Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (41)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Tư (1947-1950)/Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 1)
Thiên Thứ Tư (1947-1950)
Chương II: “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG QUYẾT CHỐNG XÂM LĂNG” (Phần 1)
1
Đúng hồi 2 giờ ngày 25 tháng 11 năm 1946, toàn thể các cơ quan quân, dân, chính VNQDĐ rút khỏi thành Lao Kai, lui vào chiến khu Sập Nhì Lầu, một căn cứ chính yếu của Đảng ở hậu cứ, thuộc tỉnh Lao Kai, giáp giới Trung Hoa. Sư đoàn II rút vào giữ mặt trận Mường Hum, Sư đoàn I làm hậu vệ yểm hộ cho đội tiền quân rút lui. Hậu vệ quân rút đến làng Kim, đặt thành phòng tuyến ngự địch truy kích. Quân Vụ Bộ đặt tại Ba Xát rồi lần rút vào Zy Tý có sư đoàn II đóng trong khu rừng cấm bảo vệ.
Suốt trên các ngả đường rút lui đều bị CQ truy kích, nhưng đều bị đẩy lui bởi Quốc Dân Quân (QDQ) đã bố trí đề phòng rất chu đáo.
Khu vực Zy Tý, nơi Quân Vụ Bộ tạm đóng, thổ dân chỉ chuyên nghiệp trồng cây lấy nhựa nha phiến, ít cấy lúa nên bị thiếu lương thực, phải nhờ vào sự tiếp tế của sư đoàn I vận chuyển từ Trình Tường tới.
Tại Zy Tý, được báo cáo của đội tiền phong tấn công Phong Thổ đã chiếm được Nầm Xe, Bản Mân và hiện đóng ở nơi đó đợi hậu quân tới sẽ tấn công Phong Thổ do Pháp quân chiếm cứ.
Quân Vụ Bộ ra lệnh cho Lý Chí Kiên xuất quân một đại đội tấn công Yao San, rồi đánh dồn xuống hợp lực với Tiêu Bá Hàm và Phạm Đức Nghi bao vây Phong Thổ. Đồng thời lại ra lệnh cho sư đoàn II điều động một bộ phận giữ rừng cấm để yểm hộ, rồi theo sau Quân Vụ Bộ đồng tiến; còn sư đoàn I tức tốc rút về Zy Tý tiếp thu phòng tuyến của sư đoàn II làm hậu vệ và rút sau sư đoàn II.
Tập trung xong, Quân Sự Vụ cùng QDQ lên đường. Đội quân hướng đạo tiến đến ngã ba biên giới: một đường ở Zy Tý đến, một đường sang lãnh thổ Trung Hoa, một đường qua núi cao vào Nầm Xe. Vì núi rừng hiểm trở, đường chỉ đi được một người, ngựa không thể đi được, lại có phụ nữ và trẻ nhỏ của các gia đình chiến sĩ đi theo rất đông nên buộc lòng phải đi nhờ qua đất Trung Hoa một khoảng đường chừng 5 cây số, lại sẽ trở về đất Việt. Đột nhiên một đội quân trong rừng nhô ra chặn đường, đứng đầu là một đội trưởng giơ tay ra hiệu ngừng tiến, theo lệnh của địa phương quân Trung Hoa. Quân Vụ Bộ xét thấy cần phải tạm đồn quân lại để ngoại giao, vì đánh dẹp bọn Tàu để ra đi, sẽ có hại cho công cuộc cách mạng ở tương lai.
Nhận thấy tình hình bất lợi, trở ngại rất lớn cho cuộc hành quân, Quân Vụ Bộ quyết định kế hoạch, là thừa đêm tối để Triệu Việt Hưng lén đem QDQ tiến thẳng về nội địa Việt Nam; còn những người ốm yếu và phụ nữ thì để lại ở đất Tàu, Vũ Hồng Khanh sẽ tìm cách đối phó.
Lệnh xuất quân được ấn định vào hồi 12 giờ đêm ngày 15 tháng 12 năm 1946, do hai người Mèo bản thổ đưa đường đi xuyên sơn, để tránh mọi sự trở ngại.
Vũ Hồng Khanh cùng số người ở lại, cách ít ngày sau được bộ đội của sư đoàn 95 Trung Hoa tới điều đình đưa lên Ma Án Ty để tiện việc cung cấp lương thực.
2
GIAO PHONG VỚI PHÁP QUÂN
Từ đất Trung Hoa, hai đạo quân tiên phong do Phạm Đức Nghi và Tiêu Bá Hàm về tới Mường Hum, qua rừng cấm đến Zi Dần Sáng thì đụng trán với đội tiền phong của Pháp. Nhưng vì địch tình chưa rõ, nên QDQ không được lệnh đuổi theo, mà thẳng tiến đến đầu dốc khu rừng cấm, trông xuống thấy một thung lũng lúa xếp thành đống đầy đồng. Về phía gần chân núi lại có một ngôi làng rất to cắm lá cờ Tam Tài tung bay trước gió. Phạm Đức Nghi và Tiêu Bá Hàm liền phân công nhau chiếm đóng hai vị trí ở trên núi cao, chiếu ống nhòm trông thấy rõ Pháp quân đương mổ bò sửa soạn cơm nước. Phút chốc lại thấy một thổ dân từ trong rừng chạy ra, QDQ bắt hỏi, được biết rằng bộ chỉ huy quân đội Pháp hiện đặt ở Nầm Xe, có hai vị trí đóng trên hai ngọn núi cao trước mặt bảo vệ. Tức thì hai tướng Nghi , Hàm chia quân bao vây hai vị trí ấy, rồi phái hai đạo quân xung phong tiến vào Nầm Xe vây bắt bộ chỉ huy Pháp giữa lúc chúng đương xúm nhau ăn uống; khiến quân Pháp không kịp trở tay, bỏ cả khí giới chạy trốn. Pháp quân ở hai vị trí bên thấy bộ chỉ huy bị vây và bỏ chạy nên không dám kháng cự, cùng nhau rời bỏ vị trí rút xuống núi, tản vào rừng trốn thoát. QDQ chiếm đóng vị trí địch, thu được một số lớn lương thực, thuốc men và vũ khí.
Sáng ngày hôm sau, hai bên kịch chiến, Pháp quân núng thế phải rút lui về Phong Thổ. Đuổi địch quân đến Nầm Mấn, là ngã ba đường giữa Phong Thổ, Mường Hum và Bình Lư. QDQ chiếm đóng Nầm Mấn làm căn cứ tiến quân.
Đạo quân thứ hai do Lý Chí Kiên chỉ huy được lệnh tấn công Yao San cũng đã hoàn toàn thắng lợi. Kiểm điểm lại, QDQ tịch thu 57 súng bộ, 5 súng máy hạng nhẹ, 2 súng máy hạng nặng cùng một số đạn dược. Địch quân rời bỏ vị trí rút về Cáo Sình Trải, rồi chạy về Phong Thổ. QDQ đặt thành chiến tuyến, lấy vị trí Yao San làm trung tâm căn cứ hoạt động.
3
TẤN CÔNG PHONG THỔ, VỊ TRÍ TRỌNG YẾU CỦA PHÁP QUÂN
Đến hồi 16 giờ ngày 21.12.1946, đội hậu quân do Triệu Việt Hưng chỉ huy mới tơi Yao San. Cấp chỉ huy liền khai hội để thảo kế koạch tấn công Phong Thổ.
Tiếng súng bắt đầu nổ đúng 4 giờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm 1947. QDQ bốn mặt tấn công ồ ạt, Pháp quân không địch nổi, phải theo đường hầm rút lui về pháo đài, bị QDQ chặn đánh bật lại, địch quân xô nhau theo dọc sông chạy về phía sau pháo đài.
Pháo đài Phong Thổ xây dựng rất kiên cố trên núi cao dốc ngược, xung quanh pháo đài lại có chiến hào chắc chắn, quân lực lại tập trung rất hùng hậu. QDQ dùng súng máy trung liên và moóc chê 60 cũng không phá nổi, từng lớp binh sĩ cố xông lên pháo đài, bi địch quân bắn xuống và ném lựu đạn như mưa rào. Phần nữa, trời sắp sáng, địch quân trông thấy rõ, thì càng bất lợi.
QDQ chỉ chiếm được đồn binh, phủ đường và phố xá, thì lại không phải là nơi có thể bày thành trận địa, phi cơ địch tới ném bom, chắc chắn là sẽ bị thiệt hại lớn. Bởi vậy, Tổng chỉ huy ra lệnh cho các đạo quân bí mật rút lui hết lên núi rừng xung quanh, chiếm vị trí phòng phi cơ địch đến oanh tạc. Chính công đội rải truyền đơn, dán biểu ngữ khắp phố xá, đồn binh và cắm Đảng kỳ ở những nơi trọng yếu làm nghi binh.
Trời bắt đầu sáng, vào khoảng 9 giờ 30, phi cơ địch từ phía Lai Châu tiến đến, xả súng bắn xuống những nơi có cắm cờ của QDQ rồi bay trở về đường cũ.
Đến hồi 19 giờ, QDQ lại bắt đầu tấn công pháo đài, nhưng cũng vấp phải nhiều trở ngại không thể tiến được, nên lại được lệnh rút lui về các vị trí cũ nghỉ ngơi.
9 giờ sáng ngày hôm sau, 3 phóng pháo cơ của địch lại kéo tới ném bom và bắn liên thanh xuống các khu rừng núi bao quanh Phong Thổ, nhưng QDQ nhờ có địa thế hiểm yếu, nên không bị thiệt hại gì cả.
Pháo đài Phong Thổ bị QDQ bao vây, Pháp quân phải dùng phi cơ để tiếp tế lương thực và thuốc men thả dù xuống bãi cỏ, nhưng cũng không thể nào ra lấy được số đồ tiếp tế ấy, bởi QDQ từ trên các vị trí cao bắn xuống.
Sang ngày thứ tư, được tình báo viện binh của Pháp từ Lai Châu, Bình Lư kéo đến. Bộ Tham Mưu QDQ liền ra lệnh cho Sư đoàn II đem một đại đội tiến chiếm Nàm Mấn ngăn địch từ Bình Lư đến. Sư đoàn I đem một đại đội vượt qua sông chiếm đóng Hoàng Thu Phố, ngăn viện binh từ Lai Châu lại; và một trung đội sang giữ dốc Phong Thổ, Hoàng Thu Phố, chiếm đóng núi cao, phòng địch ở Bình Lư từ đường sắt đến.
Nhận thấy binh sĩ đóng ở đồi Chè không thể chịu nổi moóc chê và súng máy trung liên từ pháo đài của địch bắn xuống. Bộ Tham Mưu ra lệnh rút lui về vị trí cao, cho binh sĩ nghỉ ngơi, thỉnh thoảng lại đánh du kích, khiến cho địch hao tổn và hoang mang.
Vây quanh Phong Thổ kéo dài hơn một tháng, đạn dược hao mòn, không nơi tiếp tế, nhất là đạn moóc chê. Bộ Tham Mưu QDQ ra lệnh rút lui hết về vị trí Yao San, sẽ phái người sang Côn Minh (Trung Hoa) mua đạn moóc chê và tìm mua Ba-zo-ka, thì vấn đề phá pháo đài mới có cơ giải quyết được.
Ngày mồng 5 tháng 2.1957, Vũ Hồng Khanh cũng từ Ma Án Ty qua Kim Bình xuống Bản Lang, Na Voàng, Hồi Luông thăm qua mặt trận của Sư đoàn I, rồi trở về Yao San.
4
HỒI LUÔNG, YAO SAN BỊ PHÁP ĐÁNH ÚP
Rút khỏi Phong Thổ về vị trí Yao San, Sư đoàn bộ đóng tại Hồi Luông. Khi bấy giờ quân đội gồm có trung đội Đột Kích do Vương Các Đạo chỉ huy, canh phòng mặt Phong Thổ sang, và một đội cận vệ do Sang chỉ huy, có trách nhiệm canh phòng mặt Ba Nậm Cúm.
Hôm ấy bại quân Pháp chạy từ Soàn Thầu về tới Hồi Luông. Lúc đó vào khoảng 15 giờ hơn, trời còn đang nóng dữ, địch sợ bị phục kích lần nữa, nên cho hai tiểu đội đi trước chủ lực quân, để dò la đường lối. Hai toán quân đi đầu chạm vọng gác của QDQ. Quân canh gác chẳng những không nổ súng, lại vội bỏ chạy.
Pháp quân thấy lính gác QDQ bỏ chạy, liền tiến lên chiếm vị trí cao, rồi một mặt báo cho chủ lực quân, một mặt nổ súng tấn công vào Bộ chỉ huy QDQ.
Sư đoàn bộ QDQ vừa tiếp được tin, thì địch đã nổ súng, tinh thần trở nên hoảng hốt, không ai nghĩ đến chuyện đối phó, mạnh ai nấy chạy, tản mác vào rừng, hoặc chạy ra vị trí Đột Kích đội đóng, hoặc bỏ chạy lên Mù Sán, Tà Pình.
Hồi Luông là một đơn vị dưỡng bệnh của những binh sĩ ốm yếu do nữ y tá Lê Đức Sinh (1) phụ trách. Sau khi Pháp quân chiếm được, liền cho nổi lửa đốt sạch làng này, và hạ sát trên 20 QDQ vì quá ốm yếu không chạy kịp, rồi rút về Phong Thổ. Hai chiến sĩ Lê Đức Sinh và Thiếu úy Nhu bị Pháp quân bắt đi mất tích.
Khi qua vị trí Đột Kích đội, Vương Các Đạo im lặng đợi Pháp quân qua gần hết, mới cho nổ súng truy kích, khiến cho địch quân bị tử thương một số khá nhiều.
Tiếp đến vị trí Yao San, cũng bị Pháp quân đánh úp. Nguyên trong tổ chức QDQ có một thiểu số quân Trung Hoa do Mã Đức Nghĩa cầm đầu, thấy VNQDĐ tấn công Phong Thổ không đạt mục đích, rút về Yao San. Mã Đức Nghĩa sinh lòng phản bội, bèn phái người thân tín liên lạc với Pháp, bày tỏ tình hình và xúi Pháp vào đánh úp, họ Mã sẽ làm nội công. Điều kiện giữa Mã và Pháp là bao nhiêu súng đạn mà Pháp chiếm được của QDQ sẽ trao cả cho Mã, và Pháp sẽ để Mã quản trị từ Yao San tới Ba Nậm Cúm.
Điều kiện xong xuôi, Pháp bèn huy động binh sĩ từ Phong Thổ tới. Vào khoảng nửa đêm, Mã mật cho một số thủ túc dẫn Pháp quân theo đường hẻm lén phục sẵn quanh vị trí của QDQ, còn một toán phục sẵn đón quân tiếp viện từ ngoài vào.
Pháp quân phục kích chưa được ổn định vị trí, chẳng may gặp phải Cao Đông, một cán bộ QDQ từ ngoài công tác phái vào. Sợ bị lộ mưu toan, Pháp quân buộc phải nổ súng bắn chết Cao Đông. Tiếng súng nổ làm chấn động khắp nơi, khiến Pháp quân bắt buộc phải tấn công ngay lên các vị trí mà đáng lẽ phải đợi đến sáng. Vì trời còn dầy đặc sương mù, nên QDQ trên các vị trí vừa đánh vừa lui về để hộ tống Quân Vụ Bộ.
Pháp quân chiếm được hai vị trí đầu, đánh sang Quân Vụ Bộ (2), nhưng Quân Vụ Bộ đã kịp thời cùng quân đội rút lui vào trong rừng, duy có mấy người ốm yếu không chạy kịp, bị Pháp quân bắn chết.
Yao San bị Pháp quân đánh úp, các vị trí bao phòng mặt sau Hoàng Ma Trải, Tả Trùng Phùng do hai đại đội của Hoàng Quan Đạt và Phạm Đức Nghi vẫn còn nguyên vẹn, nên sau khi Quân Vụ Bộ cùng quân đội kéo về Sập Nhì Lầu, liền phái Đệ Nhị Sư trở lại quan sát tình hình. Thấy Pháp quân đã bỏ Yao San rút về Phong Thổ, Đệ Nhị Sư liền cho đóng quân lại, và báo cáo về Sập Nhì Lầu. Quân Vụ Bộ lại trở ra đóng ở Yao San như trước. Tham mưu trưởng Tiêu Bá Hàm vô tình bắt được bức thư liên lạc giữa Pháp và Mã Đức Nghĩa, nên lập tức ra lệnh bắt Mã Đức Nghĩa đem ra xử tử .
==============
Ghi Chú:
(1) Lê Đức Sinh là nội nhân của Triệu Việt Hưng.
(2) Trong số chiến sĩ chạy thoát vô rừng có Vương Các Đạo, Đạo bị thương ở cánh tay rất đau, cùng bạn đồng đội chạy về phía Sập Nhi Lầu, nhưng phần vì không thuộc đường, phần vì đêm tối, chẳng biết đường nào mà mò! Khi đi tới túp lều ở ven núi, mọi người phần vì ốm, phần vì rét, nên tất cả đều tán thành hãy vào lều ngồi nghỉ chốc lát. Nằm chưa kịp ngủ, thì nghe tiếng súng nổ liên tiếp, mọi người đều đứng lên để tiếp tục chạy; nhưng Vương Các Đạo vì vết thương nhức quá, nhất định liều ở lại túp lều. Đứng trước hoàn cảnh đó, anh em không còn cách nào khác hơn là đành để Vương Các Đạo ở lại, vì Đạo là người cao lớn quá, trong số anh em không một ai có thể cõng nổi! Mà khiêng thì không có vật gì để khiêng.
Trước khi chia tay, Vương Các Đạo nói: “Thôi các anh chị đi đi, chẳng lẽ ở lại để mà chết hết hay sao? Vết thương của tôi nhức lắm, tôi không thể nào đi được nữa! Đành liều vậy!”
Từ đấy không còn một ai trông thấy Vương Các Đạo đâu nữa! Ôi thôi! Vương Các Đạo!
Họ Vương sinh năm 1915 tại làng Hồi Đông, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Xuất thân tại trường Thiếu sinh quân Pháp, sau xung ngạch lính Khố Xanh. Gia nhập VNQDĐ từ năm 1945.