Mô hình Trung Quốc Tai Họa Cho Nhân Loại
Chính Sách “Bắc Thuộc” ở Đông Nam Á
Biểu tình chống chính quyền ở Miến Điện cũng là biểu tình chống Trung Cộng
Cambodia “thần phục” Trung Cộng ra sao?
Tuần lễ giữa tháng 9, thế giới đầy những chuyện khôi hài, mỉa mai và nhục nhã. Chủ tịch công ty Mattel khấu đầu quỳ lạy trước thiên triều, nhận tất cả các tội (sơ xuất trong khi làm đồ chơi cho trẻ em sản xuất ở Trung Hoa), vì thế lực mạnh của Trung Quốc trên các công ty lớn Hoa Kỳ. Trong khi chính quyền George W. Bush đang phải đối đầu với Quốc hội về giải pháp Iraq với chánh sách dân chủ hóa Trung Đông thì hàng trăm ngàn dân Á Châu khác ở Miến Điện xuống đường biểu tình đòi dân chủ ở Rangon (thủ đô Miến Điện). Làn sóng dân chủ đã bị đàn áp tàn nhẫn. Các nhà sư với chiếc áo cà sa, rộng vừa đủ để che hết những nỗi đau khổ của chúng sinh, từ chối của bố thí từ chế độ độc tài, lật úp những chiếc bình bát, đã bị giết dưới những họng súng không nương tay của nhà cầm quyền.
Thế giới đã nghe thấy những tiếng kêu quen thuộc từ những người dân cùng khổ Miến Điện xem Hoa Kỳ như Phật Quán Thế Âm: “Người Mỹ ở đâu sao không thấy can thiệp cứu chúng tôi?” Những tiếng kêu đòi hỏi dân chủ của người dân Miến Điện và của bà Aung San Suu Kyi, thắng cử năm 1990, đã rơi vào thời điểm không thích hợp, vào lúc mà danh từ “dân chủ” được xem như là một danh từ dơ dáy, không phổ thông đối với thế giới khi mà ông Bush bị trói tay trước tình hình chánh trị và quân sự ở Trung Đông.
Chánh sách của Trung Cộng ở Miến Điện
Nước Miến Điện (thời kỳ thuộc địa Anh được gọi là Burma nay được gọi là Mayanmar thật ra không đổi tên mà chỉ vì sự ngạo mạn của người Anh phát âm sai, khi dành lại chủ quyền Burma trở lại thành Mayanmar, Rangoon trở thành Yangon) có 53 triệu dân 89% là Phật giáo, trước là thuộc địa của Anh từ năm 1800, sau khi độc lập Miến Điện bị đặt dưới sự cai trị của Hội Đồng quân nhân từ năm 1962. Tướng Than Shwe, 74 tuổi, cầm đầu quân đội 400,000 người đối đầu với lực lượng tăng đoàn tương đương cùng con số 400,000 đã đổ tội cho phiến quân Cộng sản và thành phần chia rẽ xúi dục các nhà sư nổi loạn. Nhưng trong một thế kỷ qua dân Miến Điện đã quen với những sự tranh đấu của các nhà sư qua phong trào dành độc lập từ người Anh cho đến các cuộc tranh đấu chống độc tài.
Để che dấu độc tài và áp bức, tướng Than Shwe và các tướng lãnh giả vờ đóng vai Phật tử thuần thành, thăm viếng và xây cất các ngôi chùa ở Miến Điện. Họ ăn xài xa hoa trong khi đa số dân Miến Điện nghèo đói. Ngôi chùa Shwedagon xây cất năm 1999, được trang trí bằng 53 tấn vàng với quả cầu trên nóc gắn 4,341 hạt kim cương. Miến Điện từ một nước giầu, nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng, hầm mỏ đã thành một nước nghèo đói trong vùng Đông Nam Á do sự cai trị của các tướng lãnh từ thời Ne Win và nghèo đói hơn từ khi Hoa Kỳ và các nước Liên Hiệp Quốc cấm vận và không công nhận chánh quyền quân phiệt từ sau cuộc thảm sát ngày thứ sáu đen “Black Friday” năm 1988 với hơn 3000 nhà sư bị giết.
Miến Điện bị cô lập vì lương tâm của thế giới là một cơ hội tốt cho chánh sách “Bắc thuộc” của Trung Cộng, một chánh sách đã được thực hiện ở Darfur, ủng hộ chánh quyền sát nhân Sudan, đem qua vùng Đông Nam Á. Trung Cộng ủng hộ chế độ quân phiệt vì quyền lợi kinh tế và chiến lược của họ. Từ 1991, Miến Điện trở thành quốc gia đồng minh thân cận nhất của Trung Cộng ở Đông Nam Á.
Năm 2007, giao thương hai nước là 1 tỷ 460 triệu Mỹ kim với số xuất cảng từ Trung Hoa năm lần so với số nhập cảng. Mặt khác Trung Cộng vơ vét tài nguyên thiên nhiên đem về Trung Hoa. Năm 2006, Trung Cộng đầu tư 194 triệu Mỹ kim vào Miến Điện. Trung Cộng cần các hải cảng nhìn ra Ấn Độ Dương để chuyên chở dầu hỏa từ Trung Đông vào Vân Nam và Tứ Xuyên. Đường rầy xe lửa từ các tỉnh Lashio và Myitkyina ở bắc Miến Điện và đường sông Irrawaddy cũng quan trọng cho sự vận chuyển tài nguyền và dầu hỏa. Chính quyền Miến Điện giúp Trung Cộng bành trướng quân sự vào vùng trọng yếu Á Châu (ví dụ như Nhật Bản khi vận chuyển dầu từ Trung Đông cũng phải qua đường Miến Điện).
Cuộc tàn sát năm 1988 ở Miến Điện và thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đã đưa hai chánh quyền độc tài gần lại với nhau. Kỷ niệm 50 năm bang giao hai nước, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gọi sự đoàn kết Miến-Hoa quan trọng cho các quốc gia vùng Đông Nam Á. Từ năm 1991, Trung Cộng giúp Miến Điện xây cất hạ tầng cơ sở, đuờng xá, cầu cống, đường xe lửa, gởi cố vấn quân sự và quân đội qua đóng ở Miến Điện. Miến Điện chánh thức trở thành nước chư hầu của Trung Cộng. Các tầu chiến Miến Điện bị Ấn Độ ngăn chặn đã mang cờ Miến Điện nhưng thủy thủ đoàn là Trung Cộng (giống như thời chiến tranh VN, pháo thủ là người Hoa). Quân cảng Trung Hoa được xây dựng ở thị trấn Sitwee, vịnh Bengal, để chống lại lợi thế kinh tế của con đường tắt Macacca ở Singapore.
Từ năm 1988, Trung Cộng đã tân trang, cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện lên đến 1.4 tỷ Mỹ kim cùng lúc đó chánh quyền Trung Cộng gởi hàng trăm ngàn dân sang sinh sống vùng bắc Miến Điện gây rối loạn và xung đột với dân địa phương. Xung đột xẩy ra từng ngày. Ở Mandalay, bảng hiệu thương mại đa số chữ Hoa. Có 26 công ty Trung Hoa với 62 dự án thủy điện, dầu, hơi đốt ở bắc Miến Điện. Các công ty này khai thác hầm mỏ, xây đập thủy điện để đem dầu, hơi đốt về Vân Nam. Trung Hoa cho Miến Điện vay không điều kiện khác với cơ quan IMF với chủ trương của cựu chủ tịch Paul Wolfowitz, tiền đầu tư phải đem lợi ích cho người nghèo.
Các công ty Trung Hoa không minh bạch, giữ kín bí mật hoạt động và tin tức trong khi 14 công ty khác với 40 chương trình thủy điện trên sông Salween khai thác thủy điện cho vùng Vân Nam cùng 17 chương trình dầu và hơi đốt của ba công ty lớn SINOPEC, CNPC, CNOOC không tôn trọng môi sinh. Họ giết hại thú rừng được xếp vào loại tuyệt chủng và phá hoại rừng. Nặng nhất là ở vùng Arakan nơi mà những cuộc biểu tình cầm đầu bởi các nhà sư bắt đầu từ ngày 19-8-2007 lan rộng đến Yangon. Ở đây, người Hoa chiếm đoạt, khai thác tài nguyên đem về Tầu nhưng chỉ mướn công nhân Trung Hoa không mướn công nhân Miến Điện. Dân quê Miến Điện tấn công văn phòng các công ty Trung Hoa và tẩy chay dầu hỏa, hơi đốt xuất cảng. Với lý do giá dầu tăng gấp năm, cuộc biểu tình ngày 19-8-07 ở Sitwee là cuộc biểu tình vừa chống chế độ quân phiệt vừa chống chế độ cộng sản ở Bắc Kinh. Thế giới chú ý đến cuộc biểu tình đổ máu trên đường phố Yangon vào trung tuần tháng 9 mà quên bẵng các cuộc biểu tình trước các tòa đại sứ Trung Cộng ở 15 thành phố trên mười quốc gia đòi Trung Cộng ngưng đầu tư vào Miến Điện để chấm dứt chánh sách bóc lột của nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc gây ra nạn diệt chủng, cưỡng hiếp phụ nữ, cưỡng bách lao động tương tự như ở thành phố Darfur, Sudan, Phi Châu.
Người Hoa ở Cambodia
Trong khi cả thế giới chú ý về tình hình đẫm máu ở Miến Điện thì ở Cambodia nhà độc tài Hunsen đã âm thầm thi hành chánh sách Bắc thuộc của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Dân Cambodia trải qua một lần diệt chủng “the Killing Fields” của Pol Pot, đa số theo Phật giáo tiểu thừa, đã âm thầm nhận lãnh “cái nghiệp” không nổi lên chống lại độc tài như dân Miến Điện. Họ không dám cộng tác với Tòa Án Quốc tế xử vụ diệt chủng sắp đến vào năm 2008 để nhà độc tài Hunsen che chở cho những kẻ chủ mưu trong vụ diệt chủng vĩ đại với hơn 1.7 triệu người bị giết.
Nhà độc tài Hunsen từ khi được Cộng Sản Việt Nam đưa lên nắm quyền năm 1978 (vẫn sống dưới hầm trú ẩn trong dinh thủ tướng) sau chánh thức làm thủ tướng từ năm 1985, đã trở thành con bài của Trung Cộng sau 22 năm cầm quyền. Ông Hunsen tuyệt đối trung thành với nhà cầm quyền Trung Quốc. Ông đã dùng hết tất cả tài nguyên và nhân lực của Cambodia cho quyền lợi của Trung Quốc để trao đổi cái ghế thủ tướng. Mặt ngoài Cambodia có nền kinh tế phồn thịnh nhưng bên trong ông Hunsen đã đưa đất nước vào đường nô lệ Trung Quốc và nạn tham nhũng trầm trọng ăn sâu như những con mối đục gỗ. Nhờ du khách và kỹ nghệ may mặc, mức tăng trưởng kinh tế năm 2007 tăng vọt. Các hãng may do người Đài Loan và Hồng Kông làm chủ đem hãng xưởng về Cambodia sau khi khối E.U. đặt “quota” cho các công ty may mặc sản xuất hàng ở Trung Quốc.
Các hãng xưởng đã tạo ra hàng trăm ngàn công việc cho dân Cambodia. Lợi tức qua tay các công chức cán bộ tham những làm giầu như đảng Mafia qua các dịch vụ buôn lậu thuốc phiện, cờ bạc và ổ điếm (ông tướng chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia một trong ba người thân cận nhất của ông Hunsen làm chủ ổ điếm lớn nhất nước), nhưng 1/3 dân Cambodia vẫn sống trong cảnh nghèo đói với mức lợi tức dưới 50 xu mỗi ngày.
Trung Cộng đem chánh sách viện trợ vô điều kiện vào Cambodia. Ông Hunsen đã tuyên bố “các nhà lãnh đạo Trung Quốc viện trợ không điều kiện. Chúng tôi có thể làm tất cả những điều chúng tôi muốn với số tiền họ cho vay…” Vì quyền lợi của Trung Quốc, đảng Cộng sản tiếp tục chi tiền cho ông Hunsen. Học giả Pháp về Cambodia, ông Francois Mangin ước tính từ năm 1993 đến 1999, chánh quyền Hunsen đã bán hơn 1/3 đất đai sản xuất được cho các công ty ngoại quốc. Các công ty này khai thác tài nguyên phá hoại môi sinh và rừng. Công ty Pheapimex và Wuzisham là hai công ty cầm đầu bởi bạn của bà Hunsen đã phá hơn 1.2 triệu mẫu cho các công ty Trung Hoa khai thác. Chánh quyền tịch thu đất đai bất hợp pháp (giống như ở VN) phân phát cho thân nhân người nhà trong đảng của Hunsen và các nhân vật thân cận. Lợi tức kiếm ra được đem đi rửa tiền qua chín sòng bài ở Poipet gần biên giới Thái Lan. Các cơ quan tiền tệ thế giới như ngân hàng thế giới và ngân hàng phát triển Á Châu biết nhưng không điều tra.
Tháng ba năm 2006, viện trợ cho Cambodia đến từ các nước Tây phương lên đến 600 triệu đi đôi với những điều kiện chống tham nhũng nhưng một tháng sau, thủ tướng Trung Cộng, Ôn Gia Bảo đến Phnompenh đề nghị cho Hunsen vay 600 triệu Mỹ kim vô điều kiện, chánh quyền Kampuchia trở nên một trong những chánh quyền được Trung Cộng “bảo vệ” như hệt đảng Mafia (trong đó có cả Miến Điện và các quốc gia Phi Châu).
Trung Cộng chỉ chú ý đến quyền lợi mà không cần biết đến nhân quyền và nạn nhân của các chánh quyền độc tài. Ở Miến Điện, Trung Cộng cần vịnh Bengal còn ở Cambodia họ cầm kiểm soát vịnh Thái Lan, hải cảng Shihanoukville sẽ cho phép tầu chiến Trung Cộng tránh được sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Sau khi công ty dầu hỏa Chevron tìm thấy dầu ở hải phận Cambodia, các công ty Trung Hoa đang muốn dành phần. Trung Cộng bắt đầu xây cất hạ tầng kiến trúc, đường xá, cầu cống, đường xe lửa để chuyên chở hàng hóa và tài nguyên về Trung Quốc và họ cũng bắt đầu gởi dân qua Cambodia, mướn người Hoa thay vì mướn người địa phương vào các công ty của họ.
Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn chánh quyền quân phiệt Miến Điện đàn áp làn sóng dân chủ. Các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục bất lực với thế lực mới của Trung Cộng. Chánh quyền CSTQ có đủ kinh nghiệm đàn áp dân chủ, tôn giáo để dạy lại cho các chánh quyền độc tài bù nhìn của họ. Phương tiện truyền thông mạng lưới không còn là phương tiện hữu hiệu chống lại các chế độ độc tài khi mà các công ty lớn Microsoff, Google và Yahoo cộng tác với chánh quyền cộng sản Trung Quốc. Dân sợ hãi vì tù tội, cơm ăn áo mặc và chiến thuật đàn áp bắt bớ trong đêm tối vẫn là phương tiện hữu hiệu của chánh quyền Bắc Kinh, họ sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp phong trào dân chủ.
Miến Điện và Cambodia là hai kinh nghiệm để cho phong trào dân chủ ở Việt Nam suy ngẫm.
Việt Nguyên