Made in China 2025: Tham vọng phát triển ngành chế tạo của Trung Cộng

Bản kế hoạch 10 năm đầy tham vọng

Năm 2015, Trung Cộng (TC) công bố dự án Made in China 2025 (Chế tạo tại Trung Cộng 2025). Đây là bản kế hoạch 10 năm phát triển ngành công nghiệp chế tạo, một sáng kiến chiến lược đầy tham vọng nhằm biến TC thành siêu cường chế tạo cạnh tranh với Mỹ. Sau khi công bố, “Made in China 2025” đã trở thành chủ đề khiến cho các doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới lo ngại, bởi lẽ như nhà bình luận người Australia N. O’Connor nói “Kế hoạch này rất táo bạo vì nó nhằm tới việc đưa TC thống trị toàn thế giới”. Nó được cho là đang làm tăng sự căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại TC-Mỹ. Báo Mỹ gần đây đưa tin dường như TC đang soạn thảo một kế hoạch mới thay cho “Made in China 2025”, hoãn một số mục tiêu nhằm giảm căng thẳng thương mại.

Lấy cảm hứng từ Chiến lược Industrie 4.0 của Đức, dự án “Made in China 2025” xác định 10 lĩnh vực trọng điểm lớn về phát triển ngành chế tạo:   – Công nghệ tin học thế hệ mới;  – Máy công cụ điều khiển số cấp cao và robot; – Thiết bị hàng không vũ trụ; – Thiết bị công trình biển và tàu biển kỹ thuật công nghệ cao; – Trang thiết bị giao thông quỹ đạo tiên tiến;   – Ô tô tiết kiệm năng lượng và dùng nguồn năng lượng mới; – Thiết bị điện lực; – Trang thiết bị nông nghiệp; – Vật liệu mới; – Y dược sinh học và thiết bị y tế tính năng cao.

Bản kế hoạch 10 năm này được chuẩn bị rất kỹ. Đích thân ông Miao Wei (Miêu Vu) Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin TC (Ministry of Industry and Information Technology) đã nhiều lần nói, viết bài thuyết minh về “Made in China 2025”.

Xu thế phát triển công nghiệp và khoa học kỹ thuật trên thế giới

Theo Miao Wei, sản xuất công nghiệp của loài người đã trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là Công nghiệp 1.0, tức thời đại chế tạo cơ khí, có đặc điểm chính là sản xuất cơ khí hóa; Giai đoạn thứ hai là Công nghiệp 2.0, tức thời đại điện khí hóa và tự động hóa, có đặc điểm chính là dây chuyền sản xuất quy mô lớn; Giai đoạn thứ ba là Công nghiệp 3.0, tức thời đại thông tin điện tử, đặc điểm chính là sản xuất tự động hóa và có tính linh hoạt; Giai đoạn thứ tư là thời đại chế tạo thông minh [trí năng] còn gọi là Công nghiệp 4.0.

Trong đó CPS (hệ thống vật lý không gian mạng, còn gọi hệ thống thực-ảo, Cyber-Physical Systems) là biện pháp quan trọng để thực hiện chế tạo thông minh. Sử dụng CPS sẽ có thể thực hiện mục tiêu mà ngành chế tạo truyền thống không thể làm được. Ví dụ trước đây công ty ô tô Ford (Mỹ) sản xuất theo kiểu dây chuyền, không những mẫu xe như nhau mà cả màu sơn cũng chỉ một màu đen. Ngày nay công ty Volkswagen (Đức) sử dụng nền tảng MQB (MQB Platform, Modularer Querbaukasten, nền tảng kiểu modul hóa) có thể sản xuất hơn 60 mẫu xe theo dạng modul. Nhờ MQB, công ty này có thể tăng sản lượng ô tô năm 2018 lên 7 triệu xe.

Xu thế mới về mô hình sản xuất là phát triển xanh, ngành phục vụ có tính sản xuất. Phát triển xanh thể hiện ở hai mặt: cải tiến nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, khí đốt đá phiến; phát triển ngành chế tạo theo hướng giảm tiêu hao năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, “Chuỗi cung ứng xanh” và “Cách mạng carbon thấp” của Âu Mỹ, “Phát thải zero” của Nhật là những thiết kế và ý tưởng mới luôn xuất hiện.

Các đổi mới sáng tạo cũng có xu thế liên thông, hiệp đồng, mạng hóa. Hiện đang có cơn sốt “Internet +” (tức Internet accelerated speed, Internet tăng tốc), là một biện pháp rất tốt để phát triển nền kinh tế thực thể.

Ngành chế tạo toàn cầu về cơ bản đã hình thành 4 cấp thê đội. Thê đội một là trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT)  toàn cầu, do Mỹ dẫn đầu; thê đội II là lĩnh vực chế tạo đầu cao, gồm EU, Nhật; thê đội III là lĩnh vực chế tạo đầu thấp, chủ yếu gồm một số nước mới nổi; thê đội IV chủ yếu là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm OPEC, châu Phi, Mỹ Latinh…

Bộ trưởng Miao Wei nhấn mạnh: TC hiện ở thê đội III; và tình thế trên hiện khó có thể có thay đổi căn bản trong một thời gian ngắn.

Trong lĩnh vực KHKT, Mỹ hiện là cường quốc số 1 thế giới. Các trường đại học Mỹ tập họp 70% số nhà khoa học đạt giải Nobel. 17 trong số 20 ĐH tốt nhất, 8 trong 10 công ty KHKT đỉnh cao toàn cầu đều ở Mỹ; nước này cũng có các phòng thí nghiệm tối tân nhất để nghiên cứu.

Thứ hai là Anh Quốc, nổi tiếng với động cơ Rolls-Royce lắp trên máy bay Boeing 787, với chip của công ty ARM dùng trong rất nhiều thiết bị cơ khí của Đức, Nhật. Nước Anh đứng thứ hai sau Mỹ về số chủ nhân giải Nobel. Trong 200 trường ĐH tốt nhất thế giới, Anh có 32 trường (Mỹ có 75).

Thứ ba là Nhật, nước này xếp thứ hai thế giới về số bằng sáng chế, thứ ba về số trường ĐH tốt nhất, có các công ty như Toshiba, Mitsubishi…giàu sức mạnh KHKT.

Thứ tư là Pháp. Tại Paris có những Đại học điển hình theo mô hình đào tạo tinh hoa xã hội. Khác với Anh, ưu thế KHKT của Pháp được thực hiện với sự đầu tư cao của nhà nước, thể hiện trên các mặt hàng không vũ trụ, năng lượng, vật liệu. Pháp có hơn 50 chủ nhân giải Nobel, hơn chục chủ nhân giải Fields.

Thứ năm: Đức. Nổi tiếng với công nghiệp cơ khí, với tinh thần dấn thân trong khoa học, có thể lặp lại hàng nghìn lần một thí nghiệm. Dự án Industry 4.0 là giấc mơ của TC nhưng đã là hiện thực của người Đức.

Thứ sáu: Phần Lan một nước nhỏ có 5 triệu dân, ngoài hãng Nokia nổi danh, họ đứng trong Top 17 của 20 lĩnh vực KHKT quan trọng, ví dụ về máy tính họ có Linux, cũng xếp hàng đầu thế giới về giáo dục, và là nước chuyển giao công nghệ cao nhiều nhất cho TC.

Thứ bảy: Israel, nước có tài nguyên lớn nhất là trí tuệ. Người mang huyết thống Do Thái chiếm rất nhiều giải Nobel. Israel rất mạnh về quân sự và KHKT, đứng đầu thế giới về tỷ lệ số người có học vị sau ĐH (24%), có đóng góp xuất sắc về nhiều lĩnh vực KHKT, nhất là điện tử, hóa học. Nhiều công ty công nghệ cao của Mỹ lập cơ sở nghiên cứu tại Israel để lợi dụng trí tuệ người bản xứ.

Thứ tám: Thụy Điển. Ủy ban xét giải Nobel đều là người nước này, chứng tỏ họ có những nhà khoa học hàng đầu. 38% lao động làm việc trong các công ty công nghệ cao (như Ericsson, lập năm 1876) – tỷ lệ cao nhất toàn cầu. Chế độ phúc lợi xã hội tốt nhưng người dân không hề lười nhác, nền giáo dục theo mô hình cạnh tranh.

Thứ chín: Ý. Dẫn đầu về thiết kế thời trang và hàng tiêu dùng cao cấp – một thể hiện của khả năng đổi mới sáng tạo. Đứng hàng đầu thế giới về máy bay lên thẳng, ô tô đua siêu cao cấp, thứ 4 thế giới về chế tạo thiết bị.

Thứ mười: Canada, có 16 lĩnh vực KHKT đứng trong Top 20 thế giới, 4 lĩnh vực Top 5. Công ty MDA thiết kế cánh tay máy và khoang làm việc của robot trên trạm ISS.

Xếp hạng từ 11 đến 19 về sức mạnh KHKT là: Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Australia, Na Uy, Bỉ, Nga, Singapore, Hàn Quốc. Đáng chú ý: Singapore chẳng những là một trung tâm tài chính và thương mại như Hong Kong mà còn là trung tâm KHKT và công nghệ. ĐH Nan Yang đứng trong Top 30 ĐH nổi tiếng thế giới. Ngành chế tạo của họ gồm 4 trụ cột là hóa dầu, điện tử, cơ khí, y dược sinh học. Trung tâm hóa dầu lớn thứ 3 thế giới là ở Singapore…

Hướng phát triển công nghiệp chế tạo của Trung Cộng

Hiện nay TC đang đứng trước sức ép từ hai chiều. Một mặt các nước phát triển đang liên tiếp soạn thảo chiến lược “Tái công nghiệp hóa”. Mặt khác các nước đang phát triển lợi dụng ưu thế cạnh tranh với giá thành thấp đang tích cực thu hút các ngành sản xuất cần nhiều sức lao động và giá trị phụ gia thấp, một số công ty đa quốc gia đầu tư mở xưởng tại các nước mới nổi, có công ty đang xem xét việc chuyển công xưởng của họ từ TC sang các nước mới nổi; tình thế ngành chế tạo toàn cầu sẽ có biến đổi lớn. TC vừa đứng trước cơ hội lớn vừa đứng trước thách thức lớn.

Người TC hy vọng đến ngày nước CHND Trung Hoa 100 tuổi (2049) có thể xây dựng nước họ thành một cường quốc chế tạo dẫn dắt ngành chế tạo thế giới, tạo cơ sở vững chắc thực hiện giấc mơ phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Hiện nay TC đã là nước lớn ngành chế tạo nhưng chưa phải cường quốc ngành chế tạo, vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước tiên tiến. Ví dụ về ngành chế tạo trang thiết bị, chủ yếu TC còn kém ở các mặt: Thứ nhất, năng lực đổi mới sáng tạo tự chủ còn yếu, trình độ nghiên cứu thiết kế phần lớn trang thiết bị còn khá thấp, biện pháp kiểm tra thí nghiệm còn thiếu, đổi mới công nghệ còn ở giai đoạn bắt chước, chưa đột phá “hộp đen” công nghệ bậc thấp. Thứ hai, còn thiếu năng lực phối hợp cơ sở, các linh kiện và vật liệu cốt yếu còn dựa nhiều vào nhập khẩu, năng lực kỹ thuật cơ sở vẫn còn yếu, nghiêm trọng kiềm chế năng lực tập thành hệ thống và toàn bộ. Ví dụ TC có tổ máy phát điện hạt nhân “Hualong 1” tự chủ sáng tạo, tuy phần lớn thiết bị đã nội địa hóa nhưng 15% linh kiện quan trọng vẫn phải nhập khẩu. Thứ ba, tính tin cậy chất lượng sản phẩm của một số lĩnh vực cần nâng cao. Thứ tư, kết cấu sản xuất chưa hợp lý, năng lực sản xuất đầu thấp dư thừa mà năng lực sản xuất đầu cao thì còn thiếu.

Hiện nay nhiều người TC rất phấn khởi về việc ngành dịch vụ đã vượt qua ngành chế tạo, trở thành ngành sản xuất lớn thứ hai của nền kinh tế quốc dân, thậm chí cho rằng TC có thể vượt qua giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, tiến thẳng lên cơ cấu kinh tế lấy ngành dịch vụ là chính. Bộ trưởng Miao Wei cho rằng quan điểm nói trên là tách rời thực tế. Nhìn vào tiến trình 300 năm công nghiệp hóa thế giới, có thể thấy công nghiệp hóa là nội dung cốt lõi của hiện đại hóa, một giai đoạn lịch sử không thể vượt qua để thực hiện hiện đại hóa. Ngành chế tạo là kẻ gánh vác quan trọng nhất của đổi mới kỹ thuật. Các cường quốc kinh tế Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Pháp đều đi lên từ cường quốc chế tạo. Không có ngành chế tạo phát triển cao thì ngành dịch vụ sẽ thiếu sự nâng đỡ mạnh mẽ; không có nền kinh tế thực thể vững chắc thì ngành dịch vụ sẽ thành cây không có gốc, một nước lớn sẽ rất khó thực hiện hiện đại hóa. Cần nhấn mạnh TC đã tiến sang giai đoạn quyết định trở thành xã hội khá giả, ngành chế tạo trang bị đã trở thành cột trụ thực hiện giấc mơ phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Đảng CSTC và Nhà nước TC có quyết tâm mạnh mẽ đưa nền kinh tế thực thể tiến lên. “Made in China 2025” là cương lĩnh hành động 10 năm đầu tiên thực thi chiến lược cường quốc chế tạo. Đây là một nhiệm vụ gian khổ và cấp thiết, không thể bước một bước là tới, cần cố gắng ít nhất 30 năm. Bước thứ nhất, cố gắng dùng 10 năm tiến lên hàng ngũ cường quốc chế tạo. Bước thứ hai, đến năm 2035, ngành chế tạo toàn bộ phát triển tới mức hạng trung bình trong số các cường quốc chế tạo. Bước thứ ba, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập 100 năm (năm 2049), địa vị nước lớn ngành chế tạo của TC càng được củng cố hơn, thực lực tổng hợp tiến lên hàng đầu cường quốc chế tạo trên thế giới.

“Made in China 2025” đưa ra phương án giải quyết các khiếm khuyết của ngành chế tạo TC, đó là củng cố ưu thế phát triển hiện có, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, chuyển đổi thông minh, củng cố cơ sở, giành đột phá trong các ngành quan trọng. Khi nói về vấn đề lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển, Bộ trưởng Miao Wei đã giới thiệu về  Trung tâm đổi mới sáng tạo trong ngành chế tạo như sau: Giữa thành quả KHKT với triển khai sản xuất tồn tại một tầng đứt gãy gọi là “vực chết”; để vượt qua “vực” này các nước phát triển đều gấp rút xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành chế tạo, nhằm chuyển dịch công nghệ phòng thí nghiệm sang công nghệ sản phẩm. Theo kế hoạch, đến năm 2020 TC sẽ xây dựng khoảng 15 trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành chế tạo cấp quốc gia.

Bước sau sẽ tổ chức làm luận chứng các dự án chế tạo thông minh, nghiên cứu xác định mục tiêu dự án và lộ trình, từ sự an toàn khống chế trang bị và sản phẩm chế tạo thông minh, xây dựng nhà máy thông minh/số hóa, đã nêu ra trọng điểm, mục tiêu và lộ trình thực hiện phát triển 5–10 năm. Từ năm 2014, TC bắt đầu thực hiện các dự án công nghiệp nền tảng mạnh, hỗ trợ cung cấp cho ngành hàng không vũ trụ các loại vật liệu nền tảng quan trọng, linh kiện thiết bị dẫn điện. Xây dựng nền móng là để tránh dựng lâu đài trên cát nhưng không ngăn cản thực hiện đột phá trong các lĩnh vực cục bộ. Bước tiếp theo sẽ phải đột phá trọng điểm, thực thi các dự án đổi mới sáng tạo về trang thiết bị cấp cao, tổ chức sản xuất máy bay cỡ lớn, động cơ dùng trong công nghiệp hàng không và tua-bin khí đốt, máy công cụ điều khiển số cấp cao.

Để tổ chức thực hiện dự án  “Made in China 2025”, TC đã lập Tổ Lãnh đạo xây dựng cường quốc chế tạo nhà nước, do Phó Thủ tướng Mã Khải đứng đầu; Ủy ban Tư vấn chiến lược xây dựng cường quốc chế tạo nhà nước (National Manufacturing Strategy Advisory Committee) do Phó Chủ tịch Quốc hội Lộ Dũng Tường (nguyên Chủ tịch Viện Khoa học TC) đứng đầu, thành viên gồm mấy chục nhà khoa học, CEO công ty … Ủy ban này đã công bố rất nhiều văn bản, thành tựu nghiên cứu, Sách Xanh… hướng dẫn chi tiết việc thực hiện dự án “Made in China 2025”.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp các tin tức liên quan lấy từ một số phát ngôn của Miao Wei và báo chí Trung Cộng.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt