Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (44)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Tư (1947-1950)/Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 4)
Thiên Thứ Tư (1947-1950)
Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 4)
9
QUYẾT ĐỊNH RÚT LUI
Ngày 20 tháng Giêng năm 1948, Pháp quân bắt đầu tổng tấn công. Từ Tà Ốá địch bắn sang vị trí QDQ ở Dề Suối Thàng. Từ Voàng Mà Trải, địch bắn sang uy hiếp Mà Lỳ Trải. Từ Mù Sừ Sán, địch bắn sang uy hiếp Thái Giàng Trải. Rồi toàn thể chủ lực quân ở vị trí Nản Nì Thàng tiến sang vây đánh Lao Trải, ròng rã suốt 3 ngày đêm tấn công đều bị QDQ đẩy lui.
Đứng trước tình thế quá nguy ngập, không thể duy trì được nữa! Nên một cuộc hội nghị cán bộ được triệu tập. Toàn thể Tướng, Sĩ đều đồng tình rút lui sang Trung Hoa, vì có hy sinh đi nữa cũng bằng vô ích .
Theo quyết nghị, Triệu Việt Hưng cử Trung úy Phạm Thanh Tùng sang ngoại giao trước với Huyện trưởng huyện Kim Bình và Bảo An cho mượn một khu để tạm trú; một mặt đánh điện lên Côn Minh báo cáo với Vũ Hồng Khanh giao thiệp với chính phủ Trung ương Trung Hoa Dân Quốc bảo trợ.
Trong khi cử đại biểu sang Trung Hoa giao thiệp, thì Pháp quân tổng tấn công bốn đường: một do Tà Ố tấn công vào Dề Suối Thàng, rồi tấn công Mà Lỳ Trải; một mặt cũng do Voàng Mà Trải tấn công sang Sập Nhì Lầu; một mặt do Mù Sừ Sán tấn công sang Phố Uấy, Thái Giàng Trải; một mặt do đường Nản Nì Thàng tấn công sang Lao Trải. Còn các vị trí khác bắn moóc chê và đại bác rất mãnh liệt sang vị trí QDQ để yểm hộ cho địch quân xung phong.
QDQ vẫn bình tĩnh chiến đấu. Hai ngày kịch chiến, địch quân vẫn không tiến được. Đến hồi 5 giờ sáng thứ Ba, địch lẩn vào trong rừng đem toàn chủ lực tập trung bao vây vị trí Lao Trải .
Vì đạn dược thiếu hụt, lại bị địch quân 3 mặt tấn công kịch liệt nên chống không nổi, QDQ phải rút về Giá Khấu. Chiếm được Lao Trải, nhờ được lợi thế, địch đem pháo binh bắn xuống Giá Khấu rồi đem quân đội chia hai đường tiến vây. QDQ lại bỏ Giá Khấu rút lui về giữ Thái Giàng Trải và Sập Nhì Lầu.
Từ đó hai bên xung sát đánh giáp lá cà. QDQ nhất định không để địch tiến. Mất Giá Khấu, địch quân tiến rất mạnh, nhưng hễ toán nào xung phong lên là có một số chết, làm cho địch quân phải ngừng tiến, chỉ dùng súng máy uy hiếp mà thôi .
Kiểm điểm lại các mặt trận, QDQ mỗi người chỉ còn 3 viên đạn, súng máy mỗi khẩu còn lại 20 viên, Bộ Chỉ Huy ra lệnh phải cố thủ vị trí, đợi đến 20 giờ sẽ bắt đầu rút lui sang Trung Hoa.
Trời vừa hoàng hôn, Pháp quân lại bắt đầu tấn công QDQ, mỗi người chỉ được phép giữ lại một viên đạn để phòng thân, còn lại bao nhiêu cực lực tử chiến, đánh bật địch quân lại. Đợi đúng giờ tuần tự rút yên lặng, và trời tối, nên địch không hay biết gì hết. Hôm ấy là ngày 22 tháng 2 năm 1948.
10
LẠI MỘT LẦN NỮA LÁNH SANG LÃNH THỔ TRUNG HOA
Đêm 22 tháng 2 năm 1948, các chiến sĩ VNQDĐ từ chiến khu Sập Nhì Lầu vượt khỏi biên giới. Quyền chỉ huy được trao cho Hoàng Quang Đạt và Lưu Văn Liên. Triệu Việt Hưng cùng Đại úy Nguyễn Xuân Mai đi thẳng lên Côn Minh, báo cáo với Vũ Hồng Khanh để vận động với Chính phủ Trung Hoa bảo trợ.
Sang đất Trung Hoa, chiến sĩ VNQDĐ lưu lại huyện Kim Bình. Được Tri huyện Kim Bình là Trung Hán Đỉnh trao trả khí giới, nhưng sau lại mượn lại một số để đội quân Cảnh vệ của huyện dùng.
Các bộ phận được chia làm 3 khu; do Huyện trưởng cung cấp cả lương thực đủ cho đến khi tự mình canh tác có hoa lợi.
Sau một thời gian yên tĩnh, bổng xuất hiện một bọn thổ phỉ địa phương nổi lên chống Chính phủ. Chúng đem toàn lực chừng 300 võ trang thanh niên đến tấn công pháo đài và phố huyện lỵ Kim Bình. Hai nơi này đã thất thủ, huyện đường cũng sắp lâm nguy. Tri huyện Trung Hán Đỉnh bèn tìm đến yêu cầu các chiến sĩ VNQDĐ cố gắng giúp Chính phủ, vì dân tiểu trừ bọn thổ phỉ.
Là việc nghĩa, các chiến sĩ VNQDĐ cương quyến đứng lên diệt giặc. Với tinh thần hăng hái, đội tiền phong tiến lên phản công pháo đài. Chỉ có 19 người, trong một giờ diệt tan hết 300 thổ phỉ, đuổi ra khỏi khu vực Kim Bình.
Nhiệm vụ đạt thành, toàn thể dân chúng đua nhau hoan hô tinh thần chiến sĩ Việt Nam, và ngay ngày hôm sau, các đoàn thể nhân dân tuần tự đến trước huyện đường chúc tụng tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, tỏ lòng biết ơn, và nguyện từ nay đặt hết tin tưởng vào các chiến sĩ Việt Nam, duy trì an ninh cho khu vực huyện Kim Bình để bảo vệ nhân dân.
Sau vụ thổ phỉ Kim Bình, một bộ phận gồm cán bộ đảng viên người thì lên Côn Minh, kẻ đi Khai Viễn. Những người đã từng sống quen lâu năm ở đất Trung Hoa không đến nỗi lâm vào tình trạng khó khăn lắm. Trái lại những người mới sang lạ nước lạ cái, tiếng nói không biết, thành ra phải sống một cách vất vưởng, kẻ thì phải đi làm ở sở bông, sở than, người mở tiệm hớt tóc, hoặc đi hớt tóc rong; 5, 3 người ở chung một chỗ, mạnh ai nấy sống, kém phần tương thân tương ái với nhau, gây nên bất mãn mâu thuẫn giữa lớp đảng viên quốc nội với lớp đảng viên hải ngoại.
Trong khi đó lại bị cái nạn đảng phái chia rẽ bè nhóm, sự mâu thuẫn chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi sâu thêm. VNQDĐ dựa vào thế lực Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc; ĐVQDĐ dựa vào thế lực các chính khách Anh, Mỹ, Pháp; rồi tung ra những luận điệu chỉ trích bêu xấu nhau, khiến cho số chiến sĩ đảng viên quốc nội mới lưu vong có một ấn tượng không tốt đẹp đối với Hải Ngoại bộ.
Vũ Hồng Khanh xét thấy cứ giữ mãi tình trạng này, không sớm thì muộn uy tín Hải Ngoại bộ sẽ mất, nên phải tìm kế củng cố lại hàng ngũ. Một mặt ngoại giao với Chính phủ Trung Hoa cho một số thanh niên đồng chí được vào tòng học tại trường Lục Quân Hoàng Phố. Số người được lựa đi là Nguyễn Duy Dỵ (đoàn trưởng), Trịnh Danh, Đỗ Đức Tân, Phạm Kim Doanh, Hoàng Quân, Tường, Chính, Vũ Ngọc Sơn, Lê Hưng, Nguyễn Văn Hạ, Phúc, Hoàng, Dương Minh, Phan Đức Minh, Nguyễn Trương, Ngô Huy, Lê Chấn, Hồng Hải, Hoàng Văn Tín, Vũ Bản.
Sau khi cho được một số thanh niên đồng chí quốc nội được đi học, uy tín Hải Ngoại bộ được đề cao một phần nào! Và cũng từ đó các anh em trong các đoàn thể đối lập với Hải Ngoại bộ VNQDĐ cũng có đôi phần e ngại.
Tình thế mới ổn định chưa được bao lâu, nội bộ bổng phát sinh mâu thuẫn về vấn đề đổi danh hiệu “Việt Nam Quốc Dân Đảng” ra “Quốc Dân Đảng Việt Nam” và không thừa nhận Vũ Hồng Khanh là Bí Thư trưởng Đảng do mấy Trung ủy Nguyễn Tường Tam, Xuân Tùng cầm đầu, bởi trước vấn đề thay đổi danh hiệu quan trọng như vậy mà lại không tổ chức một cuộc Đại Biểu hội nghị nào, khiến cho các đảng viên đâm hoang mang và bất mãn, gây nên cuộc xô xát.
Sau khi Vũ Hồng Khanh từ Quảng Châu về Côn Minh, tự viết một bản “Bị Vong Lục” phân trần mọi lẽ gửi toàn thể Đảng viên, bầu không khí mâu thuẫn xô xát mới êm dịu dần.