Mỹ ‘cung cấp’ máy bay huấn luyện T-6 cho Việt Nam

Máy bay huấn luyện T-6 trên bầu trời Texas Hoa Kỳ

Bộ Quốc phòng Mỹ mới xác nhận rằng Hoa Kỳ “cung cấp” cho Việt Nam máy bay huấn luyện T-6 để giúp quốc gia cựu thù tăng cường “khả năng phòng thủ”.

Ngũ Giác Đài cũng nói rằng Hoa Kỳ “đang ưu tiên mối quan hệ mới với Việt Nam”, theo tài liệu có tên gọi “Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.

Phúc trình được công bố hôm 1/6 có đoạn: “Bộ Quốc phòng đang làm việc để cải thiện khả năng phòng thủ của Việt Nam bằng cách cung cấp hỗ trợ an ninh, trong đó có máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6, tàu tuần duyên cũ, trọng tải cao của Tuần duyên Mỹ và một số xuồng tuần tra loại nhỏ cũng như các cơ sở bảo dưỡng và huấn luyện liên quan”. 

Hiện chưa rõ thời gian diễn ra việc “cung cấp” này. Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, T-6 là loại máy bay được Không quân Hoa Kỳ sử dụng để tiến hành huấn luyện phi công cơ bản và sĩ quan phục vụ hoạt động tác chiến. Mỗi chiếc có giá hơn 4 triệu đôla.

Hai ngày sau khi phúc trình được công bố, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh một phi công quân sự Việt Nam, đang được Hoa Kỳ đào tạo, đứng trước một chiếc máy bay huấn luyện T-6 một động cơ và 2 chỗ ngồi.

Thượng úy Đặng Đức Toại, phi công quân sự VN, chụp cùng đồng nghiệp tại một căn cứ của Không lực Hoa Kỳ, tháng 6/2019

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “đang củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung”, trong đó có “quyền tự do hàng hải, tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia”.

“Quân đội Mỹ cũng tham gia vào nhiều cuộc trao đổi huấn luyện thường niên nhằm tăng cường hợp tác và tương tác song phương với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Không quân, Hải quân và Tuần duyên [Cảnh sát biển] Việt Nam”, phúc trình cho biết.

“Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” nói thêm rằng “trong khi duy trì các chính sách ngoại giao độc lập”, Việt Nam “có cùng tầm nhìn chung của khu vực về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế thịnh vượng trong khu vực”.

Một vấn đề khác liên quan tới Việt Nam là tranh chấp ở Biển Đông cũng được đề cập nhiều lần trong báo cáo. “Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] bằng cách đặt tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đất đối không tầm xa trên quần đảo tranh chấp Trường Sa đồng thời triển khai lực lượng bán vũ trang trong các tranh chấp hàng hải với các nước khác”, phúc trình có đoạn.

Viết ngay trong phần mở đầu phúc trình, vốn lần đầu tiên được xuất bản kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam cuối năm 2017, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan nói rằng chính quyền Bắc Kinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “tìm cách lập lại trật tự khu vực” để mang lại ưu thế cho mình nhằm “cưỡng ép các nước khác”.

“Ngược lại, Bộ Quốc phòng [Mỹ] ủng hộ các lựa chọn thúc đẩy sự thịnh vượng và hòa bình lâu dài cho mọi người ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Shanahan viết.

“Chúng tôi không chấp nhận các chính sách hoặc hành động đe dọa hoặc làm tổn hại tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ – một trật tự mang lại lợi ích cho mọi quốc gia. Chúng tôi cam kết bảo vệ và củng cố các giá trị chung này”.

Trong cuộc họp báo hôm 3/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích “các cáo buộc vô căn cứ” của Bộ Quốc phòng Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng Bắc Kinh “lâu nay luôn duy trì trật tự quốc tế”.

Tin VOA

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt