Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (29)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 5)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 5)

TỈNH ĐẢNG BỘ THỪA THIÊN

Đệ Thất Khu Bộ sau khi tổ chức xong Trụ sở bí mật đặt tại Kinh đô Huế, nên Tỉnh bộ Thừa Thiên cũng được lưu ý xây dựng trước tiên vào cuối tháng 10.1945, gồm một số trí thức, tiểu tư sản như: Quế Lâm, Phan Kinh, Nguyễn Văn Thuyết, Ngô Văn Hậu, v.v…  Quế Lâm được cử làm Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ.

Phong trào phát triển từ thành thị với sự tham gia của các giới trí thức, tiểu thương, tiểu địa chủ, thanh niên, học sinh và thợ thuyền kế tiếp lan dần về các phủ, huyện thôn quê: Quảng Điền, Hương Điền, Hương Thủy, và được sự hưởng ứng đông đảo của các vị thân hào, nhân sĩ và nông dân giác ngộ tại các địa phương đó.

Những sự tuyên truyền chống đối chính sách độc tài phi nhân của Cộng Sản hoạt động mạnh mẽ nhất là tại Thị xã Huế; còn các miền nông thôn thời sự hoạt động của đảng viên giữ tính cách ngấm ngầm, bí mật để bảo tồn cơ sở trong thời kỳ phôi thai non yếu.

Về sau Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên còn cung cấp cho các khóa huấn luyện của Đệ Thất Khu bộ mở tại Hà Nội và các chiến khu Bắc Việt một số cán bộ về thụ huấn; đồng thời lại vận động được một số tiền khá cho quỹ của Khu bộ những năm 1945-1946.

TỈNH ĐẢNG BỘ QUẢNG NAM

Cũng vào cuối tháng 10.1945, Phan Xuân Thiện sau khi tổ chức xong ở Huế và Thừa Thiên trở vào Quảng Nam bắt liên lạc với Phan Bá Lân ở Điện Bàn, rồi thẳng vào Thị xã Tam Kỳ gặp Trương Phước Tường, bí danh Lâm Cốc, thảo luận việc tổ chức VNQDĐ. 

Sau đó ít ngày, Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ lâm thời tỉnh Quảng Nam thành lập tại một địa điểm thuộc xã Xuân An, quận Tam Kỳ.

Ban Chấp hành do Trương Phước Tường làm Chủ nhiệm, Phan Bá Lân bí danh Quỳnh Dương (sau lại đổi là Lê Liên) làm Bí thư (tức là phó Chủ nhiệm). Các Ủy viên vận động là Lương Vĩnh Thuật bí danh Hàm Sơn, phụ trách Tôn giáo vận là Vũ Ngọc Cẩn bí danh Kim Thạch, v.v…

Với cả tấm lòng nhiệt thành hy sinh, với tinh thần tích cực, và hăng say hoạt động của đa số cán bộ và đảng viên cơ sở, Đảng dần dần được phát triển khá nhanh chóng, từ thành thị đến nông thôn trên hầu khắp tám phủ, huyện của tỉnh Quảng Nam. Với thành phần tham gia gồm có: giáo sư, trí thức, thanh niên, học sinh, công nhân, thân hào, tiểu tư sản và nông dân. Tinh thần tranh đấu của cán bộ và quần chúng đảng viên khá cao. Bất chấp cả mọi mánh khóe thủ đoạn dọa dẫm, khủng bố chia rẽ của CS, anh em quyết tâm xây dựng cách mạng. Vì thế, nên sau một thời gian nỗ lực công tác, vào cuối tháng 11.1945, các huyện Đảng bộ trong tỉnh Quảng Nam, đã lần lượt tổ chức được các Ban Chấp hành lâm thời, gồm nhân sự và cán bộ khá đầy đủ. Huyện bộ Hòa Vang do Hồ Quý Thích, Nguyễn Tích, Nguyễn Vạn và Nguyễn Bút phụ trách. Huyện bộ Điện Bàn do Phan Tùng, Phan Cầm và Phan Vị phụ trách. Huyện bộ Duy Xuyên do Phan Ngô, Bùi Luận và Bùi Hoàng phụ trách. Huyện bộ Quế Sơn do Hà Cư, Phan Mật và Nguyễn Đình Thiệp phụ trách. Huyện bộ Thăng Bình do Nguyễn Điệp, Nguyễn Văn Diệu, Võ Duy Điểm và Ngô Đức phụ trách. Huyện bộ Tam Kỳ do Nguyễn Thứ, Nguyễn Ân, Võ Tụng, Nguyễn Hoành, v.v… phụ trách. Huyện bộ Tiên Phước do Phan Thanh, Nguyễn Long, Lê Trọng Thích và Phan Thông phụ trách. Thị bộ Hội An do Châu Đình Thám, Phan Khoang, v.v… phụ trách.

Dưới các Huyện bộ đều có tổ chức Xã bộ (nhưng không đồng đều tại mỗi địa phương) và Chi bộ; số đảng viên chính thức và dự bị cũng tùy theo hoàn cảnh và tình hình mỗi nơi mà số lượng nhiều ít khác nhau, và hình thức sinh hoạt cũng có phần khác nhau.

Ban đầu Tỉnh bộ nặng về chủ trương tuyên truyền phát triển trong mọi giới, và giáo dục củng cố cơ sở từ thành thị đến nông thôn, điều tra địch tình, gây tài chính cho Đảng; rồi lần lượt gửi một số thanh niên cán bộ về thụ huấn tại Khu bộ, và đặc phái ra tham gia chiến đấu tại các chiến khu của Đảng ở Bắc Việt; trước sau đến 20 người. Số cán bộ này đều do các Huyện bộ lựa chọn rồi giới thiệu lên.

Lực lượng của Đảng ngày một bành trướng và ảnh hưởng rất lớn đến quần chúng. Uy tín của CS ngày càng sứt mẻ và suy sụp dần, và nhất là vào dịp cuối năm 1945, đứng trước sự bành trướng nhanh chóng của các phong trào Quốc Gia đối lập, trước sự hoài nghi của dư luận Quốc Tế về chính phủ Hồ Chí Minh, nên CS cấp tốc cho tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử bịp bợm, để gấp thành lập một Quốc Hội bù nhìn hòng hợp pháp hóa chính quyền của họ và che đậy mặt nạ Cộng Sản độc tài.

Để đả phá âm mưu xảo quyệt của CS, Đệ Thất Khu Đảng bộ đã ngầm phát nhiều truyền đơn đả đảo cuộc Tổng tuyển cử phản dân chủ đó, và trong lúc các ứng cử viên của CS ra mắt các cử tri trong các cuộc hội thảo công khai ở một vài địa điểm như Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, v.v… Việt Quốc cho tổ chức cuộc chất vấn, gây cấn sôi nổi để hạ uy tín của CS trước công chúng. Và vì thế, sự thù hận giữa đoàn thể Cộng Sản với Việt Quốc ngày càng sâu sắc thêm.  

Để trấn áp sức bành trướng của phong trào cách mạng VNQDĐ. Ngày mồng 3 Tết, năm Bính Tuất (4.2.1946), chính quyền CS tại Tam Kỳ đem công an đến xét nhà Trương Phước Tường, lục soát khắp nơi để tìm tài liệu. Mặc dầu bọn chúng không hề tìm được một giấy tờ gì bất hợp pháp, chúng cũng cứ bắt Trương Phước Tường về giam giữ tại huyện lỵ Tam Kỳ một ít lâu, rồi đưa về giam giữ tại lao xá Hội An. Bởi họ Trương vì quá hăng say với chủ nghĩa, hoạt động tích cực, và nhiều khi còn tỏ ra chống đối chính quyền CS một cách bộc lộ công khai.

Trong khi họ Trương bị giam giữ tại lao xá Hội An, thời một phái đoàn của UBHC Trung bộ do Tôn Quang Phiệt cầm đầu đi thanh tra các tỉnh miền Nam. Khi phái đoàn viếng thăm lao xá Hội An, Trương Phước Tường đứng lên chất vấn sự bắt bớ vô lý, và phản đối hành động độc tài, bán dân hại nước của CS làm cho vị trưởng phái đoàn họ Tôn, một lãnh tụ Tân Việt Cách Mạng Đảng mất hết thể diện trước một số đông người. Nên sau đó, chính quyền CS ra nghị định an trí Trương Phước Tường (18) vô hạn định, và đưa lên giam tại lao xá Nghi Hạ, một miền nước độc thuộc quận Quế Sơn; rồi bị CS thủ tiêu tại đấy vào năm 1947. Nghi Hạ, nơi đây kế tiếp là mồ chôn hàng trăm chiến sĩ ưu tú của Việt Quốc trong suốt thời kỳ từ 1947 đến 1950. Hoặc vì bệnh hoạn, hoặc bị công an CS dẫn đi thủ tiêu từng loạt 3, 4 người vào hồi 2, 3 giờ sáng.

Tháng 3-1946, Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam triệu tập một khoáng Đại Hội nghị rất quan trọng để nhận định về tình hình tổng quát, kiểm điểm lại công tác đã thực hiện, đề ra chương trình hoạt động mới và nhất là để củng cố lại ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, sau thời gian Trương Phước Tường bị chính quyền CS bắt giữ.

Hội nghị họp ban đêm tại chùa Quang Triệu (của người Trung Hoa) tại thị xã Hội An. Tham dự hội nghị có Lê Minh đại diện Trung ương Đảng bộ Hà Nội, Võ Tài tức Hồng Vân đại diện Khu Đảng bộ và còn có đông đủ đại diện các Huyện Bộ: Phan Bá Lân, Lương Vĩnh Thuật, Lê Trọng Thích, Nguyễn Ân, Võ Ngọc Cẩn, Hà Cư, Phan Ngô… và còn có một số đồng chí thuộc thành phần trí thức mới gia nhập Đảng: Hoàng Tăng, Phan Khoang, Huỳnh Hòa, Vũ Ký, Phan Khôi và Trần Thị Sô (nữ giáo viên).

Sau 5 tiếng đồng hồ kiểm điểm và thảo luận sôi nổi, hội nghị đã đi đến một vài quyết định quan trọng như sau:

– Bầu Phan Khôi làm Chủ nhiệm tượng trưng cho Tỉnh Đảng bộ, Phan Bá Lân vẫn là Bí thư; và bổ xung vào Ban Chấp hành Tỉnh các đồng chí: Hoàng Tăng phụ trách Tổ Chức, Huỳnh Hòa phụ trách Tài Chính, Phan Khoang phụ trách Tuyên Nghiên Huấn, Lê Thận phụ trách Đặc Vụ. (19)

– Mở lạc quyên rộng rãi trong nội bộ để có đủ phương tiện xúc tiến Đảng vụ.

– Đẩy mạnh công tác Tuyên truyền giác ngộ quần chúng để lột mặt nạ Quốc Gia Dân Chủ giả hiệu của bè lũ VC và vạch trần mọi sự lừa bịp nguy hại của chế độ Cộng Sản chủ trương độc tài đảng trị trước dư luận nhân dân.

– Chuẩn bị kế hoạch và lực lượng để tranh đấu sau này, khi xét ra cần thiết và thuận lợi.

– Vì lý do địa dư của tỉnh Quảng Nam quá ư rộng rãi, và về Đảng vụ mỗi ngày mỗi nặng nề phức tạp, nên hội nghị đồng ý cử đồng chí Nguyễn Ân tức Thái chịu trách nhiệm tiếp xúc với các Huyện bộ: Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước để phối hợp công tác tại các Huyện bộ thuộc miền Nam tỉnh Quảng Nam cho được chặt chẽ và thuận lợi.

Thể theo tinh thần các quyết nghị trên, sau đó một hội nghị rộng rãi gồm Đại Biểu của bốn Huyện bộ thuộc miền Nam tỉnh Quảng Nam được triệu tập, họp mặt tại nhà đồng chí Kim Thạch vào tháng 4.1946, hiện diện có: Hà Cư, Nguyễn Đình Thiệp đại diện Huyện bộ Quế Sơn; Nguyễn Diêu, Ngô Đức… đại diện Huyện bộ Thăng Bình; Phan Thanh, Nguyễn Long, Phan Thông… đại diện Huyện bộ Tiên Phước; Nguyễn Hoành, Võ Ngọc Cẩn, Nguyễn Ân… đại diện huyện Tam Kỳ. Chủ tọa Hội nghị là Phan Thanh, Thư ký Nguyễn Ân.

Nhận định rằng vì địa dư tỉnh Quảng Nam quá rộng, sự liên lạc thường xuyên Văn phòng Tỉnh bộ có phần xa xôi và gặp nhiều trở ngại, vì bị CS theo dõi ráo riết. Sau khi thảo luận kỹ càng, hội nghị đã quyết định chọn Tam Kỳ làm địa điểm liên lạc của các Huyện bộ Quế Sơn, Thăng Bình, Tuyên Phước, để nhận công văn chỉ thị và các tài liệu của Tỉnh Đảng bộ đưa về. Nguyễn Ân, Võ Tụng chịu trách nhiệm phân phát cho được tiện lợi.

Các Huyện bộ phải thường xuyên trao đổi tin tức, kinh nghiệm cho nhau biết sau khi tổng kết mỗi tháng, và các Huyện bộ cần phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công tác cần thiết, để nâng đỡ cho phong trào quần chúng chóng trưởng thành.

Từ đấy, cơ sở Khu Đảng bộ nói chung, và Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam nói riêng, càng ngày càng phát triển mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân, đa số dân chúng tỉnh Quảng Nam hoặc ở trong tổ chức, hoặc có cảm tình với Đảng, và hầu hết các UBHC xã đều có chi bộ VNQDĐ.

Các báo chí đối lập với chế độ CS của đoàn thể cũng như của các nhóm, phái có cảm tình với Đảng như: Việt Nam, Chính Nghĩa, Đồng Tâm, Thiết Thực, Hội Công Giáo, v.v… từ Hà Nội đưa vào, đều được phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Ngoài ra mấy Huyện Đảng bộ lớn còn phát hành Nội San mỗi tháng hai kỳ, để thảo luận thuần túy vấn đề nội bộ, trao đổi kinh nghiệm công tác và khích lệ tinh thần đấu tranh của đồng chí. Huyện bộ Duy Xuyên có tờ Quốc Gia, Huyện bộ Tam Kỳ có tờ Dân Việt. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo Huyện bộ Tam Kỳ còn lợi dụng các tổ chức quần chúng của CS như là Chi đoàn Văn Hóa Cứu Quốc, để che đậy phần nào tổ chức cách mạng, và làm hình thức tranh đấu bán công khai và hợp pháp cho Đảng. Và nhân những ngày kỷ niệm Phan Chu Trinh (26-3-1946), ngày kỷ niệm 13 vị Liệt sĩ Yên Bái (17-6-1946), những buổi diễn kịch của nhóm Anh Vũ từ ngoài Bắc vào, v.v… Một số cán bộ Đảng có trình độ văn hóa cao đã đăng đàn diễn thuyết trước một số quần chúng rất đông đảo, và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Song song với phong trào quần chúng rầm rộ ở các huyện miền Nam tỉnh Quảng Nam, các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, các đồng chí Việt Quốc cũng có những hình thức phát động bán công khai tương tự như ở Tam Kỳ, để nêu cao mục tiêu tranh đấu, lan rộng ảnh hưởng của Đảng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trước sự phát triển sâu rộng mau chóng của Đệ Thất Khu bộ VNQDĐ, Cộng Sản bèn họp nhau đặt mưu kế phá hoại. Vào khoảng tháng 7 năm 1946, UBHC tỉnh Quảng Nam đem đến nhà cụ Phan Khôi một bức công điện của Bộ Tuyên Truyền Chính phủ Hồ Chí Minh, kèm theo một phong thư riêng của Phan Bôi mời cụ ra Hà Nội dự hội nghị Văn hóa Toàn quốc. Sau cuộc mật nghị, các đồng chí đều đồng ý để cụ Phan Khôi (20) ra đi. Cách ít ngày sau Phan Khoang cũng được mời tham dự hội nghị Văn hóa Toàn quốc, bởi vậy Phan Khoang liền được CS trả tự do cho ra thẳng Hà Nội. Phan Bá Lân được cử làm Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ, thay thế Phan Khôi.

 Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam cảm thấy tình thế càng ngày càng gay go, đã đến lúc cần phải cứu xét lại vấn đề. Một cuộc khoáng Đại Hội nghị được cấp tốc triệu tập, gồm có Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ và Đại Biểu các Huyện Đảng bộ họp ở Hội An, cử Hoàng Tăng làm Chủ nhiệm; tiếp hội nghị quyết định đưa một bộ phận ra hoạt động công khai, để giao thiệp với chính quyền CS một buổi lễ ra mắt được cử hàng long trọng tại Câu lạc bộ thành phố Hội An.

Ra công khai, mỗi khi có cuộc mít-tinh (meeting) đông đảo hàng 1, 2 vạn người về tụ tập tại sân Vận động Hội An, Hoàng Tăng đại diện cho Đảng, lên diễn đàn phát biểu ý kiến về các vấn đề Cứu quốc Kiến quốc, liên quan đến vận mạng dân tộc. Một giọng nói trầm hùng và nhờ mội lối diễn đạt tư tưởng giản dị gọn gàng, nên đã thu hút được rất nhiều cảm tình của quần chúng và làm tăng uy tín cho đoàn thể Việt Quốc Quảng Nam.

Trước ngày 17.6.1946, kỷ niệm Cố Đảng Trưởng và các Liệt Sĩ Yên Bái, Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam có tổ chức tại Thị xã Hội An một cuộc triển lãm về thành tích tranh đấu của Đảng trong giai đoạn 1927-1930. Cuộc triển lãm này tuy không được đầy đủ tài liệu, nhưng có hình thức hấp dẫn, nên đã thu hút được khá đông khán giả và đã gây được nhiều ảnh hưởng cho Đảng trong quần chúng các giới.

Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam lại bổ xung đồng chí Phan Ngô vào phụ tá Tuyên Huấn; Nguyễn Đình Thiệp vào phụ tá Trinh sát và Liên lạc; đồng thời cử Đại Biểu về Đệ Thất Chiến Khu Bộ và Trung ương Đảng bộ thỉnh thị ý kiến về tình hình và nhiệm vụ cho được sáng tỏ hơn, và lưu ý đến kế hoạch tài chính để chi phí cho sinh hoạt Đảng.

Tại một vài huyện trong tỉnh Quảng Nam, Chính quyền CS ở địa phương đã tỏ rõ thái độ phản dân chủ, bắt bớ giam giữ vài cán bộ Việt Quốc một cách vô cớ, không cần đếm xỉa đến luật pháp, với dụng ý là gây hoang mang sợ hãi để kìm hãm sự phát triển của VQ. Vì thế ở vài nơi, cán bộ Đảng đi công tác vùng hẻo lánh hoặc đi ban đêm, đều có mang theo bên mình võ khí nhẹ như súng lục, hoặc lựu đạn để đề phòng sự bắt cóc, hoặc ám sát của công an CS.  Không khí chống đối cũng như sự thù hận giữa hai Đảng Cộng Sản và Việt Quốc mỗi ngày mỗi tăng thêm. Lúc bấy giờ ở tỉnh Quảng Nam, chính quyền tuy nằm trong tay CS nhưng đứng về mặt quần chúng, thì ảnh hưởng hầu như đã phân làm hai khá rõ rệt. Một nửa có khuynh hướng ngả về Mặt Trận Việt Minh; một nửa tin tưởng và hướng về tổ chức VNQDĐ mặc dầu họ chưa gia nhập Đảng, chưa đóng góp gì cho Đảng.

Ở rải rác nhiều nơi, UBHC xã nằm trong tay một số cán bộ Việt Quốc, nên mệnh lệnh của thượng cấp Chính quyền CS không được thi hành đầy đủ, nhiều cuộc quyên góp của CS bị thất bại. Cán bộ CS trong các cuộc hội thảo học tập hay mít-tinh bị chất vấn, bị chế diễu hoặc bị đả đảo, làm cho uy tín của bè lũ Cộng Sản đội lốt Quốc Gia đó bị giảm sút rất nhiều. Phong trào đối lập bành trướng mau lẹ, không những riêng trong tỉnh Quảng Nam, mà còn có ảnh hưởng rộng rãi ra các tỉnh lân cận. Khiến bọn lãnh tụ CS ở Miền Trung vô cùng bực tức và lo sợ.

=====================================

Chú thích:

(18) Trương Phước Tường bí danh Lâm Cốc sinh năm 1911, chánh quán tại xã Xuân An, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là tỉnh Quảng Tín). Là chủ nhiệm đầu tiên của Tỉnh Đảng bộ Lâm Thời VNQDĐ Quảng Nam (1945). Năm 1947 bị CS thủ tiêu tại quận Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam.

 (19) Lê Thận tức Lê Tâm bị CS bắt cóc hồi tháng 10.1946, ngay trước trụ sở Trung ương Đảng bộ ở số 83, phố Hàng Đẫy, Hà Nội, sau đưa về Quế Sơn giam cầm một thời gian, rồi thủ tiêu luôn tại đó. 

(20) Phan Khôi ra Hà Nội, cụ không chịu ở nhà Phan Bôi (Phan Thao là con trai cụ, Phan Bôi tức Hoàng Hữu Na, Lê Văn Hiến, Lê Thị Xuyến… đều là lớp con em của cụ, và còn là mấy cán bộ CS có tên tuổi), mà lại đến ở với Khái Hưng tại Trụ sở Tòa báo “Việt Nam” đường Quan Thánh. 

Đến gần ngày chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, cụ Phan bị chính quyền Hồ Chí Minh mời lên Việc Bắc. Ròng rã suốt 9 năm kháng chiến, cụ phụng sự cho kháng chiến bằng cách phiên dịch các sách Hán, Pháp ra Việt Văn.

Sau ngày Hiệp định Genève (1954) ra đời, Chính phủ họ Hồ đưa cụ về giữ ở Hà Nội dành cho cụ một phòng ở lầu 3, trụ sở Hội Văn nghệ ở đường Gambetta cũ. Cụ Phan lại tiếp tục việc phiên dịch như cũ. Rồi ít lâu sau, cụ đứng ra làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo “Nhân Văn” để tỏ ý chí đấu tranh tư tưởng chống đối Cộng Sản đến cùng. Báo xuất bản được mấy số, bị Chính quyền VC ra lệnh cấm.

Kết luận cụ Phan Khôi chỉ tán thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng cụ chống đối lại chủ nghĩa vô nhân đạo độc tài của CS. Phan Khôi tiên sinh đã từ trần ngày 10.1.1959 tại Hà Nội.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế] 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt