Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (48)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Năm (1950-1954)/Chương III: “ĐẤT NƯỚC BỊ CHIA ĐÔI CON SÔNG BẾN HẢI”
Thiên Thứ Năm (1950-1954)
Chương III: “ĐẤT NƯỚC BỊ CHIA ĐÔI CON SÔNG BẾN HẢI”
Trận Điện Biên Phủ quân đội của ông Hồ đã không nương theo đà chiến thắng mà tràn xuống đánh đuổi quân đội viễn chinh Pháp để thu hồi toàn bộ Bắc Việt? Trong thực tế, bởi quân đội Bắc Việt đã quá mệt mỏi, tình hình kinh tế của dân chúng đã quá kiệt quệ, nên Chính Phủ Hồ Chí Minh phải tạm ngừng chiến, phần khác lo sợ Mỹ nhảy vào cuộc chiến thì lại càng nguy to! Thi hành đúng chính sách của Cộng Sản là lùi một bước để rồi tiến hai bước. Cộng Sản đã quá chủ quan, quá tin ở thắng lợi: Pháp không còn gì! Chính Phủ Miền Nam được CS coi như không thành vấn đề! Bởi sau hiệp định Genève chỉ mất một vài năm là cùng. Tổng Tuyển Cử chắc chắn sẽ thành công, mà không tốn kém một viên đạn, một giọt máu!,
Còn Pháp trong khi ấy Chính Phủ Mendès France cần thực hiện đúng lời cam kết giải quyết đúng kỳ hạn chiến tranh tại Việt Nam. Vì tình hình quá suy nhược của Pháp, vì muốn đề cao địa vị cá nhân, Mendès France cố gắng để ký với Cộng Sản hiệp định ngưng chiến với bất cứ giá nào! Nhưng trong việc cấu kết giữa Thực Dân và Cộng Sản tại Genève, chúng ta phải nhắc đến vai trò của Anh và Nga, hai vị đồng Chủ Tịch Hội Nghị.
Về vai trò của Anh, chắc chắn chúng ta còn nhớ, từ cuối năm 1953, Chính Phủ Anh đã đưa ra sáng kiến chia đôi Việt Nam để giải quyết chiến cuộc, như vậy Miền Nam sẽ làm bình phong che đỡ cho Tân Gia Ba và Mã Lai, quyền lợi của Anh tại Viễn Đông coi như được phần bảo đảm. Vai trò của Nga thì tế nhị hơn, được Nga giúp đỡ Pháp phải trả cho Nga bằng chính sách phá OTAN (Liên Minh Bắc Đại Tây Dương) sau này.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Thủ Tướng Mendès France đã ký với đại diện Chính Phủ Hồ Chí Minh tại Genève hiệp định chia đôi đất nước. Trong thời gian thảo luận, đại diện Chính Phủ Ngô Đình Diệm có mặt tại hội nghị, nhưng không được thông báo những quan điểm của hai phe lâm chiến. Những điều kiện hòa bình được chấp nhận, đã không có ý kiến của Chính Phủ Quốc Gia và Chính Phủ Miền Nam đã không ký nhận hiệp định Genève 1954.
Hoa Kỳ cũng không ký vào hiệp định Genève, Hoa Kỳ chờ đợi để quyết định. Tại hội nghị Genève, chúng ta đã thấy các cường quốc Anh, Nga và Pháp đã định đoạt vận mệnh của nước Việt Nam qua đầu nhân dân Việt Nam.
Đó là bài học lịch sử thứ nhất về ngày 20 tháng 7. Đất nước bị tạm thời chia cắt ở vĩ tuyến 17, lấy “con sông Bến Hải” làm ranh giới. Muốn tìm hiểu vị trí cũng như hình thể con sông Bến Hải, chiếc cầu Hiền Lương và những ảnh hưởng liên hệ của nó ra sao?
Bến Hải là một dòng sông hẹp, quanh năm nước chảy lặng lờ, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn về Rào Thanh, chảy thẳng đến Xuân Mỹ, rồi đổ xuống cửa Tùng. Chiều dài con sông, nếu tính theo đường chim bay, từ nguồn núi Tây ra biển Đông chỉ vào khoảng 60 cây số. Nếu kể chiều dài uốn khúc quanh co theo triền núi thì độ chừng 100 cây số, bề rộng của sông Bến Hải, chỗ lớn nhất như quãng Tùng Luật tới 200 mét, ở khu vực cầu Hiền Lương chỉ độ 170 mét; khúc sông gần bãi cát Cửa Tùng chảy ra biển chỉ rộng có 30 mét.
Đến chiếc cầu bắc qua sông Bến Hải tục gọi là cầu “Hiền Lương”. Nằm giữa thôn Vĩnh Linh, huyện Trung Lương, tỉnh Quảng Trị, cũng chỉ là chiếc cầu bình thường như trăm ngàn chiếc cầu khác trên trăm ngàn dòng sông quen thuộc ở nước ta; vẫn là mấy nhịp sắt mầu đen và những tấm ván. Chiều dài chiếc cầu được chia ra làm hai phần, mỗi bên quản lý đúng 89 mét. Khu vực mệnh danh là “Phi Quân Sự” được ấn định mỗi bên là 5 cây số khoảng cách từ bờ sông trở ra và kéo dài theo triền sông.
13 năm đã trôi qua! Chính Phủ Hồ Chí Minh đã phạm nhiều lầm lỗi, CS đã không đánh giá đúng mức tinh thần hy sinh của những con người quyết tâm chống độc tải Đỏ. (1954-1967).
13 năm đã trôi qua! Mặc dầu Cộng Sản Quốc Tế đã áp dụng giải pháp quân sự mạnh mẽ cũng như chính trị xảo quyệt, để cố gắng nhuộm đỏ nốt miền Nam này; nhưng chắc chắn Cộng Sản sẽ thất bại hoàn toàn, bởi không còn một ai bị mắc mưu lừa bịp nguy hiểm ấy nữa!
– “Nếu hòa bình có quay trở lại, thì hòa bình này chỉ có thể trường cửu một khi Việt Nam thống nhất dưới chính thể Cộng Sản”
Đó là một lời thốt ra của một tướng Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta nên thận trọng khi hòa bình trở lại Việt Nam.
CUỘC TRANH ĐẤU TIẾP TỤC
1
Đầu tháng 6-1954, vấn đề Việt Nam tại Hội nghị Genève, giải pháp chia đôi đất nước đã hầu thành sự thực, một sự thực quá phũ phàng.
Tiếp tục sứ mạng đấu tranh, cán bộ đoàn VNQDĐ do Đào Văn Viễn lãnh đạo, tạo cơ hội tiếp xúc với anh em binh sĩ Việt Nam, nhất là những đồng chí trong quân đội Liên Hiệp Pháp. Dùng ngay khí giới của Pháp đánh ngay lại Pháp trước, chiếm lấy những vị trí then chốt, rồi diệt CS sau.
Sự tổ chức nhằm vào các khu vực binh sĩ Việt Nam tập trung ở các tỉnh lớn thuộc Trung Châu Bắc Việt, được anh em binh sĩ rất tán thành, vì họ đều lo lắng đến số phận phải rời bỏ quê hương, bỏ phần mộ tổ tiên, ra đi không hẹn ngày về! Cương quyết không chịu sống chung với bọn Cộng Sản phi nhân vô đạo.
Công tác chuẩn bị ráo riết ròng rã suốt mấy tháng trời, không ngờ việc ấy Phòng Nhì Pháp khám phá ra được. Các tướng lãnh Pháp một mặt truy nã những người chủ mưu (Cán Bộ Đoàn), một mặt thu hồi hết số vũ khí cùng đạn dược, không cho binh sĩ Việt Nam được phép giữ như trước.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, khi nghe tin đài phát thanh loan tin CS và Thực Dân đã chính thức ký hiệp định chia đôi đất nước, lấy con sông Bến Hải làm ranh giới hai miền, nhân dân Bắc Việt vô cùng xúc động xôn xao. Đã đành là phải ra đi, nhưng tiền của đâu mà đi, nhà đất bán rẻ mạt không có người mua! Đó là những người ở đô thị, trái lại những đồng bào ở thôn quê, CS tìm đủ mọi cách không cho phép rời khỏi làng, còn nói chi đến vấn đề bán nhà đất và vật dụng, não lòng biết bao! Mỗi khi đi qua phố Hàm Long, phố Nhà Thương Đau Mắt, phố Halais, nào sạp gụ, tủ chè, bàn ghế, giường nằm, tủ áo, đỉnh đồng, đèn đồng, bát đĩa cổ đến sách báo quý giá… nghĩa là thượng vàng đến hạ cám, đồng bào bày ra bán với giá rẻ mạt; đồng bào mệnh danh là “chợ trời”. Cố thu xếp lấy chút tiền để bồng bế nhau di cư vào miền Nam tự do.
Thực tình mà nói, nếu không có sự ngăn chặn của CS, con số đồng bào di cư vào Miền Nam này có thể lên tới hàng 2, 3 triệu người.
Trong khi ấy đảng phái Quốc Gia tập hợp thành “Mặt Trận Chống Cộng”, cương quyết ở lại chiến đấu giữ Cố Đô Thăng Long. Truyền đơn được rải khắp các tỉnh lớn tại Trung Châu Bắc Việt, kế tiếp những cuộc mít-tinh vĩ đại biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy được tổ chức tại Hà Nội, Huế…
Nhà đương cuộc Pháp tại Bắc Việt rất bối rối lo sợ các đảng phái Quốc Gia có thể bạo động đánh chiếm Thủ Đô Hà Nội, rồi tiếp tục đánh CS. Hiệp định Genève sẽ trở nên vô giá trị, sẽ làm cho Pháp phải bối rối về trách nhiệm.
Còn CS họ lo sợ nhất là phe Quốc Gia cương quyết chống đối không chịu rời khỏi Hà Nội, phản đối Hiệp định Genève chia đôi đất nước, như vậy danh nghĩa sẽ thuộc về phe Quốc Gia, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài rất có thể các cường quốc trong khối tự do sẽ giúp đỡ họ. Cho nên đại diện CS Hà Nội tại hội nghị Trung Giá là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng phản kháng kịch liệt về hành động của phe Quốc Gia ở Hà Nội.
2
Tại Hà Nội lúc bấy giờ, phong trào di cư cũng đột khởi, người Pháp thừa cơ bắt chẹt về phương diện chuyển vận, để yêu sách Chính Phủ Quốc Gia thi hành Hiệp định Genève được êm ả; mặt khác, Pháp và CS định dùng mưu ám hại những người chủ chiến phá Hiệp định Genève…
Trong khi ấy Đỗ Đình Đạo mưu củng cố lực lượng võ trang Đoàn Quân Thứ Lưu Động, và liên lạc kết hợp với các bộ phận quân sự Địa phương quân, với mục đích chiếm một chiến khu, rồi mở một mặt trận lưu động, tổ chức một cuộc hành quân bằng đường bộ, kéo cờ VNQDĐ tiến sâu vào khu vực CS qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa thẳng tới Trung Việt.
Tiến tới đâu sẽ giúp các cơ sở nòng cốt tại các địa phương di chuyển vào miền Nam đề cao thanh thế, uy tín của Đảng, đả phá mưu mô ngăn chặn không cho đồng bào di cư vào Miền Nam của CS. Đồng thời kêu gọi đồng bào di cư, giúp đỡ phương tiện cho họ đi thoát, tạo thành một lực lượng di cư khổng lồ, giúp phương tiện cho các chính khách Quốc Gia và lập trường đấu tranh trên trường Quốc Tế.
Sau khi kế hoạch được quyết định, Đỗ Đình Đạo xuất tiền mua thêm võ khí, dự trữ lương thực, v.v… tất cả đã đầy đủ.
Kế hoạch đương tiến hành do một số cán bộ đồng chí của ông phụ trách, một trường hợp xảy ra không ai ngờ! Đỗ Đình Đạo bị Thuỵ An phản bội, tiếp tay với thực dân Pháp, và CS đầu độc Đỗ Đình Đạo.
Ngoài vấn đề chính trị mà Thuỵ An làm tay sai cho thực dân và CS đầu độc Đỗ Đình Đạo, còn một lý do khác, Nguyễn Thuỵ An vốn là nhân tình của Đỗ Đình Đạo. Năm 1953, Thuỵ An từ Sài Gòn ra Hà Nội, vận động với Pháp và Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí mời Đỗ Đình Đạo ra làm Giám Đốc “Đoàn Quân Thứ Lưu Động”.
Để giữ độc quyền tình yêu, Thuỵ An khuyên Đạo không nên đem vợ con ra Hà Nội, nhưng cũng không vì thế mà Đạo và Thuỵ An xa nhau.
Năm 1954, Điện Biên Phủ thất thủ, gia đình Đỗ Đình Đạo di chuyển vào Sài Gòn. Thuỵ An khuyên Đạo ở lại Hà Nội, với mục đích là được ăn ở độc quyền với Đạo, được Võ Nguyên Giáp đã hứa với Thuỵ An để cho Đạo được tự do và cho tham chính. Nhưng Đỗ Đình Đạo cương quyết không nghe, nhất định tiến vào miền Nam theo kế hoạch đã trù liệu.
Thấy khuyên Đỗ Đình Đạo không được, Thuỵ An vờ đổi ý cho hành động của Đạo là phải, và ngấm ngầm liên lạc với Pháp và CS ám sát Đỗ Đình Đạo. Sở dĩ Thuỵ An được biết rõ mọi việc mưu tính của Đạo là mỗi khi Đạo mở cuộc họp bàn với mấy đồng chí thân tín đều có mặt Thuỵ An tham dự.
Thuỵ An ám sát Đỗ Đình Đạo bằng cách nào? Ngày 29 tháng 7 năm 1954, Thuỵ An hẹn Đỗ Đình Đạo xuống nhà mình ăn cơm ở số 1 đường Tuyên Quang, trước khi ngồi vào bàn ăn, hai người không biết đã bàn cãi những gì với nhau, nhưng có vẻ gay go lắm. Một hồi sau lại vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Thuỵ An rót cho Đạo một ly rượu chát đỏ, Đạo tiếp lấy ngồi uống, nhưng không ăn. Uống hết ly rượu, Đạo kêu mệt buồn ngủ. Thuỵ An sai người tớ gái dọn đi-văng (divan) để Đạo nằm nghỉ.
Sau khi ăn xong, Thuỵ An gọi người tớ gái tính trả tiền công rồi cho nghỉ việc luôn. Thuỵ An nói là sáng sớm mai sẽ đi Sài Gòn.
Đỗ Đình Đạo kêu mệt và buồn ngủ phải đi nằm, vì đã uống một ly rượu chát đỏ có liều thuốc mê rất mạnh, sau đó kẻ mưu sát dùng độc dược chích vào mạch máu Đạo và độc dược này phải là một thứ rất mạnh khiến cho Đỗ Đình Đạo (1) không kịp nhận thấy gì trước khi chết.
Một cuộc ám sát có tổ chức và sự hành động không cần đông người mà cũng vẫn thi hành một cách dễ dàng được!
Không còn cách gì khác! Các đồng chí cán bộ VNQDĐ, một mặt lo sắp đặt cơ sở vững chắc ở vùng địch hậu, để xách động phong trào nhân dân chống Cộng ngay trong vùng CS kiểm soát, một mặt tuyên truyền khuyến khích đồng chí cũng như đồng bào, những người có thể tìm cơ hội trốn thoát Công An Mật Vụ di cư vào miền Nam này.
Tóm lại, năm 1954, VNQDĐ lại thất bại vì bất lực để một nửa giang san cẩm tú lọt vào tay CS, phải rời bỏ cơ sở, nền tảng vững chắc của Đảng ở Bắc Việt trong công cuộc chống Cộng.
Tuy thất bại tạm thời, nhưng đó cũng là những đau thương lớn lao cho VNQDĐ vậy.
Mọi biến chuyển từ sau ngày hiệp định Genève 1954, xin đón đọc ở cuốn hai sẽ xuất bản tiếp cùng một tác giả.
[Đến đây cuốn Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – VNQDĐ đến 20-07-1954 đã hết – còn Thiên Phụ nói về cuộc đời của các vị lãnh đạo VNQDĐ – mời qúy độc giả đọc tiếp]
——————
Ghi Chú:
(1) Đỗ Đình Đạo sinh ngày 17-7-1911 tại Hà Nội, là con ông Đỗ Đình Tiến và là cháu Nội của cụ Đô Thống Đỗ Đình Thuật.
Năm 1936, Đỗ Đình Đạo là một đoàn viên của “Ánh Sáng” và do đó Đỗ Đình Đạo gần gũi với Nhất Linh Nguyễn Trường Tam, rồi gia nhập ĐVDCĐ do Nguyễn Trường Tam sáng lập.
Năm 1944, “Mặt Trận ĐVQGLM” xuất hiện. Đỗ Đình Đạo thường xuyên tiếp xúc với Lê Khang, Nguyễn Vĩnh và tự ý xin gia nhập VNQDĐ.