Mục tiêu của cách mạng Dân Chủ nước ta
Khi một cuộc cách mạng nổ ra, lẽ dĩ nhiên là để đạt được mục tiêu xã hội nào đó. Cuộc cách mạng dân chủ lần này của dân tộc ta, nhằm xác lập quyền tự do và bình đẳng, quyền làm chủ của người dân đối với xã hội. Trong thời đại ngày nay, các quyền tự do đã trở thành giá trị phổ quát của nhân loại. Điều này được ghi nhận trong “Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền”, do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948. Đến năm 1966 thì kết hợp với “Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, “Công ước Quốc tế về các quyền Dân Sự và Chính trị” cùng hai nghị định thư khác mà trở thành “Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế”. Mục tiêu của cách mạng dân chủ nước ta cũng không nằm ngoài các giá trị tiến bộ đó của thời đại.
Nguyên nhân những cuộc cách mạng trước đây, chỉ là để đòi hỏi quyền lợi ích kỷ của một giai cấp hay tầng lớp nhất định. Nó xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích và bất công xã hội. Nhưng trên thực tế, khi chế độ mới được thiết lập, những mâu thuẫn lợi ích và bất công tiếp tục nảy sinh. Sở dĩ như vậy, vì mục tiêu của các cuộc cách mạng đó không nhắm tới đối tượng là người dân (cá thể hạt nhân), mà chỉ nhắm tới thành phần giai cấp. Cách mạng dân chủ giải quyết được vấn đề gốc rễ này, đó là mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi công dân.
Xã hội con người, điều thiêng liêng nhất là quyền được định đoạt cuộc sống bản thân. Người dân làm chủ bản thân và đất nước. Nhà nước sẽ do dân bầu lên, chịu sự kiểm tra, giám sát của dân. Đến lượt mình, nhà nước quay lại phục vụ nhân dân, và người ta gọi đó là chế độ Dân Chủ. Vì rằng tự do là lựa chọn, chứ không phải áp đặt. Chỉ thấy người ta lựa chọn tự do, chứ chưa nghe ai nói áp đặt tự do bao giờ cả. Không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì (kể cả được cho là đúng đắn và tốt đẹp) để ép buộc người khác. Một khi đã ép buộc thì sẽ không còn là tự do lẫn đúng đắn nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài. Dân chủ cho người ta quyền tự quyết và chọn lựa, còn độc tài thì ép buộc.
Điều gì sẽ xẩy ra khi xã hội không có tự do? Đó là sự nô lệ của người dân, cả về thể xác lẫn tinh thần. Là sự dối lừa và bịp bợm nhân danh tự do của kẻ cầm quyền. Quyền con người sẽ bị vi phạm nghiêm trọng, thậm chí là tước bỏ. Sẽ hình thành chế độ độc tài và những nhóm lợi ích xấu xa, dẫm đạp lên các giá trị nhân bản tốt đẹp. Đây cũng chính là hoàn cảnh lịch sử của nước ta hiện nay.
Trước bối cảnh đó, nhu cầu dân chủ của xã hội Việt Nam đã trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết, với những mục tiêu cụ thể sau:
– Xóa bỏ chế độ độc tài, xác lập nền chính trị Dân chủ đa đảng
– Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong phạm vi toàn quốc
– Xây dựng bộ máy nhà nước Pháp quyền (Tam quyền phân lập)
– Xác lập nền Kinh tế thị trường tự do.
Một khi chế độ dân chủ được hình thành, nhà nước mới có thể ban hành các quyết sách đúng đắn vì lợi ích đất nước và nhân dân. Mới mong có cơ hội sửa chữa những sai lầm, đổ vỡ do chế độ cũ gây ra từ trước tới nay. Để đưa đất nước phát triển bắt kịp các nước trong khu vực, thay vì tụt hậu và yếu kém như hiện nay.
Mục tiêu tối thượng của cách mạng xã hội ngày nay chính là các giá trị tự do, dân chủ. Dân chủ hóa đất nước, đó là sự nghiệp chung của dân tộc, vì nó mang lại lợi ích tốt đẹp cho tất cả mọi người. Tự do vốn là quyền và tài sản tự nhiên của con người. Vì rằng tất cả sinh ra vốn dĩ tự do như nhau, và hiển nhiên phải được thụ hưởng một cách bình đẳng. Và chỉ có tự do mới tạo nên sự phát triển và tiến bộ xã hội. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, chỉ trong môi trường dân chủ mới có thể nảy sinh tự do, nó không phải là thứ được ban phát bởi một thế lực nào đó. Muốn có tự do dân chủ, người dân phải nỗ lực đấu tranh để giành lấy.
Sứ mệnh của cách mạng dân chủ nước ta – chính là giải phóng con người thoát khỏi thân phận nô lệ đối với chế độ độc tài và chủ nghĩa Cộng Sản bạo lực, phi nhân. Và cuộc cách mạng đó sẽ là tất yếu.
Minh Văn