LIÊU THÁI: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân…? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Liêu Thái: Thật ra, chị Thanh Bình nói “bạn là một cây viết cừ khôi” khi bảo chúng tôi thử tìm tên khác cho ngày này, tôi xin kiếu cái chỗ chị vừa gọi (vì sống và thở trong sinh quyển Việt Nam ba mươi mấy năm nay, tôi chỉ thấy được ở mình một chữ duy nhất: Hèn, hèn vì nhiều thứ, vì viết mà cứ sợ công an kêu lên kêu xuống; tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ dám viết thì cũng dám đi uống cà phê trên đồn công an, chuyện thường tình thôi, quen rồi!). Ngày này, theo chỗ tôi thấy, nên gọi là Ngày Oan Hồn. Vì lẽ: Bắt đầu từ 30/4/1975, có không biết bao nhiêu oan hồn tử sĩ đã vĩnh viễn lưu lạc đầu đường xó chợ bởi không được thờ phụng tử tế, thậm chí không được nhắc đến, có không biết bao nhiêu ngôi mộ bị quật lên một cách tàn nhẫn, man rợ, có không biết bao nhiêu số phận bỏ mình trên biển, có không biết bao nhiêu linh hồn tuy còn tại thế nhưng đã đánh mất ngôi nhà bình yên, đối mặt với ngổn ngang, trớ trêu, và tuy sống mà còn tệ hơn xác chết… Cứ như thế, đất nước này uất hận, điêu tàn, đất nước này phải đối diện với một thứ bóng tối kìm nhốt những linh/oan hồn. Cứ mỗi dịp tháng Tư về, vườn nhà tôi thi thoảng nghe chó sủa đêm rồi lại tru, mẹ tôi bảo đó là chó sủa ma. Và mẹ tôi cũng nói rằng còn quá nhiều oan hồn uẩn tử, âm khí quá nặng, nên tháng Tư về, song hành với tiếng reo hò chiến thắng là tiếng chó tru đêm đầy rẫy trên quê hương. Và, đâu đó trong góc khuất cuộc đời, những oan hồn đang thở dài nhìn hiện tình đất nước, nhìn những người bạn năm nào giờ đang lưu lạc… Cứ như thế, đất nước vật vờ trong nhịp buồn tháng Tư – tháng Oan Hồn.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Liêu Thái: Tôi xin phép miễn bàn hai câu thơ này, xin cảm tác mấy câu “con cóc tháng Tư” nghe cho vui:
Tháng tư như mõm chó đen
Húc vào ụ rác tìm men giò hầm
Ruột gan trời đất tím bầm
Cờ bay phướn phất hà rầm tiếng than
Vỗ tay chiến thắng nổ ran
Thêm dòng huyết lệ vào trang sử buồn…
Đọc mà cuồng…!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh… như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Liêu Thái: Tôi là người sinh sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, nên lúc thế hệ đi trước quyết định ra đi thì tôi chưa có mặt, chưa thể chứng kiến. Nhưng, với một người trẻ tuổi, sống và trải nghiệm trên đất nước toàn một màu đỏ của chủ nghĩa cộng sản này, tôi phải buột miệng: Lúc đó mọi người ra đi là sáng suốt, nếu ở lại Việt Nam, con cái của họ sau này cũng rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi đang nếm trải mà thôi. Dân chủ, nhân quyền, những khái niệm dễ thương ấy sao bây giờ lại quá dữ tợn và mang lại nhiều tai ương cho chúng tôi mỗi khi nhắc, bàn về nó trên đất nước này vậy?
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hòa bình thống nhất?
Liêu Thái: Người cầm bút ở Việt Nam thì rất nhiều chị ạ, và cũng quá nhiều mục đích, mục tiêu và tham vọng kèm theo nên chi thiên hình vạn trạng… Nghiệt nỗi, người dám viết những gì lương tri mách bảo thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, điều này do đâu? Suy cho cùng, một chế độ kiểm duyệt hà khắc được sinh ra từ một cái nôi độc đoán, chuyên quyền và bảo thủ, thì tương lai văn nghệ (nói riêng) và tương lai dân tộc, đất nước (nói chung) sẽ đi đến đâu, chắc ai cũng hiểu. Vấn đề hiện nay không dừng trên hiểm họa phương Bắc mà lại nằm trên tai ương của những ủy nhiệm chính trị quốc tế cùng những món nợ “anh em” từ quá khứ kéo dài gây ung bệnh cho đất nước mỗi lúc thêm nặng. Không còn cách nào khác ngoài việc nâng dân trí, chấn dân khí, phục dân sinh. Muốn thực hiện được ba vấn đề này, trước nhất phải đảm bảo một đất nước có dân chủ, biết tôn trọng nhân quyền và đề cao giá trị sáng tạo. Không còn cách nào khác ngoài việc soạn thảo một bản hiến pháp mới cho dân tộc, đất nước. Bản hiến pháp này phải đầy đủ các yếu tính của một đất nước dân chủ. Tiến trình soạn thảo và thực hiện nó hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, dân tộc.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hòa bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Liêu Thái: Là một người cầm bút, cách tốt nhất để anh sống là chọn lựa một điều gì đó mang lại sự thanh thản lương tâm. Riêng tôi chẳng ngại để nói những gì mình sở đắc, giả sử nhà nước cộng sản bắt bỏ tù tôi vì tội viết những gì họ không hài lòng thì tôi sẽ khuyên họ cố gắng bắt nhốt tất cả Sự Thật và Óc Sáng Tạo. Bởi tôi hành động dựa trên căn tính này. Đã là con người (đặc biệt là người cầm bút) thì ai cũng có khuynh hướng chán ngán những thứ lặp đi lặp lại, rỗng tuếch, nhàm chán, giả dối và vô cảm. Những lúc như vậy, bạn không viết thì làm gì đây?
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Liêu Thái: Điều ông Lê Duẩn nói, đương nhiên lúc nói, ông ta đang là đại diện cao nhất của đảng Cộng sản, nhưng ngay trong nội bộ trung ương đảng, vẫn có ông Võ Văn Kiệt phát biểu chứng minh sự dối trá của ông Duẩn, huống gì cả một dân tộc, đất nước hơn 60 triệu dân (lúc ông Duẩn nói) và hơn 80 triệu dân (bây giờ), trong đó chưa đầy 5% là đảng Cộng sản, vậy không lẽ dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam này chỉ có vỏn vẹn 5% đó thôi sao? Cách nói của ông Duẩn chỉ cho thấy ông xem dân là một thứ cỏ rác, thú vật, chỉ được phép ăn, thở và suy nghĩ theo nếp của Lê Duẩn. Lời phát biểu hết sức võ đoán và ba xạo cho thấy thời của ông, sự mông muội và tính điêu ngoa thể hiện rõ nét, đánh tráo khái niệm cũng là một thế mạnh của ông Duẩn cùng đảng phái, phe cánh liên đới. Nhưng bạn phải nhớ rằng, đất nước này có đến hơn tám chục triệu cái đầu có thể thông minh và tiến bộ hơn ông Duẩn nhiều, vì chí ít, họ không ép ai nghĩ, làm theo họ và họ không bao giờ để ai ép họ quá lâu phải làm một điều gì họ không muốn. Tất cả những hoạt động, những nỗ lực bền bỉ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam của giới trẻ và những phản kháng của người dân bị chiếm đất, thấp cổ bé họng đã bảo chứng cho nhận định của tôi.