Mối tình đêm trước khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (Phần cuối)

Tinh thần Yên Báy vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, người trong nước bây giờ đang muốn khai quật những bí ẩn lịch sử để soi sáng sự thật. Truyện ký của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đi tìm thân nhân của đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học để viết về nhà cách mạng, anh hùng của dân tộc.

Mối tình Đêm Trước Khởi Nghĩa (Phần Cuối)

Hình minh họa (Cô Giang & Nguyễn Thái Học)

– Tại sao chúng ta phải lên đây làm lễ thề ước?…
– Các đền thờ Vua Tổ trên núi Nghĩa Lĩnh thì đền nào cũng linh thiêng. Nhưng linh thiêng nhất vẫn là Đền Thượng, nơi chúng ta đang đứng. Xa xưa các Vua Hùng thường lên đây tế cáo Trời, Đất cầu cho quốc thái dân an, mùa vụ bội thu… Chúng ta lên đây là để hấp thụ khí chất thiêng liêng đó vào máu thịt…

Tự tay Nguyễn Thái Học, thắp thẻ hương trầm, trao Nguyễn Thị Giang một nửa. Rưng rưng chậm rãi những vái tay xá dài hướng lên bài vị sơn son thiếp vàng, dưới bức đại tự NAM VIỆT TRIỆU TỔ.

Nguyễn Thái Học nâng cao khẩu súng lục ngang mày. Nguyễn Thị Giang cùng đưa tay đỡ lấy. Tín vật bạo lực đấu tranh cách mạng, hai thể xác và hai tâm hồn trước anh linh Vua Tổ, họ đã đặt trọn vẹn niềm tin vào nhau, phó mặc sinh mệnh vào số phận chung của cuộc sinh tử giành giật lại non sông từ tay giặc Pháp.
– Tôi Nguyễn Thái Học, trước giang sơn Tổ Quốc, trước bài vị Hùng Vương xin thề yêu thương cô Nguyễn Thị Giang mãi mãi. Tôi thề sẽ kết tóc xe duyên máu thịt với cô Nguyễn Thị Giang khi cách mạng thành công, nước non Việt do người Việt làm chủ…
Nguyễn Thị Giang cũng nhắc lại nội dung tương tự, còn nhấn thêm trong lời thề của mình:
– Nếu Nguyễn Thái Học có mệnh hệ nào vì Tổ Quốc thì Nguyễn Thị Giang sẽ cùng khí giới này mà chết theo chồng…
Không gian quánh đặc. Khói hương trĩu nặng. Rừng cây đại thụ im phắc gió. Chân nhang bỗng bừng bừng cháy. Nguyễn Thái Học trao khẩu súng cho người yêu.
– Đây là tín vật hôn lễ tặng em.
Nguyễn Thị Giang cầm khẩu súng đeo vào người.
Bàn tay nắm chặt bàn tay. Nguyễn Thái Học bỗng nhận ra sợi dây chuyền trong tay mình, và trong bàn tay người yêu bối rối. Trong khuôn hình ô van mặt dây chuyền chạm khắc tinh xảo, hai mặt có ảnh Học – Giang.
Xuống Đền Giếng, ngồi bên Giếng Ngọc, thả đồng xu cầu duyên may đáy nước, nhìn đồng bạc bà đầm xòe lúng liếng tắt chìm dần ánh quang dưới tối đen, chị Giang bỗng hỏi một câu không liên quan gì đến duyên phận.
– Anh bắt đầu tư tưởng làm cách mạng từ khi nào?
– Tôi không rành rẽ ngày tháng. Làm gì có ai sinh ra đã là nhà cách mạng. Nhưng làng Vũ Di bên cạnh làng Thổ Tang là quê Trịnh Văn Cấn. Đội Cấn làm binh biến ở Thái Nguyên, bị Pháp chặt đầu. Bà mẹ Trịnh Văn Cấn hóa điên lang thang ngày đêm ngoài cánh đồng tìm gọi con. Một lần bà cụ đã níu chặt lấy tôi mà kêu xót giữa cầu Hương: “Cậu ơi, cậu, làm thế nào để trả thù được cho con tôi?”. Ngày đó tôi chỉ biết bổi hổi bồi chuyện đó thưa lại với thầy dạy chữ Nho. Năm đó tôi 10 tuổi mình ạ”…

… Sáng hôm sau, Lê Hữu Cảnh, Phó Đức Chính, Đặng Trần Nghiệp rời núi Nghĩa Lĩnh, người băng sông Hồng sang Sơn Tây, người xuôi Hà Nội, người ngược Yên Bái.
Nguyễn Thái Học đưa Nguyễn Thị Giang về nhà Đặng Văn Hợp là Chủ tịch chi bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) Xuân Lũng. Đặng Văn Hợp sau bị Pháp bắt tù chung thân Côn Đảo. Năm 1945 ông được (…) trả về, mất ở Miền Nam được công nhận liệt sỹ 1959.
Họ hưởng tuần trăng mật trong ngôi nhà gạch năm gian trên đỉnh Phú Thượng, ngói âm dương, cửa bức bàn, tiền kẻ hậu bẩy rộng thênh nhìn hướng đông nam, giữa vùng đồi sim mua, và những cây dọc trái chua đơn lẻ tràn đầy gió trăng thượng du, bên trái là núi Nghĩa Lĩnh, bên phải núi Ba Vì xa xanh.
Đặng Văn Hợp cùng người nhà dọn ở chỗ khác, cắt cử một tâm phúc phục dịch chu tất. Ông Hợp phao lên rằng, họ là vợ chồng ông chủ lớn dưới Hà Nội lên nhờ tìm người làm đại lý thu mua gom nhựa sơn, dầu dọc.
Trám chua kho với cá bùi ngùi, mắm tép lông cò chấm lá thành ngạnh đỏ như son mà thơm thảo. Chân giò lợn luộc ngâm tương ngọt mềm ngây ngất. Rượu cúc tăm yểm hũ sành vùi cát đã không nhớ ngày hạ thổ. Gạo gié thổi niêu đất Hương Canh đã tôi nước chè xanh chát. Ngày ba bữa các thức được hiện lên mâm son gỗ sung bày trên sập gụ giữa nhà cho uyên ương thưởng lãm.
Những sáng tinh sương hay lúc chiều sậm, con dốc lên Đình Thượng nhiều sỏi cuội, được dăm bậc đá kè ngăn xói lở, đôi vợ chồng trẻ dìu nhau tản bộ dưới bóng tre, bóng cọ. Bên giếng Nhâu kè đá dưới chân đôi ngay cạnh cổng làng, nước mạch mát lành, Nguyễn Thái Học buông gàu múc nước rửa chân cho vợ, trong rung rinh nắng mới và tiếng chim khuyên ngân ngẩn miền đồi. Tiếng cười đùa trong trẻo của họ lẫn tiếng nước reo vỡ từ miệng gàu dây đã khiến cho bao nông phu Phú Thượng đang bận tay hái chè, bừa ruộng ngẩn ngơ…

Cách đây lâu tôi qua Xuân Lũng thì được hay ông Đặng Văn Hải con trai Đặng Văn Hợp cũng đã mất. Ngôi nhà gạch cổ chứng thực, chở che cho tình yêu Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Giang giờ thay chủ mới. Xà cột cái còn cái mục, tường xưa mái cũ, lỗ chỗ vữa mới, ngói tươi. Nước giếng Nhâu chưa kịp nhuốm màu, gió miền đồi vẫn còn nguyên lộng thổi mài vẹt bậc đá, lối sỏi trống không…
Điểm rẽ vào làng, xưa gọi là ngã ba Gốc Đề, đó là nơi Nguyễn Thị Giang tự tận. Gốc đề gãy đổ. Quán hàng của bà hàng nước chỉ còn trong trí tưởng và sách ghi. Mộ Cô Giang giờ cách nẻo đường bêtông vào Tân Tiến có mấy sải chân. Dạo trước Tết, tôi đến ruộng đồng khô hạn vây quanh, nhưng lúc này cận kề một Giỗ tổ Hùng Vương nữa lúa con gái mởn mơ xanh rượi đang sắp hoa xòe kín bông vàng lên nấm mộ.
Đứng cạnh tôi bên lề quốc lộ 2 rùng rình xe chạy, ông Nguyễn Thái Tuấn nhìn ra đồng lúa chậm rãi như đang đọc cho tôi nghe từ trang sách. Tiếng ông Tuấn bỗng nhỏ nhẹ, nhưng khúc chiết, nói câu nào tôi lọt câu ấy.

… “Hồi 5 rưỡi sáng 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của mình bị đem ra hành hình. Lần lượt nhìn 12 người bạn bị chém trước mắt, Nguyễn Thái Học ung dung đọc mấy câu thơ Pháp:

Chết vì Tổ quốc
Cái chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng.

Khi đến lượt mình, đao phủ đưa chén rượu cô nhắc, Nguyễn Thái Học gạt đi và yêu cầu được hút một điếu thuốc lào. Cầm chiếc điếu cày tre cật ngà lên nước nâu bóng của ai đó đưa vào, vê điếu thuốc lào Vĩnh Bảo khói mặn, rít một hơi gân cổ nổi chão, nõ điếu giòn gion kêu sảng khoái, nhả khói qua hàm răng cửa khuyết hai chiếc, anh nhìn quanh suốt lượt đồng bào, nhìn quân lính, máy chém, mỉm cười, cúi chào.
Cất giọng trầm hùng Nguyễn Thái Học hô to: “Việt Nam vạn tuế”.
Nguyễn Thị Giang trong người giắt súng lục, lựu đạn định xé hàng rào an ninh xông vào. Nhưng lính canh sít sịt. Cô Giang đã chứng kiến từng sinh mạng thân yêu bị chém phập mà người thứ 13 là chồng mình, sắc mặt không lộ cảm xúc. Trở về nhà trọ ngoài ga Yên Bái đêm đó cô viết hai lá thư. Hai bức thư viết bằng bút chì xanh trên ba trang giấy khổ hẹp. Một trong hai lá thư như sau:
Thưa Thầy, Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con. Không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước. Sau khi đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu bất hiếu kính lạy.
Nguyễn Thị Giang
”.

Sáng sớm hôm sau, cô đáp xe lửa xuôi Vĩnh Yên, qua chợ thị xã mua vuông vải trắng buộc ngang đầu làm khăn tang chồng. Ghé Thổ Tang, lạy tạ cha mẹ chồng, tạ lỗi đã không thể thay mặt chồng phụng dưỡng cha mẹ già chăm em. Cô tháo sợi dây chuyền trên cổ có ảnh mình và Thái Học trao lại cho Nguyễn Văn Lâm đang ôm cha mẹ khóc ròng (chứ không phải là chiếc đồng hồ đeo tay mặt sau khắc chữ G như các tài liệu khác khẳng định trong cuộc hội thảo khoa học về NTH năm 2004, do UBND Tỉnh Vĩnh Phúc và Viện Sử Học VN tổ chức). Rồi sau giặc Pháp giết Nguyễn Văn Lâm, đốt nhà cụ Hách, cướp lợn, cướp trâu… sợi dây ấy chuyền đã mất trong lửa loạn.
… Những bước chân mộng du đã đưa bước chân cô Giang đến quán nước chè xanh, dưới gốc đề nơi mà ngày trước hai người đã từng hò hẹn. Bà hàng nước quen biết mời cô bát nước nóng hổi. Uống xong bát nước chè xanh, sửa lại vành khăn trắng, tần ngần mãi cô hỏi bà hàng nước.
– Bà ơi, bà có biết hôm qua trên Yên Bái xảy đại nạn của quốc gia không?
Bà hàng nước ngơ ngác lắc đầu. Nguyễn Thị Giang lặng đi hồi lâu mãi mới ngửa mặt lên trời than.
– Giời ơi, thực dân đã khiến cho dân trí ta còn u mê nhường này. Lãnh tụ của một đảng bị chết chém vì nước mà người dân cùng quê cũng không hay…
Nguyễn Thị Giang bỏ ra đằng sau quán, rút khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học đã tặng ngày đính ước ở Đền Hùng tự sát, kết thúc cuộc đời ở tuổi hăm hai. Hôm ấy là ngày 22 tháng 6 năm 1930…

Nguyễn Thái Tuấn nghẹn lời, nuốt khan, vuốt mái tóc bạc gằn giọng, ông kể tiếp.

Thi thể Nguyễn Thị Giang bị lột trần khám xét, nằm dưới gốc đề, khẩu súng văng bên cạnh. Thực dân khám xét xong không cho mặc lại quần áo, để cho ruồi nhặng bu bám ba ngày nữa. Lúc đó Nguyễn Thị Giang đang mang giọt máu của Nguyễn Thái Học được ba tháng. Tên Armuox hạ lệnh cho tri phủ Vĩnh Tường cùng hương lý sở tại đào huyệt sâu ba mét chôn cất, cấm người nhà Nguyễn Thái Học lai vãng.
Trở lại đình Thổ Tang, nơi đã dựng bia, đặt tượng đồng ghi công Nguyễn Thái Học, người cháu Nguyễn Thái Tuấn của ông cùng tôi ngồi xuống thềm gạch. Nhìn lên tàn cây cổ thụ hồi lâu, ông Tuấn mới đan hai bàn tay nâng lên tấm ảnh dòng chữ khắc bia ở quần thể tượng đài Yên Bái.
“Yên Bái! Đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ” (nhà thơ Pháp Luis Aragon).
Người dân Thổ Tang và dòng họ Nguyễn Hữu vẫn đang nóng lòng chờ đợi ngày khởi công xây dựng Nhà Tưởng niệm Nguyễn Thái Học. Nhưng hình như điều ấy vẫn còn đang hình thành trong các văn bản.
Tôi tin, những giây phút cuối cuộc đời, cô Giang không thể không nghĩ đến đứa con đang làm hình hài, nghĩ đến Nguyễn Thái Học, nghĩ đến Tổ quốc đang quằn quại, nghĩ đến cha mẹ già. Sống tiếp cũng là có lý, nhưng người phụ nữ ấy đã chọn cái chết. Bởi bước cuối cùng của cuộc cách mạng, hai vợ chồng họ và nhiều đồng chí đã cất bước qua, lý tưởng vị quốc vị dân đột ngột đắm chìm, nếu có sống cũng chỉ là sống những cái xác vật vờ.

Đại nghĩa sở đương vi, sát tặc đan tâm quang nhật nguyệt.
Thân thù do vị huyết, hy sinh hạo khí tráng sơn hà

Câu đối Ngô Quang Đoan, con trai cả Ngô Quang Bích, khóc Nguyễn Thái Học được sơn son thiếp vàng nghiêm lạnh trên bàn thờ trong nhà người em Nguyễn Thái Nỷ… Vâng, Nguyễn Thái Học, đã thành NHÂN một trong những con người kỳ vĩ của dân tộc.
Ông lão ngoại 80 run rẩy lần tìm trong cuốn Tứ thư mảnh giấy nhỏ nâu vàng, lỗ chỗ dấu hương châm, được Nguyễn Thái Học gửi ra từ Hỏa Lò, có lẽ tờ giấy đã được đặt trên bàn thờ một dạo, bởi có dấu vết tàn nhang cháy… “Một chính đảng chỉ đạo một phong trào cách mạng to lớn, nếu không có lý luận cách mạng, không có kiến thức về lịch sử, không có sự hiểu biết sâu sắc về phong trào thực tế của quần chúng, thì không thể gây lên một cuộc cách mạng sâu rộng được, mặc dù, có đau thương – và mất mát. Bố mẹ phải thông cảm cho các con. 1.2.1930”.
Tám mươi năm đã qua đi. Tổng Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 và sách lược dân chủ hóa Đông Dương của Nguyễn Thái Học và các đồng chí, không những là sự kiện quan trọng trong lịch sử cận đại mà còn góp những viên đá xây nền móng vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh giành lại giang sơn đất nước, làm bước đệm cho Cách mạng Tháng 8.1945 thành công thêm phần thuận lợi.
Cụ bà Nguyễn Thị Quỳnh được công nhận bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Năm 1976 Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Văn Nho được công nhận Liệt sỹ. Trong khi các đồng chí của ông đã được công nhận từ năm 1959. Người cháu ruột là ông Nguyễn Thái Tuấn đang là Bí thư Thanh niên trường Đại học Kiến trúc phải nghỉ học giữa chừng năm thứ ba, năm 1963. Nguyễn Thái Tuấn rời trường Đại học Kiến trúc về làm một ông phó mộc, giờ cũng đã ngoại 60. Bố ông là Nguyễn Văn Lâm thì cũng đến tận năm 2004 mới được cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Tôi đã lần theo dấu tích của mối tình Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang ngay trên miền đất tôi đã lớn lên và thân thuộc suốt tuổi trưởng thành, từ Thổ Tang tất bật tới Đền Hùng linh thiêng rồi Xuân Lũng khoa bảng đến thị xã Phú Thọ trầm u lãng đãng sương khói sông Thao, và, thành phố Yên Bái cửa ngõ miền tây bắc vào những thời điểm khác nhau.
Mỗi lần nhìn xuống lòng giếng Ngọc nơi Đền Hùng, hay ngẩng đầu trên Đền Thượng cao xanh tôi lại hình dung gương mặt cặp trai tài gái sắc nổi tiếng bậc nhất, và cũng để lại bao nhiêu uẩn ức đau thương bậc nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX: Nguyễn Thái Học 27 tuổi – Nguyễn Thị Giang 22 tuổi đã từng rạng bóng sáng soi.

Nguyễn Tham Thiện Kế

Bấm chuột vào đọc: Mối tình đêm trước khởi nghĩa (Phần một)

________________
Bài viết được hoàn thành với sự giúp đỡ của thân nhân Liệt sỹ Nguyễn Thái Học.
– Ông Nguyễn Thái Nỷ – Em trai Nguyễn Thái Học.
– Ông Nguyễn Thái Tuấn – Cháu trai Nguyễn Thái Học.
Và tài liệu tham chiếu:
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Liệt sỹ Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Sở VHTT Vĩnh Phúc và Viện Sử học Việt Nam, xuất bản 2004.
Làng Dòng nội truyện, Nguyễn Văn Toại, Nxb Văn Hóa TT, tái bản năm 2007.
Tác giả xin chân thành cảm ơn

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt