Mỹ lên tiếng phản đối về Tuyên bố của Trung Cộng trên Biển Đông

Ảnh tư liệu: HKMH USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) hoạt động trong vùng Biển Đông ngày 06/07/2020. (Ảnh: AP)

Mỹ: Bắc Kinh ‘‘đe dọa nghiêm trọng’’ tự do hàng hải ở Biển Đông

Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi quy định “an toàn hàng hải” mới của Trung Cộng tại Biển Đông là  mối “đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Tuyên bố được Hoa Kỳ đưa ra đúng vào ngày 01/09/2021, ngày mà quy định của Bắc Kinh, buộc nhiều tàu thuyền nước ngoài phải khai báo chi tiết khi đi qua các vùng ”lãnh hải” của Trung Cộng, chính thức có hiệu lực.

Hôm qua, 01/09/2021, theo truyền thông châu Á, trả lời báo giới về quy định hàng hải mới của Trung Cộng, người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple nhấn mạnh:Hoa Kỳ tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích ở Biển Đông và của các quốc gia ven biển”.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài cho biết thêm : “Hoa Kỳ kiên quyết chủ trương là mọi luật hoặc quy định của quốc gia ven biển đều không được quyền vi phạm các quyền về hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”. 

Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Cộng – được ban hành cuối tuần trước – yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, khi đi qua ”vùng lãnh hải” Trung Cộng, phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu “nguy hiểm” và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.

Quy định mới của Trung Cộng bị cho là trái ngược với nguyên tắc của luật biển quốc tế, theo đó tàu nước ngoài được phép “đi qua vô hại” trong vùng “lãnh hải” của quốc gia khác.

Quy định mới của Cơ Quan An Ninh Hàng Hải Trung Cộng gây nhiều phản ứng tại Việt Nam. Hôm qua 01/09, trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, khẳng định : “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) … khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đồng thời nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.

Định nghĩa mơ hồ về “lãnh hải”

Tại Việt Nam, quy định mới về “an toàn hàng hải” áp dụng tại các vùng thuộc “lãnh hải” Trung Cộng được giới chuyên gia đặc biệt chú ý. Truyền thông Việt Nam ngày 31/08/2021 dẫn lời nhà nghiên cứu Trần Công Trục, chỉ trích định nghĩa mơ hồ về “lãnh hải” trong văn bản này, và ý đồ của Trung Cộng “tìm cách hợp thức “vùng lãnh hải” 12 hải lý (thậm chí cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) xung quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, các bãi ngầm trong Biển Đông mà họ đã đánh chiếm, bí mật đổ bộ, tiến hành cải tạo nâng cấp thành các đảo nhân tạo (vốn) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định của UNCLOS 1982, của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong thời gian qua”.

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, trụ sở tại La Haye, đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” trên gần trọn Biển Đông (thường gọi là “đường lưỡi bò”) trong vụ Philippines kiện Trung Cộng.

Theo tin Reuter và RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt