Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (42)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Tư (1947-1950)/Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 2)

Thiên Thứ Tư (1947-1950)

Chương II: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 2)

CỦNG CỐ VỊ TRÍ, TIẾP TẾ KHÍ GIỚI  

Đứng trước hoàn cảnh chiến đấu, đạn dược hao mòn không nơi tiếp tế! Quân Vụ Bộ yêu cầu Vũ Hồng Khanh xuất ngoại mua đạn dược và muối gửi về cung cấp; còn các mặt trận nhất định phải giữ nguyên vẹn trong thời gian 15 ngày, đợi đạn dược đem về tới sẽ tấn công, phá bằng được pháo đài Phong Thổ.

Hết hạn 15 ngày cũng chưa thấy đạn dược đem vào tiếp tế, Quân Vụ Bộ đánh điện ra hỏi Đô trưởng họ Vũ. Được biết súng đạn đã mua được, nhưng bị bọn cảnh binh Tư lệnh bộ ở Côn Minh là Hà Thiên Châu tịch thu hết, còn đương ngoại giao với Trung Ương chính phủ nhờ can thiệp .

Không còn biết làm cách nào được! Triệu Việt Hưng phải phái cán bộ sang Mường Là, Kim Bình (Trung Hoa), nhưng cũng chỉ mua được có 10 hòn đạn; vậy nếu địch tấn công thì rất nguy hiểm, Quân Vụ Bộ buộc lòng phải ra lệnh:

– Sư đoàn II rút về đóng ở Yao San, Sính Sáng, Sang Thắng.

– Sư đoàn III rút về giữ Yao San và chiếm các vị trí trên núi.

– Sư đoàn I rút về đóng Tà Lùng, Cáo Sính Trải, Tà Phình, Mù Sáng, Chính Chì Thàng.

 Củng cố xong vị trí, một mặt Chính Công đội tiếp tục tuyên truyền, tổ chức dân chúng; một mặt điều chỉnh quân đội, tổ chức thành du kích đội để đánh du kích và tuần phòng. Một thời gian QDQ được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.

Trong thời gian ấy, ngót trăm đồng chí do Vương Chí Nam lãnh đạo cũng từ Ma Án Ty (Trung Hoa) trở về Yao San. Kế tiếp, Nguyễn Bảo Ngọc cũng dẫn 60 đồng chí từ Ma Án Ty trở về, mang theo 20 súng bộ, 2 súng máy tiểu liên và hai súng xung phong.

Kiểm điểm các vị trí, hết thảy đều báo cáo là “hết đạn”. Bình quân có 3 sư, thì thấy mỗi chiến sĩ chỉ còn 10 viên đạn, mỗi khẩu súng máy còn 70 viên, lương thực chỉ còn đủ ăn 15 ngày, muối hết không còn một hột.

Hoàn cảnh ác liệt, tình hình biến chuyển, trong nước cũng như ngoài nước tuyệt vô âm tín. Đến việc bổ sung tiếp tế không hy vọng, lại không có tài nguyên kinh tế, trở thành một đám “cô quân”. 

Mặt Mường Khương và Zy Tý thuộc phạm vi hoạt động của CS, mặt Phong Thổ thuộc phạm vi hoạt động của thực dân Pháp. Bị dồn ép cả hai mặt, dù có binh hùng tướng mạnh mà không có tiếp tế thì cũng không thể nào làm tròn sứ mạng được! Bởi vậy một hội nghị cán bộ Đảng được triệu tập, đi đến quyết nghị:

1. Rút hẹp chiến tuyến để tập trung đạn dược cho phòng tuyến mới.

2. Cho các chiến sĩ được thay đổi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tinh thần.

3. Vận động bằng mọi phương pháp để bổ sung quân nhu, quân giới và quân lương.

4. Giải tán Sư đoàn III, biên chế vào Sư đoàn I và II, tăng cường sức chiến đấu.

Theo quyết nghị, trận tuyến được rút hẹp lại, vòng ngoài từ Phô Sa, Mồ Sừ Sán, Cấu Chồ, Voàng Mà Trải, Giá Khấu, Suối Chồ, Tả Trùng Phùng, Tà Ố; vòng trong thì từ Bản Nì Thàng, Lao Trả, Giá Khấu, Thái Giàng Trải, Phô Uấy, Mà Lỳ Trải. Chỉ huy bộ đặt tại Sập Nhì Lầu. Các vị trí đều phải đắp lũy cho kiên cố.

 Sau khi đã rút về các vị trí mới, một hội nghị cán bộ các cấp lại được triệu tập nghiên cứu vấn đề bổ cấp. Toàn thể hội nghị quyết định cử Triệu Việt Hưng sang Côn Minh (Trung Hoa) liên lạc Hải Ngoại bộ của Đảng, để giải quyết vấn đề tiếp tế và liên lạc với Trung Ương Đảng bộ Hà Nội.

 Hải Ngoại bộ tại Côn Minh khi ấy vẫn do Trần Đức Thi làm chủ nhiệm duy trì từ năm 1945 không có sự thay đổi, nay lại có thêm Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long (3), Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Xuân Dương tức Xuân Tùng tham gia, để tăng cường hoạt động cho Hải Ngoại bộ. 

 

TẤN CÔNG PHÁO ĐÀI PHONG THỔ CỦA PHÁP QUÂN LẦN THỨ HAI 

Sau khi Bộ Chỉ Huy đã nghiên cứu xong kế hoạch, Sư đoàn II do Hoàng Anh Tuấn chỉ huy, được lệnh tiến đến Tống Qua Lình. Đến đây gặp Pháp quân, hai bên giao phong tới 30 phút, Pháp quân yếu thế phải rút về vị trí Yao San, nơi đây chỉ có chừng 100 lính Pháp còn đa số là lính Thổ, Mán, Mèo. Bị QDQ kịch chiến, Pháp quân không thể chống nổi, phải bỏ vị trí Yao San thoát vào rừng. Trận này Pháp quân thiệt hại tới 30 quân, QDQ thu được 5 súng xung phong, 50 súng bộ, 5 tiểu liên thanh, 2 trung liên thanh, cùng rất nhiều đạn dược và chỉ bị thương có 5 chiến sĩ.

Chiếm xong Yao San, QDQ tiến ra đóng tại San Thằng và Sình Sáng.

Sư đoàn I do Nguyễn Duy Dỵ chỉ huy tiến đánh chiếm được vị trí Mù Sán. Pháp quân phải rút lui về lối Sang Thằng, QDQ đoạt được một số lương thực, đạn dược và 20 súng bộ, 2 súng tiểu liên thanh, 5 súng xung phong.

Kiểm điểm xong, giao lại vị trí Mù Sán cho Sư đoàn II; Sư đoàn I rút xuống Cáo Sình Trải đặt vị trí và đặt trạm ở Sừ Ngải để liên lạc với Khoa Sán.

Chiến tuyến đặt xong, Bộ Chỉ Huy từ chiến khu Sập Nhì Lầu được chuyển đến Yao San, ra lệnh cho Sư đoàn II tiến chiếm Yao San, Sình Sáng, Sang Thằng và Cáo Sình Trải. Sư đoàn I tiến chiếm Tà Lùng, Tà Pình, Thiền Sinh, Chinh Chí Thàng, Má Lì Phố, Soàn Thầu và Mù San. Đặt thành chiến tuyến kiên cố để dưỡng binh cho khỏe mạnh, bảo vệ dân chúng được an ninh, tăng gia sản xuất, chuẩn bị tấn công Phong Thổ. 

Ngày 27 tháng 4 năm 1947, Vũ Hồng Khanh từ Trung Hoa đem theo về được một số đạn dược đến Yao San. 

Cách 5 ngày sau, Triệu Việt Hưng cũng từ Mường Là (Trung Hoa) về tới Yao San, đem theo một số đạn dược, do số tiền bán bớt một số ngựa công và tư. (4)

Ngày mồng 1 tháng 5, Quân Vụ Bộ được tổ chức lại. Tiêu Bá Hàm được cử làm Tham mưu trưởng, Triệu Quốc Lộc làm Chính vụ trưởng, Triệu Việt Hưng làm Tham mưu phó, Vũ Hồng Khanh vẫn giữ chức Quân Vụ Bộ Trưởng như cũ.

Tổ chức vừa xong, thì Pháp quân kéo đến tấn công Yao San, nhưng Quân Vụ Bộ đã được tình báo, nên lừa cho Pháp quân tiến vào sâu, lọt vào thế gọng kìm, QDQ mới khởi thế tấn công. Bị yếu thế, địch chạy tán loạn, bỏ lại 14 xác chết. Trận này chỉ là trận Pháp quân thử thách để xuất động, nhưng bị thất bại nên không dám tấn công nữa!

Quân Vụ Bộ ra lệnh tấn công Phong Thổ. Các đạo quân được lệnh xuất phát hồi 17 giờ. Sư đoàn II tấn công vào phố chiếm cứ cơ quan hành chính; Sư đoàn I tấn công chiếm Đồi Chè, rồi tấn công xuống chiếm đồn; một bộ phận sang qua sông lên chiếm vị trí phía đông để yểm hộ cho đội quân cảm tử xung phong phá pháo đài.

Kết quả pháo đài vẫn không phá được, bởi đạo quân cảm tử theo sau pháo đài leo lên, bị trời tối đen quá, chạm phải dây chuông của vọng gác bí mật báo động, nên từ chiến hào bắn ra và lựu đạn ném xuống như tưới, khiến họ đã mấy lần leo lên cũng không thể nào tiến vào được. Trời đã gần sáng rõ, các đạo quân được lệnh rút về các vị trí. 

============= 

Ghi Chú: 

(3 ) Nguyễn Tường Long hiệu Tứ Ly, rồi đổi là Hoàng Đạo. Nguyên quán ở Quảng Nam, sinh năm 1906 ở Cẩm Giàng, Hải Dương (Bắc Việt) là em ruột của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Năm 1927, tốt nghiệp trường Luật, làm Tham tá Ngân khố, rồi Tham tá Lục sự tại Tòa Tây án. 

Năm 1932, hoạt động về văn hóa. Năm 1940, tham gia Chính trị, Chủ tịch ĐVDCĐ, rồi sát nhập vào VNQDĐ. Năm 1946, bị VC khủng bố phải lánh sang Trung Hoa, rồi tạ thế tại đấy vào năm 1948. 

(4) Được gặp các đồng chí Hải Ngoại bộ, Triệu Việt Hưng đưa ra đề nghị:

1. Cung cấp quân nhu cho chiến khu Sập Nhì Lầu.

2. Tìm cách liên lạc với Trung ương Đảng bộ Hà Nội, để biết rõ tình hình quốc nội, và tìm tài nguyên tiếp tế một cách trường kỳ.

 Sau nhiều cuộc tiếp xúc thảo luận, kết quả Hải Ngoại bộ Côn Minh không giải quyết được một vấn đề nào! Thất vọng, Triệu Việt Hưng quay ra vận động các đồng chí người Trung Hoa được một số đạn dược đưa về Sập Nhì Lầu. 

 Tới Sập Nhì Lầu, một hội nghị được triệu tập, đồng thanh quyết định chiến đấu chống xâm lăng đến cùng, giữ lấy địa bàn, làm bàn đạp cho sự tiến triển của Đảng về tương lai, và quyết nghị mở rộng phạm vi hoạt động, tấn công Pháp ở Phong Thổ.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào đây đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt