Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (26)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 2)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 2)

ĐỆ TỨ CHIẾN KHU

1

 Đệ Tứ Chiến Khu gồm các tỉnh: Hưng Yên và Thái Bình, nhưng Thái Bình chỉ có một số ít đảng viên sang hoạt động chung với các đồng chí Hưng Yên.

Từ đầu tháng 11 năm 1945, Chính phủ Cộng Sản tuyên truyền ầm ỹ về tổng tuyển cử Quốc Hội. Các chiến sĩ VNQDĐ Hưng Yên rải truyền đơn, căng biểu ngữ phản đối lối tuyển cử bịp bợm ấy.

Ngày mồng 10 tháng 12, Chính quyền CS huy động công an, cảnh sát đến vây nhà bắt Nguyễn Huy Thọ, Phạm Duy Kiều, Đoàn Bá Xích, Vũ Đủng, Nguyễn Trung Quất, Trịnh Thế Hùng, Đoàn Mạnh Chế… Tất cả hơn 40 người đem giam vào lao xá tỉnh Hưng Yên.

Ngày 13 tháng 2 năm 1946, hai đảng viên là Đào Danh Quỳ và Lạc (3) huy động một số đồng chí võ trang đánh phá lao xá Hưng Yên, giải cứu được tất cả các đồng chí ra, thiết lập trụ sở công khai ngay tại thị xã Hưng Yên. 

Thành phần Ban Chấp Hành Tỉnh Đảng bộ Hưng Yên, gồm có 7 người (4). VNCMĐMH cũng thiết lập trụ sở công khai ở thị xã Hưng Yên, do Giáo Thăng, Nguyễn Thượng Đốc và Hinh phụ trách.

Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ Hưng Yên mua được 521 khẩu súng trường và súng lục cùng hai chiếc xe hơi để có phương tiện di chuyển đi tuyên truyền và lập chi bộ ở các phủ, huyện trong tỉnh; trừ huyện Văn Lâm giáp phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Một cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra giữa Quốc và Cộng vào hồi tháng 3 năm 1946. Nguyên hôm ấy các chiến sĩ VNQDĐ ở huyện Phù Cừ mời Ban Chấp Hành Tỉnh Đảng bộ về huyện để dự lễ thành lập Huyện Đảng bộ.  Khi công tác xong, trên đường trở về thị xã Hưng Yên, qua Đền Vương (Tiên Xá) bị Cộng quân phục kích. Hai bên nổ súng, sau 30 phút giao chiến, Cộng quân rút lui đem theo 3 xác chết; VNQDĐ bị tử thương 2 chiến sĩ: Đội Côn và Tổng Uẩn.

Ngày 17 tháng 6, Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ tổ chức lễ kỷ niệm 13 liệt sĩ Yên Bái tại sân quần vợt thị xã Hưng Yên, có mời đủ Đại Biểu các đoàn thể bạn và thân hào nhân sĩ cùng Chính quyền VC trong tỉnh đến tham dự rất đông đảo.

Trước giờ hành lễ, xảy ra chuyện tranh luận sôi nổi về vấn đề treo cờ. Đại Biểu chính quyền CS đòi treo lá cờ đỏ sao vàng lên trên hai lá Đảng kỳ VNQDĐ và VNCMĐMH. Đại Biểu VNQDĐ là Nguyễn Huy Thọ cương quyết không chịu, cho rằng lá cờ đỏ sao vàng chỉ là lá cờ riêng của Mặt Trận Việt Minh, chứ không phải là Quốc kỳ; vậy thì chỉ có thể treo ngang hàng với hai lá Đảng kỳ của VNQDĐ và VNCMĐMH mà thôi. Bởi vậy cuộc lễ kỷ niệm ngày hôm ấy không được đẹp đẽ lắm. 

Sau cuộc hành lễ, ban tổ chức ra lệnh biến thành cuộc biểu tình võ trang tuần hành qua các phố trong thị xã, trưng khẩu hiệu: “Đả đảo Việt Minh Cộng Sản độc tài”. Và cũng từ đấy giữa Việt Quốc và Việt Cộng tuyệt giao.

Cũng như các chiến khu Đảng bộ khác, từ trung tuần tháng 7 năm 1946, CS bắt đầu ra lệnh cho công an theo dõi các đảng viên VNQDĐ. Những người từ trụ sở Tỉnh Đảng bộ trở về làng, ra khỏi Thị xã một cây số, là bị công an CS dùng võ lực uy hiếp bắt cóc đem đi mất tích; những đảng viên từ các địa phương đến Thị xã cũng vậy. Những đảng viên hoạt động ở các phủ, huyện cũng đều bị công an CS khủng bố; đồng thời còn ngầm cấm và bắt giam những người đem lương thực đến tiếp tế cho nhân viên Tỉnh Đảng bộ.

Tỉnh Đảng bộ Hưng Yên phái liên lạc lên Trung ương Đảng bộ báo cáo và xin chỉ thị, có đi mà không trở về!  Bất đắc dĩ, Nguyễn Huy Thọ phải đích thân lên Hà Nội; trên đường trở về đến khoảng giữa đường Hà Nội – Hưng Yên thì bị công an CS đón bắt (5).

Trụ sở Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ ở Hưng Yên từ đấy trở nên cô lập hiu quạnh, không còn ai qua lại, chỉ còn một số nhân viên, những người có nhiệm vụ và một mớ súng đạn mà thôi! Mãi về sau, một nữ cán bộ, chị Vũ Thị Ngần từ Hà Nội về thoát Hưng Yên, mới được biết rõ tình hình rối ren và nguy ngập đương xảy ra ở Hà Nội.

Hưng Yên là một tỉnh miền đồng bằng, không có căn cứ địa về quân sự, tiến thoái vô lộ. Các chiến sĩ, những người còn ở lại trụ sở thị xã Hưng Yên, quyết định mạo hiểm mở con đường máu rút lui về Dỵ Chế, một làng trù phú, lại có nhiều đảng viên thuộc huyện Tiên Lữ cùng tỉnh.

Trên đường rút lui về tới làng Đào Đặng, bị CS đem quân phục kích. Một trận ác chiến đã diễn ra. Bên VNQDĐ bị chết và bị thương 24 người; CS bị chết và bị thương hơn 30 người.

Về Dỵ Chế, các chiến sĩ VNQDĐ quy tụ đồng chí các làng lân cận, tổ chức thành “Một Làng Chiến Đấu Chống Cộng Sản”.  Thiết lập trụ sở, tuyên truyền kết nạp thêm đồng chí, tổ chức kinh tài, v.v…

CS trước hết thi hành chính sách bao vây kinh tế, phái quân đội bao vây bốn mặt làng Dỵ Chế ngoài vòng 1 cây số, ngăn cản không cho những người lạ mặt vào làng, chặn mọi sự mua bán tiếp tế.

Để bảo vệ kinh tế, vụ lúa mùa tháng 10 năm 1946, các chiến sĩ Dỵ Chế mang theo võ khí ra đồng làng gặt lúa ở những phần ruộng của mình về làm lương thực. CS huy động quân đội đến tấn công. Chủ nhiệm Phạm Duy Kiều (6) bị bắt sống và một số hơn 30 chiến sĩ bị chết và bị thương.

 Vũ Đủng được các đồng chí cử lên làm chủ nhiệm thay thế đồng chí Phạm Duy Kiều. Đến tối ngày 18 tháng 12 năm 1946, CS cho bắc loa chĩa vào làng Dỵ Chế kêu gọi các chiến sĩ VNQDĐ ra hợp tác thống nhất quân đội để chống xâm lăng. Thực dân Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng và lăm le tiến đánh chiếm khắp nơi.

Sau cuộc hội nghị, các chiến sĩ Dỵ Chế cử Vũ Ban lên chòi gác phóng thanh trả lời: “Đồng ý hợp tác và thống nhất quân đội chống xâm lăng; nhưng bên nào giữ khí giới bên ấy dưới lá cờ của Đảng mình; không được khủng bố bắt bớ gia đình nhau và phải thả hết các chiến sĩ VNQDĐ mà công an đã bắt giữ từ trước…”

Chính quyền CS trả lời ứng chịu các điều kiện, và ước hẹn ngày giờ mời hết các chiến sĩ Dỵ Chế ra đình làng để cùng chính quyền CS ký tờ giao ước.

Đến ngày giờ đã được ấn định CS huy động dân chúng vác biểu ngữ nêu cao khẩu hiệu:

– “Hoan nghênh anh em VNQDĐ biết đặt Tổ quốc trên hết.”

– “Cùng nhau đoàn kết, tư thù quên hết.”

Khi ra tới đình làng Dỵ Chế, các chiến sĩ VNQDĐ đứng phía Đông sân đình; quân đội CS đứng phía bên Tây.  Sau khi làm lễ chào cờ, cán bộ CS yêu cầu cả hai bên cùng để khí giới trước sân đình, để cùng nhau vào cả trong đình ký tờ Giao ước. Cả hai bên đều hô to khẩu hiệu:

– “Tư thù quên hết! Cùng nhau đoàn kết chống xâm lăng!”

Tiếng hô trong đình làng đang vang dội, thì ở ngoài sân đình bỗng từ tứ phía ầm ầm kéo tới hàng ngàn người, gồm đủ đàn ông, đàn bà, trẻ con, khác nào đàn ong vỡ tổ, cướp đi hết tất cả số súng đạn của cả hai bên để trước sân đình.

Các chiến sĩ Dỵ Chế phút chốc trở nên tay không. Bấy giờ Cộng quân kéo thêm tới dùng võ lực uy hiếp mời Vũ Đủng sang làng Nghĩa Chế, một làng kế cận để cùng Chủ tịch Ủy ban Hành chính Huyện thảo luận, rồi đưa Vũ Đủng đi giam ở Chi Lê (thuộc tỉnh Hà Nam).

Còn lại số 300 chiến sĩ, đến đêm 19 tháng 12 năm 1946, CS đem quân đội đến mời hết đi, nói thác là đi để cùng quân đội chính phủ đánh giặc Pháp.

Cộng quân dẫn đến cánh đồng làng Hoàng Xá, tục gọi làng Vàng, cùng huyện; ở đây đã được đào sẵn nhiều dãy giao thông hào sâu. CS ra lệnh thủ tiêu hết.

Còn các chiến sĩ ở các địa phương trong tỉnh Hưng Yên, những người mà CS biết đích danh có hoạt động, đều bị bắt đưa đến trại giam Lý Bá Sơ, tên một đao phủ thủ của CS ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

=================

Chú thích:

(3) Đào Danh Quỳ sinh quán tại làng Liên Phương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đào Danh Quỳ bị CS thủ tiêu vào cuối năm 1949 ở nguyên quán. Còn Lạc cũng là đảng viên VQ người cùng huyện với Quỳ. 

(4) Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ: Phạm Duy Kiều

     Phó Chủ nhiệm kiêm liên lạc: Vũ Đủng

     Tổng bí thư: Nguyễn Huy Thọ

     Phụ tá quân sự: Nguyễn Văn Xuyên

     Ủy viên Tài chính: Nguyễn Trung Quất

     Ủy viên Tổ chức: Hà Quý Đức tức Giang Khôi

     Ủy viên quân sự: Đỗ Danh Giao tức Đỗ Quốc Tín

(5) Nguyễn Huy Thọ sinh ngày mồng 6 tháng 5 năm Tân Hợi (1911) tại làng Trung Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Năm 1928 là Học Sinh đoàn của VNQDĐ tại Thành bộ Hải Phòng, phụ trách công tác đánh đồn binh tỉnh Kiến An.  Bị Hội Đồng Đề Hình họp tại Kiến An xử phát lưu đi Côn Đảo năm 1930.

Năm 1945 được trả tự do trở về nguyên quán.

Là chiến sĩ hoạt động tích cực chống Thực Cộng. Đến ngày 11.10.1946, bị công an CS đón bắt vào khoảng giữa đường Hà Nội – Hưng Yên đưa đi giam kín. Đến ngày 28.12.1946, đem chôn sống tại làng Đại Quan, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

(6) Phạm Duy Kiều bị VC bắt đưa về với gia đình của cụ ở làng Lệ Chi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. CS dụ đầu hàng, viết thư kêu gọi các đồng chí ở Dỵ Chế ra hợp tác, Phạm Duy Kiều cương quyết không chịu; rồi sau 4 ngày, Cụ tự tử trước mặt mọi người trong gia đình.

Phạm Duy Kiều là người gia nhập VNQDĐ ngay từ ngày Đảng mới thành lập. Sau vụ án Bazin, Cụ bị HĐĐH kết án 5 năm đày ra Côn Đảo.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt