Mật Thư Tội Ác của Chủ Nghĩa Cộng Sản (Chương 1)

TÀN SÁT, KHỦNG BỐ, ĐÀN ÁP (Le livre noir du communisme s. dir Stéphane Courtois et al). Tập sách “Le Livre noir du communisme”,nhà xuất bản Robert Laffont 1997, của các học giả Stéphane Courtois, Nicolas Werth, Jean Louis Panné, Andrzej Packowski, Karel Bartosek, Jean-Louis Margolin tố cáo tội ác của Công Sản thế giới. lược dịch bởi  Fossion René và Trần hữu Sơn,  Trần minh Tâm đánh máy.

Một tài liệu rất trung thực nói lên sự bạo tàn của chế độ Cộng Sản, đọc toàn bộ 19 chương của cuốn sách này chúng ta thấy những gì xảy ra ở Liên Sô là “khuôn vàng thướt ngọc” cho đảng Cộng Sản Việt Nam về sự tàn sát, khủng bố, đàn áp… Ngày nay Liên Sô thấy đó là sai lầm nên đã dẹp thánh địa Cộng Sản ấy vào sọt rác, vậy mà Việt Nam vẫn trung thành với chủ nghĩa tội ác ấy !!!!

Nhận thấy đây là tài liệu giá trị trang nhà website https://www.vietquoc.org lần lượt đăng tải 19 chương …Chương 1:   Nghịch biện và sự hiểu lầm về cuộc cách mạng Tháng Mười

Chương 1: Nghịch biện và sự hiểu lầm về cuộc

cách mạng Tháng Mười

 

Sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, cái huyền thoại về cuộc Đại cách mạng được coi là  “một sự kiện lịch sử không thể tránh được” không còn giá trị gì cả. Cái mốc thời điểm 1917 nay chỉ còn là một sự kiện lịch sử bình thường. Rất tiếc là xã hội chúng ta chưa có sử gia nào sẵn sàng đứng lên phá vỡ cái huyền thoại của năm khởi đầu cho tương lai của dân Nga : Sống trong hạnh phúc hay nhận lấy thảm họa.
Một sử gia đương thời người Nga nhận định rằng các cuộc bút chiến về cuộc cách mạng 1917 sau 80 năm vẫn còn diễn ra.
Theo quan điểm của nhóm chủ trương tự do, cuộc cách mạng tháng 10 chỉ là cuộc đảo chánh . Một nhóm người cuồng tín, mặc dù không có cơ chế căn bản nào trong xã hội Nga vào thời đó, nhưng có tổ chức, đã khéo léo dùng bạo lực trấn áp một xã hội thụ động. Vì không hiểu được chiều sâu của xã hội và lịch sử, nhiều người, trong đó có các sử gia , giới trí thức và những người lãnh đạo nước Nga hậu Cộng sản đã đánh giá cuộc cách mạng tháng 10 như là một bước đi lạc hướng  của một xã hội Nga phong phú , cần cù và đang tiến trên con đường dân chủ.
Một nhóm khác, gồm các thành phần ưu tú, một giai cấp được ưu đãi dưới thời Xô Viết, cương quyết đoạn tuyệt với cái gọi là ”dấu ngoặc quái đản chủ nghĩa Xô Viết”, thể hiện dưới chiêu bài giải phóng xã hội. Thành phần này đã tỏ ra hối hận trong suốt thới kỳ ” đổi mới ” [1985-1991]  ở Nga, khi họ biết được sự thật vô cùng đau đớn đã xảy ra dưới thời Staline.
Nếu cuộc đảo chính năm 1917 do những người Bônsêvich chủ xướng, được coi như là một tai nạn, thì chính nhân dân Nga là nạn nhân .
Với nhận định này, những nhà viết sử Liên Sô đã cố gắng giải thích cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 là kết quả hiển nhiên của một sự kiện có thể tính trước, phải xảy ra.  Nó nằm trong lịch trình giải phóng của khối đông dân chúng cùng với ý thức chủ nghĩa Bônsêvich. Do cách thay đổi các từ, những nhà viết sử đã biến các cuộc bút chiến về biến cố 1917 trở thành một sự kiện lịch sử hợp pháp của chế độ Sô Viết. Nếu quả thật cuộc Đại cách mạng tháng 10 có nhiệm vụ hoàn thành lịch sử, biểu tượng cho một thông điệp giải phóng các dân tộc trên thế giới, thì nó phải chống lại những sai lầm do Staline gây ra. Ngay nay,  chế độ Sô Viết đã sụp đổ, chứng tỏ tính cách ” bất hợp pháp ” của cuộc cách mạng tháng 10. Biện chứng Mát Xít trở thành tầm thường. Nói theo luận điệu Bônsêvich, biện chứng Mat Xít bị ném vào thùng rác lịch sử. Tuy vậy, cũng giống như cái  sự sợ hải, cái ký ức tầm thường vẫn còn đeo dai dẳn bên người, bên trời Tây nhiều hơn ở Liên Bang Sô Viết cũ.
Nếu chúng ta không chọn hai khuynh hướng tự do và Mát Xít thì sẽ có khuynh hướng thứ ba. Khuynh hướng này đặt ý thức hệ lịch sử ra ngoài cuộc cách mạng. Họ cho rằng đó là cuộc nổi dậy của một nhóm nhỏ quần chúng.
Trong số rất nhiều câu hỏi được đặt ra về năm 1917, các sử gia đã bác bỏ những sơ đồ đơn giản của trường phái tự do.
Chính sách ” quân sự hoá nền kinh tế” có liên hệ gì đến việc đế quốc Nga tham dự vào cuộc thế chiến thứ nhất. Phải chăng hiện tượng bạo lực xã hội là môi trường phát sinh bạo lực chính trị , và từ đó chống lại xã hội ? Tại sao , nếu cho rằng đó là cuộc cách mạng quần chúng có tính cách sâu rộng, lại có thể để cho một nhóm nhỏ người độc tài, nhiều tham vọng lãnh đạo ?
Ngược thời gian, nghiên cứu các công trình sử liệu tranh chấp về quan điểm, chúng ta có thể coi cuộc cách mạng tháng 10 là tụ điểm của hai phong trào. Một phong trào có chuẩn bị kỹ lưỡng để nắm lấy chính quyền do một đảng phái có tổ chức, có hệ tư tưởng chủ động. Cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra theo nhiều giai đoạn và dưới nhiều hình thức khác nhau. Khởi đầu là cuộc khởi nghĩa của nông dân. Đó là một tập hợp đông đảo của các tầng lớp nông dân sống ở miền quê, có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử Nga. Không những họ chống đối giai cấp địa chủ mà còn phẫn nộ với những người ở sống trong thành phố, những người sống bên ngoài nông thôn và những người tham gia vào chính quyền.
Vào mùa hè và mùa thu năm 1917, họ đã hoàn toàn thắng lợi. Chu kỳ nổi loạn khởi đầu từ năm 1902, bước vào đĩnh cao năm 1905-1907 và hoàn tất vào năm 1917. Cuộc cách mạng ruộng đất  giữa những người nông dân và thành phần địa chủ về vấn đề chia đất canh tác đang ở trong giai đoạn quyết định. Kế hoạch canh tác dựa trên nhân khẩu như bấy lâu nay chờ đợi đã diễn ra để cắt đứt ảnh hưởng của thành thị đối với giới nông dân miền quê. Thời điểm 1917 trở thành cái mốc của các chu kỳ kế tiếp. Các cuộc nổi dậy vào những năm 1918-1922 rồi vào cao điểm của những năm 1929-1932 , chính sách tập thể hoá nông nghiệp hoàn toàn thất bại.

Trong năm 1917,
song song với cuộc cách mạng của nông dân, lại diễn ra sự tan rã hàng ngũ quân đội trên 10 triệu . Đó là tập hợp của các thành phần nông dân đi quân dịch theo quy chế 3 năm. Họ chẳng biết đi quân dịch để làm gì và tại sao họ phải thi hành. Các Tướng lãnh phàn nàn về tinh thần ái quốc của những quân nhân này. Họ không có ý thức chính trị và cũng chẳng hiểu biết gì về trách nhiệm công dân.

Lực lượng căn bản thứ ba xuất thân từ một thiểu số của xã hội, chỉ có thể đại diện cho 3 % dân số, nhưng họ tập trung ở thành phố lớn, có ý thức chính trị. Đó là giới công nhân thợ thuyền.  Hãng xưởng là nơi phát sinh những mâu thuẫn xã hội. Cuộc cách mạnh kỹ thuật ở đầu thế kỷ đã phát sinh ra một phong trào đòi hỏi quyền lợi cho tầng lớp công nhân thợ thuyền. Khẩu hiệu mang tính chất cách mạng của họ là : ” quyền kiểm soát thuộc về giới thợ thuyền, chính quyền thuộc về Sô Viết. ”
Phong trào thứ tư cũng là tập thể cuối cùng tham dự vào công cuộc giải phóng đó là những dân tộc thuộc địa của Nga Hoàng đứng lên giành lại độc lập.
Mỗi phong trào, mỗi nhóm mang lấy màu sắc riêng tư. Từ tính năng động, tổ chức nội bộ, thời gian hoạt động cho đến mục đích,…mỗi tổ chức họat động riêng rẽ. Nó không biểu tượng những khẩu hiệu tuyên truyền của Bônsêvich,: Nó cũng chẳng mang tính chất chính trị của đảng phái này.
Vào năm 1917, các lực lượng này đã góp công rất lớn vào sự phá hủy hệ thống chính quyền Nga Hoàng. Trong khoảng thời gian rất ngắn, vào cuối năm 1917,  những người thiểu số Bônsêvich hoạt động lẻ loi trong đám đông quần chúng. Mục tiêu tước mắt cũng như chiến lược lâu dài của những người Bônsêvich hoàn toàn khác với các đoàn thể chung quanh.  Nhưng tạm thời họ đứng chung trong một chiến tuyến để tiến hành cuộc đảo chính và thực hiện cuộc cách mạng xã hội, trước khi xảy ra sự xung đột trong nhiều thập niên sau này.
Mùa Thu 1917, các phong trào xã hội cũng như các dân tộc thuộc địa đứng lên đòi tự trị trong một diều kiện lịch sử vô cùng thuận tiện. Một mặt do tình hình chiến tranh xảy ra toàn diện của cuộc thế chiến thứ nhất; Mặt khác do sự thoái hoá về chính trị, khủng hoảng kinh tế , xã hội phá sản của nước Nga.  Cuộc thế chiến thứ nhất không những chẳng đem lại cho Nga Hoàng sự thống nhất lãnh thổ mà trái lại còn làm lung lay thành quả cuộc cách mạng 1905-1906.  Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế ,non trẻ , chưa kịp hiện đại hoá vì lý do vốn tư bản cũng như chuyên viên kỹ thuật ngoại quốc. Chiến tranh đã dựng lại sự cách biệt giữa một nước Nga kỹ nghệ hoá và một nước Nga nông nghiệp. Về mặt chính trị, cái hố ngăn cách giữa nông thôn và thành thị mỗi lúc một sâu.
Nga Hoàng dự trù cuộc chiến sẽ kết thúc sớm. Nhưng khi các eo biển bị phong tỏa, nước Nga đã trở thành một quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ ngoại quốc.  Từ năm 1915, các vùng đất phía Tây của Nga đã bị liên quân Đức-Áo-Hung chiếm đóng.  Do vậy nguồn cung cấp từ BaLan, một quốc gia phát triển kỹ nghệ mạnh nhất trong vùng, bị cắt đứt. Nước Nga không còn sức để theo đuổi cuộc chiến. Ngay từ năm 1915, hệ thống hỏa xa bị ngưng trệ.  Đồ  phụ tùng không có để thay thế vì phải nhập từ nước ngoài. Việc chuyển hướng công nghệ phục vụ cho chiến tranh đã làm xáo trộn sản phẩm kỹ nghệ cung cấp cho xã hội. Hậu phương thiếu nhu yếu phẩm, hãng xưởng thiếu nhân công. Nạn lạm phát gia tăng. Ở nông thôn hiện tượng suy sụp trầm trọng hơn. Ngưng cấp phát tín dụng nông nghiệp. Chính quyền trưng thu ruộng đất. Nông dân bị động viên vào quân đội. Nông sản phẩm bị trưng dụng. Các hàng hoá trao đổi giữa nông thôn và thành phố sa sút. Tất cả những sự kiện này dẫn đến sự trì trệ quá trình hiện đại hoá các cơ sở nông nghiệp do Thủ Tướng Pior Stolypin nhen nhúm từ năm 1906. Ông bị ám sát vào năm 1910. Trong suốt ba năm chiến tranh, nông dân đã coi chính quyền như kẻ thù. Nhất là quần chúng nông thôn.  Hằng ngày trong quân đội quân nhân bị đối xử tồi tệ. Họ cảm thấy như là kẻ nô lệ hơn là những người dân thi hành nghĩa vụ. Xung đột giữa sĩ quan và quân nhân dưới quyền gia tăng. Thêm vào đó, quân Nga thua liên tục trên các chiến trường đã làm giảm uy tín chính quyền.
Bản chất bạo động của thời xa xưa vẫn còn hiện diện ở nông thôn. Nó đã bộc phát dữ dội vào những năm 1902-1903 và giờ đây nó xuất hiện rõ ràng vào năm 1917.
Chính quyền thật sự mất quyền kiểm soát kể từ năm 1915.  Tại nhiều nơi, nhiều uỷ ban và hiệp hội tự đứng quản lý sinh hoạt hằng ngày thay chính quyền. Như săn sóc các thương binh từ các mặt trận đưa về. Chính quyền phải khuyến khích và yểm trợ cho một phong trào lớn đang được diễn ra từ cơ sở hạ tầng cho đến cơ cấu tối cao để chận đứng và tiêu diệt các mầm móng khác đang tìm cách phá hoại cơ chế xã hội Nga lúc bấy giờ.
Thay vì phải liên kết ngay với các phần tử tiến bộ trong Xã hội, Nga Hoàng Nicolas II  cứ  ôm lấy chế độ Quân Chủ Bình Dân.  Nga Hoàng muốn duy trì mình là người ”cha ” của Nông dân.  Nga Hoàng đích thân giữ chức Tổng Chi Huy Quân Đội. Đó là một hành động tự sát của một chế độ chuyên chế.  Tổng hành dinh đóng ở Mongilev bị cô lập.  Việc nước kể từ năm 1915 nằm trong tay Hoàng Hậu Alexandra, một người đàn bà gốc Đức, không được lòng dân.  Đến năm 1916, chính quyền gần như tan rã. Quốc Hội Douma, do dân bầu nhưng chỉ là Đại diện cho  một thiểu số dân, hằng năm chỉ họp vài tuần. Chính phủ và Bộ trưởng thay đổi liên tục. Dân chúng không tin tưởng vào Quốc Hội và Chính Quyền.
Trong lúc khủng hoảng chính trị, vụ ám sát Raspoutine  vào đêm 31 tháng 12 năm 1916 đã làm sôi nổi dư luận quần chúng.  Các cuộc biểu tình đã một thời lắng dịu vì chiến tranh, nay có dịp tái bộc phát, sâu rộng hơn.  Các cuộc nổi dậy lan rộng trong hàng ngũ quân đội. Hệ thống tiếp tế tan rã.
Số phận của chính quyền thực sự đã được quyết định từ tháng 2 năm 1917.
Sau năm ngày biểu tình liên tục do giới công nhân thợ thuyền chỉ đạo, cùng với cuộc nổi loạn của vài ngàn quân nhân trong thành phố Petrograd, Chế Độ Nga Hoàng hoàn toàn sụp đổ. Bộ Tổng Tham Mưu không dám huy động quân đội để đàn áp các cuộc nổi loạn như vậy trong thành phố. Chính quyền thiếu chuẩn bị chính trị để dàn xếp các đảng phái đối lập.. Nội bộ đảng phái chia rẻ trầm trọng.  từ những người Tự Do của Đảng Dân Chủ Lập Hiến cho đến những người dân chủ Xã Hội.
Cuộc nổi loạn bắt đầu từ ngoài đường phố và kết thúc trong văn phòng của Điện Tauride, trụ sở Quốc Hội Douma .  Những Đảng viên Tự Do run sợ trước những người ngoài đường phố. Trong khi đó cánh Xã Hội lại coi đây là cuộc cách mạng của giai cấp Tư Sản. Họ cho rằng cứ theo thời gian, cuộc cách mạng tư sản sẽ dẫn đến cuộc cách mạng xã hội toàn diện. Sau nhiều cuộc thương thuyết, các phe đối lập thỏa hiệp một công thức chưa từng xảy ra : Thành lập hai chính quyền. Một bên là Chính Quyền Lâm Thời, có nhiệm vụ tái lập trật tự để tiến tới một nước Nga Tư Bản , liên kết với Đồng minh Anh, Pháp.  Phía bên kia là chính quyền Sô Viết của thành phố Petrograd, thuộc phe Xã Hội . Họ tự nhận là những người nối tiếp truyền thống SôViết Saint Petesbourg vào năm 1905, Đại diện cho khối quần chúng cách mạng.
Từ ngày 2 tháng 3  đến ngày 25 tháng 10 năm 1917 đã có 3 chính phủ lâm thời liên tiếp thay đổi. Tất cả đều tỏ ra bất lực trong việc giải quyết các vấn đề do chế độ cũ để lại: giải quyết khủng hoảng kinh tế; tham dự cuộc chiến; giải quyết đời sống cho giới công nhân thợ thuyền; vấn đề ruộng đất,..
Nhóm Tự Do Dân Chủ Lập Hiến chiếm đa số trong hai chính phủ đầu tiên. Nhóm Mensêvich và nhóm Xã Hội chiếm đa số trong chính phủ kỳ ba. Họ thuộc thành phần trí thức tiến bộ  của một xã hội dân sự trong thành phố. Họ tin tưởng một cách mù quáng vào nhân dân. Họ cũng sợ các lực lượng núp trong bóng tối đang bao vây họ. Họ không biết những người trong bóng tối là ai và âm mưu những gì ?
Đa số những người mới lên cầm quyền cảm thấy cuộc cách mạng diễn ra ôn hoà . Họ để cho cao trào đòi hỏi dân chủ làm sụp đổ chế độ Nga Hoàng và cố tạo ra một nước Nga Tự Do hơn cả các quốc gia trên thế giới. Đó là ước mơ của những người quá lý tưởng như ông Hoàng LVOV, từng giữ chức Thủ Tướng trong hai chính phủ đầu tiên.
Trong bản tuyên cáo đầu tiên ông Hoàng LVOV  nói rằng bản chất cuả dân Nga là tinh thần dân chủ toàn diện.  Tinh thần này sẵn sàng hòa hợp với các nước khác để cùng tiến lên tiếp nối con đường của cách mạng  Pháp, đặt căn bản trên các nguyên tắc lớn : Tự Do Bình Đẳng và tình nghĩa anh em.
Tin tưởng vào các niềm tin này, Chính phủ lâm thời ban hành các biện pháp dân chủ . Chính Phủ nhìn nhận các quyền tự do căn bản như  bãi bỏ các đạo luật kỳ thị sắc tộc, tôn giáo; Cho phổ thông đầu phiếu; Nhìn nhận quyền tự quyết của các sắc dân trong cộng đồng Nga; cho các quốc gia Ba Lan, Phần Lan quyền tự trị.. Qua các biện pháp này, chính phủ hy vọng sẽ tạo sự đoàn kết trong dân chúng,  cùng nhau chiến thắng cuộc chiến, tiến tới hợp tác với các nước dân chủ Đồng Minh Tây Phương. Vì quá lo cho vấn đề pháp lý, chính phủ lâm thời đã khước từ một số biện pháp căn bản để bảo đảm cho tương lai trước khi triệu tập Quốc Hội vào mùa Thu năm 1917. Vì chỉ giữ vai trò lâm thời, Chính Phủ không giải quyết các vấn đề hệ trọng như vấn đề Hòa Bình, vấn đề ruộng đất.  Và vì cuộc chiến còn đang diễn ra, nên Chính phủ Lâm Thời trong thời gian ngắn ngủi, cũng chẳng giải quyết được gì cho cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Nga. Tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm vẫn diễn ra hằng ngày. Vấn đề tiếp tế lương thực, và sinh hoạt trao đổi thực phẩm giữa thành thị và nông thôn bị tắc nghẽn. Hãng xưởng đóng cửa; Con số thất nghiệp của giới công nhân thợ thuyền gia tăng. Tất cả những sự kiện trên làm cho tình hình xã hội cáng lúc càng căng thẳng .
Đứng trước thái độ ” chờ thời ” của Chính Phủ Lâm Thời, nhiều tổ chức xã hội dân sự tự động đứng ra giải quyết vấn đề.  Trong vòng vài tuấn lễ đã có hàng ngàn tổ chức Sô Viết, ủy ban công xưởng , ủy ban các khu phố, các đội tự vệ vỏ trang công nhân , mệnh danh là các Vệ Binh Đỏ, các uỷ ban nông dân, các uỷ ban quân nhân,.. tự thành hình và tự hành động. Các cuộc hội thảo, các quyết định, các yêu sách, những đòi hỏi của quần chúng quay quanh về vấn đề chính trị.  Đúng là sinh hoạt giải phóng.  Cuộc tranh đấu mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn.  Cuộc cách mạng tháng hai này mở đầu cho các sự câm thù và các việc chiếm đoạt đất đai đã ấp ủ từ lâu. Hầu hết các yêu sách mang tính chất chính trị của các tổ chức xã hội đã được chính phủ Lâm thời chấp thuận.
Giới công nhân thợ thuyền quay cuộc đãu tranh qua mặt trận kinh tế.  Họ đòi hỏi mỗi ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ. Bãi bỏ chế độ tiền phạt vạ. Thành lập các ủy ban bảo đảm an sinh xã hội và tăng lương. Đòi hỏi thay đổi mối quan hệ xã hội giữa chủ nhân và công nhân. Thành lập uỷ ban cứu xét đơn xin việc làm và cho nghỉ việc.  Họ đòi hỏi quyền kiểm soát trong sản xuất. Nhưng muốn thực hiện quyền kiểm soát của công nhân trong các nhà máy, họ đòi phải có một chính phủ khác. Đó là ” Chính quyền Sô Viết ”. Chỉ có cơ chế này mới có thể thi hành các biện pháp cấp tiến, có quyền trưng thu các công xưởng, xí nghiệp, đưa đến chính sách quốc hữu hóa các công cụ sản xuất.  Yêu sách này chưa ai hề nghe biết vào đầu năm 1917. Thế mà chỉ sáu tháng sau,  việc quốc hữu hóa được nói đến thường xuyên.
Trong cuộc cách mạng tháng hai và tháng 10 năm 1917, những người lính gốc nông dân  với một quân số 10 triệu,  họ đã giữ một vai trò quyết định.  Quân Hoàng Gia tan rã mau chóng vì lính đào ngũ và không muốn chiến tranh.  Ngay từ ngày đầu, Chính Phủ Lâm Thời ra tuyên cáo số 1 về ” Hiến chương của quân nhân”. Theo tuyên cáo này, quân nhân không còn bị ràng buộc bởi luật lệ của chính quyền cũ.  Quân nhân có quyền chọn lấy vị quan quan cho nhóm mình hay không cần sĩ quan cũng được. Quân nhân có quyền tham gia trực tiếp vào các chiến lược quân sự. Một sự kiện chưa hề xảy ra. Nhưng đó là các luật lệ lót đường cho chế độ Bônsêvich. Theo nhận định của Đại Tướng Broussilov, thì quân nhân chẳng biết gì về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô sản và hiến pháp. Họ muốn có hoà bình, họ muốn được chia đất đai canh tác, được tự do sinh sống không cần đến pháp luật, không có sĩ quan mà cũng chẳng có địa chủ. Chủ nghĩa Bônsêvich của họ, trên thực tế là sự khát khao lớn để được có tự do, không bị ràng buộc . Đó là chủ nghĩa vô chính phủ.”
Tháng 6 năm 1917, các cuộc phản công của quân Nga hoàn toàn thất bại. Quân Nga bắt đầu tan rã.  Hàng trăm sĩ quan bị lính bắt giam vì tình nghi là các phần tử phản cách mạng. Có một số sĩ quan bị ám sát. Số lính đào ngũ gia tăng hằng ngày. Sang đến tháng 8, tháng 9, hằng ngày có trên hàng chục ngàn lính đào ngũ. Những người lính gốc nông dân này chỉ mong có dịp là trở về miền quê của họ để khỏi mất phần chia đất đai và gia súc thuộc sở hữu của các địa chủ. Từ tháng 6 tháng 10 năm 1917 có trên hai triệu quân nhân quá mệt mỏi vì chiến tranh và vì thiếu ăn lâu ngày trong các chiến hào. Họ quyết định rời bỏ hàng ngũ, mang theo vũ khí, trở về quê, gây thêm rối loạn ở những vùng đó.
So với các cuộc nổi loạn vì đất đai của những năm 1905-1906, thì các cuộc nổi loạn vào mùa hè 1917 xảy ra rất ít. Và chính quyền còn làm chủ được tình hình. Sau khi nghe tin Nga Hoàng thoái vị như họ chờ đợi, các hội đồng nông thôn mở các phiên họp làm thỉnh nguyện thư, trình bày nguyện vọng và những lời phê phán của họ. Yêu sách đầu tiên là đất đai phải thuộc quyền sở hữu của những người đang canh tác. Phải phân chia đất đai của các địa chủ hiện đang bỏ trống. Họ yêu cầu xét lại thuế má, giảm tô. Dần dần, nông dân tự thành lập ủy ban điền địa từ đơn vị xóm, thôn đến làng, xã. Họ cử các người có học như thầy giáo trong làng, các vị linh mục, các chuyên viên nông nghiệp lãnh đạo các uỷ ban. Họ đề cử các y tá săn sóc sức khỏe cho nông dân.
Nhưng từ tháng 5, tháng 6 năm 1917, các ủy ban trở nên cứng rắn hơn. Các ủy ban nông nghiệp khởi đầu tước đoạt các nông cụ và gia súc của các địa chủ. Họ tự động chiếm hữu các vùng đất không canh tác và các khu rừng của tư nhân. Cuộc chiến đấu khởi đầu từ thời tổ tiên xa xưa của họ. Nhờ cuộc cải cách ruộng đất của cựu Thủ Tướng Stolypine, một số người dân trước kia đã ra công khai thác ruộng đất và lâu dần trở nên giàu có, sơ hữu một số đất đai. Trước cuộc cách mạng tháng 10, những người nông dân giàu có, hay còn gọi là địa chủ này là đối tượng đãu tranh của nhóm người Bônsêvich. Giới địa chủ bị Bônsêvich kết tội là các thành phần bóc lột, cho vay nặng lãi, những tên tư sản nông thôn, thành phần hút máu nhân dân,.. Những người Bônsêvich kêu gọi địa chủ hiến dâng ruộng đất, tài sản, dụng cụ sản xuất của họ vào qũy cộng đồng để trở về với  cộng đồng nông thôn. Họ cũng hưởng theo nguyên tắc bình đẳng được phân chia theo khẩu phần ăn.
Vào mùa hè năm 1917, tình trạng ở nông thôn trở nên căng thẳng hơn khi các người lính đào ngũ mang theo vũ khí trở về làng xóm.  Khi nhận ra chính phủ không giữ lời hứa phân chia đất đai gia súc ,  họ nổi loạn tấn công vào các trang trại lớn trong đó có chứa các nông cụ hiện đại, thuộc quyền sở hữu của giới quí tộc.  Họ đập phá, nhục mạ và đuổi các chủ gia ra khỏi làng xóm.
Tại các vùng ở Ukraine và các địa phương thuộc khu vực Tambov, Penza, Voronej, Saratov, Orel, Toula, Riazan, đã có hàng ngàn nông trại, khu nhà bị đốt phá và hàng trăm chủ gia bị tàn sát.
Đứng trước tình trạng ” vô chính phủ”, giới chủ nhân, địa chủ cùng với các lãnh tụ của các đảng phái có khuynh hướng tự do cùng quyết định phải xử dụng quân đội để dàn xếp . Họ đề nghị Tướng Kornilov đứng ra thành lập chính phủ. Nhưng đề nghị này không được Chính Phủ Lâm Thời do ông Alexandre Kerenski chấp thuận. Người ta chờ đợi cuộc đảo chánh nhưng cuộc đảo chánh do Tướng Kornilov chủ trương xảy ra trong 3 ngày kể từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 8 năm 1917 bị thất bại. Tình hình chính trị cũng như các vấn đề xã hội trở nên bi đát hơn. Chính phủ lâm thời không còn kiểm soát được bộ máy thông tin của nhà nước. Trong lúc đó, tại các cơ quan đầu não xảy ra các vụ tranh chấp quyền hành giữa hai phe dân chính và quân sự. Phe quân nhân muốn nắm trong tay các quyền Tư Pháp, Hành Chánh, và Quân đội.
Phải nhận rằng có tiến bộ trong các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Phải chăng họ đã bị Bônsêvich hoá ? Điều này không có gì chắc chắn. Mặc dù cùng dùng các khẩu hiệu ” Công nhân kiểm soát các xí nghiệp ”, hay ” Tất cả quyền lực thuộc về Sô Viết”,.. nhưng mỗi bên hiểu và giải thích theo lối suy tư của mình. Trong quân đội, hiện tượng Bônsêvich hóa  thể hiện sự khát khao hòa bình của các người lính. Họ tham dự cuộc chiến khá lâu và số thương vong lên quá cao, so với tất cả cuộc chiến trong quá khứ.
Với tập thể nông dân, cuộc cách mạng của họ có cùng mục đích với lực lượng cách mạng xã hội, thuận lợi cho việc chia đất chia đai. Nhưng đối với những người Bônsêvich, mục đích của họ là quốc hữu hóa tất cả đất đai, thành lập đơn vị tập thể lớn để sản xuất nông sản.  Những người ở thôn quê không hề hiểu biết gì cái tên Bônsêvich. Những người lính đào ngũ trở về làng đã kể cho họ nghe những gì đã xảy ra. Trong khi đó những người Bônsêvich với con số đoàn viên không mấy chính xác một đến hai trăm ngàn  trong tháng 10 năm 1917 ,đi tuyên truyền trong quần chúng dưới khẩu hiệu ” Hòa bình và ruộng đất”.   Nhưng dù sao giữa lúc nước Nga  ” vô chính phủ”, quyền lực nhà nước nằm trong tay các Ủy ban, các hội đoàn xã hội dân sự, các Sô Viết, .. thì chỉ cần có một hạt nhân nhỏ có tổ chức là có thể chiếm lãnh quyền hành to lớn. Đó là điều những người Bônsêvich đã làm. Họ đã đạt mục tiêu nắm lấy chính quyền. Họ đã thành công vào thời điểm đó.
Từ ngày thành lập đảng  vào năm 1903, những người Bônsêvich cho thấy đường lối chính trị của họ khác hẳn với các đảng phái xã hội dân chủ trong nước Nga cũng như tại các nước ở Âu Châu. Đảng được tổ chức chặt chẽ, kỹ luật sắt; họ là những người làm cách mạng chuyên nghiệp. Họ thi hành các biện pháp mạnh, dứt khóat và mau lẹ để giải quyết các trật tự xã hội hiện hành.

Trận thế chiến thứ nhất đã xác định tính chất đặc trưng của chủ nghĩa Bônsêvich theo định nghĩa của Lenine. Đặc trưng của khuynh hướng Lenine là không bao giờ hợp tác với các luồng tư tưởng Xã hội- Dân chủ.  Lý thuyết của Lenine được trình bày trong tác phẩm  ” Chủ nghĩa Đế Quốc, giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa Tư Bản”. Ông cho rằng cuộc cách mạng sẽ không diễn ra ở các nước giàu có mà là sẽ xảy ra tại các nước còn đang phát triển, non yếu như nước Nga. Nhưng cũng theo Lenine, cuộc cách mạng phải do một tổ chức tiên phong, có kỹ luật chặc chẻ lãnh đạo, tiến tới một chính phủ Độc Tài của những người  vô sản, một nền ” Độc Tài Vô Sản”. Nó sẽ biến cuộc chiến Đế- quốc- hoá thành một cuộc nội chiến.

Trong bức thơ đề ngày 17 tháng 10 năm 1914 gởi cho ông Alexandre Chliapnikov, một trong những người lãnh đạo nhóm Bônsêvich, Lenine viết : ” Chế độ Nga Hoàng thua trận chỉ là một thiệt hại nhỏ. Nhiệm vụ và công tác của chúng ta là cố kéo dài có phương pháp với mục đích là biến cuộc chiến tranh này thành cuộc nội chiến. Cho tới giờ phút này chuyện đó chưa xảy ra. Chúng ta chờ đợi thời cơ chín mùi và thúc đẫy một cách có hệ thống cho thời cơ chín mùi. Hiện nay chưa cho phép chúng ta hứa hẹn một điều gì về cuộc nội chiến và cũng chưa làm gì để cho cuộc nội chiến xảy ra. Chúng ta chỉ có thể tạo ra cơ hội để cho cuộc nội chiến xảy ra, dù phải chờ đợi. Chúng ta đi về hướng này.”
Ông nêu lên những mâu thuẫn của Đế Quốc. Cuộc chiến của đế quốc sẽ làm đảo lộn các danh từ giáo điều Mat-xit. Nó sẽ nổ ra ở đất Nga chớ không ở nơi nào khác. Trong suốt thời gia của cuộc thế chiến thứ nhất, Lenine đã vận động lực lượng Bônsêvich tìm mọi cách phát động cuộc nội chiến ở Nga.
Tháng 9 năm 1917 Lenine nhận định, những ai nhìn nhận cuộc chiến tranh giai cấp đều phải chấp nhận một cuộc nội chiến. Trong xã hội có giai cấp, luôn luôn xảy ra cuộc chiến tranh chấp về giai cấp.
Trong cuộc nổi dậy thành công vào tháng 2 năm 1917 không có một nhân vật cao cấp Bônsêvich nào tham dự cả. Hoặc họ đang lưu đày hay đang ở nước ngoài. Lenine tiên đoán chính sách dung hoà, thành lập chính phủ Lâm thời sẽ thất bại. Ở thành phố Petrograd , nhóm Sô Viết đã thành lập xong Chính Phủ Lâm Thời, gồm các phe Xã hội cách mạng và Xã hội dân chủ và một số nhóm khác. Trong thời gian từ 20 đến 25 tháng 3 năm 1917, trong lúc lánh nạn ở  Zurich, Thủ Đô Thụy sĩ, Lenine viết bốn lá thơ gởi về. Tạp chí Sự Thật Pravda chỉ đăng có lá thư thứ nhất. Ba lá kia không được lên báo vì Lenine đòi nhóm Xô Viết ở thành phố Petrograd hay đoạn giao với Chính Phủ Lâm Thời để chuẩn bị cho giai đoạn ” Vô sản cách mạng”.
Theo Lenine, sự xuất hiện các nhóm Sô Viết là dấu hiệu cho thấy đã vượt qua  giai đoạn ” Cách mạng giới trung lưu”. Cho nên không còn phải chần chờ gì cả. Các tổ chức cách mạng phải nắm lấy chính quyền bằng cách xử dụng vũ khí, chấm dứt chiến tranh đế quốc, cho dù phải lao vào một cuộc chiến khác, cuộc nội chiến. Và như vậy tình hình đã diễn ra theo sách lược cách mạng.
Trong thời gian chiến tranh Nga-Đức, Lenine được chính quyền Đức cấp cho giấy thông hành di chuyển trên đất Đức. Ông trở về Nga vào ngày 3 tháng 4 năm 1917. Lúc này Lenine vẫn còn quá khích. Trong các viết nổi tiếng của ông với tựa đề ” Luận Đề Tháng Tư”, ông nhắc lại sự phản đối của ông về việc thành lập một nền Cộng Hòa Đại Nghị dựa vào nguyên tắc dân chủ.
Ông bị các nhóm Sô Viết ở thành phố Petrograd phản đối kịch liệt. Nhưng ngược lại, những người mới gia nhập ủng hộ triệt để. Staline cho rằng những người chống đối là những người thực tiễn. Trong vài tháng sau, các phần tử bình dân, trong đó có các nông dân bị động viên đã giữ vai trò chính. Và do số đông, những người nông, không có ý thức chính trị tràn ngập cả các giới trí thức và dân thành phố, là những người đã có kinh nghiệm đãu tranh và có ý thức tổ chức. Chính do cái truyền thống bạo động phát xuất từ nền văn hóa nông dân, họ không hiểu, hay nói đúng hơn, họ không bị chủ thuyết giáo điều Maxit chi phối. Họ tiêu biểu cho thành phần Bônsêvich bình dân. Họ, vì thế, đã làm mờ chủ nghĩa Bônsêvich chính thống. Họ không cần phải đặc câu hỏi, phải chăng giai đoạn trung lưu cần thiết để tiến lên xã hội chủ nghĩa? Họ thuộc thành phần hoạt động trực tiếp, xử dụng bạo động. Họ là những người nhiệt thành hoạt động cho chủ nghĩa Bônsêvich. Họ không cần hội thảo lý thuyết. Họ chỉ cần phải học thuộc lòng một điều căn bản được coi như là nhật lịnh : cướp lấy chính quyền.
Nhưng trong số những người thuộc thành phần Bônsêvich bình dân này đã có một số đông bắt đầu lo lắng. Như các thuỷ thủ đóng ở căn cứ Hải quân Kronstadt nằm ngoài khơi thành phố Petrograd, một vài đơn vị thuộc quân khu thủ đô và một số Hồng vệ binh.  Họ sợ nổi dậy sớm, sẽ bị thất bại. Vì thế họ cho rằng Lenine quyết định quá nông nổi và hạn hẹp. Trái với các tin đồn, suốt năm 1917, lực lượng Bônsêvich thật sự vô cùng khủng hoảng và chia rẽ.  Vào đầu tháng 7 năm 1917, đảng Bônsêvich gần như tan rã. Các cuộc biểu tình vào ngày 3 và 5  ở thành phố Petrograd bị chính phủ cấm và bị coi là bất hợp pháp. Các thành phần đầu não của đảng bị đặt ra ngoài vòng luật pháp. Họ phải bỏ trốn ra nước ngoài như trường hợp của Lenine.
Nhưng vì chính phủ bất lực trước các vấn đề của xã hội, uy tín chính quyền , quyền lực truyền thống giảm sút, thêm vào đó cuộc đảo chánh thất bại của Tướng Kornilov, đã giúp cho đảng Bônsêvich sống lại. Cuối tháng 8 năm 1917, đảng Bônsôvich đã tập hợp lại các đảng viên, cùng với các cảm tình viên , trở thành một khối đông và mạnh. Họ đã đủ mạnh để chuẩn bị cướp chính quyền.
Thêm một lần nữa, Lenine giữ vai trò lý thuyết gia và chiến lược gia , vai trò quyết định để chiếm lấy chính quyền. Một vài tuần trước ngày đảo chính 17 tháng 10 để thành lập nhà nước Bônsêvich, Lenine đã hoạch ra một kế hoạch chu đáo cho cuộc bạo động. Ông ta tiên liệu ngăn ngừa sự bộc phá của các phần tử cực đoan trong đảng và những hoạt động bất ngờ của khối quần chúng. Ông cũng tiên liệu tránh cái ” Pháp ly cách mạng” cuả lãnh tụ Bônsêvich như Zinoviev hay Kamenev. Hai lãnh tụ này đã ”bị cháy” trong các vụ biểu tình hồi đầu tháng 7 vừa qua vì còn tin tưởng vào sự hợp tác với các đảng xã hội dân chủ và xã hội cách mạng.
Từ nơi trú ẩn ở Phần Lan, Lenine liên tục gởi về Ủy Ban Trung ương Đảng Bônsêvich ở thành phố Petrograd những lời kêu gọi nổi dậy cướp lấy chính quyền. Ông viết:
” Nếu chúng ta tái lập nền hoà bình và phân chia ruộng đất cho nông dân, thì chúng ta sẽ thành lập được chính quyền mà không có ai lật đổ được. Nếu chúng ta chờ đợi cho có nhiều người ủng hộ thì sẽ không bao giờ có. Không có cuộc cách mạng nào chờ đợi như vậy. Lịch sử sẽ không tha thứ  nếu chúng ta không nắm lấy chính quyền ngay bây giờ..”
Phần đông người Bônsêvich hoài nghi lời kêu gọi của Lenine. Họ cho rằng cần gì phải ” đột phát”. Cứ theo tình hình này thì rõ ràng rất thuận lợi cho họ và còn có vẻ cấp tiến nữa. Chỉ cần nắm lấy khối đông quần chúng và khuyến khích họ bạo động ; Hoặc kết hợp với các phần tử thuộc các phong trào xã hội cùng các lực lượng của chính phủ đang tan rã, khuyến khích họ hành động và chờ đến kỳ Đại Hôị Liên bang các SôViết kỳ II ngày 20 tháng 10 năm 1917. Vào kỳ Đại Hội, phe Bônsêvich sẽ chiếm ưu thế vì có các đã có các đại diện trong các trung tâm đông đảo thợ thuyền công nhân, cùng với các một số lớn đại diện các Ủy ban của các quân nhân gốc nông dân. Trong khi đó đại diện của các Sô Viết ở nông thôn có khuynh hướng xã hội cách mạng. Nhưng theo Lenine, nếu các Sô Viết nông thôn có khuynh hướng xã hội này được đại hội chấp thuận chó đứng ra thành lập chính phủ thì cũng sẽ là chính phủ Liên Hiệp. Nhóm Bônsêvich sẽ chia quyền cùng với các nhóm xã hội khác. Như vậy, theo ông, Bônsêvich chỉ có thể nắm lấy chính quyền nếu dùng vũ lực nổi loạn trước ngày khai mạc Đại Hội. Ông ta cũng tiên đoán rằng các phe phái khác sẽ lên án cuộc đảo chánh, tách ra trở thành phe đối lập, giao quyền hành cho người Bônsêvich.
Ngày 10 tháng 10 năm 1917, từ biên giới Phần Lan Lenine bí mật trở về thành phố Petrograd. Ông triệu tập ngay một phiên họp với sự hiện diện của 12 lãnh tụ trong số 21 Uỷ Viên Trung Ương Đảng Bônsêvich.  Sau 10 tiếng đồng hồ hội thảo, ông đã thuyết phục được đa số các Ủy viên để thi thi hành một quyết định mà từ trước đến nay chưa hề xảy ra. Đó là kế hoạch nổi dậy bằng vũ lực trong một thời gian ngắn sắp tới.  10 phiếu chấp thuận kế hoạch. Hai phiếu chống của Zinoviev và Kamenev.
Ngày 16 tháng 10, mặc dù nhóm cách mạng Xã Hội trong tổ Sô Viết thành phố Petrograd chống đối, Trotski cũng quyết định thành lập một tổ chức quân sự. Trên nguyên tắc, nó thuộc quyền quyết định của Ban chấp hành SôViết Petrograd. Uỷ ban lấy tên là Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng, viết tắc CMRP, được uỷ nhiệm thực hiện một cuộc nổi dậy quân sự cướp lấy chính quyền, khác hẳn các trường hợp nổi dậy của nhân dân trước đây.
Theo như kế hoạch của Lenine, con số người tham dự trực tiếp vào cuộc cách mạng tháng 10 rất hạn chế. Vài ngàn lính của quân khu Petrograd, một số Hải quân ở cảng Kronstadt, một số Hồng vệ binh và một số lãnh tụ Bônsêvich thuộc các uỷ ban công xưởng. Cuộc nổi dậy chỉ chạm súng lẻ tẻ. Con số thương vong không đáng kể. Việc chiếm lấy chính quyền không mấy khó khăn. Ủy ban Quân Quản nắm lấy quyền hành. Như vậy quyền lãnh đạo nhà nước hoàn toàn nằm trong tay của một tổ chức, do Ủy Ban trung ương Bônsêvich giao phó. Không một ai có quyền tham dự cho dù có tổ chức Đại Hội.
Chiến lược tạo một sự việc đã rồi của Lenine đã thành công. Nhóm xã hội ôn hòa rời bỏ phòng họp Đại Hội để phản đối hành động mưu phản quân sự  do nhóm Bônsêvich chủ mưu, qua mặt các tổ chức Sô Viết. Phòng hội giờ chỉ còn nhóm Bônsêvich và các đồng minh của họ. Những đại biểu hiện diện trong hội trường lúc bấy giờ đã tán thành cuộc nổi dậy đồng thời bỏ phiểu chấp thuận nghị quyết do Lenine đưa ra : ” Tất cả các quyền lực đều về tay các SôViết”.
Nghị quyết này chỉ làm cho có hình thức để thừa nhận sự việc” người Bônsêvich được ủy quyền”. Đó là một sự tưởng tượng đã lừa bịp nhiều thế hệ của những người nhẹ dạ, dễ tin. Họ nhân danh nhân dân trong các nước SôViết đứng ra cai trị đất nước. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chấp thuận nghị quyết, thành lập tân chính phủ Bônsêvich, Đại Hội II bế mạc. Tân chính quyền Bônsêvich do Lenine làm chủ tịch. Các Ủy viên đã chấp thuận các nghị quyết cho tái lập hòa bình và tiến hành phân chia ruộng đất. Đó là công tác đầu tiên của tân chế độ.
Không lâu sau đó, tân chính quyền phải đối đầu ngay những sự xung đột và những sự hiểu lầm  giữa chính quyền và các thành phong trào xã hội. Các phong trào này cho rằng chính họ đã tạo nên sự tan rã mau chóng chế độ cũ cả về phương diện xã hội cũng như về kinh tế.

Sự hiểu lầm đầu tiên là công việc chia ruộng đất.

Nhóm Bônsêvich chủ trương quốc hữu hóa đất đai. Nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi cho họ nên họ phải chấp thuận theo kế hoạch phân chia ruộng đất của các nhóm xã hội cách mạng .  Một nghị quyết về ruộng đất đã hủy bỏ quyền tư hữu đất đai. Ruộng đất bị tịch thu không bồi thường và đặt dưới quyền của ủy ban nông nghiệp địa phương. Ủy ban này sẽ tái phân phối ruộng đất cho nhân dân.  Trên thực tế, việc hợp pháp hóa các việc làm của cộng đồng làng xã đã bắt đầu từ mùa hè năm 1917. Những người Bônsêvich đã tướt đoạt tàn nhẫn đất đai của điền chủ, của những người giàu có. Nhưng vì phải dựa vào cuộc cách mạng của nông dân, cuộc cách mạng đã giúp cho người Bônsêvich cướp lấy chính quyền, cho nên họ phải chờ đến 10 năm sau mới thực hiện được chương trình riêng của họ. Đó là chính sách quốc hữu hóa. Các cuộc tập thể hóa ở nông thôn là một cuộc chạm trán gay go giữa chính quyền và nông dân. Đó là kết quả của sự hiểu lầm về nghị quyết do cách mạng tháng Mười tạo ra. Một sự hiểu lầm bi thảm nhất của năm 1917.

Việc hiểu lầm thứ hai là vấn đề giao tế giữa đảng Bônsêvich và các thể chế mới.

Các thể chế mới này là những tổ chức đã tham gia vào các hoạt động nhầm xóa bỏ cơ chế quyền lực cũ, và cũng đã giữ vững lập trường. Đó là các Ủy Ban của các công xưởng, xí nghiệp, các nghiệp đoàn, các đảng xã hội, các uỷ ban khu phố, các Hồng vệ binh, và nhất là các tổ Sô Viết. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, các thể chế mới này bị tước bỏ quyền lực. Họ phải chịu sự chỉ đạo của đảng hay giải tán. Khẩu hiệu ” Tất cả quyền lực thuộc về Sô Viết” trở thành khẩu hiệu phổ thông trên nước Nga trong tháng 10 năm 1917, nay bị trở cờ, quyền lực nằm trong tay đảng. Đảng quản lý các Sô Viết.
Dưới khẩu hiệu ” Công nhân kiểm soát xí nghiệp”, các người Bônsêvich, các người vô sản của thành phố Petrograd và các thành phố kỹ nghệ đã hất cẳng các chủ nhân và nhân công nhà máy ra ngoài, dành quyền kiểm soát. Họ tự nhận là công nhân. Tình trạng chống đối và lo âu xảy ra trong giới thợ thuyền. Vật giá gia tăng, dẫn theo nạn lạm phát.
Tháng 12 năm 1917, chính quyền gặp phải sự chống đối của công nhân. Họ đình công . Chỉ vòng trong vài tuần lễ, những người Bônsêvich gần như mất hết niềm tin mà họ đã gây được trong lòng giới lao động trong suốt năm 1917.
Việc hiểu lầm thứ ba là sự đối xử với các sắc tộc, cựu thuộc địa của Nga đưới thời Nga Hoàng.

Cuộc đảo chính của người Bônsêvich đã làm cho các sắc dân muốn tách ra khỏi mẫu quốc Nga. Chính quyền mới  bảo đảm yêu sách này bằng cách họ chấp thuận sự bình đẳng, chủ quyền và quyền tự quyết gia nhập hay ly khai của các sắc dân. Chỉ trong vòng vài tháng  các sắc dân Ba Lan, Phần Lan, Baltique, Ukraine, Armenie tuyên bố độc lập. Đứng trước tình trạng rẩm rộ ly khai chính trị , chính quyền Bônsêvich phải đưa ra các vấn đề khác để tìm cách chận đứng sự ly khai . Họ cho rằng vì cần phải bảo vệ vụ lúa mì ở Ukraine, vùng dầu hỏa ở Caucase, và những quyền lợi của nhà nước khác, họ quả quyết lãnh thổ này là do nhà nước thừa hưởng của chế độ Nga Hoàng. Họ còn đòi hỏi nhiều hơn những gì chính phủ lâm thời đã làm.
Do nhiều hình thức khác nhau của các cuộc cách mạng xã hội và của các sắc dân nên xảy ra cuộc va chạm mang tính đa dạng. Chính sách thực thi đường lối chính trị độc tài, không chấp nhận phân chia quyền lực, đã dẫn ngay đến các cuộc đối kháng , xung đột mãnh liệt từ phía quần chúng trong xã hội, từ đó đưa đến các cuộc đàn áp đẫm máu, khủng bố dã man của phía chính quyền .

 

Bấm vào đọc tiếp chương 2: Lực Lượng Võ Trang Của Chính Quyền Vô Sản (Cộng Sản)

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt