Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại-Việt Nam Quốc Dân Đảng (3)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương III: “Thực dân buôn bán nô lệ”
THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932)
CHƯƠNG III: THỰC DÂN MUA BÁN NÔ LỆ
PHONG TRÀO MẸ MÌN
Nguyên từ năm 1920, thực dân Pháp bắt đầu trồng cây cao su ở miền đất đỏ Nam Kỳ và Cao Miên, tổng số diện tích lên tới 110.000 mẫu tây. Sau trận Thế Chiến Thứ Nhất kết liễu, thực dân Pháp lại càng đổ xô đến thuộc địa kinh doanh, nhất là thuộc địa Đông Dương.
Diện tích khai thác mỗi ngày mỗi tăng, công nhân miền Nam và Miên, Lào rất khó mộ vì trình độ sinh hoạt của họ tương đối dễ dàng hơn.
Để cung ứng số nhân công không những cho các hãng trồng cao su miền đất đỏ Nam Kỳ và Miên, Lào mà còn cho cả đảo Nouvelles Calédonie, Nouvelles Hébrides nữa. Thực dân tổ chức mộ nhân công đại quy mô ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, miền ruộng đất ít mà người đông, lại luôn bị thiên tai phá hoại. Tên trùm mua bán nô lệ có thế lực vào bực nhất là Bazin (Ba-gianh) ở số 35 phố Félix Faure, thứ đến tên Weil ở phố Blockhaus Nord, Hà Nội.
Để cho có được nhiều nô lệ, Bazin và Weil chiêu mộ một số côn đồ lưu manh người Việt tay sai, gọi là cai mộ phu. Nhân danh chủ mộ, bọn cai này đặt phòng mộ ở khắp nơi. Chiếu theo số đầu người mộ được, chúng sẽ được hưởng một số hoa hồng rất hậu nên ngoài những mánh khoé tuyên truyền lừa bịp, dụ dỗ phỉnh phờ, bọn cai này còn dùng đến thủ đoạn bắt cóc, bỏ thuốc mê, dân chúng mệnh danh là “Mẹ Mìn”, khiến mọi người có trách nhiệm trong gia đình phải đề phòng theo dõi những chồng con của họ vào trạc 17, 18 tuổi trở lên. Cứ tối đến là phải đóng cửa sớm, đề phòng mẹ mìn đi bỏ thuốc mê. Thực không khác gì nạn ôn dịch đương hoành hành dữ dội ở thôn quê đất Bắc, chực cướp những người thân yêu của họ mang sang bên kia thế giới.
Muốn tìm lại được những người thân yêu đột nhiên mất tích người ta phải tìm đến những nơi có phòng mộ phu để thương lượng chuộc tiền. Nếu chậm trễ ít ngày, thân nhân của họ sẽ bị đưa xuống tàu thủy để chở ra Hải Phòng giao cho chủ mua bán nô lệ là Bazin hoặc Weil, kíp làm thủ tục giấy tờ, rồi lùa xuống tàu bể chuyên chở vào Sài Gòn.
Phong trào mẹ mìn, thuốc mê, đã gây nên biết bao cảnh huống gia đình tan nát: Chồng bỏ vợ, con bỏ cha, anh em lìa xa nhau! Tất cả những hành động vô nhân đạo ấy được chính quyền Bảo Hộ che chở, người nông dân không còn biết kêu cứu vào đâu.
Đồn điền cao su thời ấy ở thời kỳ mới khai thác, rừng rú đầy lam chướng, nên người nông phu nào cũng đều mắc phải bệnh “chói nước”, da tái bụng phềnh. Ốm đau thời thiếu thuốc men, không người săn sóc, mặc dầu hãng cũng có bệnh viện riêng. Tệ hại hơn nữa, là các Cai (surveillants) chửi bới thâm tệ và đánh đập tàn nhẫn, nên một số phu mộ bị bỏ mạng rất nhiều.
“Ra đi bỏ mạng Nam Kỳ”
“Thây anh bón cỏ, xanh rì ngoài uông”
Hai câu này đã trở thành câu ca dao trong những tờ truyền đơn được rải rác khắp nơi của các đoàn thể cách mạng, sinh viên thời ấy, khuyến cáo đồng bào không nên đi làm phu mộ vào các đồn điền cao su.
TÊN THỰC DÂN BAZIN BỊ ÁM SÁT
Buổi chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm 1929 tức chiều ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thìn, chiều 30 Tết Âm Lịch, tên trùm mua bán nô lệ là Bazin bị giết chết tại trước căn nhà số 110 phố Huế (Chợ Hôm), Hà Nội.
Qua 3 ngày Tết, các báo chí Thủ Đô đều loan tin, dân chúng Việt Nam mới biết, còn giới thực dân Pháp thì họ hay tin liền, đều tỏ ra vô cùng hoang mang xao xuyến.
Sang sáng mồng 4 Tết (13.21929), sở mật thám Bắc Việt phái thám tử đến bổ vây khám xét nhiều nhà trong thành phố, trong số có nhà một học sinh trung học Albert Sarraut tên là Léon Sanh (1) ở số 25 phố Hàng Đào, Hà Nội. Nguyên cách đấy hai tháng, Léon Sanh đã bị bắt quả tang rải truyền đơn tố cáo vụ mộ phu đi Tân Thế Giới của Bazin, bị tòa án tiểu hình Hà Nội kết án 6 tháng tù treo, theo đạo luật vận động có tính cách làm rối cuộc an ninh và gây ra những rối loạn.
Do sự nghi ngờ này mà sở mật thám cho khám xét nhà Léon Sanh. Trong khi khám xét lại tìm thấy một mẩu giấy có ghi số 110 và còn lượm được bức thư của cậu viết gửi vào Sài Gòn chưa kịp bỏ vào thùng thư nhà Bưu điện, bức thư ấy lối chữ lại giống hệt chữ viết trong bức thư mà người thanh niên bí mật đã trao cho Bazin trước khi hạ thủ.
Do sự kiện trên mà sở mật thám đã quyết định ra lệnh bắt giam Léon Sanh. Ban đầu họ tưởng là Pháp kiều, sau khám phá ra là công dân Việt Nam hoàn toàn, nên bị tra tấn rất tàn nhẫn. Léon Sanh bắt buộc phải nhận liều mình là thủ phạm, rồi được đưa đến trước cửa căn nhà số 110 phố Huế, diễn lại tấn kịch sát nhân. Nhưng căn cứ theo lời khai của chủ nhân số nhà 110 và người tài xế lái xe cho Bazin thì còn thiếu một tòng phạm, người đưa bức thư, không còn biết khai cho ai? Léon Sanh phải khai một tên tưởng tượng là Trần Bình Nam. Sở mật thám không tìm ra ai có tên này, nên bắt đại Nguyễn Tấn Long là chú của Sanh, vì ông Long trước có thầu việc phá rừng cho công ty đất đỏ ở Nam Việt, mật thám tình nghi cho ông Long có ý cạnh tranh công việc làm ăn với Bazin chăng?
Ra trước phòng dự thẩm tòa án Hà Nội, luật sư xúi Léon Sanh cải cung. Nhà chức trách đứng trước một tình thế lúng túng, không thêm được bằng cớ gì chân xác để buộc tội bị can. Hơn nữa, cuộc giảo nghiệm tự dạng trong hai bức thư nói trên mà sở mật thám đặt hết hy vọng vào đó, thì nhà chuyên viên ở tòa án lại kết luận trái với chuyên viên sở mật thám! Bức thư đưa cho Bazin không phải do tay Léon Sanh viết, mặc dầu lối chữ giống với chữ bị can.
Đến đây thừa biết rõ thủ phạm không phải là Léon Sanh, nhưng để chấn áp dư luận đương sôi nổi, sở mật thám cho các báo loan tin là đã bắt được thủ phạm vụ ám sát Bazin là Léon Sanh. Sanh bị tống giam vào ngục Hỏa Lò.
Sự thực trong vụ ám sát tên thực dân Bazin, nguyên nhân chính xác và bí mật như sau: Đứng trước cảnh thống khổ của đồng bào, một số đoàn viên VNQDĐ ở trong các xí nghiệp: Gô Đa, Poinsard et Veyret, Descourd et Cabaud, Denis Frères, Brasserie Hommel,… cử Đại Biểu là đồng chí Nguyễn Văn Viên, là ủy viên trong thành bộ VNQDĐ, được thành bộ trao phó trách nhiệm lãnh đạo các chi đoàn công nhân, đến yêu cầu Tổng Bộ cho thi hành giết tên trùm mua bán nô lệ là Bazin, để trừ mối đại họa cho dân tộc.
Bước vào Khách Sạn Việt Nam, Nguyễn Văn Viên gặp Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Đào và Nguyễn Hữu Đạt, đồng chí Viên đưa đề nghị của các Đại Biểu Chi Đoàn Công Nhân yêu cầu Tổng Bộ xét, xin ra lệnh cho ban ám sát giết Bazin. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học trả lời:
– “Nếu nay vội giết Bazin, tất nhiên chính quyền thực dân sẽ khủng bố dữ dội, mà đa số đồng chí trong cấp lãnh đạo của Đảng chúng ta phần đông có tên trong “Sổ Đen” của sở mật thám. Thực dân sẽ bắt hết, đảng sẽ tan, lợi ít mà hại nhiều. Vậy khuyên các đồng chí nên bình tâm để ráng sức làm việc lớn đang chờ đợi ở Đảng chúng ta. Bazin chẳng qua chỉ là một cành cây, cây mà đổ tức khắc cành phải héo.”
Hoàng Văn Đào, Nguyễn Hữu Đạt cũng đồng ý với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Viên ra về báo cáo lại với Đại Biểu chi đoàn, nhưng họ đều năn nỉ với Nguyễn Văn Viên yêu cầu Tổng Bộ cứu xét lại một lần nữa.
Giữa khi ấy VNTNCMĐCH cũng hoạt động rất ráo riết với công nhân để tranh thủ đoàn viên, họ cũng rải truyền đơn chống việc mua bán nô lệ của Bazin.
Muốn tranh thủ đoàn viên trong giới công nhân, để gây lực lượng cho đảng mình, phải có hành động và thành tích đấu tranh cụ thể, làm cho anh em giới công nhân tin tưởng, mà họ đang đòi hỏi ở đảng mình, nhưng Đảng trưởng đã không đồng ý, thì không khi nào ông lại chịu đưa vấn đề ra bàn trước Tổng Bộ. Anh Nguyễn Văn Viên tự động bắt đầu theo dõi Bazin. Sau ít ngày được biết rõ là hàng ngày vào mỗi buổi chiều khi tan sở, thì Bazin thế nào cũng đến căn nhà số 110 phố Huế, nhà nhân tình của y là Germaine Carcelle, một ả đầm lai làm nghề bán hàng cho hãng Gô Đa ở phố Tràng Tiền.
Sau khi điều tra được biết rõ ràng mọi chi tiết, Nguyễn Văn Viên bí mật lấy trộm một khẩu súng lục và một số đạn của hãng Poinsard et Veyret, hãng mà anh đương làm công tác bán hàng cho khách, đem về huấn luyện cho một đồng chí là Nguyễn Văn Lân để biết sử dụng một cách thuần thục.
Đợi đến chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm 1929, nhằm chiều ngày 30 Tết Âm Lịch, mọi gia đình trong thành phố đều đóng cửa nghỉ, sửa soạn bữa cơm chiều cúng vái Tổ Tiên, cảnh binh cũng như mật thám đều sao lãng việc canh phòng, Nguyễn Văn Viên cùng Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung tức Ký Cao đến cạnh miễu con, nơi xế cửa nhà Germaine Carcelle đứng đợi Bazin.
Theo thường lệ, Bazin ngồi trong chiếc xe hơi lộng lẫy hiệu Hotchkiss sơn màu bleu royal đến nhà Germaine.
Vào khoảng hồi 20 giờ, Bazin đầu đội mũ phớt, mình khoác áo Pa-đờ-suy từ trong nhà Germaine, bước qua đường tiến tới chỗ xe hơi đậu, tài xế của y vội mở cửa xe, Bazin một chân bước lên bệ xe, một chân còn đứng dưới đường, mặt ngoảnh lại để ngón tay lên môi ra hiệu chào lại tình nhân còn đứng trước cửa. Giữa khi tiệm bán thuốc lào xế cửa nhà Germaine đem tràng pháo dài ra đốt ngay trước cửa, Nguyễn Văn Viên liền ra lệnh cho Nguyễn Đức Lung tiến đến trao cho Bazin một phong thư (bản án tử hình), ngoài bì có tên hãng Tầu Thủy Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Văn Lân liền tiến đến bắn một phát súng lục vào má, trúng hàm răng Bazin, Bazin ngã gục, Lân bồi thêm hai phát nữa, kết liễu đời tên thực dân chuyên mua bán nô lệ.
Mọi nhà trong phố đều đã đóng kín cửa nghỉ ăn Tết, tiếng súng hòa lẫn tiếng pháo, nên không một ai hay biết, ngoại trừ Germaine và tên tài xế, Germaine quá sợ, vội chạy thụt lùi vào trong nhà đóng sập cửa nhìn ra đường qua khe kẹt hở, còn tài xế thì quá hoảng sợ, vội nằm gục xuống chỗ ngồi lái xe.
Sau khi thi hành xong nhiệm vụ, Nguyễn Văn Viên cùng Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung rẽ vào con đường cạnh chợ Hôm, hồi ấy con đường này còn nhiều hồ ao, đèn điện chưa có, rất ít người qua lại, mãi sau này mới mở mang, đặt tên phố là Harmand. Khi rút lui đến khu nhà rượu, thì ba người chia tay, Nguyễn Văn Viên trở lại nhà Nguyễn Thái Trác ở số 46 phố Chợ Đuổi (Goussard) trao cho Thái Trác bộ quần áo trút ra, rồi ra đi. Bộ quần áo mầu xám ấy gói lại đem sang nhà Lê Thành Vị, và báo cho Vị biết Nguyễn Văn Viên đã thi hành xong việc giết Bazin. Lê Thành Vị tức khắc buộc thêm một viên gạch rồi đem liệng xuống hồ Chính Trung ở cuối phố Chợ Đuổi. Phong trào mua bán nô lệ từ đấy dần dần bước vào con đường cáo chung (2).
==============
Chú Thích:
(1) Léon Sanh là người Việt đã dùng một tờ khai sinh của một thanh niên Việt có Pháp tịch đã chết mà không khai tử. Chính tên của cậu học sinh bị khám xét nhà và bị bắt giam ấy là Hoàng Văn Tiếp
(2) Năm 1967, khi ông Vũ Hồng Khanh ra tranh cử chức Tổng Thống VNCH đã viết và đăng báo với hàng tít lớn: “Vài nét tiểu sử và thành tích cách mạng của ứng cử viên Tổng Thống Vũ Hồng Khanh”
Họ Vũ viết tiếp:
– “Ai ra lệnh giết Bazin?”
“Vào những năm 1928, 1929, bọn tài phiệt cấu kết với chính quyền thực dân Pháp, cưỡng bách dân quê miền Bắc đi làm cu-li tại đồn điền cao su của chúng với hình thức mộ phu, mà tên Bazin là chúa trùm khát máu. Những người đi phu cho chúng bị đối xử tàn nhẫn dã man, ít được sống sót trở về. Đồng bào ta rất phẫn uất phản đối trên báo chí, hoặc bằng kháng thư, cũng chả đem lại kết quả nào! Nên Tổng Bộ VNQDĐ đã họp hội nghị, trong đó có ông Vũ Hồng Khanh tham dự, lên án tử hình Bazin, để cảnh cáo bọn tài phiệt và thực dân Pháp. Kết cuộc tên Bazin bị bắn chết tại phố Huế, Hà Nội năm 1929”.
Như tác giả đã trình bày ở phần trên, vụ giết tên thực dân Bazin không đưa ra trước hội đồng Tổng Bộ, vì xét không có lợi, mà chỉ do một cán bộ Đảng là anh Nguyễn Văn Viên tự động thi hành. Chứng cớ cụ thể là trong bản cáo trạng mà chính ông Chánh Hội Đồng Đề Hình Brides đọc trước tòa sáng ngày 2.7.1929, đã không hề đả động gì đến vụ ám sát Bazin.
Hơn nưa, Tổng Bộ VNQDĐ kể từ ngày Bazin bị giết trở về trước, không hề có Ủy viên nào mang tên Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh sau này cả.
Để tránh sự hiếp dâm lịch sử, và hiểu lầm của quí vị độc giả nhất là những thanh niên Đảng Viên VNQDĐ nên bắt buộc tác giả phải có mấy lời chú thích này, xin cáo lỗi cùng quí vị độc giả bốn phương.