Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (46)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ  Năm (1950-1954)/Chương I: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN” (Phần 2)

Thiên Thứ Năm (1950-1954)

Chương I: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG GIỮA HAI GỌNG KÌM THỰC DÂN-CỘNG SẢN” (Phần 2)

CÁC CHIẾN SĨ VNQDĐ TRÊN ĐƯỜNG TRỞ LẠI CỐ HƯƠNG 

 Tại Côn Minh, cuối năm 1948, Vũ Hồng Khanh đưa ra đề nghị thành lập “Mặt Trận Hải Ngoại Cách Mạng Liên Minh Kháng Cộng”. Đề nghị này được gửi đi các nơi. Trước định khai hội tại Côn Minh, sau cùng đình lại. Và mãi đến năm 1949, mới chính thức thành lập tại Quế Lâm, với mục đích kết hợp lực lượng Đảng phái Quốc Gia lưu vong, qui tụ lại thành một đơn vị trên trường Quốc Tế, đợi cơ hội kéo quân về nước diệt Cộng Sản. Kế hoạch nhờ Bộ Tham Mưu Quốc Quân Trung Hoa giúp võ khí, binh lương và tuyển mộ chí nguyện quân đánh chiếm Cao Bằng, Lạng Sơn, Thất Khê cho đến Phủ Lạng Thương để làm căn cứ địa.

 Kế hoạch đó được “Trung Hoa Chiến Lược Ủy Viên Hội”, Chủ Tịch là Bạch Sùng Hy chấp thuận. “Mặt trận Hải Ngoại Cách Mạng Liên Minh Kháng Cộng” được thành lập. Chủ tịch là Lưu Đức Trung, phó Chủ tịch là Hoàng Nam Hùng, Quân sự Ủy viên trưởng là Vũ Hồng Khanh. Ủy viên gồm có: Nông Quốc Long, Vũ Đình Huyên, Đặng Kim Long, nhân viên gồm có: Tạ Nguyên Hối, Phạm Thái, Triệu Việt Hưng, Nguyễn Duy Dỵ, Trịnh Danh. Ba nhân viên được phái đi Hồng Kông để mở một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền cho Mặt Trận là Phạm Thái, Trịnh Danh và Nguyễn Duy Dỵ.     

 Mặt trận thành lập được ít tháng, chưa hành động được việc gì đáng kể, thời cuộc Trung Hoa bỗng biến chuyển một cách quá mau lẹ. Chính phủ Tưởng Giới Thạch sửa soạn rút lui khỏi lục địa Trung Hoa. Vũ Hồng Khanh phải triệu tập hội nghị khẩn cấp. Hội nghị quyết định tập hợp lực lượng của đoàn thể cùng chí nguyện quân. Nói đến “Chí nguyện quân”, Vũ Hồng Khanh không hiểu luật Quốc Tế chút nào. Hơn nữa lấy lương thực đâu lúc bấy giờ mà nuôi một quân số 10.000 người! Phần khác, khi trở về tới Quốc nội, nếu Pháp không bắt giữ, thì Cộng Sản họ cũng tập trung số chí nguyện quân ấy mà thôi. Võ trang bộ đội lấy tên là “Việt Nam Kiến Quốc Quân”, mà giải pháp duy nhất trước hoàn cảnh của quốc gia lúc bấy giờ, là kéo quân vượt biên giới về tập trung ở Lục Nam, đóng rải rác khắp tỉnh Bắc Giang, đợi sau khi nghiên cứu rõ tình hình mới sẽ có hoạt động!!!

 Trong lúc hành quân, tổ chức thành đơn giản, nên chỉ đặt Tổng Tư Lệnh là Vũ Hồng Khanh, Tham Mưu Trưởng là Hoàng Nam Hùng, Bí thư trưởng là Triệu Việt Hưng, bộ Tham Mưu quyết định ra lệnh cho bộ đội trong khi tiến quân về nước, cố hết sức tránh sự va chạm với bộ đội Việt Cộng cũng như binh sĩ Liên Hiệp Pháp, để đạt tới giải pháp trên.

 Ngoài hai toán quân theo đường về Hà Giang và Lao Kai. Còn đạo quân thứ nhất gồm 10.000 người tập trung tại Long Châu xuất phát vào hồi 3 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 1949. Tuy vậy còn một số khá đông, những đảng viên có gia đình không kịp thu xếp, và những đảng viên vì sinh kế ở rải rác không kịp liên lạc tập trung, nên bị mắc kẹt ở Trung Hoa Đỏ. Chỉ có một số rất ít kịp theo Chính Phủ Tưởng Giới Thạch ra thoát Đài Loan.     

Đạo quân thứ nhất tập trung ở Long Châu là đạo quân lớn nhất, qua Thủy Khẩu tiến vào Tà Lùng, một đồn ở giáp biên giới Việt-Hoa. Đồn này bị phá hủy không có quân đội nào đóng giữ, nhưng Cộng quân vẫn lẩn quất ở xung quanh. KQQ (Kiến Quốc Quân) cho rải truyền đơn giải thích lập trường. Tuy vậy cũng xảy ra vài trận xung đột, nhưng đều bị KQQ đẩy lui. Tới đồn Phúc Hòa, không có quân nào đóng giữ, nên không có sự gì xảy ra.

 Phải qua sông Phúc Hòa, vì nước to và sâu, nên phải bắc cầu phao. Trong thời gian bắc cầu, CQ kéo đến vây đánh. Mặc dầu đã hết sức kêu gọi và giải thích lý do, nhưng không hiệu quả. Bộ Tham Mưu KQQ buộc lòng phải cho quân tiến lên càn quét. Sau một vài tiếng đồng hồ, đánh tan CQ và vượt qua sông.

 Tiến đến gần Đông Khê, gặp pháo đài của quân đội Liên Hiệp Pháp (LHP) đóng trên núi. Đội tiên phong KQQ liền báo cho họ biết rõ lập trường của cuộc tiến quân. Được chỉ huy quân LHP trả lời:

 – “Chúng tôi có trách nhiệm giữ nơi đây, không có quyền cho quân đội nào đi qua đây hết. Vậy các ông hãy lui quân cách đây hai cây số để chúng tôi báo cáo về bộ Tổng Chỉ Huy ở Lạng Sơn xin chỉ thị”.

 Vì muốn hòa bình để đạt tới mục đích, Vũ Hồng Khanh ra lệnh lui quân và sau đó nhận được một bức điện văn: “Bản quân bằng lòng cho quý quân đội mượn đường đi qua phòng tuyến, nhưng cứ theo đường lớn về Lạng Sơn. Nếu cần, chúng tôi cho không quân yểm hộ. Tới Lạng Sơn sẽ do Quốc Trưởng Bảo Đại phái người lên đón.”

 8 giờ sáng hôm sau, Vũ Hồng Khanh ra lệnh tiến quân, qua Đông Khê được ba cây số, từ trên núi cao, đột nhiên CQ bắn xuống như  mưa. KQQ kêu gọi ngừng bắn, nhưng Cộng Quân lại càng bắn dữ. Lập tức đội tiên phong KQQ chia làm hai cánh quân tiến theo hai bên núi, vừa tiến vừa càn quét những trở lực. Suốt dọc đường chỗ nào cũng có CQ đón đánh nhưng đều bị đội tiên phong KQQ đẩy lui.

 Tiến đến Thất Khê, toàn quân lực nghỉ lại đồn binh LHP một đêm. Sáng sớm hôm sau KQQ sắp sửa lên đường, đồn trưởng đồn Thất Khê yêu cầu Tổng Tư Lệnh họ Vũ cho phép 3000 KQQ với khí giới trang bị đầy đủ được ở lại đồn ít ngày, để tăng cường chiến đấu chống với áp lực của CQ khi hay tin KQQ vừa nghĩ lại một đêm ở đồn. Đạo quân ấy do Vi Văn Lưu  phụ trách. Họ Vũ đã bằng lòng để 3000 quân cho Pháp mượn.

 KQQ theo quốc lộ số 4 tiến thẳng vào thị xã Na Sầm. Nhìn nhận thấy Pháp quân có ý khác, nên KQQ chuẩn bị cương quyết tiến qua Na Sầm. Và ngay ngày hôm đó, Tỉnh trưởng Lạng Sơn là Hoàng Văn Ngọc đặc phái phó Tỉnh trưởng Hoàng Lê Sinh làm đại diện Chính Phủ lên Na Sầm đón Tổng Tư Lệnh họ Vũ và trao một bức điện văn chúc tụng họ Vũ đem quân về kiến thiết quốc gia, và còn nói thêm rằng: “Khi đại quân về Lạng Sơn, quân đội tạm nghỉ do Chính Phủ Việt Nam phụ trách đài thọ, còn Tổng Tư Lệnh thì Chính Phủ đã để sẵn một phi cơ để đưa về Sài Gòn hội kiến với Quốc Trưởng Bảo Đại thương lượng việc kiến quốc.”

 Yên chí với tấm lòng thành khẩn của Chính Phủ Việt Nam và quân đội LHP, Bộ Tham Mưu định sáng hôm sau sẽ tiến quân về Lạng Sơn.

 Sáng hôm sau, Chỉ huy trưởng đồn binh Na Sầm cho biết đã có 60 xe vận tải đợi sẵn để chở KQQ về Lạng Sơn, mỗi chuyến chở 1000 người.

 Xét thấy hành động khả nghi của Pháp từ hôm trước, tiếp đến sáng nay lại thấy Pháp điều động hết các binh sĩ ra ngoài các vị trí, coi bộ như là chuẩn bị chiến tranh, Vũ Hồng Khanh trả lời:

 – “Xe hơi để riêng chở những người ốm yếu và hành lý, còn KQQ đi bộ hết, không cần xe.”

 Không thể sao được! Pháp đành cho chở ít hành lý và một số người ốm yếu về Lạng Sơn.

 Vũ Hồng Khanh ra lệnh tiến quân. Đến cách Đồng Đăng 5 cây số, Tư lệnh họ Vũ ra lệnh cho đồn quân lại nghỉ ngơi ăn uống.

 Sau một hồi, Pháp đem rất nhiều xe tăng, thiết giáp cùng súng lớn đi quan sát và uy hiếp, định lập mưu tước khí giới KKQ. 

4

 Tiếp theo, Đại tá Vincent, chỉ huy tối cao quân khu Cao Bắc Lạng, đưa đề nghị mời Vũ Hồng Khanh về Lạng Sơn để thảo luận. Họ Vũ cử Tham Mưu Trưởng Hoàng Nam Hùng cùng Sư Đoàn Trưởng Lý Vi Chi và Đặng Tử Phong làm đại diện vào Lạng Sơn để liên lạc và giao thiệp với Chính Phủ Việt Nam và Bộ Tư Lệnh LHP. Phan Chí Thành tức An Sinh được cử đi theo làm thông dịch viên. Đồng thời Tổng Tư Lệnh Vũ Hồng Khanh ra lệnh cho KQQ chiếm lĩnh vị trí để đề phòng bất trắc.

 Vào Lạng Sơn, phái đoàn Hoàng Nam Hùng gặp Cố vấn đạo quân LHP là Roja và Đại tá Vincent, Đại tá nói:

 – “Các ông về đây, trong số bộ đội có nhiều quân Tầu, phải tập trung và tước khí giới. Đó là theo đúng sắc luật Quốc Tế Công Pháp. Nếu không, quân Trung Cộng sẽ tràn vào đây, và sẽ gây nên nhiều chuyện khó khăn cho chúng tôi.”

 An Sinh quay lại hỏi ý kiến Hoàng Nam Hùng, họ Hoàng trả lời:

 – “Thế là phải”

 Quay lại phía Đại tá Vincent, An Sinh trả lời:

 – “Đấy là chí nguyện quân, vả lại chúng tôi về đây là để hợp tác với Chính Phủ Quốc Gia để chống Cộng Sản, vậy tập trung có thể được; nhưng chúng tôi phải được giữ nguyên vẹn số khí giới; và đó cũng chỉ là ý kiến riêng tôi, tôi cần phải báo cáo với Tổng Tư Lệnh Vũ Hồng Khanh đã…”

 Đến đây cuộc tiếp xúc giữa hai bên tạm ngừng, Tỉnh trưởng Hoàng Văn Ngọc mời phái đoàn Hoàng Nam Hùng về tư dinh khoản đãi. Qua sáng hôm sau, Lý Vi Chi, Đặng Tử Phong cùng An Sinh trở lên Đồng Đăng tường trình tự sự với Vũ Hồng Khanh; còn Hoàng Nam Hùng lấy cớ mệt, lưu lại ở Lạng Sơn để tiếp tục thảo luận với đại diện Chính Phủ Quốc Gia.

 Tại Đồng Đăng, sau một cuộc thảo luận, An Sinh lại được phái xuống Lạng Sơn để trả lời Đại tá Vincent theo kế hoạch hòa hoãn, để có đủ thì giờ rút lui quân. Trở lại Lạng Sơn, An Sinh bị Pháp giữ làm tù binh.     

 Khi An Sinh đã trở lại thành Lạng Sơn, Vũ Hồng Khanh ra lệnh rời Đồng Đăng tiến quân về phía Bình Gia để về Bắc Giang theo chương trình đã hoạch định từ trước. Hôm ấy là buổi chiều ngày 25 tháng 12 năm 1949.

 Tiến quân vào sâu độ 200 cây số có một thung lũng rất rộng, xung quanh chân núi có làng mạc. Tiến gần đến nơi bỗng tiếng súng tập kích nổ vang. Đội tiên phong KQQ chia đường đuổi đánh CS tan chạy, KQQ lập tức thiết lập vị trí và nghĩ ngơi, rồi được lệnh đi mua gạo về nuôi quân. Lệnh cấm ngặt không một người nào được sách nhiễu và bắt súc vật của dân.

 Mờ sáng hôm sau, VC đem quân đến bao vây tứ phía, nhưng KQQ đều đóng trên núi cao, CQ chỉ đứng ở đằng xa bắn vào, không dám xung phong. KQQ liền phái các đội đột kích xông xuống tập kích. CQ không địch nổi phải rút lui.

 Pháp quân phái 4 phi cơ đến trinh sát nhưng không thể dò thấy. Giữa khi ấy CQ tiến đến tấn công, nên phi cơ Pháp mới biết rõ được nơi đồn trú của KQQ nhưng cũng chưa dám bắn phá, vì không thấy rõ được vị trí. 

 Nghỉ ngơi một ngày, 5 giờ sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Đến gần sông Điềm He, CQ từ hai bên vị trí cao bắn xuống chặn đường đội tiên phong, KQQ lập tức đánh lui, sang qua sông lại bị CQ đón đánh. KQQ liền chia làm ba đội: Tả, hữu và trung quân đuổi đánh CQ trên hai dãy núi, càn quét kỳ hết để cho hậu quân tiến lên, đội hậu vệ đang sang sông Điềm He, phi cơ Pháp bay tới xả súng bắn xuống, nhưng KQQ đã ẩn nấp tránh kịp. Sau khi bắn một loạt, phi cơ rải truyền đơn chữ Hán kêu gọi chí nguyện quân nên trở về Trung Hoa, hoặc đem khí giới đến nộp cho Pháp quân. Sau khi phi cơ Pháp bay đi khỏi, CQ lại kéo đến tấn công, liền bị pháo binh KQQ tiêu diệt. Đêm ấy, KQQ nghỉ lại ở Điềm He.

 Hôm sau tiến quân đến Ba Xã, suốt dọc đường đều bị CQ quấy rối, trên không lại bị phi cơ Pháp thám thính tuần phòng, ra hiệu cho đồn binh gần Ba Xã bắn đại bác 75 ly và ở Lạng Sơn bắn súng đại bác 105 ly tới uy hiếp để cho bộ binh tấn công.

 Phía Đông Nam thì Pháp quân đến đánh, phía Tây Bắc thì CQ đến tấn công, KQQ ở giữa đành phải dồn quân ở Ba Xã, chia quân làm hai mặt đánh tan cả hai địch quân. CQ rút lui, bị KQQ truy kích, bắn chết một chỉ đạo quân của VC tên là Hoàng Tiến Nam, bắt được đầy đủ các tài liệu huấn luyện tình báo, yếu đồ, báo cáo công tác… bởi thế biết được rõ trận địa giữa Pháp với VC.

 Lập trường của KQQ vẫn không muốn đụng chạm đến một quân đội nào, nên phải đi vào khoảng không của hai mặt trận, không may lại bị cả hai bên cùng đánh mặc dù đã trực tiếp giao thiệp giải thích lý do.

 Để tránh cả mọi sự, đấu tranh cho đạt tới mục đích, Bộ Tham Mưu quyết định ngày nghỉ đêm đi, và bắt đầu đi đêm từ Ba Xã. Tờ mờ sáng đến một khu rừng, núi cao suối thẳm, lệnh cho quân nghỉ ở trong rừng. Suốt ngày hôm đó, phi cơ Pháp bay lượn tìm kiếm gầm thét vang động cả một góc trời, nhưng cũng không tìm thấy nơi nghỉ của KQQ. Trời đã đổ tối, lại chuẩn bị đi. Mờ sáng hôm sau, đội tiên phong tiến đến định tìm nơi đóng trại nghỉ, không ngờ một pháo đài của Pháp quân đã hiện ra. KQQ vẫn im lặng tiến, khi hậu đội vừa đi qua lên ngọn núi, đội cảnh vệ đương qua suối thì những đám sương mù dần tan hết, Pháp quân ở trên pháo đài (làng Lập) trông thấy, liền báo động bắn súng máy và móc-chê xuống. KQQ được lệnh men theo bờ núi, vòng vào chân núi bên kia, tiến lên vị trí địch. Một mặt, pháo binh của KQQ bắn phá tan pháo đài địch và đẩy lui địch quân.

 Sau một giờ chiến đấu, phi cơ địch từ Lạng Sơn tới bắn súng liên thanh và ném bom xuống. Thay đổi nhau, hết đợt này đến đợt khác, suốt ngày gầm rít trên không trung, nhưng cũng không đạt được kết quả. Cuối cùng địch phải dùng đạn lửa bắn xuống xung quanh núi thiêu hủy các vị trí.

 Chiến đấu suốt từ sáng đến chiều, Tổng Tư Lệnh họ Vũ ra lệnh cho KQQ rút xuống núi, rồi thứ tự tiến quân. Quá nửa đêm, đến một khu rừng, kiểm điểm thấy hậu đội lạc mất 60 người và 5 con ngựa, còn các đội khác đều an toàn. 60 người này là chí nguyện quân Trung Hoa.

 Nghỉ ngơi cơm nước xong, lại tiếp tục lên đường. Đội tiên phong tiến đến Thanh Mọi, CQ ra chặn đường, giao thiệp một hồi lâu cũng không cho đi, đồng thời các vị trí của CQ ở trên núi bắn xuống như mưa, KQQ bắt buộc phải tấn công, đội tiền vệ đánh vào Thanh Mọi, đội hậu vệ đánh vào chợ và đồn Đồng Mỏ, trung quân đánh vào vị trí quãng giữa, cắt đứt liên lạc giữa Đồng Mỏ với Thanh Mọi, xung phong lên các vị trí. Kết quả CQ không địch nổi phải bỏ chạy, một số giơ tay đầu hàng. 

 Vấn đề then chốt là lương thực lại không tìm đâu ra! Vũ Hồng Khanh ra lệnh rút quân xuống, kế tục lên đường. Không đi được lối đường sắt, nên phải quay qua dãy núi cao, đi xuyên sang Lục Nam. Qua một đêm leo núi, sáng hôm sau mới tới một nơi có làng mạc, nhưng cũng gặp cảnh vườn không nhà trống ruộng hoang, không thể tìm đâu ra một hạt gạo! Tình cờ gặp một thổ dân được biết cách đây độ 3, 4 cây số có đồn Ba Hòn, rồi đến đồn Cao Nhật do Pháp quân đồn trú.

 Biết rõ tình hình, Vũ Hồng Khanh định cho vây đồn Ba Hòn và Cao Nhật đánh cướp lương thực, nhưng vì đã 5 ngày liền chiến đấu mà không có cơm ăn, đêm qua lại đi suốt sáng không được ngủ, và suốt ngày bị phi cơ Pháp bay liệng trên đầu làm ngăn trở hành động; nên Tổng Tư Lệnh họ Vũ ra lệnh cho đặt vị trí để nghỉ ngơi. KQQ đều phái người lên núi tìm các thứ rau về ăn cho đỡ đói.     

 Nghỉ ngơi chốc lát, họ Vũ ra mật lệnh đến hồi 20 giờ bắt đầu xuất quân vây đánh Ba Hòn, rồi tấn công đồn Cao Nhật.

 Mọi việc đương chuẩn bị thì thấy phi cơ Pháp dồn dập bay tới liệng trên không. Một hồi sau thấy đội tuần tiễu đưa vào trình hai bức thư: Một của Hoàng Nam Hùng và một của Bộ Chỉ Huy quân đội LHP. Hoàng Nam Hùng khuyên Tư Lệnh họ Vũ nên về hợp tác với Chính Phủ Quốc Gia, Đại Biểu của Chính Phủ hiện đã có mặt ở Lạng Sơn để đón tiếp; còn Bộ Chỉ Huy LHP thì đại ý nói: “Ngài đã vì quốc gia dân tộc đem quân về cùng với Chính Phủ Quốc Gia kiến thiết nước Việt Nam mới. Hiện nay nước Pháp đã trao trả chủ quyền cho Việt Nam, thì quân LHP đây là người bạn. Hy vọng ngài đừng gây chiến tranh với chúng tôi nữa. Hiện Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam đã phái Đại Biểu lên đón ngài ở Lạng Sơn. Vậy mong ngài hãy trở về Lạng Sơn cho anh em binh sĩ nghĩ ngơi, rồi ngài cùng Đại Biểu Chính Phủ Việt Nam đáp máy bay về Hà Nội.”

 Đem hai bức thư ra nghiên cứu, bộ Tham Mưu xét vì hoàn cảnh đặc biệt, đứng trước hai thế lực đều hùng hậu, mà vấn đề then chốt là lương thực lại không có, nên quyết định bãi bỏ dự tính kéo quân về đồn trú ở Bắc Giang, mà nay đem thẳng KQQ cùng võ khí về hợp tác với Chính Phủ Quốc Gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo.

 Và ngay buổi tối hôm ấy, mồng 6 tháng Giêng năm 1950, một văn thư gửi cho Bộ Chỉ huy quân đội LHP ở Lạng Sơn được biết rõ quyết định đó. 

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt