Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (24)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương VIII: “ĐOÀN KẾT GIAI ĐOẠN CHẤM DỨT”

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG VIII: ĐOÀN KẾT GIAI ĐOẠN CHẤM DỨT

TRUNG ƯƠNG QUỐC DÂN ĐẢNG CẢI TỔ

Chế độ chuyên chính của Cộng Sản Quốc Tế là không cho phép bất cứ một lý tưởng nào khác với lý tưởng của họ được tồn tại. Vấn đề “đoàn kết sống chung” đối với Cộng Sản chỉ là vấn đề giai đoạn.

Cơ hội ấy đã đến với Cộng Sản, bởi mật ước Pháp-Hoa. Quân đội tiếp phòng Trung Hoa bằng lòng rút lui, nhường cho quân đội Pháp đến thay thế, là những người Quốc Gia đã hết điểm tựa.

Lãnh tụ VNCMĐMH, cụ Nguyễn Hải Thần (1) đã bỏ sang Quảng Tây từ hồi cuối tháng 3, Nguyễn Tường Tam cũng bỏ sang Vân Nam từ cuối tháng 5, Vũ Hồng Khanh cũng rút lui về chiến khu Việt Trì từ thượng tuần tháng 6, một số cán bộ cao cấp khác vì công tác đặc biệt cũng rút lui về các chiến khu.

 Bởi lý do trên, vào thượng tuần tháng 7 năm 1946, chiếu nhu cầu Đảng vụ, Trung ương Đảng bộ QDĐ được tổ chức lại gồm một quyền Tổng Thư Ký và 11 Ủy viên: Phạm Văn Hể trị lý (đại diện Đảng giao thiệp với chính quyền), Nguyễn Tiến Hỷ quyền Tổng Thư Ký Trung ương Đảng bộ, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng, Khái Hưng, Vũ Đình Trí, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Bách, Phan Khôi, Hồng Vân (2).

Đến tháng 9.1946, lại vì có một số Trung ủy, người bị CS bắt, người lánh ra ngoại quốc. Trung ương QDĐ phải tổ chức thu hẹp gồm có 7 người: Nguyễn Tiến Hỷ tức Phan Trâm (3) quyền Tổng thư ký, Phạm Văn Hể trị lý, Nguyễn Văn Chấn kinh tài, Nguyễn Xuân Tùng tổ chức, Vũ Đình Trí tức Vũ Hoằng tuyên huấn, Nguyễn Đình Đóa giao tế, Hoàng Bình chủ nhiệm văn phòng thường trực tại trụ sở số 83 phố Hàng Đẫy, Hà Nội.

Đến ngày 20 tháng 10.1946, ông Hồ Chí Minh về tới Hải Phòng, truyền đơn phản đối họ Hồ được rải khắp mọi nơi. Thừa đêm khuya Công An CS đến vây tòa báo “Việt Nam” ở số 80 phố Quan Thánh.

Trong tòa báo đêm ấy hiện diện có gia đình Khái Hưng, Phan Khôi, Nguyễn Mộng Công, Nguyễn Xuân Tùng, Vũ Đình Trí tức Vũ Hoằng, Hưng Việt, Hồ Lễ cùng một số ấn công.

Thấy Công An CS đến vây đòi khám xét. Khái Hưng ra lệnh đóng chặt cửa, rồi rút hết lên lầu. Đập phá cửa không được, Công An CS nổ súng bắn lên, trên lầu tức thời cũng bắn xuống.

Bắn nhau suốt hai tiếng đồng hồ, thì bộ Nội vụ đem theo Ban liên lạc gồm Đại Biểu CS và Đại Biểu QDĐ tới can thiệp. Hai bên ngừng bắn. Kết quả Công An CS bị chết và bị thương vài ba người; bên QDĐ: Nguyễn Xuân Tùng và Nguyễn Mộng Công bị đạn sướt qua ngoài da.

Tất cả đều bị mời về Nha Công An, giữ mất một tuần lễ rồi trả tự do. Nhật báo “Việt Nam” lại lo xuất bản như thường lệ.

VỤ ÔN NHƯ HẦU

 Vì sao lại có vụ Ôn Như Hầu?

Nguyên từ hội nghị Fontainebleau thất bại, nửa đêm ông Hồ Chí Minh đến gõ cửa nhà Marius Moutet để ký một Tạm Ước đầu hàng Pháp; thì ở Việt Nam các đảng phái Quốc Gia càng thấy rõ bộ mặt thật của VMCS và phản ứng mãnh liệt, nhất là Hà Nội và Hải Phòng. Các chiến sĩ VNQDĐ phản kháng rất sôi nổi khi nghe Tạm Ước được ký kết một cách ám muội và nhục nhã. Họ xách động quần chúng học tập các điều khoản bán nước của Tạm Ước 15.9.1946 và chuẩn bị lực lượng chờ ngày ông Hồ Chí Minh về nước để chất vấn và phản đối.

Một cao trào chống Tạm Ước 15.9 do các đảng phái Quốc Gia lãnh đạo, nhân đấy phát động mạnh mẽ và lan tràn trong nhân dân, kể cả những người Vô đảng phái. Dư luận quần chúng bắt đầu phản ứng về các lời thề long trọng của “Cụ Hồ” khi ra mắt nhân dân trước Vườn Hoa Ba Đình ngày lễ Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Ngay cả trong hàng ngũ cán bộ của CS lúc ấy cũng hoang mang giao động, và mất tin tưởng ở lãnh tụ của họ không phải là ít! Thêm vào đó, khi quân đội Tàu chưa rút hết, thì Pháp đến chiếm ngay phủ Toàn quyền, sở Tài Chính, mà Chính phủ Hồ Chí Minh chỉ phản đối lấy lệ bằng cách đình công bãi thị rồi thôi; nên sự công phẫn của nhân dân bộc phát dữ dội.

Trước tình trạng ấy Tổng Bộ CS thấy cần phải đàn áp để dập tắt ngay phong trào này và ngụy tạo ra những vụ án như “Vụ Ôn Như Hầu” để:

– Lấy cớ giới nghiêm mà lùng bắt cho hết các chiến sĩ Quốc Gia hiện còn ở lại trong nước, đang xách động quần chúng phản đối họ Hồ về Tạm Ước 15.9.

– Đánh lạc hướng quần chúng nhân dân, không cho họ để tâm chú trọng vào Tạm Ước 15.9 vừa ký kết một cách nhục nhã cùng sự thất bại của phái đoàn Fontainebleau và ngày về của ông Hồ Chí Minh sắp tới.

Vì thế nên mới chọn một trụ sở của VNQDĐ (bất cứ trụ sở nào) có đủ điều kiện để thỏa mãn được kế hoạch ngụy tạo của họ sắp đem thi hành. Luôn thể một công đôi việc: áp đảo dư luận quần chúng và đàn áp luôn VNQDĐ. 

Trước khi thực hành ý định, Võ Nguyên Giáp tìm gặp Đại tá Crépin tạm thời làm đại diện cho Tòa Cao ủy Pháp, để phân trần lý do phải dùng những biện pháp cứng rắn đối với những phần tử phản động, phá hoại sự hợp tác giữa Pháp và Cộng Sản VN, đồng thời Võ Nguyên Giáp còn yêu cầu Đại tá Crépin giúp cho một số chuyên viên sử dụng trọng pháo để tấn công các chiến khu của VNQDĐ mà CS hiện thiếu số chuyên viên ấy. Lời yêu cầu của Võ Nguyên Giáp được Crépin nhiệt liệt tán thành, hứa sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Giáp yêu cầu.

Võ Nguyên Giáp tuyên bố là có một tên công an đến mật báo với Giáp rằng: “Trong khi y bị đặc vụ VNQDĐ bắt giam tại số 9 phố Ôn Như Hầu (Bonifacy), y lắng tai nghe trộm được những người công tác trong cơ quan ấy bàn nhau dự định đến ngày 14 tháng 7 (14 Juillet) này, nhân dịp Pháp mời Chính phủ chúng ta đến dự lễ duyệt binh, VNQDĐ sẽ đặc phái đoàn quân cảm tử đến hành thích nhân viên Chính phủ chúng ta; và người chỉ huy trong cơ quan Ôn Như Hầu, y thường nghe thấy mọi người đều nhắc đến tên Trí.”

Thế là Võ Nguyên Giáp quyết định nhằm vào trụ sở số 9 phố Ôn Như Hầu, không cần biết có sự thực hay là không?

Căn nhà số 9 phố Ôn Như Hầu lúc ấy là Trụ sở của Ban Tuyên huấn Đệ Thất Khu Đảng bộ VNQDĐ từ Nam Ngãi mới thuyên ra đóng trên tầng lầu; lớp dưới là nơi đang mở một lớp chính trị huấn luyện cho các cán bộ từ các khu đưa về.

Nguyên biệt thự số 9 phố Ôn Như Hầu này trước kia quân đội Nhật Bản chiếm ở; đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Trung Hoa lại thay quân đội Nhật ở luôn đấy; kịp khi quân đội Trung Hoa trở về nước, họ trao lại cho VNQDĐ, mới từ tháng 5.1946. Trong khi quân đội Trung Hoa ở biệt thự ấy, có một số quân nhân thuộc loại “Tầu phù” bị chết; chết bằng đủ mọi cách: vì đương đói, nay mới được ăn no đến bội thực mà lăn ra chết, chết về bệnh phù thũng, v.v… đồng bọn cho đào hố vùi ngay bên hông hay sau những gốc chuối gần ngay cạnh biệt thự.

Nhà thầu khoán Nguyễn Duy Hợi là người được trao phó việc sửa sang lại ngôi biệt thự này trước khi được dùng làm trụ sở VNQDĐ có cho chúng tôi biết rằng vài ngày trước khi rút lui, bọn Tàu phù còn mới vùi dập thêm ở ngoài vườn biệt thự một số quân nhân Tàu phù mới chết nữa.

 CỘNG SẢN DÀN CẢNH

Tối hôm ấy (12.7.46), sở Quân vụ Thành phố Hà Nội hợp với Tư lệnh bộ ra lệnh giới nghiêm toàn thành; rồi lợi dụng thời gian giới nghiêm vắng người qua lại, sai Sở Công An Bắc bộ xuống Nhà thương Bạch Mai và Phủ Doãn chở một số xác chết vô thừa nhận (4) đem vứt trong trụ sở Ôn Như Hầu của VNQDĐ, đồng thời cho mai phục súng ống đầy đủ xung quanh rồi bắt đầu mở cuộc đột kích vào.

Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (ngày xưa)

Đầu tiên bên VNQDĐ chống trả mãnh liệt và không cho họ được tự tiện xâm nhập trụ sở. Cuối cùng binh sĩ CS phải dùng đến áp lực súng đạn mới ập vào được. Thế là đang đêm họ bắt tất cả những người có trách nhiệm tại đó bí mật mang đi, trong số có: Phan Kích Nam (5), Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Chữ, Phan Quán, Phạm Văn Thắng, v.v… với một số giấy tờ, trong số có một tài liệu quan trọng là chương trình kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh.

Khi VM đoạt được chính quyền, Phan Xuân Thiện liền ra Hà Nội, được giới thiệu gia nhập VNQDĐ. Được Trung ương Đảng bộ ủy nhiệm làm Chủ nhiệm “Đệ Thất Khu Đảng bộ.”

Tại trụ sở Ôn Như Hầu bị CS khủng bố, Phan Xuân Thiện tức Phan Kích Nam bị bắt giam tại Nha Công An Bắc bộ.  Sau một thời gian CS đưa sang giam tại ngục thất Hỏa Lò vào sà-lim án chém. Cho mãi tới gần ngày chiến tranh Việt-Pháp (12.1946), CS đưa Phan Kích Nam lên giam vào Hầm kín (Cachot), tại đề lao tỉnh Phú Thọ, CS liền đem Phan Kích Nam cùng 12 người khác, trong số có Lê Khang ra bãi cỏ gần đề lao Phú Thọ thủ tiêu. 

Sáng hôm sau (13.7), CS cho khai quật các xác chết ngoài vườn lên, xác chôn lâu có, xác mới chôn cũng có (số xác mà Công An Bắc bộ mới mang tới tối hôm trước), lập thành biên bản; rồi mời báo chí, đồng bào cũng như một số người ngoại quốc đến xem để chụp hình quay phim; rồi cho trưng bày hình ảnh tại phòng Thông tin cho công chúng vào xem, tuyên truyền vu cáo trước dư luận rằng:

– VNQDĐ đã lập riêng nơi số 9 Ôn Như Hầu một “Hắc Điếm”, chuyên cướp của và bắt cóc giết người, thủ tiêu những thường dân vô tội, và sự thực đã chứng minh. (6)

Trong lúc bọn CS dựng đứng ngụy tạo vụ “Ôn Như Hầu” để vu khống VNQDĐ thì cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch Chính phủ; cụ Huỳnh hoàn toàn bị bịt mắt, nên không hay biết gì cả! Đến lúc họ dàn cảnh xong, và loan truyền ra, rồi mới trình lên cụ Huỳnh, thì cụ chỉ còn biết dậm chân la trời: “Không ngờ bên Việt Quốc lại có những hành động quá tàn ác như thế!” Thế là ngày hôm sau, họ đệ lên cụ ký một bản văn của văn phòng Bộ Nội vụ kết tội các “hành động khát máu” kể trên, và phủ Chủ tịch cũng ban hành một quyết định “cương quyết trị tội” những kẻ đã làm việc phi pháp.

Đồng bào ở Thủ đô lúc ấy có rất nhiều người biết rõ sự thật câu chuyện vu khống này, nhưng vì áp lực chính quyền CS có ai dám hở môi! Còn những người có tên tuổi, có uy tín của phe Quốc Gia ở trong Chính phủ Liên Hiệp thì đã xuất ngoại cùng một lúc hoặc trước khi quân đội Trung Hoa rút lui. Những kẻ chậm chân còn ở lại trong nước thì đang tìm cách lẩn tránh để khỏi bị sát hại; lấy ai đâu mà tẩy vết nhơ, để thanh minh sự vụ trước đồng bào, trước lịch sử!

Cũng ngày 13.7.1946, Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho bộ đội địa phương được phép tấn công vào hết thảy các chiến khu VNQDĐ trừ trụ sở Trung ương Hà Nội.

Rồi thời cuộc biến chuyển nhanh chóng, đến cuối tháng 12.1946, cuộc hôn phối bất đắc dĩ giữa Pháp và Cộng Sản Việt Nam tan rã rồi bùng nổ toàn quốc kháng chiến, thế là mỗi người đi mỗi ngã; vụ Ôn Như Hầu chìm trong một nghi án của lịch sử.

Mãi về sau này khi cụ Huỳnh Thúc Kháng về ở Quảng Ngãi lãnh đạo Liên Khu V chống Pháp (1947), thỉnh thoảng cũng có đôi người bí mật tỉ tê thuật lại sự thật về vụ “Ôn Như Hầu” với cụ. Cụ Huỳnh trố mắt kinh ngạc… nhưng rồi cũng chỉ còn biết chép miệng thở dài… không nói qua một lời. Cho đến nay, đối với cái chết của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi cũng thêm một nghi án trước lịch sử. (7)

====================================

Chú thích:

(1) Cụ Nguyễn Hải Thần chính tên là Nguyễn Văn Thắng, tự là Cẩm Giang, sinh năm 1869 tại làng Đại Từ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Đậu Tú Tài năm Tân Mão (1891), xuất ngoại vào thời Đông Du. Tháng 3.1946, sau ngày Hiệp định Sơ bộ ra đời, cụ bỏ chức phó Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp sang tỉnh Quảng Tây ít lâu, rồi rời sang Quảng Đông. Chủ tịch tỉnh Quảng Đông là Diệp Kiếm Anh, nguyên cùng cụ Nguyễn Hải Thần cùng là Đội trưởng trường Hoàng Phố ngày trước, nay thấy cụ Nguyễn trước cảnh lưu vong, 2 con mắt lại bị lòa, họ Diệp xuất công quỹ trợ cấp cho cụ Nguyễn mỗi tháng hai tạ gạo (tạ Tầu) và 200 đồng bạc Hồng Kông. Năm 1949, Hồng Quân lan tràn khắp lục địa Trung Hoa, bắt cụ Nguyễn Hải Thần đưa về giám thị tại Nam Ninh. Năm 1954 vì buồn phiền mà thụ bệnh, tạ thế tại đấy. Thọ 85 tuổi.

(2) Hồng Vân chính tên là Võ Tài, sinh năm 1910 tại làng Dương Đàn, tổng Chiên Đàn, quận Tam Kỳ (Quảng Nam).  Năm 1934 là giám đốc trường Tiểu học Ích Trí tại thị xã Tam Kỳ. Năm 1946, sau ngày Phan Xuân Thiện tức Phan Kích Nam bị bắt ở trụ sở Ôn Như Hầu, thì Hồng Vân được cử thay thế làm đại diện cho Đệ Thất Khu Đảng bộ bên cạnh Trung ương Đảng bộ.

Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ (19.12.46), Hồng Vân lén về hoạt động tại miền Trung, đổi tên là Phương Bình. Bị CS bắt được ở Thanh Hóa, giam cầm mãi đến năm 1949, sau khi điều tra biết rõ lý lịch, CS đem Hồng Vân ra xử bắn tại Thanh Hóa.

(3) Nguyễn Tiến Hỷ tuy vẫn giữ chức vụ quyền Tổng Thư ký, nhưng ông đã phải lánh nạn Cộng Sản, phải ở luôn trong Sứ quán Trung Hoa, Hà Nội. Mặc dầu vậy, vẫn có sự tiếp xúc bí mật thường xuyên với các đồng chí ở ngoài.

(4) Ông Nguyễn Văn Huyên khi ấy làm thư ký nhà thương Bạch Mai đã cho biết rằng đêm 12.7.1946, Công An CS đã xuống nhà thương Bạch Mai lấy đi 3 xác chết vô thừa nhận.

(5) Phan Kích Nam chính tên là Phan Xuân Thiện nguyên quán tại quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, theo đạo Tin Lành, đậu Tú Tài từ thời Pháp thuộc, không chịu ra làm công chức, sống bằng nghề dạy học tại các trường Tư thục, để có thì giờ hoạt động cách mạng.  

(6) Tài liệu này đã tìm thấy trong tập hồ sơ của tên Lễ, là Đại Đội trưởng CS bị cơ quan an ninh của Hội Đồng An Dân thành phố Hà Nội bắt được hồi năm 1947.

Tên Lễ đã khai: “Chính y là người được Võ Nguyên Giáp cử ra đứng điều khiển việc vào chiếm và canh gác cơ quan Ôn Như Hầu, rồi đem xác chết từ các nhà thương đến chôn xuống, dàn cảnh để khám xét, khai quật những xác chết ấy lên, vu cáo cho VNQDĐ cướp của, bắt cóc, giết người để bôi nhọ.”

(7) Bổ khuyết theo tài liệu của Giáo sư Nguyễn Văn Mùi và ông Nguyễn Chữ.

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm Vào Đọc Chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt