Moderna đề nghị Mỹ và châu Âu duyệt vắc xin chống virus Vũ Hán
Hãng Moderna cho biết rằng vào ngày 30/11 họ sẽ đề nghị các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa virus Vũ Hán của hãng. Các kết quả nghiên cứu mới đây xác nhận rằng các mũi tiêm vắc xin này có hiệu quả ngừa bệnh rất tốt. Điều này cũng làm tăng tốc cuộc đua để bắt đầu việc tiêm chủng hạn chế, vào lúc virus Vũ Hán gần đây đã lây lan nhiều hơn.
Đại dịch virus Vũ Hán đã và đang gia tăng ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Các bệnh viện ở Hoa Kỳ bị căng hết cỡ khi cả nước có hơn 160,000 ca nhiễm mới và hơn 1,400 ca tử vong mỗi ngày.
Kể từ khi xuất hiện đầu tiên ở Trung Cộng cách đây gần một năm, virus corona đã giết chết hơn 1.4 triệu người trên toàn thế giới.
Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức đã phối hợp đầu tiên xin phép tiêm chủng vắc xin ngừa virus Vũ Hán ở Mỹ. Moderna hiện là hãng thứ hai xin phép, nhắm đến bắt đầu việc tiêm chủng ở Mỹ vào tháng 12.
Ở bên kia Đại Tây Dương, các cơ quan quản lý của Anh cũng đang thẩm định vắc xin của Pfizer và một vắc xin khác của AstraZeneca.
Moderna chế tạo vắc xin của họ cùng với Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Hồi cuối tuần qua, hãng nói họ nhận được kết quả cần thiết cuối cùng cho thấy vắc xin có mức độ hiệu quả là hơn 94%.
Moderna cho biết rằng đến nay loại vắc xin để tiêm này bảo đảm tính hiệu quả và an toàn. Nó chỉ có vài tác dụng phụ tạm thời, giống như bị cúm. Vì vậy, hãng nói rằng vắc xin này đáp ứng các yêu cầu do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đặt ra để sử dụng khẩn cấp trước khi hoàn tất quy trình thử nghiệm giai đoạn cuối. Cơ quan Dược châu Âu, tương đương với FDA ở Mỹ, tỏ ý rằng họ cũng sẵn sàng duyệt nhanh hơn theo quy trình khẩn cấp.
FDA đã cam kết rằng trước khi quyết định duyệt bất kỳ loại vắc xin virus nào, các cố vấn khoa học của họ sẽ công khai thảo luận xem có đủ bằng chứng về mỗi ứng cử viên vắc xin hay không.
Đầu tiên là vào ngày 10/11, Pfizer và BioNTech sẽ trình bày dữ liệu cho thấy ứng cử viên vắc xin của họ đạt hiệu quả 95%. Ngày 17/11 Moderna cho biết rằng họ sẽ đến lượt ra trước “tòa án khoa học” này đúng một tuần sau.
Nếu FDA cho phép sử dụng khẩn cấp, Moderna dự kiến sẽ có 20 triệu liều sẵn sàng cho Hoa Kỳ vào cuối năm. Mỗi người sẽ cần tiêm hai liều, như vậy, sẽ có đủ vắc xin cho 10 triệu người.
Pfizer dự kiến sẽ có 50 triệu liều trên toàn cầu vào tháng 12. Một nửa trong số đó – đủ cho 12,5 triệu người – được dành cho Hoa Kỳ.
Tuần này, một nhóm chuyên gia khác của Hoa Kỳ, do Các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thành lập, sẽ nhóm họp để quyết định cách thức cung cấp lượng vắc xin ban đầu.
Họ dự kiến sẽ dành những liều vắc xin đầu tiên còn khá hiếm cho các nhân viên y tế, và nếu vắc xin có tác dụng tốt ở người già yếu, chúng sẽ được tiêm cho những người sống trong các cơ sở chăm sóc dài hạn (các trại dưỡng lão).
Khi có nhiều vắc xin hơn trong những tháng tiếp theo, những nhân viên thiết yếu khác và những người có nguy cơ cao nhất đối với virus corona sẽ đến lượt. Nhưng sẽ không đủ vắc xin cho toàn bộ dân số nói chung, ít ra là cho đến mùa xuân năm 2021.
Bên ngoài Hoa Kỳ, Moderna cho biết sẽ có nguồn cung đáng kể “trong quý đầu tiên” của năm 2021.
Cả vắc xin của Moderna lẫn của Pfizer đều được sản xuất bằng cùng một công nghệ, sử dụng một đoạn mã di truyền của loại protein “gai” bao quanh vi rus. Cái RNA thông tin đó, còn gọi là mRNA, chỉ dẫn cho cơ thể tạo ra một số protein gai vô hại, huấn luyện các tế bào miễn dịch nhận ra nó nếu như virus thật rốt cuộc cũng xuất hiện.
Theo tin VOA