Mùa Phật Đản, Theo Tam Tạng Về Thăm Miền Thiên Trúc

Trong kho tàng văn chương Trung Hoa, bộ Tây Du Ký diễn nghĩa của Ngô Thừa Ân tiên sinh (1500-1541), được xếp vào hàng lục tài tử và phổ biến rất rộng rãi. Đọc truyện, ai cũng ưa thích các nhân vật Tôn ngộ Không, Trư bát Giới, Sa ngộ Tịnh và nhất là Đường Tăng Tam Tạng….

Tác phẩm vừa chọc cười duyên dáng nhưng cũng không kém phần triết lý cao siêu với nhiều ý tưởng thâm trầm, ẩn ức dưới những câu chuyện thần kỳ bí hiểm.. Do giá trị trên mà Tây du Ký đã được dich ra nhiều thứ tiếng, lại được soạn thành kịch bản , tuồng hát và đưa lên màn bạc. Đường Tăng hay Tam Tạng dưới ngòi bút của Ngô thừa Ân là một nhân vật huyền thoại nhưng trong dòng sử Tàu, nhận vật này lại chính là nhà sư Trần Huyền Trang sống vào thời Đại Đường. Ông được các sử gia xếp vào hàng vỉ nhân của thế giới, qua cuộc hành trình đơn độc từ Trung Hoa tới Ấn Độ, ròng rã suốt mười mấy năm dài như đã kể lại trong “Đại Đường từ ân Tam Tạng phóng sự truyện”. Ngoài ra ngài cũng đã mang về nước ba tạng kinh Phật nguyên bổn vô cùng giá trị.

1-TÂY DU KÝ CỦA NGÔ THỪA ÂN :

Chuyện thỉnh kinh Phật tại Thiên Trúc của Thầy Huyền Trang, là một việc có thật trong lịch sử và tất cả cuộc hành trình đều được viết lại để dâng lên vua Đường Thái Tông, qua tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký. Nhưng tại sao lại có bộ Tây du ký với nội dung gần như mâu thuẫn hoàn toàn với sự thật? Theo nhận xét của những nhà phê bình văn học, thì hiện tượng này cũng chẳng có gì để ngạc nhiên và thắc mắc vì thời trung cổ tại nước Tàu, hầu hết các tác phẩm nổi tiếng trước khi được hoàn thành, đều phải trải qua giai đoạn văn chương truyền khẩu xuất phát từ dân gian. Cũng vì vậy ngay thuở Đường Tăng còn sinh tiền, chuyện thỉnh kinh của ông cũng đã được thần thông hóa, bằng chứng còn tìm thấy trong tác phẩm của nhà sư Tuệ Lập, một cao đồ cuả Huyện Trang đã viết về sư phụ mình.

Về xuất xứ, truyện Tây Du ký hiện đang lưu hành của tác giả Ngô thừa Ân dựa theo cốt truyện của Dương Chí Hòa đời nhà Minh, rồi thêm bớt cho hợp lý, thuận theo trào lưu, giống như các tác phẩm Tam Quốc,Thủy Hử.. Về tác giả cũng đã thấy nhiều tranh cãi giữa Ngô thừa Ân và Khưu xứ Cơ. Thực tế có hai bộ truyện đều mang tên Tây Du ký, một của Khưu xứ Cơ viết về cuộc đi xứ tới Tây Vực thời Nguyên Thái Tổ và bộ khác của Ngô thừa Ân kể chuyện bốn thầy trò Đường Tăng vâng lịnh vua đi thỉnh kinh Phật tại Thiên Trúc. Ngoài ra ngay chính tác phẩm của Ngô thừa Ân cũng đã có nhiều dị bản nhưng chỉ có bản in do Kim Lăng Thế Đức Đường thư quán, thời vua Vạn Lịch 20, đời nhà Minh ấn hành năm 1592, mới được công nhận là nguyên bản.

– THÂN THẾ TÁC GIẢ:

Di ảnh nhà văn Ngô Thừa Ân

Ngô thừa Ân người đời Minh, tự Như Trường, hiệu là Xạ Dương Chân Nhân , sinh khoảng năm 1500 và mất năm 1582. Nguyên quán Phú Hòa An, huyện Sơn Dương nay thuộc tỉnh Giang Tô. Ông xuất thân từ một gia đình tiểu thương nhưng từ thuở nhỏ đã nổi tiếng khắp vùng là văn hay, chữ tốt, học rộng, tài cao. Thảm thay học tài thi phận, cái vòng danh lợi lẩn quẩn của thế nhân luôn hành hạ những bậc đại tài, nên ông lận đận mãi trong chốn trường thi, chỉ đổ được cử nhân vào năm 45 tuổi (1544 đời Gia Tĩnh thứ 23), nên sau đó phải bán chữ nuôi miệng. Vào những ngày cuối đời mới được bổ làm một chức quan nhỏ tại Huyện. Lúc đó đã 66 tuổi, nên chỉ được một vài năm thì cáo lão. Tác phẩm Tây Du ký được viết trong giai đoạn này, ngoài ra tiên sinh còn lưu lại tập Xạ Dương tôn ca.

Ngô thừa Ân sống trong khoảng 1500-1582 nên trải qua nhiều thời vua đời Minh từ Chánh Đức tới Vạn Lịch. Qua thân thế của tác giả , ta cảm thương cho thân phận bọt bèo của những tài danh phi thường nhưng trót sinh lầm thế ky, giống như hoàn cảnh Nguyễn công Trứ, Cao Bá Quát, Từ diễn Đồng, Tú Xương, Tản Đà.. của Việt Nam. Đã mang phận nghèo, lại bất đắc chí nên suốt đời gần như bị xã hội ruồng bỏ, miệt thị vì chữ nghèo.

Đứng bên lề cuộc sống, chứng kiến được những mục nát bất công của triều đình nhà Minh, cộng thêm sự bạo ngược tàn ác của vua quan đương thời nên Ngô tiên sinh đã ký thác tâm sự của mình qua từng nhân vật trong tác phẩm, sử dụng lối văn ngụ ngôn để phản ảnh cuộc dời gian ác bất công, bể dâu trầm thống, chỉ vì tranh ngôi, đoạt danh, ham lợi lộc tiền tài.. Con đường thỉnh kinh từ Trung Hoa tới cõi Thiên Trúc Tây Phương xa lắc đầy hiểm nguy trắc trở, cũng chính là con đường mà ông và nhân sinh đã trải qua nơi trần thế hằng hằng đau khổ. Còn bốn nhân vật chính trong truyện như Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng, Tam Tạng trong dụng ý của tác giả, cũng chính là bốn bản tính cố hữu của con người: Thiện, ác, lòng tham sân si và đức hiếu sinh của con người. Chính cái sâu sắc đó đã làm nổi bật niềm tâm sự ký thác của tác giả với hậu thế qua quan niệm ” ai là người chính nhân chính thống, ai là kẻ bất lương gian tà?”

Tóm lại Tây Du ký có tất cả 100 hồi, phần đầu giới thiệu cuộc đời của Tôn Ngộ Không và thân thế Đường Tăng. Từ hồi thứ 8 trở về sau, kể lại hành trình đi thỉnh kinh của 4 thầy trò Tam Tạng. Nói chung, tác giả rất thành công khi mượn nhân vật Tôn Ngộ Không dùng tài trí để dẹp yên bọn cầm quyền bất tài, xôi thịt dưới dạng yêu quái. Cuối cùng tác giả cũng không tiếc lời ca tụng sự hợp nhất của tam giáo, đề cao Phật Pháp vô biên, nói về thuyết định mệnh và sự báo ứng nhân quả.

THÁNH TĂNG TRẦN HUYỀN TRANG TRONG TÂY DU KÝ:

Hóa trang Tề Thiên Đại Thánh

Chính con đường tơ lụa ngày xưa cũng là lộ trình thỉnh kinh của Đường Tăng. Mấy năm gần đây, điện ảnh của Trung Cộng đã thực hiện bộ phim Tây Du ký tại vùng tự trị của dân tộc Hồi Hồi ở xứ Ô Lỗ Mộc Tế (Tân Cương). Sở dĩ người ta chọn vùng này làm bối cảnh cho bộ phim vì những tình tiết trong bộ truyện Tây Du, đều có liên quan tới Tân Cương. Điểm quan trong nhất ở đây là lộ trình đi thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng trong truyện hay của nhà sư Trần huyềnTrang ngoài đời, cũng là hình bóng của con đường tơ lụa ngày xưa. Theo tài liệu còn lưu trữ , thì từ thời thượng cổ người ta đã làm con đường trên. Sau khi đã ra khỏi biên địa Trung Hoa, con đường được phân thành hai nhánh, một đi về hướng tây bắc đến Ba Tư, Trung Đông sang tận Âu- Phi. Nhánh còn lại rẽ về hướng tây nam qua La Bố Bạc (Tây Tạng), A Phú Hãn tới Ấn Độ. Chính Huyền Trang đã theo lộ trình này để tới Thiên Trúc thỉnh kinh.. Còn nhà du hành người Ý là Marco Polo hơn 700 năm về trước , đã căn cứ vào tài liệu của Huyền Trang để lại, thực hiện chuyến du hành bằng con đường tơ lụa xưa, từ Âu qua các nước Trung Á tới tận Viễn Đông. Ngày nay , đối với con đường huyền thoại xưa, đó là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư , vì nó chạy qua hầu hết các quốc gia Á-Âu đang sản xuất dầu lửa và khí đốt.. Dự án tái tạo con đường liên lục địa cũng được LHQ tài trợ. Lộ trình cũng vẫn như cũ, vào Trung Cộng tại Tây An và tới biển đông ở Giang Tô.

Vào thời mà Đường Tăng Huyền Trang đi thỉnh kinh, con đường tơ lụa Nam tuyến còn là một tử lộ, với ngàn muôn trắc trở hiểm nguy, qua nhiều quốc gia, bộ tộc có ngôn ngữ và nền văn hóa hoàn toàn khác biệt với người Hán. Sự tuyệt diệu ở điểm tương đồng giữa cảnh thực ngoài đời và tình tiết trong truyện đã tìm thấy tại nhiều nơi. Điều này chứng tỏ tác giả khi đặt bút thành văn, đã dày công nghiên cứu ngoại cảnh hoặc từng trải qua, chứ không phải hư cấu bừa bãi, vu vơ như ta hằng tưởng trước đây. Để minh chứng, hãy đem vài đoạn trong truyện so sánh với thực tế như hồi Tôn ngộ Không đánh với Thiết Phiến công chúa để cướp quạt lôi phong, quạt tắt hỏa diệm sơn. Căn cứ vào bản đồ, thì vùng đó tương ứng ở một địa điểm nằm về phía bắc tỉnh Tân Cương, nơi đây khi trước có núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động từ lâu. Ở đây vào mùa hè, ánh nắng gây gắt rọi vào các vách núi tạo bởi nham thạch màu đỏ, phản chiếu thành màu sắc long lánh, từ xa nhìn khiến ta có ấn tướng núi lửa đang hoạt động. Về việc Sa Tăng tại Lưu Sa Hà, tuy rằng tìm trên bản đồ không thấy địa danh này nhưng các nhà viết sử vẫn dựa vào thiên Vũ Cống trong kinh thư để chứng minh “Đạo nhược thủy chi ư hợp lệ, du ba nhập lưu sa hà” để xác quyết vùng sa mạc Tân Cương có một con sông cát tên là Lưu Sa. Theo lời kể, khách khi vượt qua sa mạc, thường gặp phải những hiện tượng cát chạy, từ xa nhìn không khác gì một con sông đang cuồn cuộn nước.. Cũng do hiện tượng phản chiếu này, nhiều lữ khách đã bị cát vùi khi vô tình bước vào tử lộ này. Về địa danh Cao Lão Trang, nơi Bát Giới cưới vợ cũng là một địa danh có thật. Theo sách Hà Hương Quản Tỏa Ngôn có ghi rõ, trên đất Tây Tạng nơi con đường tơ lụa chạy ngang qua, có rất nhiều quán trọ dành cho khách lữ hành, cách đó 40 dặm về hướng tây nam, có xóm Cao Lão Trang. Sau rốt là câu chuyện về trái nhân sâm, cũng không phải là sự tưởng tượng. Theo sách Thuật Kỳ Dị phần đề cập tới nước Đại Thục, có một thung lũng kỳ bí, nơi đó mọc một loại cây cành đỏ lá xanh. Mỗi cành lại kết tụ nhiều quả có hình giống như ấu nhi, dài tới 6-7 tấc. Trái biết cười với người nhưng nếu đụng vào, trái sẽ rụng tức khắc. Đặc biệt cành nào có một trái rụng, toàn bộ ấu nhi trên cành đó sẽ khô héo và chết theo.

ĐƯỜNG TĂNG TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA:

Hóa trang Đường Tăng Tam Tạng

Trong Tây Du ký, Ngô thừa Ân viết rằng Đường Tăng là con của Trạng nguyên Trần quang Nhụy và Ôn Kiều. Trên đường tới nhiệm sở nhậm chức tại Giang Châu bằng đường thủy, gia đình Trần trạng nguyên bị cướp. Cha ông bị giặc giết, mẹ ông vì lúc đó đang mang thai ông nên chịu sống nhục tới khi sanh thì gói lại và đặt trên một mãnh ván thả trôi sông. Nhờ sư cụ chùa Kim Sơn vớt và nuôi dưỡng, qui y Phật pháp và trở thành Đường tăng Tam Tạng hay thánh tăng Trần huyền Trang.

Ngoài đời, thánh tăng tên thật là Trần Vĩ, sanh năm 596 (sau tây lịch), nhằm đời Tùy Dưỡng Đế thứ 16 tại huyện Câu Thị, Lộ Châu, nay là thành phố Yêm Sư, tỉnh Hà Nam. Riêng về năm sinh của Huyền Trang, nhà sử học người Pháp là R.Grousset ghi trong tác phẩm Sur les traces du Boudha, thì năm sinh là 602. Dòng họ Trần Gia nhiều đời ngụ tại Du Tiên Hương, Khổng học Lý, Phụng hoàng cốc kế cận chùa Thiếu Lâm tự, vốn là một gia tộc bao đời thấm nhuần Khổng học. Nay ngược lại thời gian hơn 1400 năm về trước, quê hương của Đường Tăng chỉ là thôn ấp hẻo lánh, nghèo nàn nhưng về cảnh sắc thì vô cùng thơ mộng và xinh đẹp. Đây cũng chính là nơi hai con sông Y và Lạc gặp nhau. Theo sử Tàu, thì Câu Thị là quê hương của Hoàng Đế, quốc tổ của người Hán, cũng là nơi mà nữ thần xinh đẹp Lạc Thủy cùng đám tiên nữ thường xuống tắm gội vào những đêm trăng. Yêm Sư quả là địa linh nhân kiệt nhưng bao đời cũng vẫn chỉ là một huyện thành nhỏ nhoi vắng người. Từ năm 1993 nhờ Trung Cộng đổi mới kinh tế, Yêm Sư được nâng cấp là thành phố với diện tích 943 km2 và dân số 700.000 người. Hiện nơi này đang phát triển mọi mặt nhất là ngành du lịch vì Yêm Sư từ 4000 về trước đã là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của nhà Hạ. Thế kỷ thứ 5 (STL), Yêm Sư là kinh đô của nhà Bắc Ngụy, hiện còn sót lại ngôi mộ của Lã Bất Vi (?- 235 TrTL), nguyên là nhà buôn, tướng quốc cũng là cha ruột của Tần Thủy Hoàng.. Kế bên còn có phần mộ của nhà đại thư pháp đời Đường là Nhậm thân Khanh (709-786) nhưng điẻm đặc biệt và quan trọng nhất của Yêm Sư hôm nay là công trình kiến trúc mang tên Vạn Quốc lịch hiến cung, trong đó mô tả lại con đường thỉnh kinh gian nan cực khổ của Trần Huyền Trang thuở trước. Riêng ngôi nhà củ của Trần Gia ở Trần Hà cũng được trùng tu và giữ gìn. Đây là điểm thu hút nhiều khách du lịch và Phật giáo đồ từ khắp nơi tới hành hương và chiêm ngưỡng một thắng tích lịch sử.

2-HUYỀN TRANG TRỐN VUA, MỘT MÌNH ĐI THỈNH KINH:

Tuy xuất thân từ Nho giáo nhưng Trần gia đồng thời cũng rất sùng mộ đạo Phật. Do trên năm lên 13 tuổi, Huyền Trang nối gót theo trưởng huynh, xuất gia tại chùa Tịnh Độ, Lạc Dương, Hà Nam.Trong thời gian này, Trung Hoa đang hỗn loạn , giặc giã nổi lên khắp nơi chống lại nhà Tùy. Do trên, để lánh nạn, anh em ông phải rời Lạc Dương, tới tu ở chùa Không Túc tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Năm 618 Lý Uyên tiêu diệt được nhà Tùy, lập nhà Đường, vãn hồi lại an ninh, kỷ cương trong nước.. Vì thế, Huyền Trang một mình trở lại Trung Nguyên, đến tu tại Trường An, Thiểm Tây. Đời Đại Đường (618-713) ,kinh đô Trường An là chốn phồn hoa đô hội, một thành phố thanh lịch, nơi qui tụ hàng tao nhân mặc khách mà danh thơm muôn thuở vẫn còn lưu tới ngày nay như Lý Bạch, Hạ Trí Chương, Đổ Phủ.. Ngoài ra đây cũng là cái nôi của Phật Giáo Viễn Đông nên qui tụ đầy các bậc thức giã từ bốn phương trời, cộng với các Đại sư các nước Trung Á, Cao Ly, Nhật Bản, Tây Tạng.. Cũng vì thế nên Phật giáo Trung Hoa bị phân hóa trầm trọng , phân chia thành nhiều tông phái và tai hại nhất là các kinh sách, luật lệ, giáo lý nhà Phật rất mâu thuẫn và chứa đầy dị biệt, trong lúc được dịch thuật từ nguyên bổn Ấn Độ. Vốn mang sẵn chí lớn và tâm nguyện hiến trọn đời mình cho Phật Pháp, nên Huyền Trang rời kinh đô chu du khắp nước, tới các chùa chiền suốt hai bờ đại giang nam bắc nhưng nơi nào Ông cũng thất vọng não nề, gần như bế tắc. Đây chính là động lực thúc đẩy Huyền Trang phải đến tận Ấn Độ, chính mắt đọc cho được các nguyên bổn kinh sách, cũng như sưu tầm thêm tài liệu, đồng thời chiêm bái các Phật tích nơi miền Thiên Trúc. Năm ba mươi mốt tuổi, một cơ duyên khác lại đến, càng làm nung nấu thêm ý chí tây du sẵn có. Đó là sự hiện diện của một nhà sư Ấn Độ nổi tiếng đương thời tên Ba Phả Mật Đà La, đệ tử giỏi của Học giả Giới Hiền, kẻ quyền uy đang lãnh đạo chùa Na Lan Đà (Thiên Trúc), đến thăm kinh đô Trường An bằng đường biển. Chí đã quyết, Huyền Trang cùng bạn bè dâng sớ xin phép vua Đường Thái Tông đi Thiên Trúc thỉnh kinh và tu học. Chẳng những không chấp thuận, nhà vua còn xuống chỉ nghiêm cấm, không cho phép bất cứ ai xuất ngoại.

Do đó Huyền Trang phải lén lút đi Cam Túc, một tỉnh cực bắc của Đại Đường. Rồi cũng nhờ cơ duyên, ông lần mò tới được Lương Châu là cửa ngỏ phát xuất con đường tơ lụa từ Trung Hoa đi các nước Tây Vực. Đây là một đô thị lớn của Hà Tây, nay thuộc huyện Uy Viễn, tỉnh Cam Túc, một địa danh thường đước nhắc nhớ trong văn học qua bài phú Lương Châu: “Bồ đào mỹ tửu dạ lương bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi, túy ngọa sa trường quân mạc vấn, cổ nhân chinh chiến kỹ nhân hồi?”. Rồi chờ một thời gian ngắn, cuối cùng cũng tới được thành Lan Châu và nhờ viên thủ thành là kẻ ngoan đạo nên đã giúp ông phương tiện, trốn khỏi Ngọc Môn Quan và đồn Ngũ Phong là hai biên ải vô cùng cẩn mật nơi biên địa. Trước những hiểm nguy và khó khăn chồng chất, những người đồng hành lần lượt bỏ về. Cũng may Ông đước một thương gia người Hồi, đổi cho con ngưa già đã từng qua lại nhiều lần hai vùng biên ải hiểm trở trên. Nhờ vậy Huyền Trang thoát được, từ đó một mình nhờ con ngựa quen đường, dấn thân vào vùng sa mạc mông mênh cát nóng.

Trên đại sa mạc Gobi, thuộc Nội Mông từng được người Hán ví là dòng sông cát, để diễn tả cái cùng tận của đất trời. Cũng chính tại đó, Huyền Trang ngày ngày với con ngựa già chỉ thấy bao la một màu trắng xóa, đó đây la liệt những đống xương vô định của người,lừa, ngựa kể cả lạc đà., tuyệt nhiên là nổi trống vắng rùng rợn của nắng, gió và cát mà thôi. Tóm lại đây là tử địa, không có nước, bóng cây và tiếng người.. Thêm vào đó đường mòn càng lúc càng chia trăm nẻo, cũng may nhờ có con ngựa già đã quen lối trên nẻo đường tơ lụa, nên không bị lạc. Thêm vào đó, là ý chí sắt đá, thà chết chớ không bao giờ quay trở lại Đại Đường khi tâm nguyện chưa đạt thành, nên Huyền Trang lặn lội trong sa mạc chết suốt năm ngày đêm với đói, khát và tuyệt vọng. Nhưng giữa lúc người ngựa sắp ngã quỵ thì bổng từ đâu, trời thổi một trận gió lạnh buốt, làm con ngựa già đang nằm quị bất động, bổng vùng dậy , cõng Huyền Trang phi nước đại suốt hai ngày nữa mới tới được một ốc đảo xanh tươi có ao nước ngọt trong veo, mát lịm.

Từ đó, qua cơ duyên trời ban, Huyền Trang tới được nước Y Ngô (Ulghur) và được tiếp đón trọng thể. Trong lúc đang ở nước này thì có sứ thần của Cao Xương Quốc (Quôse) vâng lịnh Quốc vương Nhã Nhĩ Thành đến thỉnh. Cao Xương là một nước lớn và quan trọng nhất ở Tân Cương. Nhà vua cũng như triều thần và dân chúng rất mộ đạo Phật. Do trên khi Đường Tăng tới, vua rất kính trọng và khẩn khoản mời Ông ở lại làm quốc sư để truyền bá đạo pháp nhưng Huyền Trang một mực từ chối, cuối cùng tuyệt thực thà chết hoặc được đi thỉnh kinh. Trước ý chí sắt đá của nhà sư, vua đành chấp thuận nhưng lưu thêm một tháng để thuyết pháp. Ngày ra đi vua Cao Xương cấp cho Huyền Trang 30 con ngựa chiến, 25 người tùy tùng với đầy đủ lương thực, nước uống và quần áo ấm để đoàn người vượt qua đỉnh Thiên Sơn cao ngất mây xanh, trùng trùng hiểm nguy băng giá. Nhà vua còn viết 24 lá thư gửi 24 nước lân cận, yêu cầu giúp đở Huyền Trang lúc cần thiết , nhờ vậy nhà sư mới an toàn trên đường thỉnh kinh.

Năm 630, sau khi vượt qua hết các nước trong vùng Tân Cương, qua các kinh đo Qurashah, Kutchs, núi Thiên Sơn và cuối cùng là hồ nước nóng Issik Koi là chỗ dành riêng cho hoàng gia tới nghĩ mùa đông. Từ đây con đường lại ngược về hướng tây nam, ngang qua thành phố Cheshia, nay là Teshkent, thủ đô của nước cộng hòa hồi giáo Kirghzistan trong Liên bang Sô Viết củ. Rồi lại vượt qua sa mạc đất đỏ Qiuzil Qum mới tới thành phố Samarguard, là giao điểm của con đường từ Ấn Độ đi Ba Tư và Trung Hoa. Đây là một ốc đảo xanh tốt trên cao nguyên Ba Tư, nơi đã từng ghi dấu người ngựa của Đại Đế A Lịch Sơn, từ Địa Trung Hải sang chinh phục Ấn Độ. Thành phố này hiện thuộc A Phú Hãn, phía trước có Thiết Mộc Quan là một ngọn đèo cao ngất mây xanh. Qua khỏi đó sẽ tới thung lũng mặt trời Bamiyan, một kỳ quan của nước này với vô số tượng Phật đủ kích thước, được tạo hay khắc sâu trong vách núi. Tại đây có hai tượng Phật khổng lồ cao 53m và 35m. Đây cũng là nơi Huyền Trang nán lại nhiều ngày để hành hương và chiêm bái. Tiếc thay bao nhiêu công trình vĩ đại của Thượng đề và tiền nhân đã bị bọn Hồi giáo cực đoan Taliban, trong khi cầm quyền tại A phú Hãn phá hủy nhưng ngày nay đã được một số chuyên gia quốc tế đến tái tạo sau khi Taliban bị Hoa Kỳ tiêu diệt vào năm 2001.

Cuối cùng nhà sư cũng đạt được tâm nguyện khi đặt chân tới Kapisa thuộc Ấn Độ, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nơi có nhiều tu sĩ Bà La Môn đang hành xác giữa trời đông lạnh lẻo. Tóm lại từ lúc rời Đại Đường tại đồn biên giới Ngũ Phong, đến khi vào đất Ấn, nhà sư Huyền Trang đã đi qua 24 nước lớn nhỏ của Trung Á, đi trên đỉnh cao nhất trong dãy Thiên Sơn (7200m), tới Nhiệt Hà trong lãnh thổ Liên Xô củ thuộc nước Đột Quyết. Vượt sông Ô Hứa A Mẫu Hà (Amur Darya), qua Thiết Mộc Sơn (Iron Gate) nay là đèo Bá Đạt Khắc Sơn (Budakkhason) vô cùng hiểm trở của nước A Phú Hãn, không thua gì đỉnh Thiên Sơn tại Tân Cương. Sau đó lại phải vòng qua Đại Tuyết Sơn (Hy Mã Lạp Sơn). Nhiều nơi Huyền Trang chỉ đi có một mình vì các đoàn hộ tống không thể vượt qua biên giới nước khác.

3-HUYỀN TRANG VÀO ĐẤT PHẬT:

Lãnh thổ mà Huyền Trang đặt chân đầu tiên tại Ấn Độ là nước Kiện Bà La (Granhala) nay là tỉnh Peshawar, nằm trên bờ đông Ấn Hà, đối diện với Pakistan, nơi có nhiều di tích của Phật giáo Bắc Tông. Sau đó Ông đi dần xuống các tiểu quốc vùng đông nam như Taksasila, Nagrahra và xứ Ca Tập Di La tức là vùng Kasmir ngày nay, dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn. Vùng này từ năm 1947 tới nay là miền đất tranh chấp đẫm máu giữa hai nước Ấn và Pakistan. Đây cũng là nơi phát tích của Phật giáo đại thừa, nên ông được các sư sãi ở đây trọng đãi và thụ giáo Phật pháp với Quốc sư Xứng Lão, là một bậc thầy tinh thông tất cả kinh sách, giáo lý và sự huyền diệu của Phật môn. Nơi này còn có chùa Am Đa Nhân Đà, được coi như một tàng kinh các, chứa tới ba chục vạn kinh Phật. Vì vậy ông lưu lại đây hơn hai năm mới học hết số kinh điển trên..

Sau đó nhà sư lại tiếp tục cuộc hành trình về hướng đông, dùng thuyền lên thượng nguồn sông Hằng, để tới nước Nepal cũng ở dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn. Đây là quê hương của Phật Tỗ, vì vậy Huyền Trang được dịp đi khắp vùng để chiêm bái và hành hương khắp nơi từ Kapilavastu cho tới vườn Lumbini là chỗ Đức Phật ra đời và vùng Kusinagara là chốn Phật Tổ nhập niết bàn. Ông cũng tới Bénarès chiêm bái gốc bồ đề trong vườn lộc uyển là nơi Đức Phật đắc đạo.

Từ năm 637 tới năm 638, Huyền Trang thọ giáo với pháp sư Giới Hiền (Cilabhedra) trong tu viện Na Lan Đà. Đây là một trung tâm Phật giáo Bắc Tông lớn nhất Ấn Độ lúc đó. Đây cũng là một khu đại học gồm hàng chục tu viện với số tăng đồ theo học trên 10.000 người. Ngoài ra trong chùa còn có một đại thư viện chứa đủ các loại kinh sách của Phật giáo như kinh Vệ Đà, các sách khảo cứu về Y khoa, Dược phẩm, Toán và Khoa học. Nhờ thế Huyền Trang đã hấp thụ hầu hết tinh hoa của Phật môn cũng như bộ kinh Du Già Luận (Yagacara). Ông cũng nghiên cứu cả kinh điển của Bà La Môn nhưng quan trọng nhất là Ông học được Phạn ngữ, chìa khóa để ông có thể đi sâu vào thế giới tâm linh của Ấn Độ qua kinh sách. Rời tu viện sau khi tranh luận với một tu sĩ Bà La Môn về giáo lý của Phật giáo, ông tới thăm xứ Bengale ở phía đông Ấn Độ (Vùng này nay là nước Bangladesh).Tại đây Huyền Trang muốn dùng thuyền đi thăm đảo Simhala (Nay là Tích Lan), trung tâm của Phật giáo Nam Tông nhưng bị ngăn cản vì sóng gió nguy hiểm nên cuối cùng ông dùng đường bộ, băng ngang cao nguyên Dekhan, tới phía nam bờ biển đối diện với đảo Tích Lan nhưng vẫn không thăm được vì nơi đó đang xảy ra chiến tranh và nạn đói. Không thực hiện đước ý định, Huyền Trang lại đi ngược về hướng tây bắc, vòng vịnh Oman lên tới thượng nguồn sông Ấn Hà, nay thuộc nước Pakistan , để trở lại tu viện Na Lan Đà. Năm 642 Huyền Trang được vua Kumara mời tới thuyết pháp ở Kamarupa (nay là vùng Assam), sát biên giới Tàu. Ông lại được quốc vương Harsha, một đại quốc thời đó mời làm quốc sư và hứa sẽ giúp ông trở về Đại Đường bằng đường biển nhưng ông từ chối.

Tháng 4 năm 643 Huyền Trang trở về nước, mang theo nhiều kinh điển và tượng Phật. Nhờ hai quốc vương Harsha và Kumara giúp cho nhiều phương tiện chuyên chở như voi ngựa, lừa lạc đà cùng với xe cộ thuyền bè và đoàn tùy tùng hộ tống đông đảo nên chuyến về vô cùng thuận lợi.

4-HUYỀN TRANG TRỞ LẠI ĐẠI ĐƯỜNG:

Lúc này nhà sư dẵ 48 tuổi. Trước khi nhập biên quan, Huyền Trang ghé nước Khotan và nhờ thương đội nước này chuyển cho một tấu chương xin Đường Thái Tông tha tội và cho được nhập cảnh, vì trước đó ông đã lén đi thỉnh kinh. Do trên đoàn người khi về tới phải nán lại Sa Châu chờ lệnh. Ngày 24 tháng giêng năm 645 (sau TL), nhằm đời Đường Trinh Quan thứ 19, Trần huyền Trang về tới Trường An, được vua phái các quan đại thần ra nghênh đón rất trọng thể. Tóm lại Huyền Trang rời Đại Đường đúng 17 năm, đi gần 30.000 km, đã trải qua 138 nước lớn nhỏ, ngày nay thuộc các nước Tàu (Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông), Liên Xô cũ, Ba Tư, A Phú Hãn, Pakistan, Ấn Độ, Bhutan, Nepal và Bangladesh. Vượt qua nhiều sa mạc hoang vu, bão cát chưa hề có người đặt chân tới. Đã leo lên các đỉnh núi chọc trời, tuyết phủ vạn niên, lang thang các thung lũng đầy thú dữ và mọi ăn thịt người. Nhưng tất cả các tai nạn trên nhờ Trời Phật che chở nên cuối cùng đều qua hết. Chẳng những thế Huyền Trang lại được các vị vua đương thời cũng như quan dân các nước thương kính, giúp đỡ. Nhờ vậy ông mới được thành công và viên mãn, trở thành một bậc vĩ nhân hiển hách muôn đời. Ông đã mang về nước 159 xá lợi tử, 17 tượng Phật bằng gỗ quý, 675 bộ kinh Phật. Toàn bộ bảo vật trên, Huyền Trang đều dâng cúng vào Hoàng Phúc Tự tại kinh đô. Cảm đức độ của một bậc chân tu, vua Đường phong ông chức thượng thư nhưng ông từ chối, chỉ xin cho mình được yên ổn để dốc lòng dịch các kinh sách đã mang từ Ấn độ về. Ngoài ra để làm vừa lòng vua, ông viết bộ Tây Vực Ký , ghi lại cuộc hành trình ròng rã 17 năm nơi xứ người trên đường thỉnh kinh. Bộ sách gồm 12 tập. Đây là một tài liệu thật quý giá , giúp các sử gia cũng như nhà biên khảo muốn khảo sát về miền Trung Á mênh mông, hiểm nguy và huyền bí.

Để thuận tiện trong việc san định các kinh điển thỉnh về từ Thiên Trúc, Ông lập một tổ dịch thuật gồm 19 người thông thạo Hán lẫn Phạn ngữ. Từ đó cho đến cuối đời suốt 19 năm, Đường Tăng san định, dịch thuật và diễn giải các bộ kinh Phật quý giá và quan trọng nhất, gồm đủ thể, loại, luật trong đó có bộ ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA gồm 600 quyển. Ngoài ra ông còn viết bằng tiếng Phạn các bộ kinh như Hội Tông Luận, Chế Ac Luận.. Ông cũng dịch bộ Đạo Đức Kinh và Đa Phước Khởi Tín Luận từ Hán Văn ra tiếng Phạn.

Năm 664, sau khi hành hương từ thung lũng Lan Chi về, Đường Tăng cảm thấy mệt nên trăn trối cùng đệ tử là sau khi chết, chỉ chôn ông bằng một manh chiếu tại chốn hiu quạnh là đủ. Đường Tăng Tam Tạng, tức nhà sư Trần Huyền Trang viên tịch ngày mùng 5 tháng 5 năm 664, nhằm năm Lân Đức nguyên niên. Vua Đường Cao Tông khóc thương rất thảm thiết và ra lệnh cho toàn quốc cư tang như một quốc phụ.

Tang lễ ông được cử hành trọng thể, ngoại trừ bộ áo quan làm bằng tre như tâm nguyện của Thánh Tăng. Hiện nay phần mộ của Tam Tạng vẫn còn tại Bạch Lộc Nguyên, ngoại thành Tây An (Trường An củ). Đám tang có hơn một triệu người khắp nơi về tham dự. Sau đó có nhiều người đến cất chòi quanh mộ phần để thủ hiếu cư tang trên ba năm mới dời đi nơi khác. Theo nhận định của các sử gia, thì xưa nay kể cả các vị vua chúa, chưa có ai được mọi người kính trọng và thương mến như Thánh Tăng Huyền Trang.

Điều này cũng dễ hiểu, trước hết Thánh Tăng Huyền Trang là một vị chân tu, trọn đời chỉ nghĩ tới Phật Pháp và Đạo Lý mà thôi Ngoài ra ông còn là một nhà thám hiểm đại tài, một học giả uyên bác và trên hết là một người đã có công rất lớn trong việc tạo mối liên hệ mật thiết giữa các Dân tộc dị chủng nằm giữa ảnh hưởng của hai nền văn hóa Ấn-Trung.

Xóm Cồn Hạ Uy Di

Mùa Phật Đản 2013

Mường Giang

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt