Mỹ–ASEAN: Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence trấn an các lãnh đạo Đông Nam Á
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ đã diễn ra vào sáng 15/11/2018 tại Singapore, nhưng không có sự hiện diện của Tổng Thống Mỹ Donald Trump. Đại diện cho TT Trump, Phó Tổng Thống Mike Pence đã nhân dịp này trấn an các nước Đông Nam Á về sự can dự của Mỹ trong khu vực, đồng thời gián tiếp cảnh cáo Trung Cộng về hành động “bá quyền và xâm lấn ” ở châu Á.
Từ Trung tâm Hội nghi Quốc tế Suntec, Singapore, đặc phái viên Thanh Phương trả lời các câu hỏi của ban Việt ngữ:
Chào Thanh Phương, Tổng Thống Mỹ Donald Trump không đến dự thượng đỉnh ASEAN lần này, mà cử Phó Tổng Thống Mike Pence thay thế. Vậy thì tại Singapore hôm nay, ông Pence đã nói gì về chính sách của Hoa Kỳ đối với vùng này?
Nhiệm vụ của Phó Tổng Thống Mike Pence khi thay mặt Donald Trump đến dự thượng đỉnh ASEAN lần này là trấn an các nước Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục can dự mạnh mẽ vào châu Á và Washington có một dự án tốt hơn cho vùng này cả về kinh tế lẫn chính trị so với kế hoạch của Tàu Cộng. Nói cách khác, tại Singapore, ông Pence phải cụ thể hóa ý tưởng về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở ” mà Tổng Thống Trump đã đưa ra tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng vào năm 2017.
Nhưng các nước ASEAN muốn là lời nói của Mỹ phải đi đôi với hành động. Trong khi Tàu Cộng đã đổ hàng tỷ đô-la vào các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư khác trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” do chủ tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình khởi xướng, thì hiện giờ, những nguồn tài chính mà Hoa Kỳ dành cho các dự án ở châu Á còn hạn chế.
Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh ASEAN –Hoa Kỳ hôm nay, Phó Tổng Thống Mike đã lập lại một số điểm đã được nêu trong bài viết của ông trên tờ Washington Post ngày 09/11. Phó Tổng Thống Mike Pence nói:
“Sự can dự của Hoa Kỳ vào vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương là vững chắc và lâu dài. Trong tất cả những gì chúng tôi làm ở vùng này, Hoa Kỳ chỉ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không hề muốn kiểm soát. Chúng tôi rất tự hào xem ASEAN là đối tác chiến lược của Mỹ. ASEAN có vị trí trung tâm trong dự án của chúng tôi về vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương. Đây là một đối tác chiến lược cần thiết và không thể thay thế được của chúng tôi. Chúng ta có cùng lợi ích và thật sự có chung một nhãn quan.
Cũng như quý vị, chúng tôi muốn xây dựng một vùng Thái Bình Dương mà trong đó mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có thể đạt đến thịnh vượng, bảo vệ được chủ quyền, tin tưởng vào những giá trị của chúng ta, cùng nhau phát triển ngày càng mạnh hơn”.
Như một lời cảnh cáo gởi đến Tàu Cộng, Phó Tổng Thống Ho Kỳ nhấn mạnh “bá quyền và xâm lấn không có chỗ trong vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương”. Ông Pence nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo đảm tự do lưu thông trên biển và trên không, sát cánh với các nước trong khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải, đồng thời giúp các nước ASEAN bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và trên mạng.
Về măt kinh tế, Phó Tổng Thống Mike Pence nhắc lại là Hoa Kỳ đã thúc đẩy đầu tư tư nhân vào vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khắp khu vực châu Á và sẽ phát triển một mối quan hệ kinh tế và thương mại mới với châu Á, dựa trên những nguyên tắc mà Tổng Thống Trump đã đề ra: tự do, công bằng và có qua có lại.
Nhân dịp này, ông Mike Pence thông báo một hiệp định mới Đối Tác Các Thành Phố Thông Minh Hoa Kỳ –ASEAN, nhằm đẩy mạnh đầu tư của Mỹ vào cơ sở hạ tầng công nghệ tin học trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương.
Kết luận bài phát biểu, Phó Tổng Thống Pence nhấn mạnh:
“Dự án của chúng tôi về vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương không loại trừ quốc gia nào. Chúng tôi chỉ yêu cầu là mỗi quốc gia trong khu vực phải đối xử các nước láng giềng với sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và tôn trọng trật tự dựa trên pháp luật.
Chúng tôi tin tưởng là dự án này sẽ mang lại một tương lai tươi sáng và vô hạn cho vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương. Trong tương lai đó, chúng tôi tin tưởng là Hoa Kỳ và ASEAN có thể làm việc với nhau trên những giá trị chung và lợi ích chung”.
Về phần lãnh đạo các nước ASEAN, họ đánh giá như thế nào về quan hệ hiện nay giữa khối này với Hoa Kỳ?
Trong bài phát biểu khai mạc thượng đỉnh sáng nay, thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cho biết quan hệ kinh tế giữa ASEAN với Hoa Kỳ rất vững chắc và Mỹ hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của khối Đông Nam Á. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á hiện lên tới tổng cộng gần 274 tỷ đôla, hơn toàn bộ đầu tư của Mỹ vào Tàu Cộng, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn cộng lại. Ông Lý Hiển Long cũng không quên nhấn mạnh là trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với ASEAN tạo ra hơn nửa triệu việc làm cho dân Mỹ.
Ông Lý Hiển Long nhìn nhận sự hiện diện của Phó Tổng Thống Mike Pence tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực. Thủ tướng Singapore cũng cho rằng dự án của Mỹ về một vùng “Ấn Độ –Thái Bình Dương tự do và cởi mở” là phù hợp với các lợi ích chủ chốt của ASEAN vì nó dựa trên những nguyên tắc căn bản: tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật pháp, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Thủ tướng Singapore cũng bày tỏ hài lòng khi thấy quan hệ tốt đẹp ASEAN–Mỹ không chỉ bó hẹp trong những lĩnh vực truyền thống như quốc phòng, mà nay đã được mở rộng sang những lĩnh vực khác như an ninh mạng. Ông thông báo là Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN–Mỹ về an ninh mạng đã được thông qua, nhằm tăng cường khả năng chống tội phạm trên mạng và các vụ tấn công tin tặc.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh là ASEAN muốn làm việc với cả Hoa Kỳ lẫn Tàu Cộng. Theo thủ tướng Singapore, quan hệ Mỹ–Trung là quan hệ quan trọng nhất trong các mối quan hệ song phương và mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này có tác động rất lớn đối với ASEAN. Ông hy vọng là quan hệ Mỹ-Trung được ổn định. Một cách gián tiếp, thủ tướng Singapore bày tỏ quan ngại của khối ASEAN trước cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh.
Không chỉ có Hoa Kỳ mà Nhật Bản cũng có một dự án riêng về một vùng “Ấn Độ –Thái Bình Dương Tự Do và Cởi Mở”. Có vẻ như đang có sự “cạnh tranh ” Mỹ –Nhật nhằm lôi kéo các nước ASEAN đi theo dự án của mình?
Những nguyên tắc cơ bản trong dự án của Nhật cho vùng Ấn Độ–Thái Bình Dương cũng rất phù hợp với những ưu tiên của Singapore nói riêng và của ASEAN nói chung, đó là tuyên bố của thủ tướng Lý Hiển Long hôm qua, tại thượng đỉnh ASEAN–Nhật Bản.
Ông Lý Hiển Long cho biết là trong việc kiến tạo vùng Ấn Độ–Thái Bình Dương, ASEAN dựa trên 3 yếu tố chính: Dự án đó có hỗ trợ cho sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN hay không, dự án đó có thúc đẩy thương mại, đầu tư, và sự kết nối trong khu vực không, và dự án đó có đi theo hướng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế hay không? Nói chung, đó phải là một cấu trúc khu vực mở, bao gồm toàn bộ các nước khu vực, mà trong đó ASEAN không buộc phải chọn đứng về phe nào.
Không chỉ “cạnh tranh” về dự án vùng Ấn Độ –Thái Bình Dương, Nhật Bản có vẻ như đang qua mặt Hoa Kỳ về hỗ trợ tài chính cho ASEAN. Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, thủ tướng Shinzo Abe cho biết là Tokyo đã cấp cho ASEAN một mức hỗ trợ tài chính cao hơn mức cam kết trong 5 năm qua, mà vẫn bảo đảm được tính gắn kết và vai trò trung tâm của khối các nước Đông Nam Á.
Theo RFI