Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (40)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Tư (1947-1950)/Chương I: “CHIẾN TRANH VIỆT PHÁP, CHIẾN TRANH BÙNG NỔ”
Thiên Thứ Tư (1947-1950)
Chương I: “CHIẾN TRANH VIỆT PHÁP, CHIẾN TRANH BÙNG NỔ”
Qua tháng 11 năm 1946, tình hình giữa Việt Nam với thực dân Pháp lại càng nghiêm trọng thêm. Pháp kiểm soát ráo riết các căn cứ chiến lược, nhất là việc bài trừ nhập cảng các khí giới của Chính phủ Việt Nam. Pháp chận xét một chiếc thuyền buồm rồi xả súng bắn. Ngày 20, Pháp ra lệnh tấn công quét sạch Cộng quân ra khỏi thành phố Hải Phòng, một số thường dân người Việt bị chết oan. CS ra lệnh cho dân chúng tản cư ra khỏi thành phố. Về phía Pháp, 22 người chết, 64 người bị thương. Đến ngày 28, thành phố Hải Phòng hoàn toàn lọt vào tay quân đội Pháp.
Sau vụ Hải Phòng, CS tuyên truyền bài Pháp gia tăng mãnh liệt. Ngày 26 tháng 11, các Bộ tại Hà Nội bắt đầu tản cư thư tịch và dụng cụ.
Ngày 27.11, Võ Nguyên Giáp triệu tập tại Hà Nội, hội nghị các tướng lãnh trong nước.
Ngày 29.11, quân đội chính quy rời hết ra ngoại ô châu thành Hà Nội, thay thế bằng tự vệ thành và bắt đầu xây dựng cơ cấu phòng thủ.
Đêm 29 rạng ngày 30.11, đồn binh Pháp ở Đồ Sơn bị Cộng quân tấn công.
Ngày 1.12, dân chúng Hà Nội đã tản cư, và ở Nam Định, Phủ Lạng Thương, Hải Dương cũng bắt đầu.
Ngày 2.12, dân chúng thành phố Hội An (Trung Việt) được lệnh tản cư.
Ngày 3.12, đến lượt dân chúng Huế.
Ngày 4.12, Sainteny đến Hà Nội.
Ngày 5.12, ông Hồ Chí Minh kêu gọi Pháp phải trả lại Lạng Sơn và Hải Phòng. Pháp ưng thuận nhưng CS đòi quân Pháp phải rút về những vị trí cũ trước khi mở cuộc thương lượng.
Ngày 11.12, Nguyễn Xiển, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ, triệu tập các Chủ tịch tỉnh để chỉ thị đường lối cai trị trong khi có chiến tranh.
Ngày 12.12, một lính Pháp đi công vụ bị Cộng quân giết chết ở chợ Đồng Xuân.
Tình hình Hà Nội ngày càng bi đát, quân đội Pháp đóng ở trong thành, xung quanh thành và những nhà phố của người Pháp ở, bị chướng ngại vật bao vây.
Ngày 15.12, Pháp phản đối vô hiệu. Trái lại, chướng ngại vật tăng thêm.
Ngày 17.12, vào hồi 9 giờ 45, một cuộc xung đột nhỏ xảy ra giữa quân Nhảy dù Pháp với Tự vệ thành phố Hà Nội ở khu Hàng Bún. Trụ sở Tòa báo “Việt Nam”, số 80 phố Quan Thánh, nằm trong khu vực tác chiến, nên toàn thể nhân viên cùng ấn công đều bị quân đội Pháp bắt giải vào trong thành Cửa Bắc giam giữ. Qua ngày 18, một số được thả ra; một số bị giam giữ tới mấy tháng sau mới được trả tự do. Lợi dụng cơ hội, CS xuyên tạc tuyên truyền trên báo chí là những lãnh tụ VNQDĐ được Pháp đón mời vào thành Cửa Bắc.
Ngày 18.12, rất nhiều vụ xung đột giữa Việt và Pháp xảy ra.
Ngày 19.12 năm 1946, Tướng chỉ huy quân đội Pháp gửi văn thư cho Hoàng Minh Giám, đề nghị chấm dứt tuyên truyền phản đối Pháp, phá hết hàng rào và giải giới Tự vệ thành vì lộng hành quá. Đến hồi 18 giờ, Hoàng Minh Giám trả lời đã được Võ Nguyên Giáp hứa sẽ chấm dứt mọi hiểu lầm, và vấn đề sẽ được đem ra thảo luận trong Hội đồng Tổng trưởng họp vào ngày mai (20.12). Một mặt ông Hồ Chi Minh viết một lá thư cho người bạn thân Sainteny tỏ ý rất lấy làm hối tiếc những vụ lộn xộn trong mấy ngày vừa qua, và mong Pháp với Hoàng Minh Giám sẽ kiếm ra giải pháp để làm lắng dịu tình hình. Người sĩ quan liên lạc của CS mang bức thư này còn nói với những sĩ quan Pháp rằng Hồ Chủ Tịch mong ước Pháp tỏ thiện chí và ông sẽ can thiệp mạnh vào phía CS.
Vào buổi tối 19.12, có người mật báo cho Pháp biết là đêm nay CS sẽ tấn công Pháp. Những tin như vậy thường xảy ra, nhưng dầu sao, Pháp cũng vẫn phòng bị. Vì tin tới trể, nên về phía Pháp chỉ chuẩn bị được quân đội, mà không thông báo kịp cho thường dân Pháp.
Đến hồi 20 giờ thì đèn điện vụt tắt hết, Chính phủ Hồ Chí Minh ra lệnh tấn công Pháp ở Hà Nội, 1 giờ 30 phút tấn công Phủ Lạng Thương, 4 giờ ở Nghệ An. Cho tới sáng ngày hôm sau (20.12), khắp mọi nơi đều nổi dậy tấn công vào quân đội Pháp.
Chính phủ Hồ Chí Minh dựa vào yếu tố xuất kỳ bất ý nhưng quân đội Pháp họ đã phòng bị, nên quân Chính phủ bị thất bại. Tuy vậy quân đội Pháp cũng chật vật lắm mới giải tỏa được Phủ Lạng Thương vào ngày 27.12, Lạng Sơn ngày 30.12, Nam Định ngày 15.1.1947. Ngay ở Hà Nội, Pháp phải chiến đấu mấy ngày rất hao tổn mới giải vây được khu Pháp kiều. Trục giao thông Hà Nội – Hải Phòng mãi đến ngày 7.1.1947 mới lập lại được. Và mãi tới đêm 17 rạng 18 tháng Hai năm 1947, Kháng Chiến Quân mới rút khỏi hết Thủ đô. Ngoại giao đoàn có mặt tai Thủ đô Hà Nội đều nhiệt liệt khen ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của dân tộc Việt Nam.
TOÀN DÂN THAM GIA KHÁNG CHIẾN
1
Chống xâm lăng, giành quyền tự chủ, toàn dân không phân biệt Tôn Giáo, Đảng phái, giai cấp. Từ già chí trẻ đều vùng đứng dậy làm nghĩa vụ công dân. Từ cán bộ đến đảng viên trong các cơ cấu VNQDĐ cũng rời bỏ cơ sở cùng dân chúng tản cư ra hậu phương góp phần vào công cuộc kháng Pháp; một số cán bộ võ trang rút ra bãi Phúc Xá lập căn cứ kháng Pháp cho mãi tới tháng 2 năm 1947 mới chịu rút lui.
Nhưng đau đớn thay! Tiếng súng xâm lăng nổ, cũng là giờ phút kinh hoàng thảm khốc! Chính phủ Hồ Chí Minh ra lệnh cho công an mật vụ bắt giam không biết bao nhiêu người mà kể cho xiết, được gán cho một số người này là “Việt Gian” một số khác là “phản động”… rồi đem thủ tiêu hàng loạt tại khắp các nơi. Còn Pháp, sau khi đã làm chủ tình hình Thủ đô Bắc Việt, cũng ra tay trả thù người Việt, buộc cho số người này thân Nhật, số người khác là Cộng Sản. Khắp các ngôi nhà bỏ hoang trong thành phố, không căn nhà nào là không có một vài xác chết! Khắp các hầm hố của CS đào để làm công sự chống Pháp, nay đầy rẫy những xác đồng bào bị Pháp giết rồi hất xuống đó! Và vĩ đại nhất là hầm trú ẩn phi cơ Đồng Minh suốt chiều ngang bên cạnh Tòa Án, Pháp đã dẫn tới đây hàng truỗi người, bắt đứng xếp hàng, rồi bắn chết, rồi hất xác xuống nơi trú ẩn này. Tập trung có hàng ngàn xác chết.
Cộng Sản giết! Thực Dân giết! Khắp mọi nơi trong đất nước chúng ta, có thể nói con số lên tới hàng mấy chục vạn sinh linh! Nhất là các đảng viên VNQDĐ, những người mà họ biết rõ lai lịch, thì không người nào thoát chết bởi tay CS.
Trong số cán bộ cao cấp VNQDĐ tản cư ra hậu phương như Khái Hưng (1), Phạm Văn Hể, Nguyễn Đăng Đóa, Hoàng Phúc Dzị, Lê Thanh, v.v… đều bị CS bắt giam rồi thủ tiêu.
Trung ương Đảng bộ VNQDĐ đến cuối năm 1946 thu hẹp còn có 6 người, thì sau đó ít ngày, Xuân Tùng đã lánh nạn sang Trung Hoa. Đến ngày chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, thì Phạm Văn Hể (2), Nguyễn Đăng Đóa (3) và Vũ Đình Trí tức Vũ Hoằng bị CS bắt thủ tiêu, duy còn lại Nguyễn Văn Chấn và Hoàng Bình.
2
Từ cuối năm 1946 đến những năm 1947, 1948 và 1949, kháng chiến còn ở vào thế yếu: vũ khí thô sơ, trang bị thiếu thốn, bộ đội chưa được rèn luyện. Trước những cuộc tấn công như vũ bão của Pháp, kháng chiến chỉ còn biết lùi hay lẩn tránh.
Những người kháng chiến Quốc Gia lại đã hoặc vô tình hoặc tình thế bắt buộc phải hợp tác với Cộng Sản, dần dần bị Cộng Sản lấn áp và nắm vai trò chủ động; khiến các người kháng chiến Quốc Gia bị đẩy vào thế cờ kháng chiến thụ động.
Rút kinh nghiệm, Cộng Sản đã áp dụng đúng những nguyên tắc của nhân dân chiến tranh, một thứ chiến tranh toàn diện, không có giới tuyến. Chỗ nào cũng có đối phương mà khó tìm thấy đối phương ở đâu. Đối phương có thể là người bên cạnh mình, đánh mình một cách bất ngờ!
Pháp áp dụng chiến thuật đánh mạnh, đánh mau của danh tướng Leclere và De Lattre de Tassigny, nhưng đối với chiến tranh nhân dân, chiến thuật của các tướng Pháp đã trở nên vô hiệu.
Sau trận Cao Bắc Lạng (1950), nhiều quan sát viên Tây Phương đã nhận xét rằng, chiến tranh Đông Dương là một “Trận Giặc Ý Thức Hệ”, khác hẳn mọi thứ chiến tranh đã xảy ra ở Âu, Mỹ từ trước; Pháp sẽ thất bại nếu không bỏ phương pháp thuần túy quân sự để thay thế bằng những chiến thuật mới của chiến tranh nhân dân.
Quả nhiên, Pháp đã chịu thảm bại, vì không thỏa mãn được những nhu cầu của một loại chiến tranh hoàn toàn mới đối với họ. Pháp chỉ biết giải quyết bằng phải pháp thuần túy quân sự.
Áp dụng giải pháp chính trị, Pháp chỉ biết bắt tay với một số tay sai, bù nhìn, lưu manh, đầu cơ, chính trị xu thời, kẻ thù của nhân dân Việt Nam.
Pháp đã lầm lớn, tưởng rằng bọn này làm được việc, không ngờ dân chúng Việt Nam trông thấy mặt mũi những người này lại càng thêm công phẫn, oán thù Pháp. Chỉ còn tin tưởng vào trường kỳ kháng chiến, đưa tới Pháp bị thảm bại ở Điện Biên Phủ.
=======================
Ghi Chú:
(1) Khái Hưng chính tên là Trần Khánh Dư là con cụ Tổng Đốc Trần Mỹ, sinh năm 1897 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Ông theo học trường Trung Học Paul Bert, ban văn chương, đậu Tú Tài. Sau mấy năm kinh doanh thất bại, ông trở về Hà Nội, dạy học tại trường tư thục Thăng Long.
Năm 1932, Khái Hưng vào ban biên tập báo “Phong Hóa” và chuyên mục viết tiểu thuyết. Từ 1932 đến 1940, ông đã viết một mình hay cộng tác với Nhất Linh, gần 20 cuốn tiểu thuyết có giá trị.
Năm 1940, ông bắt đầu hoạt động chính trị, bị Pháp bắt đưa đi an trí tai Vụ Bản (Hòa Bình). Năm 1943, gia nhập VNQDĐ. Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, ông tản cư về Nam Định, rồi vào khoảng năm 1947, bị CS bắt đem đi mất tích.
(2) Phạm Văn Hể chính tên là Phạm Văn Hổ, sinh ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sữu (7.2.1901), trong một gia đình nông dân tại làng Phấn Dũng, xã Tiểu Trà, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Người anh ruột của ông và ông đều là Đảng viên VNQDĐ từ đầu năm 1928.
Ngày 15.8.1930, bị mật thám bắt, Hội Đồng Đề Hình Kiến An kết án phát lưu chung thân, đày ra Côn Đảo. Năm 1936 được ân xá, hai anh em ông lại bắt đầu hoạt động cách mạng rất hăng hái.
Năm 1945, phong trào VM phát động, Phạm Văn Lân đã công kích và bài xích chủ nghĩa CS kịch liệt, nên bị VC ra lệnh thủ tiêu tại bến sông Cổ Trai thuộc làng Kim Sơn (Kiến An) vào ngày 4.7.1945.
Phạm Văn Hể bị VC bắt đưa đi biệt tích, mãi sau nhờ có Chánh tổng Nga My thuộc huyện Thanh Trì, Hà Đông là người bị VC bắt giam chung cùng trại với Phạm Văn Hể được VC tha về. Tình cờ gặp Phạm Nguyên Hồng là con trai ông Hể mới kể lại mọi chuyện, và trao cho bài thơ, thủ bút của ông Hể đề ngày 22 tháng Chạp năm Bính Tuất (13.1.1946), nguyên văn như sau:
“ Ông già tuổi đã bẩy mươi ba,
“ Sinh được hai con nợ quốc gia;
“ Mười chín tháng Năm, Lân trầm thủy,
“ Hai nhăm tháng Chạp, Hể trầm ca;
“ Ba năm nhủ bộ hám ân mẹ,
“ Chín chữ cù lao phụ đức cha.
“ Trăm lạy gửi về làng Phấn Dũng,
“ Tội con bất hiếu lượng xin tha.”
(3) Nguyễn Đăng Đóa sinh năm 1887 tại làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là đảng viên VNQDĐ từ đầu năm 1928, thuộc chi bộ Xuân Trường.
Vụ án Bazin đầu năm 1929, Nguyễn Đăng Đóa bị Hội Đồng Đề Hình kết án 2 năm tù ở và 5 năm biệt xứ. Sau ngày mãn hạn biệt xứ, Nguyễn Đăng Đóa bán hết điền sản, đem vợ con ra Hà Nội kinh doanh, để tiện hoạt động công tác Đảng. Tiếng súng kháng chiến bắt đầu bùng nổ, ông cùng gia đình tản cư, bị VC bắt giam ít lâu, rồi đưa đến lò sát sinh Bình Đà, Hà Đông thủ tiêu cùng với Phạm Văn Hể và một số đồng chí nữa.