Mỹ công nhận đồi Golan của Israel: Khối Ả Rập lúng túng, Iran hưởng lợi

Quân Do Thái vào đồi Golan

Lời người post: Ngày 25 tháng 3 năm 2019, Tổng Thống Trump ký văn bản thừa nhận một phần Cao Nguyên Golan thuộc về phần đất Do Thái. Ký kết thừa nhận (recognize) này có mặt thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, con rể Tổng Thống Tump Jared Kushner, Quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan
Phần đất này thuộc về chủ quyền của Syria khi Pháp trả độc lập cho xứ sở này năm 1946. Như vậy dưới sự “thừa nhận” của Mỹ, cao nguyên này nay thuộc về Do Thái với sự chống lưng của Mỹ.  Quyết định này đã làm cho nhiều quốc gia khối Ả Rập lúng túng và nghi ngờ thiện chí của Mỹ, và như vậy có lợi cho sự tuyên truyền của Iran trong việc đưa quân đi bảo vệ những nước Trung Đông, đồng thời làm cho khủng bố nổi dậy. Dưới đây là nhận định của nhiều chuyên gia về Trung Đông doTrọng Thành ghi nhận:

Việc chính quyền Trump cuối tháng 3/2019, công nhận một phần cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Do Thái, gây chấn động. Quyết định của Mỹ ảnh hưởng ra sao đến cục diện Trung Cận Đông hiện nay, với tiêu điểm là thế đối đầu giữa Do Thái và Iran? Theo nhiều chuyên gia, việc Hoa Kỳ đứng về phía Do Thái trong đồi Golan gây lúng túng cho nhiều quốc gia Ả Rập, nhưng có lợi cho Iran. Sau đây là tổng hợp một số nhận định của các chuyên gia (1).

Vấn đề cao nguyên Golan bắt nguồn từ đâu?

Cao nguyên Golan (2) là một vùng đất rộng 1,200 km² nằm ở độ cao khoảng 500 đến 1,000 mét trên mặt nước biển, nằm lọt giữa bốn quốc gia. Do Thái ở phía tây, Liban ở phía bắc, Syria ở phía đông và Jordani ở phía nam. Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Syria, khi quốc gia này độc lập với Pháp năm 1946.

Đây là một vùng đất được coi là có ý nghĩa chiến lược sống còn đối với Do Thái. Trong cuộc chiến Ả Rập-Do Thái đầu tiên (1948-1949), quân đội Syria đã biến cao nguyên này thành một pháo đài, dùng để tấn công vào các khu vực miền bắc Do Thái, quốc gia vừa khai sinh, theo một quyết định của Liên Hiệp Quốc tháng 11/1947. Trong cuộc chiến Sáu Ngày tháng 6/1967, với khối Ả Rập, quân đội Do Thái đã xâm chiếm một phần lớn cao nguyên Golan. Hơn 150,000 người dân Golan buộc phải rời bản quán sau cuộc xâm lược này.

Theo thỏa thuận Genève năm 1974, do Mỹ thảo ra, một vùng đệm phi quân sự được thiết lập tại cao nguyên Golan, được đặt dưới sự kiểm soát của một lực lượng Liên Hiệp Quốc (FNUOD). Bất chấp thỏa thuận này, cao nguyên tranh chấp vẫn là nguồn gốc chính của các căng thẳng giữa Syria và Do Thái. Kể từ những năm 1960, Do Thái từ chối rút quân khỏi Golan, với quan điểm không thể để vùng đất này trở thành “mối đe dọa chiến lược thường trực”. Cao nguyên Golan không chỉ quan trọng về quân sự, vùng đất cao này còn cung cấp cho Do Thái khoảng 1/3 lượng nước ngọt hàng năm, đặc biệt thông qua sông Jourdain và hồ Tiberias.

Năm 1981, Nhà nước Do Thái quyết định chính thức sáp nhập cao nguyên Golan. Một quyết định mà cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận. Chính quyền Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã lên án quyết định của Tel Aviv là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ngày 17/12/1981, Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết 497 bác bỏ quyết định của chính quyền Do Thái.

Trong thời gian Syria lâm vào nội chiến từ năm 2011, một số vùng đất Golan chính quyền Syria còn kiểm soát là nơi xảy ra nhiều đụng độ dữ dội giữa các lực lượng nổi dậy và quân đội Syria. Bản thân lực lượng FNUOD của Liên Hiệp Quốc cũng từng bị tấn công. Quân đội Do Thái cũng thường xuyên trả đũa lại các vụ tấn công từ đất Syria.

Từ trái sang phải: Quyền BTQP Hoa Kỳ Patrich Shanahan, con rể Trump Jared Kushner (cố vấn), Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và TT Trump đang ngồi phía trước trong buổi ký thừa nhận đồi Golan thuộc về Do Thái tại Tòa Bạch Ốc ngày 25/03/2019

Việc Hoa Kỳ công nhận cao nguyên Golan là đất của Do Thái tất nhiên bị các nước Ả Rập ngay lập phản đối. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là phải chăng đằng sau các phản ứng dữ dội là sự lúng túng của khối này?

Sau quyết định của Mỹ, từ Ả Rập Xê Út, đến Koweit, Jordani, Liban ngay lập tức phản đối. Liên đoàn Ả Rập, với tổng thư ký Ahmed Aboul Gheit, đã coi quyết định của Tổng Thống Trump là “vô giá trị cả về hình thức, lẫn nội dung”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phản ứng đồng loạt lên án quyết định công nhận của Mỹ – điều cho thấy tính chất “thống nhất trên bề mặt” của nhóm các quốc gia Ả Rập – khó lòng che khuất được sự khó xử của nhóm này trước lập trường của đồng minh Hoa Kỳ. Trả lời AFP, nhà nghiên cứu Karim Bitar, Viện IRIS, nhận xét: Các đồng minh Ả Rập của nước Mỹ là “lúng túng nhất”, bởi cho dù các quốc gia này đã hết sức nỗ lực để xích lại gần với Tổng Thống Trump và nỗ lực chứng minh với Tổng Thống Mỹ là họ thuộc về cùng một phe, nhưng trên thực tế các nước Ả Rập bị đặt trước một sự đã rồi.

Nhà nghiên cứu Fawaz Gerges, giáo sư về quan hệ quốc tế tại London School of Economics, cho rằng sắc lệnh của Tổng Thống Mỹ là “một món quà” đối với Iran, đang cố gắng lợi dụng các hệ quả của quyết định này để lấn tới, trong tình hình thế giới Ả Rập vốn đã hoàn toàn không có được một cơ chế lãnh đạo thống nhất.

Còn theo chuyên gia về các nước vùng Vịnh, ông Neil Partrick, trong tình hình Ả Rập Xê Út và nhiều quốc gia vùng Vịnh vốn đã rất khó khăn trong việc tìm kiếm liên minh với Do Thái nhằm lập mặt trận chung để đối đầu với Iran, thì quyết định của Tổng Thống Trump càng gây trở ngại hơn cho các nỗ lực này. Chuyên gia London School of Economics, Fawaz Gerges, nhấn mạnh là: Việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái đã bị khối Ả Rập phản đối mạnh mẽ trong hai năm 2017-2018, tuy nhiên các phát biểu lên án chính thức của các nước Ả Rập trên thực tế không có nhiều trọng lượng. Bản thân khối các nước Ả Rập cũng đã không tìm được một tiếng nói chung có trọng lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria – một quốc gia cùng trong khối Ả Rập (Syria bị đình chỉ tư cách thành viên năm 2011) – với nội chiến kéo dài gần 8 năm nay.

Phải chăng quyết định công nhận một phần cao nguyên Golan của Do Thái một lần nữa cho thấy tính chất phiêu lưu trong sách lược ngoại giao quốc tế của chính quyền Donald Trump?

Theo nhà nghiên cứu Karim Bitar, viện IRIS, với hai quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái và cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Do Thái, chính quyền Trump trên thực tế đã báo tử một “kế hoạch hòa bình” cho Do Thái và Palestine của chính nước Mỹ. Xung đột Do Thái-Palestine vốn được coi là một nguồn gốc chính của các căng thẳng giữa khối Ả Rập và Do Thái. Theo ông Bitar, cho dù “kế hoạch hòa bình” do con rể Tổng Thống Mỹ, Jared Kushner lập ra, về thực chất chỉ là một biện pháp hỏa mù (vốn đã bị nhiều lên án), thì quyết định liên quan đến Golan có thể nói đã “đóng chiếc đinh cuối cùng” lên chiếc quan tài đưa ma kế hoạch hòa bình không biết lần thứ bao nhiêu của chính quyền Mỹ.

Quyết định của Tổng Thống Mỹ cũng có thể góp phần đổ thêm dầu vào lò lửa xung đột Trung Cận Đông. Hôm qua, từ Teheran, Tổng Thống Iran Rohani đã tố cáo Tổng Thống Mỹ thực thi chủ nghĩa thực dân. Ông ta nhấn mạnh là, cho dù một số cường quốc thực dân đã từng làm như vậy trong lịch sử, nhưng điều này là “chưa từng có” trong thế kỉ 21. Lực lượng Hezbollah – Liban đang tham chiến tại Syria (đối thủ của Do Thái và đồng minh của chế độ Assad tại Syria, cùng với Iran) khẳng định quyết định của Mỹ là “một bước ngoặt hệ trọng trong lịch sử quan hệ giữa Do Thái và thế giới Ả Rập”.

Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga – đồng minh của Iran và Syria – hôm thứ Hai 25/03 thì dự báo là sẽ có “một làn sóng căng thẳng mới” tại Cận Đông, sau sắc lệnh của Tổng Thống Hoa Kỳ. Hôm nay, Hội Đồng Bảo An dự kiến có cuộc họp khẩn, bất thường về vấn đề Golan, theo yêu cầu của Syria.

Vấn đề Golan chắc chắn cũng sẽ là một chủ đề chính của thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập ngày 31/03 tới tại Tunis, quê hương của phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập, cho dù trong dịp này, Liên Đoàn Ả Rập sẽ không chính thức thảo luận về việc trả lại tư cách thành viên cho Syria, bị đình chỉ vào cuối năm 2011, sau các cuộc đàn áp của Syria chống lại một số phong trào phản kháng trong nước.

Ghi chú

  1. “Golan: Embarras pour les Arabes, bénéfices pour l’Iran”, AFP, ngày 26/03/2019.
  2. “Le plateau du Golan, joyau stratégique pour Israël”, France 24, ngày 26/03/2019.
Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt