Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (43)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Tư (1947-1950)/Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 3)

Thiên Thứ Tư (1947-1950)

Chương II: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 3)

THI HÀNH CHÍNH SÁCH “DƯỠNG QUÂN VÀ VỆ DÂN”  

Đến đây vấn đề đạn dược ít, nhất là đạn súng lớn không mua được, lại được đề ra. Vậy dầu có mở trận tấn công chăng nữa chẳng qua cũng chỉ để làm giảm nhuệ khí hoặc hãm địch mà thôi, chớ không thể phá nổi pháo đài, thì cũng vẫn không đạt được mục đích. Quân Vụ Bộ quyết định thi hành chính sách “Dưỡng quân và Vệ dân”. Ra lệnh phối bị phòng tuyến từ Tà Lèng trở về nam, do Sư đoàn I phụ trách; từ Tà Lèng trở về bắc, do Sư đoàn II phụ trách. 

Sư đoàn II đóng ở Yao Chan do Hoàng Văn Khuê chỉ huy, Nguyễn Văn Tài đóng ở Sính Sáng, Hoàng Anh Tuấn đóng ở Sang Thằng.

Sư đoàn I: Phan Chân đóng ở Tà Lùng, Nguyễn Duy Dỵ đóng ở Tà Phình, Nguyễn Viết An đóng ở Thiền Sinh, Nguyễn Trương đóng ở Mà Lỳ Phố, Hoàng Văn Tín đóng ở Soàn Thầu. 

Quân Vụ Bộ: Hoàng Quang Đạt làm Hậu cận sứ phó sứ trưởng, Trịnh Danh làm Chính vụ sứ phó sứ trưởng, Nguyễn Bảo Ngọc làm Chính trị Chủ nhiệm, Lưu Văn Liên làm Tham mưu sứ phó sứ trưởng, Hoàng Mai làm Trừng thanh cục Cục trưởng. 

Các bộ môn đều thi hành đúng nhiệm vụ: quân nhu, quân lương, tác chiến, nhân sự, quân sự, giáo dục, chính trị, đảng vụ, tuyên truyền, tổ chức dân chúng và đặt các cơ quan hành chính, trao quyền cho dân, giúp đỡ về việc trồng cây, cấy lúa. 

Một thời gian khá yên tĩnh, quân dân hợp tác về mọi phương diện rất là tấp nập vui vẻ. Quân lương sung túc, nhưng quân nhu, quân giới cùng vệ sinh thì hoàn toàn thiếu thốn, bởi tài nguyên kinh tế vẫn không có, nơi tiếp tế cũng không. Vậy nếu cứ rải mặt trận rộng rãi, khi địch quân tổng tấn công, đã không đạn dược tiếp tế, đường mới lại hiểm trở, khó bề tập trung binh lực. Vả lại, vấn đề giáo dục cần phải tiếp tục huấn luyện lấy cán bộ quân sự tương lai. Bộ Tham Mưu lại quyết định rút hẹp phòng tuyến, và mở trường huấn luyện quân sự. Phòng tuyến đặt từ Phô Sa, Mồ Sừ Sán, Cấu Chồ, Voàng Mà Trải, Giá Khấu, Suối Chồ, Tả Trùng Phùng, Tà Ố. Nghĩa là từ bắc chí nam, hai đầu tiếp giáp với biên giới Trung Hoa.

Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1947, thành lập “Cán Huấn Ban” có 200 học viên, chương trình huấn luyện là 3 tháng tốt nghiệp, lại kế tiếp lớp khác, do Thiếu tướng Tiêu Bá Hàm làm giám đốc. Đồng thời lập hội “Phong Kỷ” để giữ an ninh và quân phong, quân kỷ do Đại úy Nguyễn Viết An phụ trách.  Phòng tuyến mới vừa đặt xong, thì Pháp cũng đem quân đặt phòng tuyến đối diện để phòng ngự.

Để khích lệ tinh thần binh sĩ, Quân Vụ Bộ thỉnh thoảng lại cho mở cuộc du kích chiến vào các vị trí địch để đoạt quân nhu, quân lương. Tiếp đến mùa mưa lũ, nước suối to, nên cả hai bên đều án binh bất động. 

ĐỊCH TẤN CÔNG VỊ TRÍ TÀ PHÌNH VÀ TẢ TRÙNG PHÙNG 

Mùa mưa dần dần hết, địch bắt đầu tấn công liên tiếp. Trước hết là vị trí Tà Phình, căn cứ của bộ chỉ huy Đệ Nhất Chi đội QDQ vào giữa buổi sớm, sương mù còn bao phủ dày đặc. 

 Khi chợt nghe tiếng súng nổ tại một chòi gác, cấp chỉ huy biết ngay là địch đến tấn công. Lập tức các bộ phận được lệnh đến các vị trí chuẩn bị tác chiến. Khoảnh khắc sau, 2 phóng pháo cơ từ ngã Phong Thổ bay tới lượn quanh Tà Phình ba vòng rồi nhào xuống bắn vào trong các vọng gác, lửa bốc cháy, nhưng không một ai bị thương vì đã có sự bố trí đề phòng.

 Cách 30 phút sau, Pháp quân từ dưới chân núi tấn công lên, QDQ lúc đó từ trên các vị trí cao mới bắn xuống, khiến địch không thể nào tiến lên được, phải rút về Phong Thổ.

 Xét thấy đóng quân ở Tà Phình không có lợi gì cả, bộ chỉ huy của Đệ Nhất Chi đội bèn rút lui về đóng ở Tả Trùng Phùng, để tiện việc liên lạc với Voàng Mà Trải cũng như Sập Nhì Lầu.

 Sau trận đánh Tà Phình, Pháp đem 3 tiểu đoàn chủ lực và 2 tiểu đoàn lính Thổ ở Lai Châu của Đèo Văn Ân chia làm 3 mặt: một tiểu đoàn chặn quân Voàng Mà Trải sang tiếp viện; một tiểu đoàn chặn quân Mù Sán và một tiểu đoàn chặn quân từ Sập Nhì Lầu; còn 2 tiểu đoàn tấn công vào Tả Trùng Phùng.

 Tấn công vào vị trí Tả Trùng Phùng, Pháp quân có mục đích chia đôi khu vực giao thông giữa Mù Sán với Sập Nhì Lầu. Nếu thực hiện được thì Sập Nhì Lầu cũng như Mù Sán sẽ bị cô thế không liên lạc được với nhau; khi đó Pháp quân sẽ tấn công ồ ạt các mặt trận, tiêu diệt dần QDQ.

 Biết Tả Trùng Phùng là nơi trọng yếu, QDQ cố thủ. Một QDQ mặc dầu phải chống với 2, 3 tên lính Pháp nhưng vẫn không hề nao núng. Đánh suốt từ 7 giờ sáng tới hồi 18 giờ, Pháp quân không thể chiếm nổi Tả Trùng Phùng phải rút lui.

Trước khi rút lui, Pháp quân đã đốt làng Suối Chồ. Kiểm điểm lại, QDQ mỗi người chỉ còn đúng 2 viên đạn và mỗi khẩu súng máy cũng chỉ còn có 15 viên mà thôi. Trận này QDQ đã hy sinh 3 chiến sĩ, Pháp quân bị tử thương 20 tên.

Sau trận này, địch quân án binh bất động, nhưng tình hình của QDQ cũng vô cùng nguy ngập, lương thực thiếu thốn phải thay ngô khoai để ăn, muối cũng đã hết từ lâu, đạn dược cũng đã hết đến mực độ cuối cùng. Nếu địch quân tấn công, tất QDQ lâm vào thế bị tiêu diệt. Vũ Hồng Khanh triệu tập hội nghị quyết định tự ra ngoài nước để vận động quân nhu và quân hỏa. Ngày mồng 5 tháng 10 năm 1947, họ Vũ rời khỏi Sập Nhì Lầu sang Trung Hoa, có Trần Viên lãnh một đội quân hộ tống sang khỏi biên giới. Tiếp sau ít ngày, Triệu Quốc Lộc cũng bí mật bỏ sang huyện Kim Bình (Trung Hoa) không trở về nữa!

Một thời gian sau, toàn thể cán bộ đề nghị lập một Bộ Chỉ Huy mới thay thế cho Quân Vụ Bộ, vì đã vắng mặt Vũ Hồng Khanh và Triệu Quốc Lộc. Hội nghị đồng ý quyết định cử Triệu Việt Hưng làm Chủ tịch Chỉ huy bộ. QDQ bắt đầu chỉnh đốn lại, đồng thời trù bị lương thực và mua thêm đạn dược, v.v… Hội nghị lại quyết định đem một số súng thừa thải tồn kho, và trâu, bò ngựa đoạt được của địch, đem phát mãi để lấy tiền mua đạn dược. 

Sang đầu tháng 12 năm 1947, thừa khi bất ngờ! Pháp quân kéo tới tấn công vị trí Mù Sừ Sán của QDQ. Đại úy Nguyễn Văn Tài phải bỏ vị trí rút lui và bị thiệt mạng mất hai binh sĩ.

Không thể để cho địch quân tự do hoành hành, Bộ Chỉ Huy ra lệnh cho Thiếu tá Nguyễn Văn Khanh, Trung tá Phạm Đức Nghi và Đại úy Bùi Văn Quang chia làm 3 mặt tấn công vào Mù Sừ Sán. Địch quân bị tổn thất nặng nề phải bỏ Mù Sừ Sán chạy trốn vào rừng.

Phải bỏ vị trí Mù Sừ Sán, Pháp định tiến quân đánh Phô Sa. Bộ Chỉ Huy đã được tình báo, để địch quân tiến vào Phô Sa, chưa kịp đặt vị trí, QDQ vây đánh ngay, khiến cho Pháp quân tổn thất nặng nề phải bỏ chạy về Tống Qua Lình.

Cách ít ngày sau, Pháp quân lại đem toàn lực tấn công vào Voàng Mà Trải. Chỉ huy QDQ là Thiếu tá Nguyễn Văn Khanh bị tử thương, đạn lại hầu hết nên Đại úy Nguyễn Trường phải ra lệnh rút lui, tuần tự theo chiến hào bí mật xuống núi về vị trí Mà Lỳ Trải.

Chiếm được vị trí Voàng Mà Trải, Pháp quân bí mật tập trung quân tại đó để khống chế QDQ. Nhận thấy tình hình nguy khốn, vì đạn dược đã hết quá nửa mà không còn cách gì tiếp tế được, nên buộc lòng cho quân đội ở Mù Sừ Sán rút về đóng ở vị trí trên núi Thái Giàng Trải. Quân đội ở Tà Ố và Tả Trùng Phùng rút về đóng ở Mà Lỳ Trải. Vị trí tiền phong đóng ở Dề Suối Thàng và những núi quanh Mà Lỳ Trải. 

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt