Mỹ khẳng định chiến lược xoay trục sang châu Á
Ngày 18/04/2014, một tàu chiến Mỹ đã tới Singapore trong kế hoạch triển khai sức mạnh quân sự tại Đông Nam Á. Sự kiện này khẳng định mối quan tâm chiến lược của Tổng thống Barack Obama đối với vùng châu Á.
Việc điều động tàu USS Freedom diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc công khai diễu võ giương oai sức mạnh hải quân tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á.
Các sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, USS Freedom là một loại tàu mới, được gọi là tàu chiến vùng duyên hải (Littoral Combat Ship – LCS), đã tới căn cứ hải quân Changi, Singapore, lúc 11 giờ sáng nay. Singapore, đồng minh lâu đời của Mỹ, sẽ hỗ trợ về mặt hậu cần và luyện tập cho các lực lượng Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.
Được thiết kế để tác chiến gần bờ, tàu LCS của hải quân Mỹ sẽ được triển khai ở châu Á, trong vòng tám tháng tới, tham gia các cuộc tập trận của hải quân và tới thăm các cảng trong vùng.
Theo ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực, thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore, được AFP trích dẫn, việc điều tàu Freedom cho thấy quyết tâm của Washington bảo đảm tự do lưu thông trong vùng, nơi có nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng.
Ông nhấn mạnh : “Việc triển khai các tàu chiến là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, điều chỉnh lại lực lượng từ Iraq và Afghanistan hướng sang châu Á”. Mặt khác, động thái này cũng chứng tỏ với các đồng minh và quốc gia thân hữu với Hoa Kỳ là Washington quyết tâm duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng nhằm bảo đảm ổn định.
Năm ngoái, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, đã thông báo là Washington sẽ chuyển một phần lớn lực lượng hải quân sang vùng Thái Bình Dương, từ nay đến năm 2020, và đây là một phần trong chiến lược mới của Mỹ chú trọng tới châu Á, nơi mà Trung Quốc trở thành một cường quốc đang trỗi dậy.
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với bốn quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bao gồm cả những vùng biển cận kề với các nước khác. Thế nhưng, chỉ có Philippines và Việt Nam lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc có thái độ hung hăng, quyết đoán, đe dọa dùng vũ lực giải quyết tranh chấp.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn tuyên bố không đừng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền nhưng nhấn mạnh Washington có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an ninh và tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông.
Chỉ huy hải quân Mỹ Timothy Wilke cho biết : “Chúng tôi dự tính dành đa phần thời gian để hiện diện tại Đông Nam Á…Chúng tôi nóng lòng được đi đây đó, làm việc với hải quân các nước trong khu vực và chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong quá trình cùng luyện tập, thăm viếng các cảng và tiến hành các hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải”
Singapore đồng ý đón tiếp 4 tàu chiến LCS của Mỹ và các tàu này luân phiên hiện diện trong cảng của Singapore, chứ không thả neo thường trực lâu dài. Thủy thủ đoàn Mỹ sinh hoạt toàn bộ trên tàu, trong thời gian có mặt ở Singapore.
Ông Euan Graham, chuyên gia về an ninh hàng hải ở trường nghiên cứu quốc tế Rajaratman, Singapore, nhận định, Bắc Kinh rất lo lại về việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong vùng Đông Nam Á, cho dù việc triển khai loại tàu LCS không tạo nên sự thay đổi lớn về tương quan sức mạnh hải quân trong vùng.
Mặt khác, Trung Quốc rất muốn tìm hiểu thêm khả năng hoạt động của loại tàu LCS, đa năng, tác chiến trên mặt nước, tham gia rà phá mìn, thủy lôi và săn đuổi tàu chiến, phù hợp với các vùng biển như Biển Đông.
Vẫn theo chuyên gia này, qua việc đưa tàu Freedom đến Singapore, Hoa Kỳ muốn bác bỏ luận điệu cho rằng việc cắt giảm ngân sách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hiện diện của Mỹ tại châu Á.