Mỹ dùng Hồi Giáo Sunni chống Hồi Giáo Shia trong chiến lược Trung Đông

Tổng thống Mỹ tham dự thượng đỉnh các nước Ả Rập tại Ryad, Ả Rập Xê Út, 21/05/2017

Chiến lược cân bằng của Barack Obama trong thế giới Hồi Giáo đã bị sang trang. Từ thứ Bảy 20/05/2017, tại Ryad, ngày đầu tiên chuyến công du Trung Đông, tổng thống Donald Trump công khai dựa vào Ả Rập Xê Út, đứng đầu hệ phái Sunni và đồng minh Israel để cô lập Iran, ngọn cờ của hệ phái Shia. Quan điểm bạn thù đơn giản này đặt Trung Đông trước một ngả rẽ: hoặc mở đầu cho một cuộc thương thảo toàn diện, hoặc toàn vùng lao vào cuộc chiến triền miên.
Trên bàn cờ địa chính trị ở Trung Đông, thay vì tìm đối thoại với Iran, cường quốc Hồi Giáo Shia đang lên, tổng thống Mỹ Donald Trump dứt khoát đứng về một phía: đó là các đồng minh Ả Rập Sunni. Tổng thống Mỹ gọi đích danh Iran là một đối thủ nguy hiểm, không kém gì hai tổ chức Sunni khủng bố là Al Qaida và Daech.

Khi lấy sáng kiến đối thoại với Iran, cựu tổng thống Barack Obama nhắm hai mục đích: đạt được thỏa thuận hạt nhân với Teheran và hy vọng chính quyền Hồi Giáo chừng mực hơn trong chính sách Trung Đông, nhất là trong hồ sơ Syria. Tuy nhiên, trên thực tế, Iran vẫn không thay đổi: vẫn bảo vệ chế độ Bachar al Assad của Syria từ quân sự đến hậu cần, vẫn cung cấp vũ khí cho phong trào Shia Hezbollah-Liban, vẫn yểm trợ cho dân quân Shia nước láng giềng Iraq. Teheran vẫn theo đuổi chương trình phát triển hỏa tiễn ngày càng mạnh và khai triển một mạng lưới ảnh hưởng ở Trung Đông, tạo thành một trục quân sự Iran-Nga-Syria từ ngày ký thỏa thuận hạt nhân với quốc tế (tháng 07/2015).

Có lẽ vì thế, nhưng không phải chỉ có thế, tổng thống Doanld Trump đã chọn phe Sunni, mà quyền lợi bị ảnh hưởng của Iran đe dọa. Khi lên án đích danh Iran là đồng minh của khủng bố, chủ nhân mới tại Nhà Trắng trở lại chiến lược cũ, trước thời Obama. Không chỉ trấn an các đồng minh Ả Rập Sunni, Donald Trump còn muốn đi xa hơn, biến vương quốc Ả Rập Xê Út thành một cường quốc quân sự trong vùng, với 110 tỷ đôla hợp đồng vừa ký kết. Trong khi người tiền nhiệm lưu tâm đến trách nhiệm của mỗi bên xung khắc, từ ý thức hệ đến kinh tài nuôi dưỡng thánh chiến đe dọa nhiều khu vực trên địa cầu, kể cả châu Âu, thì tổng thống Donald Trump phân tích một cách đơn giản hơn. Ông chỉ kêu gọi các nước Ả Rập Sunni “đánh đuổi khủng bố ra khỏi các thánh đường và đất nước” trong khi Iran bị xem là kẻ thù “trang bị, tài trợ, huấn luyện cho khủng bố“, cần phải cô lập.

Thật ra, tổng thống doanh nhân cũng lắm mưu cơ. Chặng dừng chân của Donald Trump tại Ryad vỏn vẹn 48 giờ, nhưng các tập đoàn công nghiệp Mỹ ký được hàng loạt hợp đồng khổng lồ, từ năng lượng đến vũ khí, trị giá tổng cộng 380 tỷ đôla. Trước khi bay sang Jerusalem, tổng thống Mỹ không quên vận động các nguyên thủ Ả Rập tái lập quan hệ ngoại giao với Israel và củng cố đường hướng chiến lược của Tel Aviv. Israel cũng như Ả Rập Xê Út không xem thánh chiến, dù là Daech hay Al Qaida, là mối đe dọa nguy hiểm nhất. Chính sách bành trướng của Iran mới là kẻ thù số một.

Trong bài phân tích “Washington thay đổi ưu tiên tại Trung Đông”, Le Monde, nhật báo có uy tín tại Pháp, cho rằng tổng thống Donald Trump sắp xếp ván cờ Trung Đông theo lăng kính chiến tranh lạnh: một bên là khối Ả Rập theo hệ phái Sunni, Israel và Hoa Kỳ, còn bên kia là Iran, Syria và Nga.

Đây là khúc nhạc dạo đầu báo hiệu một tiến trình thương lượng toàn diện, nhưng cũng có thể là chiến tranh sẽ tiếp diễn và tàn phá cả khu vực.

Trước mắt, chiến lược bao vây Iran của Washington có thể sẽ làm suy yếu tổng thống Hassan Rohani đại diện của phe cải cách và cởi mở ở Teheran, mới tái đắc cử vẻ vang hôm thứ Sáu tuần trước. Chiến thắng này không được giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao Iran, hài lòng.

Tú Anh (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt