Mỹ đưa chiến hạm tới Biển Đông, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc
Tàu khu trục USS Lassen của Hoa Kỳ đã đi qua khu vực trong phạm vi 12 hải lý cách một bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền, gây ra những lời phải đối nhanh chóng từ Bắc Kinh hôm nay.
Sứ mạng hôm nay đã được hoàn tất mà không xảy ra sự cố nào, theo một nguồn tin quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc cho biết đã theo dõi và bám sát chiếc tàu USS Lassen, và cho biết đã cảnh báo tàu Mỹ phải rời khỏi hải phận Trung Quốc quanh bãi đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa đang trong vòng tranh chấp.
Một giới chức quốc phòng ở Washington nói khu trục hạm này đang thực hiện “các hoạt động thường lệ ở Biển Đông theo đúng luật quốc tế,” và nêu ra rằng sự hiện diện của tàu này không có liên hệ tới “vấn đề chủ quyền các hòn đảo này”.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đồng ý như vậy, và nói chiến hạm USS Lassen đã “xâm nhập bất hợp pháp” hải phận Trung Quốc, và vụ việc này là “một mối đe dọa cho chủ quyền của Trung Quốc.”
Cách đây vài tuần, các giới chức Mỹ đã cho biết Hải quân Hoa Kỳ sẽ phái một tàu đến vùng biển có tranh chấp quanh những hòn đảo ở Biển Đông, mà Trung Quốc đã mở rông qua các dự án lấp đất quy mô lớn. Người ta cho rằng khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đã được bố trí ở bãi đá Subi, chỉ nổi lên mặt nước khi thủy triều thấp.
Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu tại Washington về vụ việc này nhấn mạnh rằng chiến hạm Lassen đang tham gia các hoạt động “tự do hàng hải (FON) thường lệ, tiến hành trên cơ sở hàng ngày ở vùng châu Á Thái Bình Dương và trên khắp thế giới.
Giới chức này tuyên bố, “Chúng tôi sẽ cho máy bay, cho tàu chạy và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật quốc tế cho phép. Chương trình FON đã có từ lâu nay không nhắm vào quốc gia cụ thể nào.”
Tuy nhiên, sứ mạng của Hoa Kỳ bị Trung Quốc coi là một thách thức.
Một bài xã luận do Tân Hoa Xã phổ biến, nói rằng: “Bắc Kinh không đòi chủ quyền quá đáng ở Biển Đông. Chủ quyền của Bắc Kinh đối với các hòn đào và bãi đá ở Biển Đông đã được ghi nhận và có giá trị trong lịch sử. Các giới chức Hoa Kỳ tranh cãi sự kiện này cần phải hoặc học lại những bài học lịch sử đã bỏ qua, hoặc làm lơ trước các sự kiện lịch sử.”
Bà Sheila Smith, giảng viên kỳ cựu về nghiên cứu Nhật Bản tại Hội đồng Đối ngoại nói, “Tôi không cho rằng sẽ có ai lấy làm bất ngờ là chuyện đó xảy ra.” Bà Smith nói thêm rằng các nhận định mới đây của Trung Quốc cho thấy “họ chưa sẵn sàng giải quyết những tranh chấp này một cách ôn hòa, mà trên thực tế, việc họ củng cố lực lượng và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên những hòn đảo này gợi ý rằng họ muốn có một ‘sự đã rồi” họ chỉ muốn chiếm cứ các hòn đảo đó.”
Bà Smith nhận định: “Như quý vị biết quanh ven Biển Đông là những nước không có khả năng cạnh tranh với sức mạnh hải và không quân của Trung Quốc.”
Các chuyên gia phân tích dự báo Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Bà Smith nói, “Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ nên thoái lui, bởi vì Hoa Kỳ có “một trong những hải quân trong vùng mà các nước khác trong khu vực trông đợi, khẳng định bối cảnh và lãnh đạo…”
Tại Manila, tổng thống Philippines Benigno Aquino nói “mọi sự đi lại xuyên qua vùng biển này không nên bị cản trở bởi bất kỳ thực thể cụ thể nào.”
Nhật Bản, nước cung cấp cảng Yokosuda cho chiến hạm Lassen thả neo, nói sẽ tiếp tục quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng đất và lãnh hải có tranh chấp. Tại Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ về thông tin tình báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Marise Payne tuyên bố Canberra cực lực ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia “theo luật quốc tế được tự do đi lại bằng tàu bè, hoặc tự do bay, kể cả ở Biển Đông.”
Steve Herman