MỸ BỎ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO MẶT TRẬN MÀ KHÔNG MẤT QUYỀN QUYẾT ĐỊNH TỐI HẬU

Trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc tối thứ Hai 28/03/2011, tổng thống Mỹ, Obama nói: “Chiến dịch được Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận đã ngăn chặn được cuộc tiến quân giết chóc của lãnh tụ Libya”. Tổng thống tuyên bố: “Ông Gadhafi đã đánh mất lòng tin của dân chúng nước ông và tính hợp pháp để lãnh đạo”. Ông thêm rằng: “Không còn nghi vấn gì là Libya và toàn thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ông Gadhafi không còn nắm quyền nữa”. Nhưng ông lại cho rằng: “Mở rộng sứ mạng quân sự để bao gồm luôn cả việc thay đổi chế độ ở Libya sẽ là sai lầm”. Ông chỉ cam kết: “sẽ duy trì an ninh của thuờng dân Libya và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cung cấp viện trợ lương thực và y tế”. Về mặt quân sự, ông lập lại lời cam kết rằng: “Vai trò của Mỹ sẽ hạn chế và sẽ không sử dụng đến lực lượng trên bộ nào của Hoa kỳ”. Chấm dứt bài phát biểu bằng lời tuyên bố: “Hoa kỳ hoan nghênh sự kiện lịch sử đang chuyển biến tại Trung Đông và Bắc Phi, và rằng giới trẻ đang dẫn đường”.

Đảng viên Cộng Hoà hàng đầu trong Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, John McCain nói rằng: “Tổng thống Obama đã biện bạch rất vững vàng về việc Hoakỳ can dự tại Libya trong bài phát biểu trước toàn quốc”. Nhưng: “Nếu Gadhafi ở lại nắm quyền, thì ta sẽ thấy một tình trạng bế tắc giống những gì ta đã thấy với cựu lãnh tụ Iraq, Saddam Hussein khi ta thiết lập một vùng cấm bay, áp đặt các biện pháp chế tài này nọ, và tình trạng kéo dài 10 năm. Gadhafi nắm quyền sẽ tiếp tục thực hiện hành vi khủng bố chống lại chính nhân dân ông ta. Và dĩ nhiên là ông ta phạm tội ác chiến tranh”. Thượng nghị sỹ McCain tuyên bố: “Hoakỳ nên tiếp tục đi hết con đường đến Tripoli”. “Và giúp lực lượng nổi dậy truất quyền của lãnh tụ Libya càng sớm càng hay”. Về phía đảng Dân Chủ của tổng thống Obama thì chia rẽ, người ủng hộ, kẻ chống đối. Kẻ chống đối đồng quan điểm với dân biểu Dennis Kucinich cho rằng: “Nước Mỹ nay lại làm cảnh sát quốc tế”.

Thực ra với vị thế siêu cuờng hiện nay, nếu Mỹ không nhúng tay vào những biến động ở một nước nào đó, thì nó chỉ có tính cách cục bộ địa phương, không thể mang tầm vóc quốc tế được. Những chuyển động chính trị tại Tunisia, tại Aicập, tuy là do tuổi trẻ chủ động phát khởi, kéo dân xuống đường, chống độc tài bất công, đòi tự do dân chủ, nhưng Mỹ đã mau chóng tiếp tay, nên mới có sự thành công vang dội, rồi trở thành cao trào cách mạng lan rộng khắp Bắc Phi, Trung Đông và Thếgiới. Ngược lại, nếu ở những nơi ấy, dân chúng không tự đứng lên thì Mỹ  đâu có lý do can thiệp. Nhưng Mỹ có tiếp tay hữu hiệu cho phong trào dân chúng nổi dậy được hay không, là do Mỹ có ảnh hưởng mạnh tới đâu với chính quyền ở nơi đó. Ở Libya thì Mỹ không có ảnh hưởng gì, nên lãnh tụ Gadhafi mới mạnh tay bắn giết người biểu tình đòi ông phải từ bỏ quyền hành. Dẫn đến việc cả thế giới lên án Gadhafi là phạm tội cá chống nhân loại.

Đúng là Hoakỳ đã chủ đạo trong công cuộc vận động Hội Đồng Bảo An LHQ  thông qua Nghị Quyết 1973, thiết lập vùng cấm bay ở Libya, và cho phép quốc tế dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ cho thường dân trước sự trấn áp của quân đội trung thành với ông Gadhafi. Đồng thời trong buổi đầu Hoakỳ cùng với Anh, Pháp đã sắm vai trò chính của chiến dịch oanh kích Libya. Nhưng tổng thống Mỹ Obama lúc đó lại đang công du tại Brazil để tuyên bố: “Đã cho phép lực lượng Mỹ hoạt động quân sự một cách hạn chế, không triển khai bộ binh tại Libya”. Ông khẳng định: “Tuy không sử dụng vũ lực, nhưng Hoakỳ không khoanh tay ngồi nhìn một nhà độc tài đe dọa tàn sát dân lành”. Trong chương trình nói chuyện với dân chúng vào thứ Bảy hàng tuần vừa qua, tổng thống Obama công nhận: “Hoa kỳ không thể và không nên can thiệp mỗi lần có một cuộc khủng hoảng trên thế giới”. Nhưng “khi có những người vô tội bị đe dọa thảm sát trong biển máu thì quyền lợi của Hoa kỳ buộc chúng ta phải ra tay”. Đối với những lời than phiền  việc tổng thống mơ hồ về vai trò của nước Mỹ, ông đáp lại: “Nhiệm vụ của Hoa kỳ được ấn định rõ ràng và có giới hạn. NATO sẽ thay thế Mỹ điều hành chiến dịch trong những ngày tới”.

Kết thúc hội nghị 40 nước về vấn đề Libya tại London hôm thứ Ba 29/03/11, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: “Các cường quốc thế giới chưa có quyết định về việc trang bị vũ khí cho phe nổi dậy tại Libya, nhưng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép mở chiến dịch oanh tạc nhằm vào các lực lượng chính phủ Libya, không loại trừ biện pháp đó”. Trong cuộc họp báo ở London trước khi trở về Washington, bà Hillary Clinton nói rằng: “Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia Libya có thể trông đợi sự trợ giúp tài chánh từ nước ngoài”. Và rằng: “có thể có sự chuyển giao vũ khí hợp pháp cho phong trào nổi dậy” Bà cho biết: “vẫn hài lòng với điều cam kết mạnh mẽ về Dân Chủ của Hội Đồng Chuyển Tiếp, và sự giao tiếp rộng rãi của họ với tất cả mọi tầng lớp dân chúng tiêu biểu cho mọi khuynh hướng chính trị”. Hội đồng này ngoài một số người được biết tới như: Cựu bộ trưởng tư pháp của Gadhafi, tiến sĩ Moustapha Abdeljalil giữ vai trò Tổng Thư Ký; cựu đại sứ Libya tại Ấnđộ ông Ali Essaoui phụ trách Ngoại Giao; tướng Omar al-Hariri phụ trách về Quân Sự; tiến sĩ Ali Targouni sống lưu vong ở Mỹ, từng là giáo sư Tài Chánh tại đại học Washington ở Seattle, phụ trách về Dầu Khí, Kinh Tế, Tài Chánh.

Trước mắt tiến sĩ Ali Targouni đã vạch ra một kế hoạch, với mục tiêu cần đảm bảo nhu cầu căn bản của người dân, như trả lương, dự trữ lương thực, thuốc men, xăng dầu và sự vận hành của hệ thống ngân hàng. Thế nhưng vấn đề là phải có tiền. Nguồn thu nhập chủ yếu của Libya là dầu hoả. Ông Targouni tỏ ra rất tự tin. Theo ông: “Quân đội cách mạng đang kiểm soát vùng Đông Nam Libya, một phần rộng lớn của nguồn dự trữ dầu khí của Libya”. Ông cho biết, đã đạt được một số thoả thuận với Qatar để bán dầu. Ông nói: “Thông điệp của tôi chuyển đến các đối tác như sau: Chúng tôi tôn trọng tất cả các cam kết và các hợp đồng đã được ký trước đây, mà không cần quan tâm tới việc ai đã ký. Nhưng chúng tôi cũng nhớ đến những người bạn đã ủng hộ chúng tôi vào lúc chúng tôi cần. Trước hết đó là nước Pháp và Qatar”. Theo Figaro việc bổ nhiệm ông Targouni vào vị trí này để làm yên lòng các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn dầu khí, đã ký các hợp đồng với chế độ Gadhafi. Hiện nay Hoakỳ đang giữ trong tay 30 tỷ Mỹkim của Gadhafi, qua tuyên bố nêu trên của ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton thì việc chuyển giao số tiền đó cho Hội Đồng Chuyển Tiếp này chỉ là vấn đề thời gian. Đến đây thấy rằng: Mỹ tuy bỏ vai trò lãnh đạo chiến dịch nhất thời, nhưng trong thực tế thì quyền quyết định tối hậu về vận mệnh Libya, trước sau quốc tế vẫn đặt trong tay Mỹ. Chính quyền Barack Obama đã nâng vai trò của Hoakỳ lên tầm cao mới trong sinh hoạt chính trị quốc tế, và làm sáng tỏ được chính nghĩa Dân Chủ Hoá Toàn Cầu.

Little Saigon ngày 29/03/2011.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt