Một nét son ngày cũ

Nhà báo Long Ân, nay cũng thành người thiên cổ, khi nghe đồng chí Lê Hưng qua đời rất thương tiếc đã viết lên những tâm tình, kỷ niệm trên cuộc đời tranh đấu…nhìn anh như một biểu tượng cách mạng, như một nét son ngầy cũ…

Một nét son ngày cũ

Ba Bớp

Chiều chủ nhật, anh Nguyễn sỹ Hưng điện thoại cho tôi báo tin “Anh Lê Hưng vừa mất rồi! Tôi báo cho ông biết để cùng buồn!”. Lời báo tin, nghe như một tiếng thở dài. Tôi vẫn nghĩ, anh Lê Hưng là một nét son đỏ rực trong lòng những chiến hữu, những bằng hữu của anh. Anh là một xác nhận minh bạch sự hiện hữu của những lý tưởng cao cả trong một thế giới mà con người đang rời xa mọi giá trị đạo lý.

Anh Lê Hưng là một chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh là bào đệ của ông Lê Ninh, “Việt Quốc Lê Ninh, Việt Minh Trần văn Giầu”. Cái đẹp nhất nơi anh Lê Hưng là sự chân thành, là lòng ngay thẳng và ý chí chiến đấu không sức mạnh nào lay chuyển. Tôi vẫn nhìn nơi anh như biểu tượng của một con người cách mạng, vững tin ở một lý tưởng, bình thản tiến bước trên đường tranh đấu để đi đến cái đích chọn lựa, bất chấp bất cứ một trở ngại nào. Anh là một điểm sáng hiếm muộn trong một thế giới hôn ám đang bước thật nhanh, thật xa trên đôi hia bẩy dặm của sự tiến bộ trên lãnh vực khoa học kỹ thuật và tư tưởng thuần lý, những bước thật nhanh thật xa đã khiến cho những giá trị đạo lý tinh thần hụt hơi không bắt kịp. Những chênh lệch lớn giữa những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần là một vấn đề thời đại. Là một chênh lệch mà khối quốc dân Việt Nam phải cấp bách điều chỉnh và cân bằng. Vì cuộc chiến đấu của khối quốc dân Việt không phải chỉ dựa trên sức mạnh vật lý-chính trị mà còn trên sức mạnh tinh thần-đạo lý. Mà đạo lý hôm nay đã bị bỏ quên trong đáy sâu của những ngăn tủ bụi bậm, khi con người thực dụng hôm nay đang bận bịu và vội vã chạy theo chữ Lợi.

Tôi gặp lại anh Lê Hưng trên xứ lạ quê người, nơi tiểu bang Virginia vào năm 1975, khi tôi bước chân vào nghề làm báo, và trở lại nhà trường để tìm hiểu thêm về nghề nghiệp. Anh Lê Hưng cũng trở lại nhà trường, anh bảo tôi “Người tranh đấu phải mở rộng kiến thức để thích ứng với thời đại”. Anh nói về những phong trào Tây du và Đông du ngày nào, và tin rằng công tác “trồng người” là công tác cấp bách cho Việt Nam tương lai. Anh cũng nhắc nhở tôi “Dù trong hoàn cảnh nào anh em mình cũng không bỏ nhau”. Tôi rất hân hạnh được anh, một người trong những “anh già” nhận là một người bạn vong niên. Hơn hai mươi năm sau tại California, trong Đại Hội Liên Châu, anh nhắc lại lời dặn dò cũ, nhưng anh đã không giữ lời đã hứa và bỏ đi thật bất ngờ. Trong những ngày ở California, tôi cũng chỉ có dịp gặp anh Lê Hưng dăm ba lần gì đó. Anh thường một mình một túi đeo lưng đi thăm viếng, vận động và thúc dục những đồng chí của anh ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ. Anh đến và đi, như một cơn gió, không hẹn hò, không cáo biệt.

Ở con người anh Lê Hưng còn nổi bật tính bộc trực, một lần anh đã đòi tranh luận với anh Phạm nam Sách cho ra lẽ về một bài báo anh Sách viết về Việt Nam Quốc Dân Đảng. “Anh Sách là bằng hữu, nhưng chúng ta phải minh bạch ngay trong tình bằng hữu”. Anh hãnh diện vì VNQDĐ là đảng đầu tiên đã đặt mục tiêu tranh đấu cho một toàn khối quốc dân Việt Nam, chứ không vì một trào đại hay một chế độ chính trị. Việt Nam Quốc Dân Đảng là đảng của Quốc Dân Việt Nam, là đảng chính trị đầu tiên đã làm cuộc vận động tháo gỡ dân tộc và tổ quốc Việt Nam thoát khỏi một quá khứ quân chủ phong kiến cũ, để bước vào một con đường lịch sử mới, con đường tự do dân chủ. Việt Nam Quốc Dân Đảng đã mở lớn một cánh cửa để khối quốc dân Việt Nam tiến bước vào một thế giới mở rộng, viết lên những trang sử khác. Anh cho rằng, trong cận đại lịch sử, những người cách mạng Việt Nam đã bị các thế lực thực dân đế quốc, các chế độ tay sai thực dân đế quốc truy lùng, đàn áp và sát hại. Cả một khối quốc dân việt Nam bị đẩy ra đứng ở bên lề lịch sử. Nhưng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam không một lúc nào bỏ cuộc chiến đấu của mình. Anh ghi nhận cuộc tranh đấu cách mạng của khối quốc dân Việt Nam chưa hoàn tất vì những khó khăn thiên nan vạn nan, mang tầm vóc toàn cầu, đã bao trùm lên định mệnh một khối quốc dân Việt Nam lận đận. Nhưng lãnh tụ Nguyễn thái Học đã nói “Không thành công thì thành Nhân”. Những nhân, những hạt cách mạng đã được reo xuống tổ quốc Việt Nam, và người Việt Nam sẽ hoàn tất cuộc cách mạng của mình với một ý chí sắt đá không ai có thể lay chuyển. Chính cái suy nghĩ phải đổi mới để thích ứng với thời đại của anh, có một lúc đã khiến cho anh bị một vài đồng chí của chính anh phê bình và chỉ trích. Nhưng cái tâm anh sáng tỏ. Nhưng con người anh chân thành, ngay thẳng với một ý chí vững chãi đã đưa anh đi qua mọi ngộ nhận.

Lần sau cùng gập anh tại nhà anh Nguyễn sỹ Hưng, anh nắm tay tôi như chúng tôi vừa gập nhau buổi sáng, bình thản, ân cần và chân thành. Tôi nói đùa là anh còn trẻ, anh bảo tôi “Không có những ý chí già nua, chỉ có con người già nua mà thôi…” Do đó cái hố sâu ngăn cách lớn nhất giữa những thế hệ chính là cái hố sâu khác biệt về cái ý chí chiến đấu. Anh cho rằng cái khung cảnh xã hội hôm nay, khi mà đạo lý bị phá sản, con người hoài nghi ở mọi lý tưởng và ở ngay chính mình, con người phản bội tất cả, và phản bội ngay chính mình, thì mọi cuộc vận động góp sức thật là gian nan. Nhưng anh tin ở câu “Chân cứng đá mềm”.

Những đồng chí của anh, những bằng hữu của anh đã nói về anh như nói về một huyền thoại, nhưng tôi biết đây là một huyền thoại có thật. Chính những con người như Nguyễn thái học, cô Bắc, cô Giang, Nhượng Tống, Ký con, và bây giờ đây, Lê Hưng… đã khiến cho những con người trong cõi hỗn mang hôm nay, những con người hoài nghi nhất, nhìn thấy cái ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời, tin tưởng là cuộc đời này vẫn có những lý tưởng có thật, và dấn thân đóng góp cho những cuộc tranh đấu cho những lý tưởng có thật.

Anh Nguyễn sỹ Hưng báo tin anh Lê Hưng đã mất, tôi viết những hàng chữ này đễ khóc anh, để chia sẻ những mất mát với những chiến hữu của anh. Tôi không chỉ thương nhớ anh như một con người chiến sĩ cách mạng, anh là một nét son đạo lý sáng chói trong cuộc đời vô minh này. Tôi xin mượn lời người khác “farewell and if for ever, still for ever farewell…”

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt