việt Nam còn phụ thuộc vào việc Việt Nam có tiến triển gì trong giải quyết vấn đề nhân quyền hay không.

TPP, thương mại, giáo dục và các mặt hợp tác khác

Trong cuộc thảo luận chiều 24/3, hai đại sứ cũng nhắc tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cả hai ông đều bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất các vòng đàm phán TPP trong năm nay.

Giáo dục là một mặt hợp tác có thể coi là thành công của Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông Vinh, trước năm 1995, chỉ có 800 sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Tính đến nay, con số này đã lên tới 16.500 sinh viên, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng hàng nhất ở châu Á về số lượng du học sinh ở Mỹ.

Ngoài những vấn đề trên, hai đại sứ còn nhắc tới nhiều vấn đề hợp tác giữa hai bên như biến đổi khí hậu, khoa học, năng lượng, vân vân.

Hải Ninh tường trình từ Washington.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt