Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (6)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương VI: “CHUẨN BỊ TỔNG KHỞI NGHĨA“
THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932)
CHƯƠNG VI: CHUẨN BỊ TỔNG KHỞI NGHĨA
HỘI NGHỊ ĐỨC HIỆP
Trung tuần tháng 5-1929, Đại Biểu Đại Hội toàn quốc lại được bí mật triệu tập họp tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Trước hết Nguyễn Thái Học thuyết trình về tu chính một số điều khoản trong bản điều lệ Đảng.
Theo điều lệ mới, thấy rõ sự khác biệt quan trọng với những quy luật lúc đầu, chỉ có mục đích không thay đổi. Tất cả các tổ chức đều biến đổi và ba viện họp thành cơ quan tối cao của đảng, nay chỉ còn một cơ quan duy nhất: “Tổng Bộ Chiến Tranh”.
Mỗi Chi Bộ không quá 10 người, mà phải là những người có đầy đủ tư tưởng cách mạng. Gặp cơ hội thuận tiện, các Chi Bộ sẽ biến thành “NHÓM CHIẾN ĐẤU”.
Sau phần Đại Hội thông qua điều lệ mới, Nguyễn Thái Học thuyết trình tiếp:
– “Đứng trước hoàn cảnh hiện tại, Đảng chúng ta phải lãnh đạo nhân dân làm cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” gấp rút mới được. Nếu để chậm lại theo đúng chương trình Đảng đã dự liệu, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thực dân bắt hết, sẽ chết dần mòn trong nhà tù, Đảng chúng ta sẽ tan! Nghĩa là cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” nội trong năm nay.
Vậy ngay từ giờ phút này, các đồng chí trong nhà binh phải chú ý đến phương pháp tấn công, các địa điểm chiến lược… Các đồng chí dân sự phải chăm lo rèn dũa gươm, dáo, chế tạo bom, đạn, cùng sự tập luyện võ nghệ để đợi ngày…”
Nguyễn Thái Học dứt lời, các Đại Biểu tranh luận sôi nổi. Một phái tán thành chủ trương của Đảng Trưởng, một phái chủ trương chưa nên khởi nghĩa vội, vì lực lượng Đảng còn kém, đánh tất phải bị thua, thua tất bị thực dân khủng bố dữ dội, dân khí sẽ vì thế mà thui chột mất hàng chục năm. Phái này mệnh danh là “phái Trung lập hay Cải tổ”, do Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Tiến Lữ, Lê Tiến Sự chủ trương.
Đến khi giơ tay lấy biểu quyết, thì phái chủ chiến đã thắng. Sự chuẩn bị cho cuộc “TỔNG KHỎI NGHĨA” bắt đầu tiến hành một cách hăng say gấp rút.
Sau cùng, Tổng Bộ thảo ra một bản kế hoạch “Tổng Công Kích” với mấy điểm chính dưới đây:
1. Đảng chỉ huy một cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” cùng một lúc đánh vào những đô thị lớn và những yếu điểm quân sự của Pháp quân.
2. Võ khí giết giặc phần chính là nhằm vào những võ khí cướp được của Địch, và những bom, đao, kiếm do chính Đảng tự chế tạo ra.
3. Lực lượng chính trong cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” là những binh sĩ của Đảng trong hàng ngũ địch, lực lượng phụ là toàn thể Đảng viên ở ngoài Binh đoàn.
4. Quân kỳ dùng trong cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA” có hai mầu: mầu vàng và mầu đỏ (màu vàng tượng trưng cho dân tộc, mầu đỏ tượng trưng cho tranh đấu, nghĩa là dân tộc nổi dậy tranh đấu giành độc lập).
5. Quân trang: Đảng quân mặc quần áo ka-ki màu vàng, đội mũ có vành lưỡi trai, đi giày cao su, tay phải đeo băng vải vàng có chữ “VIỆT NAM CÁCH MẠNG QUÂN.”
6. Công tác cấp tốc là phải nỗ lực tuyên truyền sâu rộng, và mạnh mẽ thêm trong giới binh sĩ Pháp ngoài Binh đoàn của Đảng, đồng thời lập ngay nhiều “xưởng chế bom”.
Chương trình “TỔNG KHỞI NGHĨA” cách ít ngày sau đã được Bộ Chỉ Huy tối cao chấp thuận. Việc “TỔNG KHỞI NGHĨA” chỉ còn là vấn đề thời gian.
Xúc tiến công cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA”, Nguyễn Thái Học rất lấy làm lo ngại, vì chưa tìm được đồng chí nào có đủ khả năng để phụ trách tổ chức Binh Đoàn của Đảng ở Tỉnh Yên Bái, một yếu điểm quân sự ở miền Thượng Du.
Sau một hồi suy nghĩ, Sư Trạch đề nghị nên trao trọng trách ấy cho nữ đồng chí Nguyễn Thị Giang, có Đỗ Thị Tâm và Nguyễn Thị Bắc trợ lực chắc chắn sẽ thành công.
Quả thật vậy, vượt qua bao thử thách và bao gian nguy trở ngại, cô Giang đã thành công rực rỡ trong sứ mạng mà Đảng đã giao phó. Cô Giang đã làm việc không biết mệt!
Sư Trạch xin tự đảm trách việc tuyên truyền ở các sơn môn, đạo hữu để ủng hộ Đảng về cả mặt tinh thần lẫn vật chất, đồng thời xin chịu trách nhiệm huấn luyện các đồng chí về kiếm thuật để áp dụng cấp thời vào công cuộc “TỔNG KHỞI NGHĨA”. Ngoài ra Sư Trạch còn lãnh nhiệm vụ bảo vệ tính mạng cho lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Ngoài Sư Trạch, còn xuất hiện một số nhân tài mới, tài ba xuất chúng: Ký Con, Lương Ngọc Tốn, Trịnh Văn Yên…
Sau khi hội nghị giải tán, còn lại ba lãnh tụ: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính. Nguyễn Thái Học đưa ra ý kiến là không nên để cho các đồng chí quân nhân biết trước vội chương trình hoạt động, bởi tính tình họ dễ bồng bột và cũng dễ nguội lạnh. Nhất là đồng chí Phạm Thành Dương chỉ nên trao phó trách nhiệm tổ chức quân sự ở một khu Hà Nội mà thôi. Tuyệt đối không để cho biết Đảng còn có những binh đoàn khác ở những nơi nào. Phải tuyệt đối đề phòng khi mưu cơ của chúng ta bị lộ hoặc có kẻ mưu phản Đảng, sẽ không liên hệ đến các binh đoàn khác.
BIẾN CỐ QUAN TRỌNG
Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 30 tháng 10 năm 1929 tại nhà Lương Văn Trạm ở làng Mỹ Điền, thuộc tỉnh Bắc Giang, bỗng phát lên tiếng nổ vang trời dậy đất.
Tiếng nổ ấy từ một gian buồng kín phát ra, làm một bức tường đổ, mái nhà bị lật tung. Lương Văn Trạm từ ngoài vội vàng chạy vào, thì thấy ba đồng chí coi việc chế bom thịt xương bị dập nát, mặt mũi xém đen sì, máu me chan hòa, cả ba nói không thành tiếng. Liền được vực cả lên tấm thảm, rồi vội vàng nhặt nhạnh quần áo nát cùng giấy tờ đem thiêu hủy cho phi tang.
Phút chốc bọn hương lý cùng tuần phu ùn ùn kéo tới bắt trói LươngVăn Trạm. Khám xét trong phòng, người ta thấy một số dây đồng, mảnh thủy tinh, mạt gang cùng các hóa chất còn lung tung bừa bãi, và lạ nhất là dưới đất có đến hơn 40 cái lỗ tròn… họ cho là những lỗ để đúc bom!
Lương Văn Trạm bị giải lên sở mật thám, bị tra tấn tàn nhẫn mà vẫn không sao biết được tên ba người hy sinh vì nghĩa vụ cao cả ấy là những ai? Người anh ruột của Trạm là Chánh Hội Mỹ Điền lập tức được trát bắt, nhưng đã trốn thoát được.
Phạm Công Tạo, Trần Ngọc Liên, Vũ Văn Dương, Đỗ Đức Hoạt, Cả Cai, Khóa Yễn… là những người thường hay lui tới nhà Lương Văn Trạm đều bị bắt cả, sự thực họ đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Họ tích cực chế tạo bom, tuyên truyền kết nạp thêm, võ trang đồng chí, đánh tráo lấy địa đồ quân sự… đều nằm trong túi Khóa Yễn, một vai trọng yếu trong Tỉnh Đảng bộ tỉnh Bắc Giang.
Bị giam cầm cho mãi tới sau khi Hội Đồng Đề Hình giải tán, vụ này mới đưa ra xử trước trước Tòa Án Đệ Nhị Cấp tỉnh Bắc Giang.
– Ngày 20 tháng 11, chính quyền thực dân khám phá được 130 trái bom chôn dấu tại làng Phao Tân.
– Ngày 23 tháng 12, khám phá được 150 trái bom tại làng Nội Viên.
– Ngày 26 tháng 12, khám phá được 250 trái bom ở Thái Hà Ấp.
– Ngày mồng 10 tháng Giêng năm 1930, khám phá được nhiều chum sành chứa truyền đơn cách mạng ở Lục Nam (Bắc Giang), kêu gọi dân chúng và binh sĩ cùng đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng.
Bởi bắt được số truyền đơn này, nên sở mật đã báo động tất cả giới hữu quyền và đặt họ phải đề phòng chống lại một phong trào bạo động có thể xảy ra! Những biện pháp canh phòng được áp dụng một cách nghiêm ngặt và khẩn cấp (1).
– Đến ngày 20 tháng Giêng, chính quyền thực dân lại khám phá bắt được xưởng chế tạo đao, kiếm và tiếp tục những ngày sau còn khám phá được nhiều trái bom được chế tạo tại nhà Tổng Hội ở làng Kha Lâm (Kiến An) và các làng khác.
Sau những vụ khám phá trên, tờ báo “Volonté Indochinois” ở Hà Nội viết: “Những trái bom đó có lẽ là do mấy người lính An Nam qua Pháp hồi trước đã từng ra chiến trận, và đã từng làm việc trong các kho thuốc súng, nay về nước bắt chước mà làm, vì xét những trái bom giống như đạn hạt lựu (grenade) dùng trong khi Đức, Pháp chiến tranh mới rồi!”
Sự thực những trái bom của VNQDĐ mà chính quyền thực dân đã khám phá được, là do một thanh niên đảng viên là Trịnh Văn Yên chế tạo ra.
Tóm lại, từ cuối tháng 10 năm 1929 đến tháng Giêng năm 1930, chính quyền thực dân đã khám phá được trước sau là 70 nơi chứa bom, đao, kiếm, truyền đơn, cờ quân phục… của VNQDĐ.
NGUYỄN THÁI HỌC, NGUYỄN KHẮC NHU, PHÓ ĐỨC CHÍNH BỊ BẮT HỤT
Ngày 17 tháng 12 năm 1929, có 2 kẻ (2) đến mật báo cho sở mật thám biết nơi ở của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính hiện ở nhà Lý Cả làng Võng La, tổng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).
Thừa lệnh quan thầy, Phạm Thành Dương tức Đội Dương hướng dẫn một tên mật thám mặc trá hình đeo lon cấp hạ sĩ quan nhà binh đi kèm bắt Nguyễn Thái Học. Nhưng Đội Dương không rõ địa thế làng Võng La! Giáo Phú (3) cho Đội Dương hay: Võng La là một làng cách mạng, ngày đêm quanh làng có người canh gác, chỉ có lối ra vào bờ sông là không có. Vậy khi đến bắt nên theo lối ấy mà vào. Theo lời Giáo Phú, Đội Dương đi theo lối bờ sông vào, quả nhiên anh em không kịp đề phòng vào báo trước.
Sớm ngày mồng 8 tháng 12 năm 1929, theo chân Đội Dương, Riner Thanh Tra mật thám cũng cầm đầu một toán mật thám bổ vây xung quanh làng Võng La, trừ mặt sông.
Vào nhà Nguyễn Tiến tức Lý Cả, Phạm Thành Dương có vẻ không được tự nhiên như mọi lần gặp gỡ trước. Đội Dương giới thiệu với ba ông Học, Nhu, Chính: “Đây là một đồng chí trong ban Tham mưu Cách mạng quân đi theo để bảo vệ cho Tham Mưu Trưởng”.
Xét thấy thái độ và cử chỉ của Phạm Thành Dương có vẻ khả nghi, Phó Đức Chính liền bấm Nguyễn Thái Học lui vào phía nhà sau, khuyên nên đề phòng. Khi trở ra phòng ngoài, trên mặt án thư có đặt khay trà, Đội Dương cùng người tùy tùng ngồi một bên, ba ông Học, Nhu, Chính cùng ngồi một bên mời nhau uống trà và hỏi thăm tin tức.
Nhưng chốc lát lại thấy Đội Dương ngó đồng hồ đeo tay, mà bàn tay lại thấy run rẩy, hình có sự ước hẹn cùng ai! Phút chốc Đội Dương liền đứng phắt dậy, thò tay vào túi quần, tên tùy tòng cũng đứng dậy theo.
Nhanh như chớp, Xứ Nhu co chân đạp thật mạnh vào án thư, rồi ù té chạy, Nguyễn Thái Học cùng Phó Đức Chính cũng tiếp tục chạy mỗi người một ngả.
Bị té nhào một cách bất ngờ! Chúng vội vàng đứng dậy, hai bàn tay run run, chĩa súng bắn theo Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính, Học và Chính ngã vật xuống đất, nằm giả đò chết thật. Đội Dương và tên tùy tùng bỏ đó, một tay cầm súng, một tay giắt chiếc xe đạp vội rượt theo Xứ Nhu.
Thừa dịp Nguyễn Thái Học cùng Phó Đức Chính tức thì trở dậy tẩu thoát. Phó Đức Chính bị đạn xuyên qua ngang phần vú lặn vào thịt không sao lấy ra được, trở thành một cái tật, sờ vào thấy lục cục, được các đồng chí cấp tốc đem dấu kín trong kẹt một đống rơm. Nguyễn Thái Học không bị một vết thương nào! Vội vàng vượt qua hàng rào từ nhà này sang nhà khác, chạy thoát ra được ngoài đồng theo lối tắt. Một lão nông đương đập đất thấy Nguyễn Thái Học chạy tới, vội trút cái áo tơi đang khoác trao cho Thái Học, và chụp lên đầu ông chiếc nón lá, và trao luôn chiếc vồ đập đất. Còn ông già thì vơ chiếc điếu cầy ra ngồi đầu bờ ruộng vờ hút thuốc canh chừng cho Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thái Học vờ đập đất một hồi, rồi vác vồ lùi dần khỏi địa phận Võng La, tìm đến nhà một đồng chí ở làng kế cận cải trang, rút lui dần về miền xuôi, làng Mỹ Xá (Hải Dương).
Nguyễn Khắc Nhu vượt hàng rào rút lui ra bờ sông tại một bến bí mật, có thuyền chờ sẳn đưa đi thoát.
Nghe tiếng súng nổ, những đồng chí canh gác ở ngoài liền chạy vào tiếp cứu. Đội Dương e ngại mất mạng, không dám xục xạo đuổi theo nữa! Chỉ còn biết thủ thế đợi đồng bọn thám tử mai phục ở ngoài nghe hiệu kéo vào. Vào tới đầu làng, chúng bắt gặp người trong làng vác cầy vác cuốc ra đồng, coi như không có việc gì đã xảy ra ở trong làng cả! Bọn mật thám chia nhau: một mặt bắt người làng phải tập họp cả lại, để chúng nhận diện từng người, một mặt chúng sục vào từng gia đình lục soát. Kết quả bọn mật thám không tìm thấy ba ông Học, Nhu, Chính, đành bắt gia đình Lý Cả, Lý Hai và cụ Bá Hộ, thân sinh ra hai ông trên đưa về sở mật thám Hà Nội để điều tra ít ngày, rồi chuyển lên giam ở đề lao tỉnh Phú Thọ.
Kế ngày 23 tháng 12 năm 1929, Ủy ban quân, chính của Đảng ở địa phương Hải Phòng cũng bị mật thám đến vây bắt giữa lúc đang hội họp.
THI HÀNH BẢN ÁN PHẠM THÀNH DƯƠNG
Trước khi diệt giặc ngoài, cần phải phải diệt hết giặc trong, ấy là cả hai cha con Phạm Thành Dương tức Đội Dương. Dương là con trai viên giáo học Phạm Huy Du, lúc thiếu thời, Phạm Thành Dương là học sinh trường Bưởi, sau khi tốt nghiệp thi vào trường thuốc (École de Médecine), theo học đến năm thứ hai thì bỏ dở, sang Vientiane (Ai Lao) được bổ làm thư ký ở tòa Khâm Sứ, tính ham chơi cờ bạc, nên đeo công mắc nợ. Phạm Thành Dương bỏ việc trốn vào Hà Nội. Tại Hà Nội, Dương xin đăng lính sở Tầu Bay ở Bạch Mai và nhân có học lực khá, Dương được cử theo học lớp hạ sĩ quan ở Chùa Thông (Sơn Tây).
Đầu năm 1928, do một đảng viên là Giáo Phú giới thiệu, Nguyễn Thái Học đích thân đến đồn binh Chùa Thông tuyên truyền và kết nạp Phạm Thành Dương vào VNQDĐ.
Giữ chức trưởng ban Binh Vụ, Phạm Thành Dương đã tuyên truyền và kết nạp được rất nhiều quân nhân đồng chí, tỏ ra là một đảng viên rất nhiệt thành xứng đáng.
Đến cuối năm 1929, Đội Dương bắt đầu thay đổi chí hướng, thoạt đầu Dương bí mật báo sở mật thám đến vây khám cơ quan chế bom của Đảng ở căn nhà số 7 bis Vĩnh Hồ, rất may những người có phận sự ở nơi đó đã trốn thoát được cả. Tiếp theo, Đội Dương dẫn mật thám đến đào được ở gò Điện Khí, ấp Thái Hà, tìm thấy 700 trái bom do Đảng chôn dấu, để dùng trong trường hợp tấn công phi trường Bạch Mai.
Ngày 8 tháng 12, Đội Dương dẫn một toán mật thám lên vây làng Võng La, để bắt Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính.
Bị thất bại ở Võng La, quay về Hà Nội, Đội Dương tố cáo những binh sĩ trong các Chi bộ Binh đoàn của đảng ở Hà Nội, khiến một số bị tù, một số bị lột lon đổi đi các đồn binh hẻo lánh. Y lại còn tố cáo với chính quyền thực dân là VNQDĐ đương sửa soạn ráo riết cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA, nhưng chưa biết rõ Đảng ấy ấn định cuộc khởi nghĩa vào tháng nào!!! (4)
Theo báo cáo của ban Đặc vụ VNQDĐ thì nguyên nhân việc Phạm Thành Dương tạo phản là do Phạm Huy Du được biết người con trai yêu quí của ông là Phạm Thành Dương, là một đảng viên trọng yếu của VNQDĐ. Ông liền tìm đến Léonet là giám đốc các trường tiểu học Pháp-Việt, tỏ nỗi lo âu. Cách ba ngày sau, Giáo Du được mời đến sở mật thám, Arnoux dọa khéo nhà giáo về khuyên nhủ con phải bỏ VNQDĐ mà theo về với chính phủ Bảo Hộ.
Giáo Du về nhà khuyên con, dọa Đội Dương nếu không tuân lời, thì ông sẽ nói với Tây bỏ tù và sẽ đưa ra Côn Đảo. Đội Dương còn ngần ngừ chưa quyết định thái độ.
Cách vài ngày sau, Phạm Huy Du và Phạm Thành Dương được giấy mời lên Phủ Toàn Quyền. Pasquier long trọng trao tặng cho Phạm Huy Du chiếc “Mề Đay (Médaille) tím” và tước hàm “Hồng Lô Tự Thiếu Khanh”, còn Phạm Thành Dương được đặc lĩnh một ngân khoản ngoại phí mỗi tháng là 1.000 đồng.
Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Nguyễn Thái Học quyết định đưa hai cha con Phạm Thành Dương ra xử trước Tòa Án Cách Mạng Tối Cao của Đảng vào ngày 20 tháng Giêng năm 1930.
Tòa Án Cách Mạng được tổ chức tại làng Yên Quyết thuộc khu Ô Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội, do Nguyễn Khắc Nhu ngồi ghế Chánh Án, chiếu tội trạng quyết nghị xử tử “cha con Phạm Huy Du”.
Khi ám sát đoàn được lệnh thi hành bản án, Ký Con trao trách nhiệm việc giết Phạm Huy Du tức Giáo Du cho Nguyễn Văn Nho, (5) việc giết Phạm Thành Dương cho Nguyễn Xuân Huân, Nho và Huân hân hoan nhận lãnh nhiệm vụ. Hai anh theo dõi điều tra đường lối, cũng như giờ giấc đi về của cha con Giáo Du.
Theo kế hoạch định, thì cùng một lúc sẽ giết cả hai cha con tên phản đảng, nên Nho và Huân không hành sự ở nơi rất thuận tiện, phố Gia Ngư, nơi nhà vợ lẽ của Giáo Du, mà hàng ngày khi đi dạy học từ trường Hàm Long về, y thường ghé qua. Căn nhà chính của y là ngõ Hồng Phúc, Phạm Thành Dương cùng ở chung với cha.
Nguyễn Văn Nho năm ấy mới 17 tuổi, Nho xung phong lãnh nhiệm vụ. Ký Con e rằng Nguyễn Văn Nho còn ít tuổi thiếu kinh nghiệm, nên cử Nguyễn Xuân Huân, một tay thiện xạ trợ lực. Nhưng với tinh thần tôn trọng kỷ luật Đảng tiêu diệt kẻ phản bội, Nho đã thành công trong sứ mạng.
Hôm ấy là ngày 22 tháng Giêng năm 1930, vào hồi 12 giờ trưa, trong khi phố xá còn đông đúc người qua lại, từ các công tư sở, các trường học, xe cộ tấp nập trên các nẻo đường thành phố, và mọi gia đình đang chuẩn bị dùng bữa, thì tại ngõ Hồng Phúc sau phố Hàng Đậu, bỗng phát ra hai tiếng nổ xen lẫn với các tiếng nổ khác của máy mô tô, ô tô qua lại. Hôm ấy là ngày 22 tháng 1 năm 1930.
– Xe nổ lốp!
Có người cãi lại:
– Pháo đùng đấy, Tết đến rồi mà!
Ít ai nghĩ đến tiếng súng lục, vì đã từ lâu, khu phố này vẫn yên ổn. Trong khi đó tại nhà số 34 ngõ Hồng Phúc có tiếng gõ cửa dồn dập, từ trong nhà một cô gái 17, 18 tuổi ra mở cửa thấy hai thanh niên (Nho và Huân) đang chăm chú nhìn vào trong nhà, cô gái liền hỏi:
– Các ông hỏi gì?
– Cụ ông bị cảm, thầy Đội (Đội Dương) có nhà không hở cô?
– Anh tôi đi Bạch Mai không có nhà, ông nói cậu tôi bị cảm ở đâu?
– Cụ nằm gục trên vỉa hè kia kìa, cô vào gọi người nhà ra khiêng cụ về nhà xoa dầu cho cụ.
Liền đó hai thanh niên dảo cẳng lẫn trong đám người qua lại mất dạng.
– Đây là một vụ ám sát, người đội mật thám ở khu đó biết trước nhất, liền đi gọi dây nói báo cho sở Mật thám hay.
Từ trên xe cẩm Mật thám Puy Giôn (Pujol) và nhân viên sở Căn cước vội vàng nhảy xuống làm phận sự điều tra.
Theo cuộc khám nghiệm, thì nạn nhân chết bởi hai viên đạn cỡ 6,35, một viên đi từ phía sườn bên mặt làm trúng gan, chạm đầu tim phía dưới xuyên qua lưng bên trái, một viên làm gẫy xương đùi bên phải và còn vướng ở đấy.
Nhà cầm quyền Pháp ra lệnh truy tầm thủ phạm ráo riết, vì thừa biết đây là một vụ án vì lý do chính trị. Các người tình nghi đều bị bắt, tất cả bút tích trong hồ sơ của các chính trị phạm đều được đem ra giảo nghiệm với những nét chữ viết bằng mực tím trên mảnh giấy tìm thấy bên cạnh tử thi, để tìm tự dạng.
Theo lời khai của nhân chứng quan trọng thứ nhất là anh phu xe kéo ông Giáo Du khai trước nhà đương cuộc, thì vụ án mạng ấy xảy ra như sau:
– Khi anh kéo chủ anh (Giáo Du) từ trường về đến gần nhà, thì thấy hai thanh niên đã chờ sẵn ở đấy, một thâm thấp, nhỏ nhắn, trắng trẻo, chặn xe lại nói:
– Thưa thầy cho phép con thưa một việc.
Chủ anh liền ra hiệu cho anh ngừng xe, rồi bước xuống vỉa hè bảo anh:
– Giắt xe về để tôi đi bộ mấy bước.
Thanh niên vừa giơ một tờ giấy vừa nói:
– Có bức thư trình thầy.
Chủ anh giơ tay cầm mảnh giấy giở ra xem, thì liền đó có tiếng nổ và chủ anh ngã vật xuống. Anh sợ quá, bỏ xe chạy trốn về nhà một bà cô của anh ở bãi Phúc Xá…
Cho mãi đến sau ngày TỔNG KHỞI NGHĨA bị thất bại, Nguyễn Văn Nho bị bắt, cẩm Puy-giôn hỏi:
– Ai dạy anh bắn súng?
– Tôi tự học lấy, Nho thản nhiên trả lời.
– Người cùng đi với anh là ai?
– Chúng tôi không hề quen biết, chúng tôi chỉ nhận nhau bằng ám hiệu.
– Ai ra lệnh?
– Đảng quy, vì khi gia nhập Đảng, Phạm Thành Dương đã thề: “Nếu phản bội sẽ chịu tử hình”. Vậy thì bất cứ người đảng viên nào cũng phải có hành động như Đảng quy đã định.
– Nguyễn Thái Học có chủ tọa Tòa Án Cách Mạng không?
– Tôi làm sao mà biết được.
Puy-giôn liền rút ở ngăn kéo bàn giấy ra một mảnh giấy viết bằng mực tím, đã tìm thấy ở cạnh thi hài Giáo Du, giơ cho Nho coi và hỏi:
– Ai giao bản án này cho anh?
– Một người bí mật.
Và dưới đây là nguyên văn bản án xử tử cha con Phạm Thành Dương:
“ Nước mất nỡ ngồi yên!
“ Đạo trời đâu có thế,
“ Cha con Giáo Du,
“ Can tâm làm tay sai cho giặc Pháp,
“ Tiết lộ bí mật của Đảng! Phản bội đồng chí,
“ Phải chịu tử hình trước Đảng! Trước cả quốc dân!
“Tòa Án Cách Mạng VNQDĐ”.
Còn Phạm Thành Dương từ ngày ra mặt công khai phản Đảng, luôn ẩn mình trong sở Mật thám, thậm chí đến khi cha y bị giết chết, y cũng không dám trở về nhà để đi đưa đám. Nguyễn Xuân Huân theo dõi, mãi đến ngày 30 tháng 5 năm 1930, mới hạ thủ được Phạm Thành Dương tại phố cửa Đông Hà Nội. Đội Dương bị đạn xuyên qua lưng đứt tới một khúc ruột, nhưng y còn khỏe, vùng dậy rút súng bắn theo, viên đạn vô tình lại bắn trúng vào đùi một xa phu.
Vào nằm điều trị tại bệnh viện, Phạm Thành Dương được chính quyền Mẫu Quốc phái một viên quan cai trị vào gắn cho một tấm huy chương và được phi cơ chở qua Mẫu Quốc chữa khỏi.
Được sống thêm 15 năm. Đến cuối năm 1945, Phạm Thành Dương đã bị cách mạng quân giết chết tại đồn điền của y tại tỉnh Phú Thọ.
HỘI NGHỊ LỊCH SỬ TẠI VÕNG LA VÀ MỸ XÁ
1
Vì tình thế mỗi ngày mỗi bất lợi cho Đảng, lãnh tụ Nguyễn Thái Học cấp tốc từ Kinh Bắc trở lên Phú Thọ, triệu tập họp khẩn cấp vào ngày 26 tháng 1 năm 1930 tại làng Võng La.
Mặc dầu Nguyễn Thái Học, Xứ Nhu và Phó Đức Chính đã bị Đội Dương phản bội mưu bắt hụt tại làng Võng La này, nhưng nhờ địa thế cũng như vấn đề nhân sự, việc tổ chức Đại Biểu Đảng vẫn rất thuận lợi có bảo đảm.
Dự Đại Hội khoảng 20 người, nhưng hầu hết Đại Biểu ở miền Trung Du. Khi Nguyễn Thái Học từ ngoài tiến vào, các Đại Biểu mới an tọa, không khí phòng họp trở nên im lặng trang nghiêm.
Nguyễn Thái Học cất tiếng:
– “Thưa các đồng chí,
Chúng ta làm cách mạng bằng sắt máu, bao giờ cũng phải lấy lực lượng quân đội làm phần chủ lực. Nay Phạm Thành Dương đã tạo phản, phần chủ lực đã bị sứt mẻ rồi! Phần khác, số khí giới dự trữ cũng bị địch khám phá được rất nhiều. Nếu nay chúng ta không hành động ngay, thế tất số võ trang đồng chí và số võ khí còn lại, cũng sẽ bị địch làm tan vỡ hết! Đến khi ấy chỉ còn lại một số ít bom xoàng dáo nhụt, với những đội tiện y ô hợp, thì liệu chúng ta có thể chiến đấu với những đạo quân có tổ chức và huấn luyện kỹ càng, cùng khí giới tinh nhuệ được không?
Người ta bảo: Cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng liệu chúng ta hãy hoãn để tổ chức lại rồi mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được! Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn.
Gặp thời thế không chìu mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các nơi phòng ngục trại giam âu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước.
Chúng ta KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ THÀNH NHÂN, có gì mà ngần ngại!”
Trần Hải đứng lên tiếp lời:
– “Chúng ta có cả ngàn Chi bộ dân sự, bốn năm trăm Chi bộ nhà binh, cùng sự ủng hộ của đồng bào, lực lượng chúng ta không đến nỗi yếu kém!
Chúng ta đứng vào thế cưỡi cọp, không thể lùi bước được nữa, tôi đề nghị Đảng TỔNG KHỞI NGHĨA”.
Nguyễn Thái Học đưa cặp mắt nhìn qua một vòng rồi nói:
– “Vậy chúng ta hãy biểu quyết xem có tán thành TỔNG KHỞI NGHĨA ngay chưa? Tán thành xin giơ tay?”
Không một ai ngần ngừ, mọi người đều giơ tay “Tán Thành”.
Qua giây phút im lặng, Nguyễn Thái Học hướng về từng người nhận xét, rồi phân công:
HƯNG HÓA, LÂM THAO: Do đồng chí Xứ Nhu đảm trách. Dưới quyền có các đồng chí Đảng viên Học Sinh Đoàn và Binh Đoàn Khố Xanh.
PHÚ THỌ: Do đồng chí Nguyễn Văn Toại (tức Đồ Thúy), Phạm Nhận (tức Đồ Điếc), Lê Xuân Huy và Bùi Xuân Mai đảm trách chỉ huy các đồng chí Đảng viên thuộc năm phủ, huyện trong tỉnh và Binh Đoàn Khố Xanh.
YÊN BÁI: Do đồng chí Thanh Giang và Nguyễn Nhật Thân hiệp cùng các đồng chí Đảng viên địa phương, các đồng chí Binh Đoàn Khố Đỏ do Quản Cần phụ trách. Ngoài ra còn có đồng chí Nguyễn Thế Nghiệp sẽ đem quân từ Vân Nam về tiếp viện.
Để các đồng chí khỏi thắc mắc, Nguyễn Thái Học nói tiếp:
– Còn một số đồng chí vắng mặt hôm nay vì lý do đặc biệt, sẽ được phân công những nơi khác, để TỔNG KHỞI NGHĨA cùng ngày.
Rồi ra lệnh giải tán, sau khi cho biết thêm là sẽ có lệnh về ngày giờ TỔNG KHỞI NGHĨA.
2
Sau Hội nghị Võng La, Nguyễn Thái Học liền trở xuống làng Mỹ Xá thuộc phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, triệu tập hội nghị khẩn cấp.
Cũng như hội nghị Võng La, các Đại Biểu đều đồng ý là phải tổng động viên làm cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA ngay, dù chết thơm danh, còn hơn âm thầm để rồi chịu tan rã. Nguyễn Thái Học quyết định phân công:
SƠN TÂY: Do đồng chí Phó Đức Chính đảm trách, hợp với các đồng chí Đảng viên Vệ Binh Đoàn Đồn Tông.
HẢI DƯƠNG: Do đồng chí Trần Quang Diệu đảm trách.
HẢI PHÒNG, KIẾN AN: Do các đồng chí Vũ Văn Giản, Nguyễn Văn Chấn và Phạm Văn Tình lãnh nhiệm vụ phát khởi cuộc khởi nghĩa Kiến An và Hải Phòng.
BẮC NINH, ĐÁP CẦU, PHẢ LẠI: Do Nguyễn Thái Học đảm trách, chỉ huy các đồng chí địa phương hợp với các đồng chí Binh Đoàn Bắc Ninh, Đáp Cầu và Phả Lại.
Còn Hà Nội, xét vì lực lượng Đảng tương đối yếu, vì sự tạo phản của Phạm Thành Dương, nên giao cho Ký Con chỉ huy đoàn quân cảm tử làm công tác nghi binh để cầm chân quân Pháp và thức tỉnh đồng bào.
3
E có sự trở ngại cho cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu bí mật ra lệnh cho Ký Con phải thủ tiêu Lê Hữu Cảnh; Cai Hồng phải thủ tiêu Nguyễn Đôn Lâm, những phần tử chủ trương chống đối cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA. Kết cục Nguyễn Đôn Lâm đã bị Cai Hồng bắn một phát súng lục vào sau bả vai ở Hải Phòng, nhưng Nguyễn Đôn Lâm đã im lặng tìm bạn chữa khỏi còn Lê Hữu Cảnh thì Ký Con không nỡ hạ thủ.
Mặc dầu có sự xô xát nội bộ, nhưng cả Lâm và Cảnh đã nêu một tâm hồn cao cả, chỉ biết đại nghĩa là trọng, không một ai tỏ ý thù hằn hay oán trách, họ vẫn một lòng phụng sự Đảng.
=======================
Chú Thích:
(1) Theo tài liệu của Louis Marty, giám đốc sở mật thám Đông Dương viết trong cuốn “Contribution à l’ histoire des mouvements politique de l’ indochine Francais.”
(2) Sau đó đã điều tra tên tuổi 2 kẻ đi tố giác với sở mật thám, nên ngày 10.1.1930, hai kẻ ấy bị đưa ra bờ sông Đà. Một người bị giết bằng súng lục, kẻ kia lãnh ba viên nơi ngực nhưng trốn thoát.
(3) Giáo Phú tức Vũ Đình Phú, nguyên quê quán Hải Dương, chính là người giới thiệu Phạm Thành Dương với Nguyễn Thái Học hồi đầu năm 1928 tại Đồn Tông. Giáo Phú đã bị xử tử sau vụ này ít ngày.
(4) Sau vụ Võng La, Phạm Thành Dương được đặc phái sang làm thanh tra sở mật thám Bắc Việt.
(5) Nguyễn Văn Nho là bào đệ Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học. Xin xem tiểu sử ở “Thiên Phụ”.