Litva: Nước nhỏ nhất thế giới là anh hùng chống cộng

Địa lý Lithuania (Litva) ở vùng Baltic

Lê Thành Nhân 

Một nước rất nhỏ, có thể nói là nhỏ nhất thế giới thuộc vùng Baltic ở Bắc Âu, nhưng có lá gan rất lớn và con tim thật vĩ đại, đứng hẳn về công lý, tự do sẵn sàng hy sinh bằng mọi giá chống lại hai nước độc tài cộng sản lớn nhất hoàn vũ Nga-Tàu. Năm 2021, một mình đương đầu với Trung Cộng và năm nay đương đầu với Nga không khoan nhượng. Thật đáng kính, đáng nể!

Gần đây chúng ta thấy báo chí đăng tin, Litva có thể là thùng thuốc nổ Thế Chiến III. Thật ra, trước đây ít ai để ý đến Litva. Nhờ chuyện “anh hùng tí hon” chống Tàu Cộng rồi chống Nga mới đi tìm hiểu thì Litva là nước thật nhỏ, diện tích 65,000 km2, dân số 2.8 triệu người. Nhìn trên bản đồ châu Âu, ba nước nước vùng Baltic gồm: Estonia, Latvia, Lithuania thì Litva chính là Lithuania, thủ đô Vilnius, từ đây người viết dùng Litva cho gọn.

Trước đây, Litva trong khối cộng sản Liên Xô dưới quyền cai trị của Cộng Sản Nga. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990, Litva tháo bỏ “nón cối, dép râu” trở thành nước cộng hòa độc lập, từ đó Litva bay như rắn hóa rồng, làm cho các nước tây phương đã không tiếc lời ca ngợi: Litva là một quốc gia phát triển, có nền kinh tế tiến bộ, tăng nhanh và năng động, bình quân thu nhập đầu người cao; Được xếp hạng rất cao trong chỉ số phát triển con người về các quyền tự do xã hội, tự do báo chí, tự do internet, chính thể dân chủ và hòa bình. Năm 2004 Litva (Lithuania) là thành viên của khối NATO, EU và có chân Hội Đồng Châu Âu. Nay là quan sát viên thường trực của Hội Đồng Bắc Âu” (1)

Quả thật, qua trang wikipedia chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy lợi tức đầu người Litva năm 2021 qua GDP (PPP) là $46,479/năm bằng 2/3 lợi tức của người Mỹ cùng năm là $62,630.87/năm.

Nước nhỏ nhất chống nước Cộng Sản lớn nhất hung bạo nhất.

Có lẽ vì nỗi lo sợ chế độ cộng sản đã ăn sâu vào tiềm thức, nên Litva đã nuôi dưỡng ý định “thà chết chứ không thể sống với Cộng Sản”, thậm chí không muốn nghe hai chữ cộng sản lãng vãng bên tai họ. Tháng 7/2021, Litva tuyên bố cho mở văn phòng đại diện Đài Loan ở thủ đô Vilnius. Quyết định này của Litva khiến Trung Cộng vô cùng tức giận, Trung Cộng đã bằng mọi cách gây áp lực lên hầu hết các nước trên thế giới không cho sử dụng tên Đài Loan vì đã coi đảo này là một tỉnh của Tàu Cộng. Nếu thế giới còn sử dụng tên Đài Loan thì nước này sẽ dần dà thành độc lập!

Bắc Kinh không bao giờ để cho một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận hai chữ “Đài Loan” (Taiwan) trên đất họ. Để tránh mất lòng và thiệt thòi quyền lợi làm ăn với Trung Cộng – một nước có nền kinh tế đứng thứ nhì, kiểm soát chuỗi cung ứng thế giới – nên những nước trên thế giới có liên hệ thương mại với Đài Loan, muốn đặt văn phòng thì phải gọi là Taipei (Đài Bắc) như “văn phòng đại diện Đài Bắc (Taipei)”, kể cả Mỹ chỉ có “Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc” (Taipei Economic and Cultural Representative Office) tại Washington DC.

Văn phòng đại diện Đài Loan tại thủ đô Vilnius, Lithuania

Thế nhưng chỉ có Litva là dám đặt tên “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan” (The Taiwanese Representative Office in Lithuania) đã chính thức khai trương ở thủ đô Vilnius tháng 11/2021.

Dĩ nhiên Trung Cộng dùng mọi hình thức gây sức ép như cấm xuất và nhập khẩu hàng của Litva, trục xuất đại sứ Litva khỏi Bắc Kinh… Nhưng Litva bất chấp, bộ trưởng ngoại giao Litva còn nói “Ủng hộ dân chủ và nhân quyền như các giá trị phổ quát là một phần của thỏa thuận liên minh và đóng vai trò quan trọng trong chương trình của chính phủ Litva”. Cựu thủ tướng Litva ông Andrius Kubilius nói rằng “Chúng tôi luôn coi mình là một quốc gia nhỏ bé nhưng dũng cảm đứng về phía các nguyên tắc đạo đức”. Trước những đe dọa của Bắc Kinh, Litva dấn thêm một bước để hoàn toàn dứt khoát liên hệ với Trung Cộng bằng cách rời khỏi diễn đàn đầu tư 17+1 do Trung Cộng thành lập với với các quốc gia Trung Âu và Đông Âu.

Một nước với chừng 2.8 triệu dân bằng 1/5000 dân số Trung Cộng (1.4 tỉ người), diện tích bằng 1/148 (Trung Cộng rộng 9,596,961 km2), về kinh tế, quân sự, v.v… Litva đều yếu kém bội phần so với Trung Cộng. Nhưng chỉ vì công lý, tự do dân chủ, mà Litva đứng thẳng người chống đối Trung Cộng. Điều này truyền thông thế giới miêu tả là chàng David chống lại gã khổng lồ Goliath. Việc làm lịch sử này đã ảnh hưởng đến quyết định chính trị của Đài Loan rất nhiều.

Năm 2022, Litva chống Nga

Vị trí địa lý của tỉnh Kaliningrad tách biệt nước Nga

Nhìn vào bản đồ trên, Litva (Lithuania) phía Nam giáp giới với Ba Lan (Poland), phía Đông Belarus, phía Bắc Latvia và phía Tây giáp biển Baltic. Đặc biệt trên lãnh thổ của Litva có một phần đất chừng 224.7 km2 gọi là Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva có một mặt giáp với biển Baltic thuộc về nước Nga. Đây là phần đất của Nga duy nhất có hải cảng trên biển Baltic quanh năm hải cảng này nước “không bị đóng băng”. Đó cũng là vị trí chiến lược, là căn cứ đồn trú Hạm Đội Baltic của Nga. Không những là căn cứ chiến lược hải quân mà còn là căn cứ không quân và vị trí đặt vũ khí nguyên tử để Nga kiềm chế các nước Bắc Âu và chĩa nòng hỏa tiễn về các nước châu Âu.

Khi cộng sản Liên Xô sụp đổ năm 1990, Kaliningrad thuộc về Nga, bao quanh Kaliningrad là những nước được trả lại độc lập. Những nước đó là Litva, Ba lan nay đã gia nhập khối NATO và EU.

Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad thông qua giấy phép giữa Nga và Litva gọi là “Tài Liệu Vận Chuyển Đường Sắt (FRTD)”. Có nghĩa là Nga muốn chuyển hàng hóa, vật tư, v.v… từ Nga đến Kaliningrad thì phải dùng hai tuyến đường: Thứ nhất, tuyến xe lửa từ Nga đến thủ đô Minsk của Belarus, qua thủ đô Vilnius của Litva rồi đến Kaliningrad. Và thứ hai, Nga vận chuyển hàng hóa đến biên giới Belarus rồi dùng hành lang hẹp Suwalki bằng đường xe hơi, dài 104 km. Hành lang hẹp này nằm giữa biên giới Litva và Ba Lan nối liền vùng biên giới Belarus đến Kaliningrad (đường màu đỏ ở hình thứ 3 dưới).

Tuyến đường xe lửa từ thủ đô Nga (Moscow) đến thủ đô Belarus (Minsk) qua thủ đô Litva (Vilnius) rồi đến Kaliningrad (thuộc Nga)

Những đoàn xe lửa chở hàng của Nga qua tuyến đường xe lửa nói trên

Nga chuyển hàng đến Kaliningrad bằng hành lang Suwalki

Cả hai đường bằng xe lửa hay xe hơi đều xuyên qua lãnh thổ của Litva, trước đây Litva cho phép Nga sử dụng qua thỏa thuận “Tài Liệu Vận Chuyển Đường Sắt” nói trên.

Nhưng ngày 19 tháng 6 năm 2022, thì Litva áp dụng các biện pháp cấm vận của EU với Nga, cho nên Litva đã quyết định hạn chế Nga một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ của Litva để vào Kaliningrad. Đặc biệt là những mặt hàng bằng kim loại.

Ngày 21/06, quyết định của Litva khiến Nga nổi giận lôi đình, Putin đã lên án bằng “một hành động thù địch chiến tranh” và đe dọa “Litva phải gánh những hậu quả trả đũa nặng nề”. Bên cạnh những đe dọa đó, Putin còn gọi đại sứ Litva tại Nga lên để phản đối, đồng thời cử Nikolai Patrouchev, nhân vật số hai trong chế độ Nga đến Kaliningrad để quan sát tình hình.

Lập tức EU nhảy vào bệnh vực Litva, ông Josep Fontelles là một chính trị gia người Argentina gốc Tây Ban Nha, hiện đứng đầu ngành ngoại giao EU tuyên bố “Litva không hề đơn phương hành động chống Nga, mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của châu Âu khi quyết định cấm vận chuyển một số hàng hóa đến khu vực Kaliningrad của Nga”.

Trên các trang mạng xã hội Nga do phe Putin cò mồi, nhiều tiếng nói kêu gọi Moscow dùng vũ lực giành quyền kiểm soát hoàn toàn hành lang Suwalki.

Nếu Nga dùng vũ lực để chiếm hành lang Suwalki, chẳng khác gì Nga dùng quân sự đánh chiếm đất của Litva hiện là thành viên NATO và EU. Dĩ nhiên, theo điều 5 của khối NATO sẽ không ngồi yên cho phép Nga làm điều đó, chiến tranh sẽ nổ ra giữa NATO và Nga thành đại chiến thứ 3 – như các nước NATO từng tuyên bố không để một tất đất nào của khối NATO bị Nga xâm chiếm.

Litva là một nước nhỏ bé, nhưng họ dám đứng thẳng để chống lại hai nước lớn gốc Cộng Sản hiện đang hung hăng và tàn bạo nhất. Nếu cả thế giới theo gương Litva thì chắc chắn các chế độ cộng sản sẽ không còn tồn tại. Rất tiếc vì những món lợi trước mắt, nên các quốc gia tự do dân chủ cứ việc “nuôi khỉ đốt nhà”, họ không quyết tâm loại hẳn chế độ độc tài cộng sản ra khỏi trái đất này.

Ngày 29 tháng 6 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


Chú thích:

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Lithuania

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt