“Một Vành Đai, Một Con Đường” – Một Thời Cơ cho Hải Quân Trung Cộng

“Một Vành Đai,  Một Con Đường”: Màu vàng là vành đai tơ lụa trên biển, màu đỏ là con đường tơ lụa trên bộ. Hai tuyến giáp nhau ở Venice (Bắc nước Ý Đại Lợi)

Lời người post: “Một vành đai, một con đường” là âm mưu xâm chiếm của Đại Hán trước thế kỷ thứ 21 nhắm tranh giành ảnh hưởng với siêu cường Hoa Kỳ.  Trong chiến lược này Trung Cộng dùng cảng Hải Phòng như là một cứ điểm trọng yếu đầu cầu (đường màu vàng). Hải Phòng là hải cảng đầu tiên để xuất hàng từ Trung Cộng đi khắp năm châu bốn bể theo đường “sea silk” (dương tơ lụa trên biển)… toàn bài này nói rõ về âm mưu “one belt, one road” của Tập Cận Bình. 

Dưới đây là bài dịch từ Foreign Policy ngày 17 tháng 4 năm 2018, tác giả Keith Johnson & Dan De Luce. Nguyên bản: http://foreignpolicy.com/2018/04/17/one-belt-one-road-one-happy-chinese-navy/

Bắc Kinh đang dùng các đầu cầu thương mại để có quyền duy trì tàu chiến ở Ấn Độ Dương.

Các lãnh đạo Trung Cộng đang tích cực quảng bá dự án “Vành đai và con đường” hàng ngàn tỷ USD của mình là dự án các bên cùng có lợi, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đem đến thịnh vượng cho phần còn chậm phát triển của thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trên thực tế, một nghiên cứu chi tiết vừa công bố hôm thứ ba cho thấy việc Bắc Kinh giành được hàng chục cảng biển khắp Ấn Độ Dương là một nỗ lực cấp nhà nước nhằm nâng cao ảnh hưởng chính trị và mở rộng tầm hoạt động quân sự của Trung Cộng từ Indonesia cho đến Đông Phi.

Báo cáo này là của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cao cấp (C4ADS), một tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ tập trung vào nghiên cứu dữ liệu, dựa trên khảo sát 15 thỏa thuận cảng biển của Trung Cộng ở khắp Ấn Độ Dương. Báo cáo kết luận rằng, trái với những gì Bắc Kinh tuyên bố, mặt kinh tế của những thỏa thuận này còn chưa rõ ràng, mặt kiểm soát về chính trị gần như là tuyệt đối, và một trong những động lực chính là giúp hải quân Trung Cộng có khả năng vươn xa hệ thống hậu cần kho vận tải dưới vỏ bọc là những hoạt động thương mại vô hại.

Bản đồ của C4ADS về các cảng biển (được đánh số) mà hải quân Trung Cộng xử dụng. Hình vuông màu đỏ là các điểm hàng hải trọng yếu. Đường màu xanh dương là tuyến vận tải biển. Đường màu đen đứt đoạn là hành lang kinh tế Trung Cộng – Pakistan. Đường màu đỏ là đường ống khí hoá lỏng của Trung Cộng – Myanmar. Đường màu nâu là đường ống dẫn dầu Trung Cộng – Myanmar. Đường màu xám đứt đoạn là kênh đào dự kiến xuyên Thái Lan.

Devin Thorne, một trong các tác giả của báo cáo, nói rằng “Xu hướng ở khắp các cảng mà chúng tôi khảo sát dường như chỉ ra rằng Trung Cộng không phải đang làm theo tư tưởng đôi bên cùng có lợi mà đang có động cơ ẩn dấu”.

Các dự án tương tự ngày càng nhiều từ Campuchia đến Pakistan lại củng cố thêm lo ngại về việc Bắc Kinh đang dùng những đầu cầu kinh tế cho các mục đích chính trị và quân sự. Một tác giả khác của báo cáo là Ben Spevack nói “Vấn đề là thỏa thuận nối tiếp thỏa thuận, nếu chỉ có một thỏa thuận thì không có gì đáng nói …”.

Báo cáo trên nói rằng điều quan trọng nhất là cái mối lo lắng cách đây vài năm còn có vẻ xa vời thì nay đã thành hiện thực. Chính quyền Trung Cộng đang dùng các công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân có liên kết về chính trị để tạo ra mạng lưới cung cấp kho vận hậu cần cho tàu chiến Trung Cộng đi tuần tra ở Ấn Độ Dương. Kết luận này dựa trên chiến lược của một nhà phân tích Trung Cộng là “dân sự đi trước, quân sự theo sau” trong phát triển các cảng biển khắp khu vực.

Các tàu chiến Trung Cộng đã và đang tận dụng khả năng lưỡng dụng của các cảng thương mại, vốn được đề cao trong luật yêu cầu các doanh nghiệp vận tải Trung Cộng hoạt động ở nước ngoài phải tiếp viện cho tàu hải quân. Báo cáo của C4ADS lưu ý rằng năm 2016, tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn (Changbai Shan) đã nhờ một công ty Trung Cộng đang hoạt động ở Thái Lan để thực hiện dịch vụ hậu cần kỹ thuật trọn gói ở nước này.

Theo một bài báo tiếng Hoa, tổng quản lý của một công ty Trung Cộng không nêu tên tham gia phục vụ tàu Trường Bạch Sơn nói “Chúng ta đã có sự phối hợp sâu sắc hơn giữa các lực lượng quân sự và dân sự, phát triển hoàn toàn dựa trên các cơ sở thương mại của chúng ta ở nước ngoài, và cung cấp dịch vụ chất lượng cho các tàu chiến của tổ quốc”. Thuyền trưởng của tàu thì nói ở đâu có công ty Trung Cộng, ở đó có đảm bảo vận tải sẵn cho tàu chiến.

Không chỉ Thái Lan, các công ty Trung Cộng còn giành quyền kiểm soát các cảng biển ở Campuchia, Indonesia, eo biển Malacca, Myanmar, Sri Lanka, Pakistan và Djibouti khi phát triển cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã cảnh báo Quốc hội hồi đầu năm nay về “sự hiện diện và ảnh hưởng đang mở rộng” của hải quân Trung Cộng mà phần lớn nhờ vào mạng lưới thương mại do Sáng kiến vành đai và con đường tạo ra.

Một cựu sĩ quan Hoa Kỳ từng làm việc cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu không nêu tên nhận thấy có sự tương quan lịch sử với đợt hành động này của Bắc Kinh. Người này nói “Cách họ làm cũng như Đế quốc Hà Lan hay Đế quốc Anh thiết lập những trạm tiếp than”.

Dấu ấn bành trướng của Trung Cộng ở Ấn Độ Dương còn có cả căn cứ hải quân chính thức đầu tiên đặt ở Djibouti, điều này khiến nhiều quan chức Mỹ trong đó có Đô đốc Harris quan ngại. Nhưng những thương cảng lưỡng dụng cũng có thể coi là có tầm quan trọng tương đương khi một hải quân đang tìm cách biến đổi mình thành một lực lượng toàn cầu thực sự có khả năng kiểm soát những con đường giao thương tối quan trọng của nền kinh tế Trung Cộng.

Chuẩn đô đốc về hưu Mike McDevitt của Hoa Kỳ, đồng thời là một thành viên cao cấp của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận tên là Trung tâm phân tích hải quân (CNA), nói rằng “Trung Cộng đang theo đuổi chiến lược ‘địa cứ chứ không phải căn cứ’”. Đây là phần tiếp nối sứ mệnh đầu tiên ở nước ngoài sau nhiều thế kỷ của hải quân Trung Cộng là các cuộc tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia khởi đầu cách nay đúng 1 thập kỷ. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã nhận ra rằng cách tiếp tế duy nhất cho tàu là dựa vào các hoạt động cảng biển đã có của Công ty vận tải viễn dương (COSCO) của nhà nước, một trong những đơn vị vận tải lớn nhất thế giới. McDevitt nói “COSCO đã giúp họ nhận ra lợi thế của các thực thể thương mại”.

McDevitt lưu ý rằng các lãnh đạo Trung Cộng rất lo lắng về khả năng những thế lực bên ngoài cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng tối quan trọng đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Ông nói “Việc họ đang làm là đặt ra những cơ sở hạ tầng cho phép tàu chiến thực thi những nhiệm vụ bảo vệ” như tuần tra chống cướp biển.

Dù cho Washington và New Delhi vẫn thường kỳ lên tiếng quan ngại về nỗ lực xây dựng “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương của Trung Cộng nhưng những tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực vẫn chưa rõ ràng trong gần suốt thập kỷ vừa qua. Trung Cộng đã giành quyền kiểm soát một cảng nước sâu ở Gwadar, Pakistan, và ép chính quyền Sri Lanka giao quyền kiểm soát các cảng của nước này. Nhưng những dự án này vẫn chưa cho thấy có liên quan gì rõ ràng đến việc Bắc Kinh tuyên bố muốn trở thành một cường quốc hải quân hạng nhất. Evan Medeiros, trước đây chịu trách nhiệm chính sách Châu Á trong Nhà trắng thời Barack Obama, hiện nay làm việc tại Nhóm Á-Âu (Eurasia Group), nói “Lúc đó nó còn chưa phải là một chiến lược mạch lạc, kết nối như về sau”.

Thông qua tìm tòi các tài liệu doanh nghiệp cùng các bài viết trong nhiều năm của những nhà phân tích và sĩ quan quân đội Trung Cộng, báo cáo của C4ADS đã kết luận rằng chiến lược đó giờ đây đã rõ ràng. Báo cáo ghi rằng “Các nhà phân tích Trung Cộng, đặc biệt những người có xuất thân từ quân đội, mô tả việc đầu tư vào cảng là cách giúp Trung Cộng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương một cách kín đáo”.

Công việc này vẫn còn chưa hoàn thành. Hầu hết các dự án cảng đều có kế hoạch phát triển một số loại hình công nghiệp do Trung Cộng dẫn đầu gần đó, bao gồm đóng tàu và luyện kim, để biến các cảng thực sự trở thành những trọng điểm kho vận hậu cần hữu dụng. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài dự án được phát triển như thế.

Devin Thorne của C4ADS nói rằng “Họ đang đặt nền móng – sẽ mất nhiều năm nữa ta mới thấy hết lợi ích quân sự của những cảng này”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Khuôn khổ pháp lý đã được xây dựng”, luật Trung Cộng yêu cầu các tàu thuyền thương mại phải được đóng theo tiêu chuẩn quân sự và các công ty vận tải phải phục vụ các sứ mệnh quân sự khi được yêu cầu.

Trung Cộng phải mất nhiều năm nữa mới đạt được mục tiêu của mình nhưng cũng đã đủ làm Ấn Độ lo lắng. Cảng của Trung Cộng ở khu vực đỉnh vịnh Bengal, ở Sri Lanka, và ở Pakistan về cơ bản đã bao vây đối thủ truyền thống là Ấn Độ. Nếu những cuộc ghé thăm thi thoảng của tàu khu trục và tàu ngầm Trung Cộng trong những năm vừa qua đã làm các nhà hoạch định hải quân Ấn Độ phải nhìn về hướng đông, thì viễn cảnh các thỏa thuận làm ăn trên Con đường tơ lụa của Trung Cộng cho phép hải quân Trung Cộng duy trì hiện diện nhiều hơn trong khu vực lại càng gióng lên những hồi chuông báo động. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cũng vừa đưa ra báo cáo chi tiết riêng về ý nghĩa an ninh của các hoạt động của Trung Cộng ở Ấn Độ Dương.

Phó đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh vùng phía đông của Hải quân Ấn Độ nói “Điểm khởi đầu không bao giờ là một căn cứ chiến lược” mà là các thỏa thuận thương mại nhỏ lẻ, “những tác động này đều không tốt cho Ấn Độ, hay cho Ấn Độ Dương”.

Các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ cũng đang cố gắng tìm cách đối phó với thách thức ở Ấn Độ Dương sau khi giằng co với sự bành trướng hung hăng của Trung Cộng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Đô đốc Harris nói với Quốc hội rằng “Sự thiếu minh bạch trong kế hoạch quân sự của Trung Cộng là lý do chúng ta phải lo ngại”.

Nhưng việc Bắc Kinh nhảy vào Ấn Độ Dương còn kín đáo và dè dặt hơn việc giành đất ở Biển Đông. Medeiros, cựu quan chức của Obama, nói cách tiếp cận lặng lẽ với bề ngoài vô hại này khiến Washington gặp khó khăn trong việc đưa ra phản ứng đối phó. Medeiros cho rằng “Đối với bất kỳ quân đội nào thì đáp lại một cuộc xâm lăng trắng trợn cũng dễ dàng hơn là khi phải vận động các nguồn lực quốc gia, đồng minh và đối tác trong lúc chưa rõ về tính chất của cái thách thức đang đối mặt”.

Keith Johnson là phóng viên địa kinh tế toàn cầu, và Dan De Luce là phóng viên an ninh quốc gia chính của tạp chí “Chính sách đối ngoại”. Bethany Allen-Ebrahimian có tham gia góp ý cho bài viết. Nguồn bài viết: http://foreignpolicy.com/2018/04/17/one-belt-one-road-one-happy-chinese-navy/

  1. Nguyễn Trịnh Đôn hiện đang làm việc tại Anh quốc và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

Những quan điểm trong bài viết không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.

Bản dịch được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/

——

Tác giả: Keith Johnson & Dan De Luce

Foreign Policy ngày 17 tháng 4 năm 2018

Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 19 tháng 4 năm 2018

Tải toàn văn báo cáo của C4ADS tại Devin Thorne & Ben Spevack (2018) Harbored Ambitions – How China’s Port Investments Are Strategically Reshaping the Indo-Pacific

Tải toàn văn báo cáo của CSIS tại Zack Cooper (2018) Security Implications of China_s Military Presence in the Indian Ocean

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt