Một Cách Nhìn Về Ngành Công An CSVN
Nguyễn Văn Huy
“…Công an trị là cách thức tổ chức và làm việc trong guồng máy an ninh, không một công dân nào không bị theo dõi,…”
Muốn tìm hiểu bản chất của một chế độ, chỉ cần nhìn cách tổ chức ngành an ninh của chế độ đó thì sẽ thấy rõ. Nếu là một chế độ dân chủ, tổ chức của ngành này phải gọn nhẹ, linh động và ít tốn kém, chính sách an ninh phải được thay đổi thường xuyên để thích ứng với những đòi hỏi của tình hình mới và một thế giới luôn luôn chuyển hóa. Nếu là một chế độ độc tài, tổ chức của ngành này phải rất cồng kềnh, chậm chạp và rất tốn kém, chính sách an ninh rất khó thay đổi hoặc không thể thay đổi vì nó đan xen, chồng chéo, bao trùm và kiểm soát tất cả.
Theo cách nhìn này, tổ chức của ngành an ninh Việt Nam thuộc loại thứ hai. Thật ra chế độ cộng sản Việt Nam cũng không cần che giấu bản chất độc tài đảng trị của mình, nó được ghi ngay trong hiến pháp. Về độc tài, điều 6 xác nhận : “Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Để lãnh đạo những định chế đó, điều 4 dành riêng cho đảng cộng sản : “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Một chế độ công an trị
Muốn duy trì một chế độ vừa độc tài vừa đảng trị, guồng máy an ninh tại Việt Nam bắt buộc phải rất đồ sộ và rất hung bạo. Đồ sộ vì nó phải có mặt tại khắp mọi nơi và sẵn sàng ra tay trong bất cứ trường hợp nào. Hung bạo để duy trì sự sợ hãi, và qua sự sợ hãi để giữ vững quyền lãnh đạo. Như mọi chế độ độc tài, ngành an ninh của chính quyền cộng sản Việt Nam là công cụ đắc lực nhất để bảo vệ chế độ, nó được tổ chức rất chặt chẽ và rất bí mật. Nhưng bí mật nào cũng có ngày bị phát giác. Với những tiến bộ về kỹ thuật truyền thông hiện nay, mọi người đều có thể tìm đọc trên Internet lịch sử và cách tổ chức các bộ trong guồng máy chính quyền cộng sản Việt Nam : vi.wikipedia.org.
Theo sự trình bày trên “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, ngành an ninh của chính quyền cộng sản Việt Nam được giới thiệu dưới tên “Bộ công an Việt Nam”, trong mục “các bộ và cơ quan ngang bộ thuộc chính phủ Việt Nam”. Đây là một “bài cần chú thích nguồn gốc” vì không có ký tên và xuất xứ của tác giả. Mặc dù có sự dè dặt tối thiểu này, những dữ kiện về ngày tháng, địa điểm và tên nhân vật trong bài viết khá chính xác. Chắc chắn người viết phải là một cán bộ cấp cao trong guồng máy chính quyền cộng sản mới có được những dữ kiện vừa chính xác vừa bí mật này, cũng có thể đây là một tài liệu mà chính quyền cộng sản Việt Nam muốn phổ biến. Nếu người đưa tài liệu này lên mạng là một thường dân mà bị bắt, tương lai của người đó chắc chắn sẽ không khá, vì sẽ bị kết những bản án tù rất nặng với những tội danh làm gián điệp cho ngoại bang hay phản bội tổ quốc, trước kia có thể lãnh án tử hình.
Nhưng cho dù sự thật có thế nào, đọc qua cách tổ chức của ngành an ninh này, tức Bộ Công An, thì rõ ràng Việt Nam là một chế độ công an trị. Công an trị không có nghĩa là có nhiều công an đứng ở mỗi góc đường để kiểm soát sự đi lại của dân chúng hay làm việc trong những đồn bót địa phương. Trong thực tế, mặc dù mặc đồng phục giống nhau, những cán bộ này trực thuộc các chính quyền địa phương hơn là Bộ Công An. Công an trị là cách thức tổ chức và làm việc trong guồng máy an ninh, không một công dân nào không bị theo dõi, hay không bị lập hồ sơ, kể cả những cán bộ cao cấp trong đảng và nhà nước. Có những hồ sơ chỉ được lập ra rồi cất đó, chờ khi hữu dụng.
Trong một quốc gia (dân chủ) bình thường, ngành an ninh phải trực thuộc hoặc đặt dưới quyền lãnh đạo của Bộ Nội Vụ, nhưng tại Việt Nam Bộ Nội Vụ và Bộ Công An là hai bộ riêng biệt. Tầm vóc và chức năng của hai bộ không ngang nhau.
Bộ Nội Vụ hiện nay chỉ giản dị là một cơ quan hành chánh thực hiện chức năng quản lý của nhà nước về các lãnh vực : tổ chức bộ máy hành chánh nhà nước ; tổ chức chính quyền địa phương ; địa giới hành chánh ; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ; các hội đoàn và các tổ chức phi chính phủ ; văn thư, lưu trữ nhà nước ; dịch vụ công thuộc bộ. Bộ trưởng đương nhiệm là ông Đỗ Quang Trung.
Bộ Công An thì ngược lại, qui mô và tầm vóc hơn. Nó là cơ quan quản lý trực tiếp các lực lượng công an trên toàn quốc. Nó là một trong hai lực lượng vũ trang nhân dân chính của đảng cộng sản : quân đội và công an. Nếu nhiệm vụ của quân đội là “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” (điều 45 và 46 hiến pháp 1992), thì lực lượng công an có nhiệm vụ “giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”. Nhưng nhiệm vụ chính của công an là “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả cách mạng” (điều 45 và 47 hiến pháp 1992). Bạo lực là yếu tố bao trùm trong mọi hoạt động của hai lực lượng này. Cho dù có ngụy biện tới đâu đi nữa, bản chất của chế độ độc tài, đảng trị này vẫn là bạo lực, mà họ gọi là chuyên chính vô sản.
Bạo lực thể hiện trực tiếp qua chức vụ của những người lãnh đạo, đây là một bộ công an quân sự hóa. Lễ phong quân hàm đầu tiên được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cuối năm 1962 cho 200 người. Từ 1987 đến nay, tất cả các bộ trưởng Bộ Công An đều mang quân hàm tướng : Mai Chí Thọ (1987-1991), đại tướng ; Bùi Thiện Ngộ (1991-1996), thượng tướng ; Lê Minh Hương (1996-2002), thượng tướng ; Lê Hồng Anh (từ 2002), đại tướng. Chỉ một số ít cán bộ dân sự được đồng hóa với cấp bậc quân sự (như trường hợp ông Nguyễn Văn Thắng, giáo sư, được đồng hóa với cấp bậc trung tướng khi được chỉ định làm giám đốc Học viện An ninh Nhân dân, Hà Nội), đại đa số còn lại là sĩ quan công an hoặc được chuyển thẳng từ quân đội sang.
Nếu làm một thống kê sơ bộ, Bộ Công An là bộ có nhiều tướng nhất, chỉ sau bộ quốc phòng. Đứng đầu bộ là một đại tướng (Lê Hồng Anh, bộ trưởng), 3 thượng tướng (Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiệm và Nguyễn Văn Hưởng, tất cả đều là thứ trưởng, ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản), 16 trung tướng (4 người vừa là thứ trưởng vừa là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng, số còn lại là những tổng cục trưởng và cục trưởng những cục quan trọng nhất), 65 thiếu tướng (đa số là cục trưởng những cục về tình báo, an ninh chiến lược và an ninh nội chính), hơn 70 đại tá (đa số là cục trưởng những cục kỹ thuật), ngoài ra còn có một số thượng tá đảm nhiệm những cơ quan và cơ sở kỹ thuật bình thường của ngành công an.
Tổ chức của Bộ Công An
Bộ Công An có lẽ là bộ có nhiều thứ trưởng cấp tướng nhất : 7 người (3 thượng tướng và 4 trung tướng), trực tiếp cai quản 6 tổng cục (direction générale) và cục (direction), vụ (bureau) trực thuộc bộ. Trong nội bộ của Bộ Công An, sự phân chia theo tầm quan trọng cũng rất rõ ràng : ngạch an ninh gần như lãnh đạo tất cả mọi sinh hoạt chính của bộ, trong khi ngạch cảnh sát chỉ đảm nhiệm hai cơ sở Tổng cục cảnh sát nhân dân, tức Tổng cục II , và cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (V26).
Về tổ chức, Bộ Công An có 6 tổng cục và một số cục, vụ trực thuộc bộ.
1. Tổng cục An ninh nhân dân, tức Tổng cục I, trước kia là Tổng cục Phản gián, trực thuộc ngạch an ninh. Đây là đơn vị an ninh có tuổi đời cao nhất, được thành lập từ ngày tấn công trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng (1) ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12-7-1946. Ở cấp trung ương, những cục trực thuộc tổng cục này mang mã hiệu A, ở cấp địa phương (cấp tỉnh) là PA. Tổng cục này, gồm một tổng cục trưởng và 8 phó tổng cục trưởng. Dưới quyền những người này khoảng 40 cục có nhiệm vụ tham mưu (A12), bảo vệ kinh tế (A17), quản lý xuất nhập cảnh (A18), trinh sát ngoại tuyến (A21), kỹ thuật nghiệp vụ I và II (A22, A23), điều tra, hay chấp pháp (A24), bảo vệ văn hóa tư tưởng (A25), hồ sơ nghiệp vụ (A27), chính trị (A28), hậu cần (A29), bảo vệ chính trị I (A35), bảo vệ chính trị II, tức cục chống gián điệp các nước ASEAN (A36), bảo vệ chính trị III, tức cục chống gián điệp các nước Tây Âu (A37), bảo vệ chính trị IV, tức theo dõi địa bàn nông thôn (A38), bảo vệ chính trị Việt (A39), theo dõi các tổ chức tôn giáo (A41), chống khủng bố, theo dõi các tổ chức phản động trong và ngoài nước (A42), an ninh Tây Bắc, an ninh Tây Nguyên, an ninh Tây Nam Bộ…
2. Tổng cục cảnh sát nhân dân, còn gọi là Tổng cục II, trực thuộc ngạch cảnh sát. (Xin đừng lầm với Tổng cục II của Bộ Quốc Phòng, tức Tổng cục tình báo quân đội, vì Bộ Quốc Phòng cũng có 5 tổng cục : chính trị, kỹ thuật, tình báo, hậu cần và công nghiệp quốc phòng). Tổng cục này được thành lập ngày 20-7-1963, giữa lúc cuộc chiến tại miền Nam bắt đầu bùng phát mạnh, nhằm đưa vào miền Nam một số cán bộ để đào tạo và giữ gìn an ninh tại những vùng vừa mới chiếm. Ở cấp trung ương, mã hiệu của Tổng cục cảnh sát là C, ở cấp địa phương là PC. Tổng cục này cũng có 8 phó tổng cục trưởng, cai quản khoảng 30 cục. Đứng đầu là cục tham mưu (C11), kế đến là những cục chuyên môn như quản lý hành chính và trật tự xã hội (C13), điều tra tội phạm hình sự (C14), điều tra tội phạm kinh tế (C15), cơ quan điều tra (C16), phòng chống ma túy (C17), điều tra tham nhũng (C37), khoa học hình sự (C21), hỗ trợ tư pháp (C22), phòng cháy chữa cháy (C23), giao thông đường thủy (C25), giao thông đường bộ (C26), nghiệp vụ (C27), chính trị (C28), hậu cần (C29), môi trường (C36), huấn luyện chó (C32), Interpol…
3. Tổng cục xây dựng lực lượng công an nhân dân, tức Tổng cục III, thuộc ngạch an ninh, gồm một tổng cục trưởng và ít nhất 5 phó tổng cục trưởng phụ trách khoảng 20 cục. Mã hiệu là X, không có cấp địa phương. Tổng cục này được thành lập ngày 20-6-1981, do nhu cầu đào tạo chính quy gia tăng để cung cấp những cán bộ có trình dộ văn hóa trong các thành phố tại miền Nam. Đây là tổng cục đào tạo cán bộ công an cao và trung cấp của Bộ Công An. Trên nguyên tắc, công an nhân dân là một lực lượng bán quân sự nên bên cạnh các trường đào tạo và huấn luyện sĩ quan công an còn có các trường đại học và học viện an ninh nhân dân. Trong một quốc gia (dân chủ) bình thường, những thành phần dân sự ưu tú muốn vào ngành an ninh và cảnh sát phải qua một cuộc thi tuyển (rất khó khăn) mới được đào tạo tiếp thành những cấp lãnh đạo, không làm gì có những trường trung học, đại học hay học viện an ninh, công an, cảnh sát hay phòng cháy chữa cháy. Tổng cục này còn quản lý các công tác chính trị (X15) qua các phương tiện truyền thông như truyền hình (X8), báo chí, trong đó có báo Công an Nhân dân và Đoàn kịch nói nhân dân.
4. Tổng cục hậu cần, hay Tổng cục IV, thuộc ngạch an ninh, gồm một tổng cục trưởng và ít nhất hai phó tổng cục trưởng quản lý khoảng 20 cơ sở. Mã hiệu là H, không có cấp địa phương. Nhiệm vụ chính của tổng cục này là quản lý các cơ sở hậu cần của Bộ Công An cấp trung ương như trang bị kỹ thuật, y tế, xây dựng cơ bản và doanh trại, kho vận, bệnh viện. Tuy không đông đảo như những tổng cục khác nhưng đây là cục mang lại nhiều quyền lợi nhất cho những người lãnh đạo, vì có liên quan đến vật tư và trang bị kỹ thuật (để bán ra thị trường).
5. Tổng cục tình báo, hay Tổng cục V, thuộc ngạch an ninh. Mã hiệu là B, không có cấp địa phương. Mặc dù không có nhiều quyền lợi bằng những tổng cục khác, tổng cục tình báo là cơ quan cao quý nhất của ngành an ninh, với hơn 50 cơ sở bao gồm các lãnh vực : chính trị, hậu cần, xử lý tình báo, nghiệp vụ, đào tạo… Lãnh đạo tổng cục này đều từ cấp tướng trở lên : tổng cục trưởng là một trung tướng, các phó tổng cục và cục trưởng đều mang quân hàm thiếu tướng.
6. Tổng cục khoa học kỹ thuật và công nghệ, gọi tắt là Tổng cục kỹ thuật hay Tổng cục VI, thuộc ngạch an ninh với trên dưới 20 cục. Mã hiệu là E, không có cấp địa phương. Tổng cục này có nhiệm vụ giúp đảng ủy công an trung ương và các cấp lãnh đạo của bộ quản lý các mặt khoa học, công nghệ và môi trường, chẳng hạn như nghiên cứu, chế tạo và sản xuất một số vũ khí, phương tiện nghiệp vụ tình báo, điện tử, cơ khí, hóa sinh, tin học (xây dựng tường lửa, kiểm soát internet, phá hoại bằng virus trên mạng)…
Ngoài 6 tổng cục trên, Bộ Công An còn quản lý khoảng 30 cơ quan chuyên biệt, mã hiệu là V, như văn phòng bộ (V11), vụ hợp tác quốc tế (V12), bộ tư lệnh cảnh vệ (V15), khoa học viễn thông tin học (V17), cơ yếu (V18), pháp chế (V19), kế hoạch tài chánh (V22), thanh tra (V24), chiến lược khoa học công an (V21), xây dựng phong trào quần chúng (V28), viện lịch sử và viện bảo tàng công an.
Thấy gì qua cách tổ chức này ?
Theo phác họa vừa dẫn, tổ chức của Bộ Công An quả thật cồng kềnh, chồng chéo và phức tạp. Điều này thể hiện qua cách đặt tên cho bộ : công an hay nội vụ ? Từ 1953 đến 1975, bộ này mang tên là Bộ Công An ; từ 1975 đến 1998 đổi thành Bộ Nội Vụ, để rồi từ 1998 trở đi lấy lại tên cũ là Bộ Công An, nhưng bên cạnh đó còn có thêm một Bộ Nội Vụ, không liên quan gì đến Bộ Công An.
Về cách làm việc, Bộ Công An được chia ra làm hai ngạch : an ninh và cảnh sát, đôi khi đối chọi lẫn nhau. An ninh, tức Tổng cục I, kiểm soát gần như tất cả mọi sinh hoạt của xã hội dân sự trong bóng tối, nhất cử nhất động của mỗi công dân đều được ghi nhận. Cảnh sát đảm nhiệm phần nổi ngoài xã hội, trong các công tác giữ gìn an ninh và trật tự công cộng. Nhân viên, cán bộ làm việc trong hai ngạch này ít khi thuận hòa với nhau, vì cán bộ trong ngạch an ninh luôn tự cho mình cao hơn ngạch công an.
Tranh chấp này không phải mới đây, nó đã có ngay từ khi lực lượng công an vừa được thành lập ngày 19-8-1945, qua các tên gọi khác nhau : Sở Liêm Phóng tại miền Bắc, Sở Trinh Sát tại miền Trung và Quốc Gia Tự Vệ Cuộc tại miền Nam, để cuối cùng mang tên Việt Nam công an vụ ngày 21-2-1946, với cấp trung ương là Nha, cấp miền (kỳ) là Sở và cấp tỉnh, thành phố là Ty. Vài năm sau, ngày 31-12-1951, ngạch an ninh chính thức ra đời với tên gọi “ban chấp pháp” (tiền thân của lực lượng an ninh điều tra ngày nay), trực thuộc Ty bảo vệ chính trị của Nha công an trung ương. Từ 1981, sau những tranh chấp nội bộ, Cục chấp pháp được tách ra làm hai, một mang tên Cục an ninh điều tra thuộc Tổng cục an ninh và một mang tên Cục cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục cảnh sát.
Sự cồng kềnh, chồng chéo và đối chọi lẫn nhau thể hiện trước hết qua hệ thống hàng dọc, từ trung ương xuống địa phương. Một thí dụ : cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ở cấp trung ương, gọi tắt là Cục cảnh sát hình sự (C14), ở cấp tỉnh và thành phố là Sở cảnh sát hình sự (PC14), ở cấp huyện cũng có những đơn vị tương ứng, gọi là đội nhưng không có mã hiệu riêng. Bên cạnh nghiệp vụ điều tra này có rất nhiều nghiệp vụ điều tra khác mà chức năng cũng tương tự như các Cục cảnh sát quản lý kinh tế (C15), Cơ quan cảnh sát điều tra (C16), Cục cảnh sát bài trừ ma túy (C17), Cục cảnh sát điều tra tham nhũng (C37). Chỉ riêng bộ phận điều tra này thôi, số người trực thuộc đã lên đến hàng chục ngàn, trải rộng trên cả nước. Ngạch an ninh cũng không chịu thua. Cứ lấy thí dụ công tác an ninh điều tra, ở cấp trung ương (bộ) nó được gọi là cục an ninh điều tra, ở cấp tỉnh là đội điều tra, cấp huyện là tổ điều tra. Số người được tuyển dụng chỉ để làm công tác điều tra không thôi cũng đã trên vài chục ngàn từ trung ương xuống địa phương.
Về hàng ngang, nếu quan sát kỹ, mỗi tổng cục đều có một số cơ quan có chức năng giống nhau như cục tham mưu, cục chính trị, cục điều tra, cục hậu cần. Điều này cho thấy các lực lượng công an và an ninh không tin tưởng lẫn nhau, do đó mỗi tổng cục phải tuyển dụng riêng những người thân cận để làm cùng một công tác tương tự. Đây là một hình thức lạm dụng quyền thế của mỗi lãnh chúa để đưa người thân vào ngành công an, một phí phạm ngân sách vì một số người không có công tác làm phe phẩy cho cấp trên, mua bán vật tư và chức vụ để ăn hoa hồng.
Về kỹ thuật tổ chức, Bộ Công An Việt Nam hoàn toàn dựa theo mô hình ngành an ninh Liên Xô và các nước cộng sản khác. Những chế độ độc tài toàn trị thường rất nhút nhát, bất cứ ai và bất cứ cái gì cũng có thể làm họ sợ. Mục đích của ngành an ninh trong các chế độ này là kiểm soát tối đa mọi hoạt động của người dân để tự trấn an mình. Bạo lực được dùng để khống chế dân chúng trong nước nhiều hơn là để chống ngoại xâm.
Hiện nay, Tổng cục I, tức Tổng cục phản gián, gần như nắm giữ toàn bộ quyền lực và quyền lợi trong bộ ; để giữ mãi nguồn lợi này, họ khép chặt cánh cửa ra vào và chỉ mở ra cho những thân tín. Nói cách khác, đây là một nhà nước trong một nhà nước. Tất cả những tổng cục khác được thành lập ra chỉ để phục vụ hoặc thi hành chỉ thị của Tổng cục I. Mục đích chính của tổng cục này là bảo vệ chế độ chứ không phải bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của nhân dân ; hai nhiệm vụ sau cùng này thuộc về quân đội và cảnh sát. Không những thế, tổng cục này còn theo dõi cả những người đang ở trong guồng máy đảng, trừ quân đội. Bất cứ ai, trong nội bộ đảng và ngoài xã hội, cũng đều là đối tượng theo dõi của tổng cục này, và một khi bị Tổng cục I này chiếu cố thì “đời hết vui”. Quyền lực của Tổng cục này tuy không lộ liễu nhưng áp đảo tất cả.
Vì không còn chiến tranh và hòa bình đã được tái lập, để xác minh sự hiện hữu của mình, mỗi ngành, mỗi đơn vị chức năng của Tổng cục I thường đẻ ra những vụ án giả để lập thành tích. Người ta còn nhớ ngay sau khi vừa tiến chiếm miền Nam, từ 1975 đến 1982, các tổ bảo vệ chính trị thuộc Tổng cục I lập ra rất nhiều tổ chức kháng chiến giả để dụ dỗ và gài bẫy những người nhẹ dạ vô tròng để xử tội, nhiều người đã bị xử bắn. Cũng trong thời gian đó, các tổ bảo vệ kinh tế tổ chức những chuyến buôn lậu dọc biên giới trên đất liền và các cửa biển để gài bắt những con buôn khờ khạo, rất nhiều người bị tán gia bại sản, một số khác vẫn còn bị giam cho tới ngày nay.
Nhưng từ 1986 đến nay, trước tình trạng phát triển kinh tế xô bồ, những lực lượng bảo vệ kinh tế có cuộc sống rất thoải mái do tham nhũng mang lại. Những đơn vị khác thì rất đói, đặc biệt là các ngành bảo vệ chính trị, văn hóa tư tưởng và tôn giáo thuộc Tổng cục I. Để lập thành tích, họ nhắm vào những nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa, những tu sĩ đòi quyền tự do tôn giáo, những sắc tộc thiểu số đòi quyền sống. Trấn áp những con người hiền hòa này an toàn hơn chống những lực lượng tội phạm có vũ trang, những băng đảng xã hội đen hay quân buôn lậu.
Trong suốt thời gian từ 1983 tới nay, nhiều khuôn mặt dân chủ và tôn giáo ôn hòa đã bị kết những án phạt rất nặng về những tội danh mà họ không hề vi phạm hay không hề biết tới : phản bội tổ quốc, gián điệp, phản động, lật đổ nhà nước, khủng bố, lạm dụng các quyền tự do dân chủ, nói xấu nhà nước, xúi giục người ra nước ngoài, v.v. Nhiều người đã bị xử bắn, một số đã chết trong tù. Những người được trả tự do không những bị quản lý hành chánh mà còn bị cô lập kinh tế. Tình trạng quấy nhiễu, hăm dọa, làm áp lực (chantage), bắt bớ, giam cầm, đánh đập, thư nặc danh, thư tố cáo, giả mạo chữ ký, giả mạo thư, đấu tố… những người đấu tranh cho dân chủ và đòi quyền sống chưa có dấu hiệu suy giảm.
Những sắc tộc thiểu số cũng không bị bỏ quên. Cuộc xua đuổi người Hoa trong những năm 1979-1980 do Tổng cục I chủ động cùng với sự hợp tác của các đơn vị công an trực thuộc tại các địa phương. Gần đây hơn, những sắc tộc sinh sống trên các vùng sâu và vùng xa đòi quyền sống và tự do tôn giáo cũng bị các lực lượng an ninh thuộc Tổng cục I đàn áp thẳng tay và truy lùng sang tận nước ngoài, như đã từng xảy ra đối với những nhóm người Thượng trên Tây Nguyên, người Hmong vùng Tây Bắc và người Khmer trên đồng bằng sông Cửu Long.
Suy nghĩ về một chính sách an ninh mới
Qua cách tổ chức của Bộ Công An, một người có óc suy luận bình thường phải đặt ra câu hỏi : một quốc gia không có chiến tranh, không bị ngoại bang đe dọa, không có nội chiến, không có nạn khủng bố và cũng không có những cuộc chống đối bạo động, tại sao cần phải duy trì một bộ máy công an kềnh càng và đồ sộ đến thế ? Mà không phải chỉ mới đây, nó đã được duy trì từ hơn 30 năm qua và chắc chắn sẽ còn kéo dài nếu chế độ này không thay đổi.
Câu trả lời phải là : không cần và phải thay đổi và cải tổ cơ cấu của ngành an ninh hiện nay. Sự thay đổi này chắc chắn không do đảng cộng sản thực hiện, không ai dại dột tự treo cổ mình, trừ khi muốn tự tử. Chỉ còn lại những người dân chủ. Chính trong giai đoạn còn ở thế đối lập chúng ta mới có thì giờ đầu tư suy nghĩ vào những vấn đề lớn của đất nước. Giữ gìn an ninh cho quốc gia và cho nhân dân phải là ưu tiên của bất cứ chính quyền có trách nhiệm.
Tại Việt Nam, guồng máy an ninh vì những lý tưởng ngoại lai đã để lại nhiều kỷ niệm đau buồn trong lòng rất nhiều nạn nhân trên cả hai miền. Chính vì thế nó sẽ không còn chỗ đứng trong một xã hội dân chủ tương lai. Trước khi dự luật hòa giải dân tộc được ban hành, cải tổ lại guồng máy an ninh là một bắt buộc.
Cải tổ đầu tiên là phục hồi chức năng của Bộ Nội Vụ là định chế bảo vệ và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Bộ này chỉ cần có ba cơ quan chính là : Tổng cục an ninh, Tổng cục cảnh sát và Tổng cục hành chánh, với ba thứ trưởng chịu trách nhiệm từng tổng cục. Tổng cục an ninh có chức năng hợp tác với các cơ quan an ninh quốc tế như Inperpol (Icpo), ngăn ngừa và phòng chống gián điệp nước ngoài, khủng bố quốc tế, rửa tiền bẩn. Tổng cục cảnh sát có nhiệm vụ ngăn ngừa và phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, mafia, buôn người, trật tự giao thông, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Tổng cục hành chánh phụ trách những chức năng nội bộ còn lại của bộ là đào tạo, nghiên cứu pháp lý, nghiên cứu kỹ thuật, viễn thông, tin học, hậu cần, vận tải, quản lý trại giam. Văn phòng của Bộ Nội Vụ phải gồm những người có trình độ chuyên môn cao. Các trường đại học an ninh hay công an phải chuyển sang dân sự, chỉ lưu lại những trường đào tạo công an và cảnh sát ở cấp thừa hành, các cấp cao hơn phải được tuyển chọn qua các cuộc thi tuyển để sau đó bồi dưỡng nghiệp vụ cao hơn theo từng giai đoạn.
Cải tổ thứ hai là dân sự hóa guồng máy an ninh. Việt Nam không bị đe dọa chiến tranh, không có nội chiến, không có khủng bố và cũng không có những cuộc phản kháng bạo động, do đó không có nhu cầu vũ trang hóa lực lượng công an và an ninh. Những qui chiếu về công an là “lực lượng vũ trang nhân dân” trên hiến pháp cần phải tu chính. Cấp bậc những người lãnh đạo ngành an ninh cũng phải được dân sự hóa như giám đốc, trưởng phòng, v.v.
Cải tổ thứ ba là hiền hòa hóa guồng máy an ninh. Công an phải là bạn dân chứ không phải là người kiểm soát, khống chế nhân dân. Tổng cục I phải bị giải tán, vì nhiệm vụ chính của tổng cục này là bảo vệ chế độ độc tài đảng trị chứ không phải bảo vệ dân chúng. Giữ lại tổng cục này, cho dù có đổi sang tên khác, không mang lại ích gì trong một xã hội tự do, không những thế còn mang tiếng vi phạm nhân quyền. Không cần duy trì những cục an ninh, bảo vệ chính trị trong thành phố, tại nông thôn, nơi cư trú của người sắc tộc và các tổ chức tôn giáo. Riêng công tác phòng chống gián điệp nước ngoài cần được duy trì nhưng có thể chuyển qua Tổng cục II, tức Tổng cục cảnh sát, mà trách nhiệm vụ chính là ngăn ngừa, điều tra tội phạm về hình sự, buôn ma túy, mafia, buôn người, tham nhũng, v.v. Những thành phần ưu tú của Tổng cục I, hoặc trở về đời sống dân sự, hoặc được chuyển sang công tác chuyên môn khác ở ba tổng cục mới.
Giải tỏa được gánh nặng Tổng cục I này, guồng máy an ninh của nước Việt Nam dân chủ tương lai sẽ nhẹ nhàng và linh động hơn, ít tốn kém cho ngân sách và được thế giới tự do kính trọng. Chính sách an ninh trật tự cũng sẽ được cập nhật hóa thường xuyên và trình độ nghiệp vụ của nhân viên trong các ngành chuyên môn cũng sẽ được nâng cấp, ngang tầm với những đồng nghiệp các nước tiên tiến.
———-
(1) Trụ sở Ôn Như Hầu là Trụ Sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả đã nói trụ sở Đại Việt Quốc Dân Đảng là không đúng sử liệu, tài liệu chính thức về vụ Ôn Như Hầu: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954 tr. 273 Hoàng Văn Đào.