Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (33)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 9)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 9)

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU HÒA LẠC 

Tỉnh Sơn Tây từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ do Phùng Đặng Đống lãnh đạo đã tham chính dưới danh nghĩa “Thanh Niên Bảo An Đoàn”. Nhưng vốn là những phần tử cách mạng, nên đã bỡ ngỡ trong công việc hành chính, lại vấp phải bọn quan lại thực dân xảo trá. Phần khác, ý chí hành động kém cương quyết và không thống nhất. Sự kết nạp đảng viên vào tổ chức lại quá ư bừa bãi khiến đến ngày phong trào cướp chính quyền của VC lan tràn đến tỉnh Sơn Tây, chỉ huy Bảo An Binh là Phan Kế Nhân đồng tình với Phan Kế Viễn được lệnh của cha là Khâm Sai Phan Kế Toại phản lại VNQDĐ, quay ra đầu hàng, trao hết lực lượng Bảo An Binh lại cho Cộng Sản.

Đã làm chủ được tình thế tỉnh Sơn Tây, CS ra lệnh bắt Tỉnh đoàn trưởng Thanh niên là Chính Lạc Sơn và Nguyễn Văn Phác (27) đem chôn sống.

Tỉnh Đảng bộ Sơn Tây bị phá làng, Phùng Đặng Đống cùng các đồng chí của ông rút lui về xã Sơn Đông, một khu tam giác lộ rất quan trọng của khu Tản Lĩnh lập cơ sở chỉnh đốn lại hàng ngũ.

Được ít ngày CS đem quân đến đánh liên tiếp hàng tháng. Sợ bị bao vây chặt chẽ, Phùng Đặng Đống cùng các đồng chí VNQDĐ lại rút lui vào Hòa Lạc thuộc khu Xuân Mai giáp chân núi Bà (Hòa Bình) và núi Ba Vì (Sơn Tây), cách con sông Bồ, lập “Chiến Khu Thủ Hiểm”. Nhưng gặp phải thủy thổ lại quá độc, các đồng chí bị ốm, bị chết nhiều, thuốc men cũng như lương thực đều thiếu thốn lâm vào cô thế.

Trước hoàn cảnh bất lợi ấy, Khuất Duy Tiến (28) kéo đại đội binh mã CS đến tấn công liên tiếp. Nguyễn Khắc Trạch (29) bị tử trận, Phùng Đặng Đống (30) bị bắt trên giường bệnh: nhưng nhất định không chịu nhục; họ Phùng đã cắn lưỡi quyên sinh. Đỗ Văn Chính bị CS đón bắt thủ tiêu ngay trên đường xuyên rừng trở về Hà Nội. Một số bị công an CS bắt đi giam rồi thủ tiêu lần; nhưng một số lớn trốn thoát chạy đến hợp tác với các đồng chí ở chiến khu Việt Trì, Vĩnh Yên. 

ĐỆ TAM CHIẾN KHU: CHIẾN KHU HÀ GIANG 

Rừng núi tỉnh Hà Giang

Đầu năm 1944, Hải Ngoại bộ VNQDĐ tại Côn Minh phái một số cán bộ đã tốt nghiệp trường “Quân Sự Cán Huấn Đoàn” và “Quân Quan Học Hiệu” gồm có Nguyễn Văn Vĩnh, Trịnh Đình Lương (tức Hà Tam), Dương Thế Phượng, Vũ Tâm Ba, Nguyễn Đình Sự, Nguyễn Văn Tâm, Lưu Đức Thi và Nguyễn Văn Trọng đi hoạt động tại các biên khu. Những cán bộ này ngoài Đảng vụ còn phụ trách công tác điệp báo cho Hành Doanh của quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Giấy tờ chứng thư đều do Tổng Hành Doanh tại Trùng Khánh cấp phát. 

 Đoàn cán bộ này xuất phát từ huyện Khai Viễn (Vân Nam) vào lúc sắp sửa lễ Giao Thừa đêm 29 tháng Chạp năm Quý Mùi (24-01-1944). Ngày 25 tháng Giêng tới huyện Văn Sơn ( Wen-Shan) để Vũ Tâm Ba và Nguyễn Đình Sự ở lại đấy với quân đội Trung Hoa làm trạm liên lạc. Còn Nguyễn Văn Vĩnh, Trịnh Đình Lương, Dương Thế Phượng tiến về phía biên giới tỉnh Hà Giang do Nguyễn Văn Vĩnh chỉ huy. Nguyễn Văn Tâm, Lưu Đức Thi và Nguyễn Văn Trọng tiến về hoạt động phía biên giới tỉnh Lao Kai.

Tiến tới biên giới tỉnh Hà Giang, đoàn cán bộ tạm lập cơ sở ở Bát Bộ, một chợ nhỏ thuộc Mà-lì-pố, cách đồn Quản Bạ (Hà Giang) độ mười cây số đường rừng. Sau một thời gian hoạt động, công tác đi sâu dần vào nội địa tỉnh Hà Giang, qua các làng xóm tiếp giáp biên giới, tiến đến những tổ chức liên lạc và tuyên truyền vào các thị trấn: Đồng Văn, Quản Bạ, Thanh Thủy, v.v… Thời gian này Nguyễn Văn Vĩnh được lệnh chuyển đi công tác địa phương khác, và nơi đây được trao lại cho Trịnh Đình Lương phụ trách. 

Chính quyền Pháp khi ấy đã biết tin có cách mạng Việt Nam về hoạt động ở biên giới, nhưng vẫn chưa rõ thuộc đảng phái nào nên sự bố trí canh phòng càng nghiêm mật. Lính dõng được lệnh truy nã những người lạ mặt lui tới địa phương. Ban đầu tuy có trở ngại ít nhiều cho công tác tuyên truyền vận động, nhưng trái lại, chính quyền Pháp đã vô tình truyền bá hai chữ “cách mạng” vào trong đầu óc quần chúng, gián tiếp giúp cho đoàn cán bộ VNQDĐ khai thác cơ hội tiếp xúc với quần chúng, giải thích cao trào cách mạng và bổn phận người dân vong quốc. 

 Sang tháng 2 năm 1945, Trịnh Đình Lương thành lập được một chiến khu tại Mường Gun, cách đồn Quản Bạ 16 cây số đường rừng, kéo dài tới giáp đồn Thanh Thủy. Dân địa phương gồm có: Thổ, Mán, Yao, v.v… thuộc phạm vi những làng nằm trong chiến khu đều tham gia tổ chức, được chia thành nhiều đơn vị quân sự, mệnh danh là Dân Quân Cách Mạng. Mỗi đơn vị là một đại đội, những đại đội trưởng được Ủy viên Trung ương Hải Ngoại bộ VNQDĐ  là Hoàng Quốc Chính chứng nhận lễ tuyên thệ và cấp phát chứng minh thư trong một buổi lễ đại hội. 

Kế đó một số cán bộ và đảng viên VNQDĐ từ Côn Minh cũng tiếp tục được phái đến tăng cường hoạt động cho chiến khu, khiến cho cả Pháp lẫn Nhật thêm phần e ngại.

Đột nhiên vào hồi 22 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, toán công tác gián điệp Hoa Kỳ hoạt động ở gần trạm liên lạc của chiến khu Ma-li-ba (Mà-li-Pố) báo cho biết: Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Tức thời một hội nghị được triệu tập do ủy viên Vũ Quang Phẩm chủ tọa (Hoàng Quốc Chính vắng mặt vì đi công tác xa). Cuộc thảo luận rất sôi nổi. Chủ tọa hỏi ý kiến, thì đa số đề nghị cử Trung ủy Vũ Quang Phẩm cấp tốc lên Côn Minh xin chỉ thị Trung Ương để thi hành. Trịnh Đình Lương bác đề nghị đó, yêu cầu toàn thể đồng chí hiện diện tại hội nghị phải nhập nội và khởi hành ngay sau khi buổi họp bế mạc, đoạt chính quyền Hà Giang.

Bốn giờ đêm hôm đó, đoàn cán bộ lên đường tiến vào Hà Giang. Vũ Quang Phẩm ở lại để trở về Côn Minh tường trình tình hình và nhận mệnh lệnh. 

2 

Hà Giang và các đồn binh Quản Bạ, Bắc Quang, Đoàn cán bộ VNQDĐ đã chiếm cứ được ngay từ sớm ngày 14 tháng 8 năm 1945. Và cách ít ngày sau Vũ Quang Phẩm, Nguyễn Văn Tiến, Hồ và hai cán bộ nữa từ Côn Minh trở về Hà Giang, quân chính được tổ chức ngay…(31)

An ninh trật tự được vãn hồi, chợ búa buôn bán, mọi ngành lại bắt đầu hoạt động lại như cũ.

Tình thế tỉnh Hà Giang khi ấy cơ hồ bán cô lập, sự liên lạc với Trung ương Đảng bộ Hà Nội cũng như các chiến khu Đảng bộ khác không ngoài cách cử người đi tiếp xúc, vì các đường dây điện đều bị gián đoạn. Cơ cấu thông tin ở chiến khu tuy có một máy thu phát thanh, nhưng lại bị hư chưa sửa lại được, nên chiến khu Đảng bộ Hà Giang hoàn toàn tự động, tự lực và tự túc. Quân số riêng ở khu về và lấy thêm ở địa phương có ngót 600 người. Vũ khí dồi dào, một số từ chiến khu đưa về, một số lớn do Pháp, Nhật bỏ lại, và của quân đội Trung Hoa tước của Nhật giao cho; lại thêm một phần mò được những súng mà quân đội Nhật Bản quăng xuống sông trước khi rút về Hà Nội, ngoài ra còn có một số lớn súng máy, đại, tiểu liên, v.v… và súng trường của Pháp, Nhật bỏ lại, nhưng đã tháo vứt bỏ một vài bộ phận, được binh xưởng sửa chữa lại. Và hơn nữa, chiến khu Hà Giang còn lợi thêm được pháo đài còn nguyên vẹn với quân dụng, chất nổ, thuốc súng và lựu đạn, kíp mìn, v.v… 

Sau một thời gian ngắn, mọi việc chuẩn bị xong xuôi, ban tuyên truyền xung phong được phái đi hoạt động khắp các địa phương tổ chức thanh niên nam nữ suốt từ Bắc Mê, Bắc Quang đến Yên Bình Xã, đưa về cơ quan trung ương huấn luyện chính trị, quân sự hàng ngày. Về hành chính đã tổ chức đến châu Phó Bảng, Bắc Quang, Đồng Văn, Vị Xuyên và các Bang Quảng Bạ, Bắc Mê, Vĩnh Tuy.                                                  

3 

Để giải quyết vấn đề Cộng Sản trên toàn diện, phải dùng tới giải pháp quân sự. Nói đến quân sự thì không thể trong một thời gian ngắn mà tổ chức huấn luyện được! Bởi vậy Nguyễn Tường Tam mới tiếp xúc với Thiếu úy (Lieutenant) Viên, nguyên là Thiếu úy trong quân đội Pháp, đem một số binh sĩ dưới quyền chạy sang Mông Tự (Trung Hoa) từ khi quân đội Nhật Bản đảo chính Pháp (09-03-1945) tại Đông Dương.

 Đặt vấn đề thu nạp, Thiếu úy Viên đưa ra điều kiện mà VNQDĐ xét không thể chấp thuận được. 

 Đại diện Trung ương Hải Ngoại bộ VNQDĐ xét thấy Thiếu úy Viên tuy có một số lớn binh sĩ dưới quyền, nhưng là người của Pháp, khó lòng mà tin cậy được nên từ chối đề nghị thu nạp Thiếu úy Viên của Trung ủy Nguyễn Tường Tam.

Về sau Thiếu úy Viên lại thay đổi ý kiến, bằng lòng kéo quân về Hà Giang hợp tác với VNQDĐ mà không đòi hỏi một điều kiện nào cả! Không những thế, cả đạo quân đóng ở Sao Pa cũng tình nguyện xin về giúp. Tổng số hai đạo quân có tới hơn 600 người.

Sở dĩ Thiếu úy Viên thay đổi ý kiến là bởi các Tướng lãnh Pháp, quan thầy của Viên ở Côn Minh ra mật lệnh cho Viên nên thừa cơ hội đem quân về nước diệt ngay VNQDĐ trước, đợi Pháp sẽ vận động về sau. Vì theo lệnh Đồng Minh khi ấy, quân đội Pháp đều bị tước hết võ khí và cấm ngặt không được phép trở lại Việt Nam. Vậy nếu không phải là người của VNQDĐ thì Chính phủ Trung Hoa không cấp giấy phép xuất cảnh.

Mưu toan của bè lũ thực dân Pháp là như vậy! Nhưng ông Nguyễn Tường Tam với cả tấm lòng thành muốn sớm diệt Cộng Sản, cứu nguy cho đất nước mà thôi, không hay biết và tiên liệu âm mưu phản bội lớn lao về sau này. 

Tuy vậy, đại diện VNQDĐ Hải Ngoại bộ ở Côn Minh vẫn cương quyết không chịu thu nạp Thiếu úy Viên. Sau có sự thương thảo giữa Nguyễn Tường Tam và Hoàng Quốc Chính viết thư từ Hà Giang phái liên lạc đưa lên Côn Minh khẩn khoản yêu cầu cho Thiếu úy Viên xuất quân về hợp tác, vì tình hình Đảng ở trong nước càng ngày càng thêm bối rối !

Đại diện VNQDĐ Hải Ngoại bộ ở Côn Minh chấp thuận, ra chỉ thị cho Vũ Liên Khai, người phụ trách khi cấp giấy thông hành nhập nội và kỳ hiệu, phải chia đạo quân của Thiếu úy Viên ra làm hai toán, một nửa quân số do Thiếu úy Viên chỉ huy về chiến khu Lao Kai để thuộc dưới quyền điều khiển của ông Vũ Hồng Khanh; còn một nửa quân số do Thiếu úy Mai chỉ huy thì cho về chiến khu Hà Giang thuộc dưới quyền chỉ huy của Hoàng Quốc Chính; để đề phòng khi Thiếu úy Viên có muốn tạo phản cũng không đủ lực lượng. Nhưng Vũ Liên Khai đã không thi hành đúng theo chỉ thị, và hơn nữa người đưa mật thư từ Côn Minh về Lao Kai và Hà Giang lại bị Việt Cộng bắt được thủ tiêu ở dọc đường.

Để có đủ lộ phí đưa đạo quân của Thiếu úy Viên và Thiếu úy Mai về Hà Giang, Nguyễn Tường Tam từ Mông Tự trở lên Côn Minh lấy số bạc 200.000 đồng Hoa viên của Lý Xuân Lâm gửi ở đồng chí Nam Phong. 

BA VIÊN TẠO PHẢN 

Về tới Hà Giang, Hoàng Quốc Chính với cả tấm lòng thành khẩn, đạo đức cách mạng đem ra đối xử với Thiếu úy Viên cùng các anh em binh sĩ. Ra lệnh mở kho lấy binh phục và súng đạn võ trang đầy đủ cho hơn 600 binh sĩ ấy; đồng thời phong cho Thiếu úy Viên lên chức Đại úy cho thêm phần sĩ diện, và từ đấy mọi người xưng hô là Ba Viên.

Sau khi đã ổn định tại đất Hà Giang, Ba Viên liền ngầm bắt liên lạc với một tên thân Cộng Sản là Lê Thọ Hòe. Hoàng Quốc Chính được mật báo, nhưng Quốc Chính đã không chịu chấp thuận đề nghị của các đồng chí xin câu lưu Lê Thọ Hòe, Hoàng Quốc Chính cho rằng nếu giam giữ Lê Thọ Hòe thì đồng bào ở Hà Giang sẽ cho VNQDĐ là một Đảng khủng bố, vậy chỉ nên đặt người canh chừng Lê Thọ Hòe là đủ.

Ba Viên thấy ngăn trở cho sự tiếp xúc của y bèn đề nghị với Hoàng Quốc Chính, xin cắt cử một số lính thân tín của y đến canh giữ thay. Ba Viên còn tự ý phái vào một số lính cho Đội Thọ cầm đầu đến chiếm đóng đồn Bắc Quang, rồi xin phép nghỉ ít ngày về Hà Nội để được tiếp xúc với Trung ương Đảng bộ. Hoàng Quốc Chính chấp thuận.

Thừa biết rõ âm mưu tạo phản của Ba Viên, Hoàng Quốc Chính đã bí mật dùng mỹ nhân kế, nhưng kết quả không thành vì Ba Viên hết sức đề phòng. Dưới trướng lại có hơn 600 binh sĩ gồm toàn những phần tử thiện chiến với khí giới đầy đủ. Thật đúng câu “Nuôi ong tay áo”. Khi Ba Viên trở về Hà Nội, Hoàng Quốc Chính mật phái đặc vụ theo Ba Viên để thừa dịp thủ tiêu kẻ phản bội, nhưng việc cũng không thành bởi Ba Viên đề phòng rất cẩn mật.

Về tới Hà Nội, Ba Viên đến thẳng gặp ông Hồ Chí Minh. Họ Hồ e ngại VNQDĐ biết, nên ngay ngày hôm sau ngầm phái người hộ vệ đưa Ba Viên lên thẳng Thái Nguyên.

Đến Thái Nguyên, Ba Viên viết thư, mật phái người đưa đến tận tay Đội Thọ ở đồn Bắc Quang. Đội Thọ xuyên đường rừng về thị xã Hà Giang trao mật lệnh cho Thiếu úy Hải và Thiếu úy Mai.

Sớm ngày mồng 10 tháng 10 năm 1945, hai Thiếu úy Hải, Mai dẫn quân lính ra bãi tập như thường lệ.

Vào khoảng 7 giờ sáng có mật viên đến báo cho Trịnh Đình Lương biết là có lẽ quân lính Ba Viên sẽ khởi loạn vào lối 9, 10 giờ.

Trịnh Đình Lương tức thời cấp báo cho Hoàng Quốc Chính biết, và đề nghị đem ngay số tiền trong quỹ ra phân phát cho các đồng chí hiện diện, rồi thoát ngay khỏi Hà Giang để bảo tồn lực lượng; vì hầu hết các đồng chí võ trang đã được phân phối đi đóng giữ ở các đồn xa; số còn lại toàn những người nằm dưỡng bệnh, không còn đủ lực lượng chống đối lại nữa!

Giữa lúc ấy, hai tên Hải, Mai chỉ huy một tiểu đội võ trang toàn tiểu liên thanh, giải hai tên lính bị trói vào Tư lệnh bộ. Chúng nói với lính gác cổng xin vào để trình với Chủ nhiệm Hoàng Quốc Chính rằng hai tên này ăn cắp súng. Đến khi cả toán vào khỏi cổng thì hai tên lính bị trói vùng bỏ chạy. Cả tiểu đội hò hét bắt lấy nó, quân Việt gian. Nhưng sự thật là để chúng bủa vây xung quanh Tư lệnh bộ.

Tiếp đó tên Hải tiến vào phòng khách mời Vũ Quang Phẩm, Hoàng Quốc Chính, Trịnh Đình Lương ra sân, nhập với số đồng chí do chúng đã dẫn từ các nơi về tập trung tại đó. Đoạn, tên Hải móc trong túi ra một lá thư, không rõ là của Ba Viên gửi đến, hay do tên Hải viết đọc lớn trước mọi người. Nội dung lá thư quy tội cho Tư lệnh bộ VNQDĐ Hà Giang đã phản bội chúng, nên chúng phải hành động quyết liệt, v.v…

Các cơ quan ngoài phố, loạn quân cũng đến vây bắt hết, tổng số gần 200 người tập trung cả vào Tư lệnh bộ.  Một hồi sau, chúng thả ra một số nhân viên, những người ngoài Đảng. Số còn lại ngót 100 người, chúng dẫn đến giam vào lao xá Hà Giang, cắt lính của chúng canh gác nghiêm mật. 

 Tại các đồn lẻ, chúng chia nhau đi lừa bắt bằng hết các võ trang đảng viên VNQDĐ trên 500 người đưa về giam ở lao xá Hà Giang.

 Trước biến cố quan trọng ấy, Trung ương Đảng bộ VNQDĐ ở Hà Nội hoàn toàn không hay biết gì cả! May thay Nguyễn Tường Tam cũng vừa rời Hà Giang cách đấy mới 3, 4 ngày cho nên không bị bắt.

 Sang ngày 14 tháng 10, loạn quân đón quân đội Cộng Sản vào thị xã Hà Giang do Lãnh Thành, một tên sát nhân lợi hại cầm đầu.

 Ngày 17 tháng 10 quân đội Trung Hoa từ Hà Nội đem theo một số quân nhân Nhật Bản đến Hà Giang để phá hủy các pháo đài tiếp giáp biên giới Việt Hoa. Cộng Sản e sợ quân đội Trung Hoa đến Hà Giang dò biết việc phản loạn của chúng vừa qua tất sẽ can thiệp, Cộng Sản  liền “vi thiềng” một số vàng yêu cầu cấp chỉ huy quân đội Trung Hoa xin tạm đóng quân ở ngoại ô châu thành Hà Giang 3 ngày. Trong khi ấy Cộng Sản cấp tốc cho chuyển vận hết số khí giới trong thành của VNQDĐ đi các nơi khác; tiếp đến hồi 10 giờ đêm ngày 20, Cộng Sản đưa Hoàng Quốc Chính, Vũ Quang Phẩm đến giam ở Châu Vị Xuyên. Một số cán bộ đảng viên hàng 50 hoặc 60 người một, trong số có Lưu Đức Thi, Trịnh Đình Lương, Vũ Tâm Ba, Nguyễn Đình Sự, Nguyễn Đình Trọng bị đưa vào Cầu Phát, cách thị xã Hà Giang 3  cây số để thủ tiêu; nhưng nhờ sự may mắn có Trịnh Đình Lương đã thoát chết vì mấy nhát búa trượt xuống vai. Còn lại một số, Cộng Sản đưa xuống 5 chiếc thuyền, xuôi dòng Ngòi Sảo thuộc châu Bắc Quang dẫn vào rừng dùng lưỡi lê giết hết. Hôm ấy là ngày 23 tháng 10 năm 1945.

  Hoàng Quốc Chính (32) trong khi bị giam ở Vị Xuyên đã giấu được con dao nhíp rất bén, thừa cơ hội tên lính gác ngủ gục, Chính gỡ được dây trói đâm lia lịa vào tên lính gác; không may bọn lính ở ngoài nghe tiếng kêu, liền ùa vào dùng báng súng đập túi bụi vào đầu Chính, rồi lôi ra hố tác chiến chôn sống.

 Còn Vũ Quang Phẩm cũng ngay sau khi ấy, bị Cộng Sản dẫn đến khu nhà bò, cách châu lị Vị Xuyên độ 500 thước giết chết, rồi thả xác xuống Lô Giang. Hôm ấy là ngày 21 tháng 10 năm 1945. 

THI HÀNH BẢN ÁN XỬ BA VIÊN 

Sau ít ngày Trung ương Đảng bộ Hà Nội mới nhận được báo cáo về Ba Viên đã tạo phản ở chiến khu Hà Giang, và hiện có mặt tại Hà Nội. Trung ương Đảng bộ VNQDĐ liền lập tòa án cách mạng tối cao kết án xử tử Ba Viên và ra lệnh cho Ban Ám Sát thi hành bản án ấy.

 Kim Chi lãnh sứ mạng và xin hạn nội 7 ngày sẽ thi hành xong, nhưng gặp phải một trở lực rất lớn là Ban Ám Sát tuy vẫn đi lùng kiếm mà không một ai được rõ mặt Ba Viên.

 Đến ngày thứ 7, một đồng chí, anh Giáp, đến báo cho Kim Chi biết Ba Viên cùng Một Mai hiện đang ăn uống ở hiệu cơm tấm giò chả Tân Việt ở ngay xế cửa nhà Kim Chi (hiệu sách Trường Xuân gần Chợ Hôm phố Duy Tân). Kim Chi liền sang nhận diện thì đúng như sự phác họa của cấp trên. Kim Chi tức tốc về triệu tập Ban Ám Sát: Đặng Tử Kính tức Giáo Mười (trưởng ban), Đức (Nhật kiều), Sĩ, Đường và Kiều Công Dũng.

 Giáo Mười phân công cho Sĩ và Đường với nhiệm vụ hành thích Ba Viên, Kiều Công Dũng cưỡi xe đạp giả làm khách qua đường, chờ khi thi hành xong, người giết Ba Viên sẽ chạy đến giả đò cướp xe đạp ấy để tẩu thoát; còn Kim Chi, Đức và Giáo Mười thì đi theo điều khiển và hộ vệ.

 Lúc ấy vào hồi 10 giờ rưỡi sáng, Ba Viên cùng Một Mai từ hàng cơm Tân Việt trở ra đường, sánh vai nhau lững thửng đi bộ đến đầu ngã tư phố Goussard. Nhận thấy là nơi thuận tiện, Giáo Mười (33) ra lệnh cho Sĩ thi hành, nhưng Sĩ đâm run sợ, Đường liền tiến lên nhận khẩu súng, rồi đợi Ba Viên đến cột đèn đầu ngã tư, bắn luôn hai phát súng lục vào sau lưng, Ba Viên ngã gục chết liền, còn Một Mai bỏ chạy theo lối chữ chi trốn thoát.

 Đường móc túi lấy bản án xử tử ký tên “Hùm Sám” (34) gài vào trước ngực Ba Viên, rồi nhắc cái cặp da của Ba Viên lên xem, nhưng không tìm thấy tài liệu gì, liền vất bỏ lại, chạy ra cướp chiếc xe đạp của Kiều Công Dũng tẩu thoát vô sự.

 Cho mãi tới hồi 17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1946, có hai thiếu nữ quen đến nơi Đường ở (hiệu sách Trường Xuân) rủ Đường đi dạo phố, nhân tiện Hữu cũng đi theo. Hai thiếu nữ dẫn Đường và Hữu đến góc đường trước cửa hiệu Phúc Lai, bị trinh sát viên Cộng Sản chĩa súng bắt đứng lại khám xét. Hữu giơ tay hàng, Đường không chần chờ, nhảy xổ lại giật ngay khẩu súng của trinh sát viên Cộng Sản. Nhưng không may! Đường đã vồ hụt, liền bỏ chạy, bị CS đuổi theo bắn trúng chân và đùi. Đường (35) bị bắt và mất tích.

=======================

Chú Thích:

 (27) Nguyễn Văn Phác tức Giáo Phác, nguyên quán tại làng Ngọc Tháp, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, bị HĐĐH kết án 2 năm tù ở về vụ án Bazin đầu năm 1929.

(28) Khuất Duy Tiến là anh em con cô con cậu với Phùng Đặng Đống.

(29) Nguyễn Khắc Trạch là con trai cụ Nguyễn Khắc Nhu.

(30) Phùng Đặng Đống sinh năm 1909 tại xã Sơn Đông, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây gia nhập VNQDĐ từ năm 1928.

(31) Hoàng Quốc Chính, Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ,

      Vũ Quang Phẩm, Tư lệnh chiến khu,

      Trịnh Đình Lương, Tham mưu trưởng,

      Châu Sáng, Chủ Tịch Tỉnh Chính phủ

      Nguyễn Bá Cơ, Tổng Bí thư, 

      Sự, Trưởng Ty Bưu chính

      Chu, Trưởng Ty Giao thông Công chính,

      Nguyễn Văn Thảo, Kinh tài

(32) Hoàng Quốc Chính nguyên quán tại làng An Cát, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên.            

(33) Sau ngày 13 tháng 6 năm 1946, Việt Cộng khủng bố VNQDĐ dữ dội, Kim Chi và Giáo Mười phải tạm lánh mặt xuống làng Tám, ngoại thành Hà Nội. Được ít ngày, một nữ cán bộ ĐVQDĐ tên là Tuyết ở ngã tư Vọng bị công an Cộng Sản bắt giam ít lâu, rồi bị dụ dỗ quay lại phản đồng chí, báo công an Cộng Sản bắt Giáo Mười đem thủ tiêu.

(34) “Hùm Sám” là biệt hiệu của Đặng Tử Kính, tức Giáo Mười, trưởng ban ám sát VNQDĐ. Giáo Mười đã hy sinh rất nhiều tài sản cho VNQDĐ.

(35) Đường chính tên là Hà Khắc Trung, con ông Hà Đại Kính, sinh năm 1925 tại làng Kiên Vũ, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Đường tốt nghiệp tại trường Quân Chính lớp Trung cấp, Khóa 2 tại Vĩnh Yên.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]    

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt