Mỹ – Ấn thúc đẩy quan hệ chiến lược để đối đầu với Trung Quốc

Như đã dự trù, nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ, vừa kết thúc hôm qua, 27/01/2015, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Narendra Modi thông báo hai bên đồng ý với nhau về hiệp định hợp tác quân sự mới ( thời hạn 10 năm ) thay thế cho hiệp định hợp tác song phương đầu tiên, sẽ hết hạn trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ-Ấn, New Delhi, 26/01/2015 (REUTER)

Theo “Hiêp định khung về hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn“, hai nước đã đồng ý là trong tương lai sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hơn. Lầu Năm góc đã cho biết sẵn sàng tập trận chung với Ấn Độ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Hiệp định nói trên cũng kêu gọi Washington và New Dehli tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. 

Từ lâu, Hoa Kỳ vẫn cam kết sẽ hỗ trợ để hải quân Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh ở vùng Ấn Độ Dương, con đường hàng hải vận chuyển rất nhiều dầu hỏa và các tài nguyên khác đến Trung Quốc. 

Trong khuôn khổ “Sáng kiến Công nghệ và Thương mại Quốc phòng Ấn Độ-Mỹ– DTTI“, Ấn Độ có thể hợp tác sản xuất và hợp tác phát triển vũ khí với Lầu Năm Góc và với các nhà sản xuất vũ khí Mỹ. Tuy không nói ra, nhưng một trong những mục tiêu của chương trình này chính là phá vỡ hợp tác chiến lược quân sự Ấn-Nga đã có từ nhiều năm nay. 

Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi thông báo sẽ đẩy nhanh việc thực hiện 4 dự án trong khuôn khổ DTTI, trong đó có dự án hợp tác sản xuất máy bay không người lái Raven. 

Nhưng quan trọng hơn hết đối với Tổng thống Obama qua chuyến viếng thăm Ấn Độ vừa qua, đó là Thủ tướng Modi có cùng quan điểm với Mỹ về sự cần thiết phải ngăn chận đà lớn mạnh của Trung Quốc. Chính là theo đề nghị của Thủ tướng Modi mà cuộc họp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Ấn đã chủ yếu bàn về mối đe dọa Trung Quốc. 

Điều đáng nói là Thủ tướng Modi nay có vẻ sẵn sàng khôi phục dự án hợp tác an ninh – quân sự bốn bên, tức là giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ và hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương là Nhật và Úc. Vào năm 2007, bốn quốc gia này đã thiết lập một cơ chế gọi là “Đối thoại an ninh bốn bên”, nhưng do Bắc Kinh phản đối dữ dội nên năm sau đó, đối thoại bị đình chỉ. 

Lần này, Bắc Kinh đã phản ứng thế nào về chuyến viếng thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama ? Trong bức thư gởi lãnh đạo Ấn Độ nhân ngày Quốc khánh nước này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại đề nghị của ông nâng quan hệ Bắc Kinh – New Delhi lên một cấp độ mới. Nhưng trong khi đó, chính báo Nhà nước Trung Quốc, như tờ Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo, lại đua nhau cảnh báo Ấn Độ đừng rơi vào bẫy của Mỹ. Các báo này lên án Washington cố tình mô tả Trung Quốc và Ấn Độ như là hai kẻ thù không đội trời chung. 

Tân Hoa Xã cho rằng sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ chỉ là “bề ngoài”. Hãng tin chính thức của Trung Quốc cũng nói mỉa : “Ba ngày chắc chắc là chưa đủ để Obama và Modi trở thành bạn chí thân, vì hai ông có quá nhiều bất đồng trên các vấn đề như biến đổi khí hậu, tranh chấp nông nghiệp và hợp tác năng lượng nguyên tử“. Nói chung, đối với Tân Hoa Xã, chuyến viếng thăm của Obama chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đến quan hệ Ấn – Trung.

Thanh Phương (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt