Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (25)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương IX: “VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 1)

Thiên Thứ Ba (1940-1946)

CHƯƠNG IX: VNQDĐ tổ chức các chiến khu chống thực dân Pháp và Cộng Sản” (phần 1)

ĐỆ NHẤT CHIẾN KHU

1

Đệ Nhất Chiến Khu gồm các tỉnh: Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai và Móng Cái được thành lập từ tháng 11 năm 1945. Chiến sĩ Nguyễn Văn Lực được ủy nhiệm làm Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ tỉnh Hải Dương kiêm Chủ nhiệm Đệ Nhất Chiến Khu.

Từ sau ngày đoạt được chính quyền, CS đã ra lệnh bắt giam và thủ tiêu một số lớn cựu đảng viên VNQDĐ tại các địa phương thuộc Đệ Nhất Chiến Khu. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Lực đã hết sức can thiệp với Chủ tịch Ủy ban Hành chính CS địa phương, với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, với cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Hoàng Hữu Nam nhưng cũng đều vô hiệu quả.

Mặc dầu gặp bao cản trở, Ban tổ chức của Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ Hải Dương cũng liên lạc được với những phần tử có cảm tình ở tỉnh lỵ và các phủ, huyện: Vĩnh Bảo, Ninh Giang, Kim Thành lập thêm được nhiều Chi bộ hoạt động ở các địa phương ấy. Truyền đơn, báo chí từ Trung ương gửi về đều được phân phát khắp mọi nơi.

Tại Hải Phòng, trụ sở công khai của VNQDĐ được thiết lập từ tháng 12 năm 1945. Chủ nhiệm Thành Đảng bộ là Bạch Thái Tòng (1).

Đối lập với tờ báo Dân Chủ của CS ở Hải Phòng, Đệ Nhất Khu Đảng bộ VNQDĐ cho xuất bản nhật báo “Sao Trắng” cũng tại Hải Phòng làm cơ quan liên lạc và tranh đấu chính trị cho Đảng ở miền duyên hải.

Cuộc xô xát với CS bắt đầu là vụ Thành Đảng bộ Hải Phòng bắt mấy cán bộ tuyên truyền lừa bịp dân chúng của VC giam vào trụ sở. Phản ứng lại, CS cho tổ chức một cuộc biểu tình, tuyên truyền dân chúng các làng thuộc vùng ngoại ô đi hoan hô cuộc đoàn kết các đảng phái, tập trung tại trước cửa Nhà Hát Lớn Hải Phòng, rồi cán bộ CS hướng dẫn dân chúng xông vào trụ sở VNQDĐ.

Trước tình thế vạn bất đắc dĩ, chiến sĩ đứng gác trước trụ sở VNQDĐ phải nổ súng bắn chết tên cán bộ chỉ huy này. Quân đội Trung Hoa hay tin, liền đến can thiệp kịp thời, tịch thu khí giới của cả hai bên, và giải tán cuộc biểu tình lợi dụng.

Tiếp đến hồi thượng tuần tháng 4 năm 1946, Pháp quân huy động chiến xa để phá mấy trụ sở tự vệ của CS rồi thừa dịp bắn đại bác vào trụ sở VNQDĐ phá hủy hẳn bức tường phía trước, để trả thù về mấy bài báo của “Sao Trắng” đã kịch liệt công kích vụ Pháp kéo quân vào Hải Phòng hồi tháng 3.1945. Vì có dự bị tác chiến từ trước nên bộ đội VNQDĐ đã bắn trả lại, giết chết một Đại úy Pháp chỉ huy chiến xa.

 Từ sau ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946, các hoạt động của VNQDĐ ở Hải Phòng cũng như Hải Dương bắt đầu kém phần phát triển. Đến cuối tháng Ba, những cán bộ và đảng viên hoạt động khá đều rút dần ra “Phân khu Móng Cái”, một căn cứ địa tương đối vững chắc hơn.

 Ngày 13 tháng 7 năm 1946, ngày CS tấn công vào trụ sở Ôn Như Hầu ở Hà Nội, cũng là ngày mà Võ Nguyên Giáp hạ lệnh tổng tấn công các khu chiến. Các trụ sở của VNQDĐ ở Hải Dương, Hải Phòng đều bị Cộng quân lén đến đánh úp, nên bị tan rã từ đấy.

2

 Tại Móng Cái, nguyên từ tháng Giêng năm 1944, Dương Tế Dân tức Chu Thành Liền từ Trung Hoa về liên lạc với các nhà cách mạng ở Móng Cái để hoạt động. Tiếp đến ngày mồng 7 tháng 7 năm 1945, một số chiến sĩ cùng Vệ An Quốc (2) lấy được một số võ khí của quân đội Nhật Bản đưa ra ngoài.

Ngày mồng 7 tháng 7 năm 1945, Vũ Kim Thành là trạm trưởng giao thông liên lạc của VNCMĐMH tại Đông Hưng, Móng Cái, chỉ huy một số đồng chí về đánh đuổi Nhật quân chiếm được thành Móng Cái.

Đến hồi 12 giờ ngày 21 tháng 7, Nhật quân tổng phản công. Vì lực lượng địch quá mạnh, Vũ Kim Thành cùng các đồng chí của ông phải rút quân ra khỏi biên giới, tạm đóng ở huyện Phòng Thành, cách Móng Cái độ 60 cây số.  Cách 3 ngày sau, lại một trận giao chiến với Nhật quân xảy ra ở Nguyên Lộ, cách Móng Cái 5 cây số.

Đến sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Vũ Kim Thành lãnh đạo một số chiến sĩ từ huyện Phòng Thành quay về chiếm đóng Móng Cái. Vệ An Quốc được cử giữ chức Đệ Nhất Sư Trưởng kiêm Cảnh bị Tư lệnh, Dương Tế Dân phụ trách Chính trị quân, chính, tổng số hơn 400 người, phân phối đi chiếm đóng các đồn Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Cửa Ông, Cẩm Phả.

Ngày mồng 9 tháng 9 năm 1945, Vũ Kim Thành ra lệnh tập trung quân ở Quảng Yên, đánh đuổi quân Pháp.  Khi Vệ An Quốc đem quân đội vào đến Hòn Gai, một số cán bộ CS liền tìm đến đề nghị hợp tác để cùng chung sức chống xâm lăng.

Hai ngày sau CS viết thư mời Vệ An Quốc cùng cấp chỉ huy đến trụ sở CS để cùng soạn thảo kế hoạch tấn công Pháp. Cuộc họp ấy do Nguyễn Bình (!) làm chủ tọa. Viện danh nghĩa đoàn kết hợp tác, CS ra lệnh phân tán quân đội của Vệ An Quốc đi nơi khác.

Biết mắc mưu, số quân đội ấy nhất định giải tán không chịu đi. Một mặt CS dùng võ lực đưa Vệ An Quốc về Hải Phòng, rồi đưa đến trại giam Hải An. Cách ít ngày, Vệ An Quốc đã trốn thoát và nhờ được Biệt Động Quân VNQDĐ bảo vệ đưa được về Hòn Gai.

Cách 4 tháng sau, nội bộ bỗng phát sinh một biến cố khá quan trọng, có kẻ toan lật đổ Vũ Kim Thành, nên ngay hồi 24 giờ ngày 15 tháng 2 năm 1946, Bộ Tư lệnh triệu tập một cuộc họp cán bộ bất thường đi đến quyết nghị là phải thay đổi lá cờ để giải quyết vấn đề nội bộ.

Sáng hôm sau (16.2.1946), Bộ Tư lệnh cử Đại Biểu đến gặp Vũ Kim Thành trình bày những việc đã xảy ra, và quyết nghị của cuộc họp hôm qua, rồi mời Vũ Kim Thành vào thành giữ chức Quận trưởng như cũ; nhưng họ Vũ ở đất Tàu đã lâu, có vợ Tàu, thành kiến Tàu, nên nhất định từ chức, đem vợ con trở sang đất Tàu.

Hồi 12 giờ ngày 12 tháng 2 năm 1946, lá cờ “Quốc Dân Đảng” được thượng lên kỳ đài. Vệ An Quốc được Trung ương Đảng bộ VNQDĐ ủy nhiệm là Tổng Tư lệnh Đệ Nhất Chiến Khu.

Ngày 15 tháng 5, Cộng quân huy động một tiểu đoàn đến đánh Móng Cái. VNQDĐ quân số chỉ có 4 đại đội; nhưng đã đánh bại được địch quân.

Một tuần sau, ngày 22, Cộng quân lại viện thêm 2 tiểu đoàn phối hợp với tiểu đoàn trước kéo đến tấn công.  Mặt trận dài trên 15 cây số, Quốc Dân Quân đánh đuổi, Cộng quân phải chạy ra giải đất Trà Cổ, đến Mũi Ngọc trút xuống thuyền rút lui.

Thừa thắng, Bộ Tư Lệnh QDĐ phái một đạo quân đến đánh chiếm lại các đồn Hà Cối, Đầm Hà và Tiên Yên.

Giữ được trọn hai ngày, thì thủy lục, không quân Pháp từ ngoài mặt bể tiến lên đánh vào; một mặt Cộng quân từ Bình Liêu, Đình Lập đánh xuống. Vì lực lượng quá chênh lệch, Quốc Dân Quân phải rút lui về Đầm Hà.

Cách 4 ngày sau, Pháp quân lại bắn đại bác từ ngoài khơi vào, không quân yểm hộ cho lục quân từ Tiên Yên xuống tấn công; Quốc Dân Quân phải rút lui về Hà Cối.

Đến 9 giờ sáng ngày mồng 4 tháng 8, chiến hạm Pháp tiến đến hải khẩu Hà Cối, bắn đại bác vào đồn, tiếp theo là 2 phóng pháo cơ tiến đến oanh tạc như vũ bão để yểm trợ cho lục quân tiến đánh Hà Cối. Quốc Dân Quân chiến đấu suốt 3 tiếng đồng hồ, rồi rút lui về Phán Mài nghỉ một đêm, sáng hôm sau rút về Móng Cái. Móng Cái từ đấy trở nên cô lập không còn liên lạc được nữa!

Căm hờn về sự thất bại chua cay hồi tháng 5, Cộng quân thừa cơ hội Quốc Dân Quân đương lâm vào cô thế, bí mật đem vàng, gái, thuốc phiện cống hiến cho cấp chỉ huy quân đội địa phương Trung Hoa. Bộ Tư Lệnh Quốc Dân Quân nhận thấy tình thế không thể chống trả nổi với Pháp và CQ và lại có quân đội Trung Hoa giúp sức, nên hạ lệnh giải tán. Một số cán bộ bị lộ mặt phải lánh sang Trung Hoa, còn phần đông ở lại phân tán về các địa phương hoạt động trong bóng tối.

Vượt qua biên giới, các chiến sĩ Móng Cái tìm đường lên Côn Minh, lại tiếp tục hoạt động với Hải Ngoại Bộ VNQDĐ tại đấy.

ĐỆ NHỊ CHIẾN KHU

1

Đệ Nhị Chiến Khu gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Trụ sở của VNQDĐ được thiết lập tại căn cứ quân sự của Đảng ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) từ tháng 2 năm 1946, Chủ nhiệm Tỉnh Đảng bộ là Vũ Văn Đức, Quân sự Ủy viên trưởng là An Sinh tức Phan Chí Thành.

ĐVQDĐ cũng thiết lập trụ sở công khai tại Đáp Cầu do Vũ Đình Huyên phụ trách, được ít lâu lại dời trụ sở lên tỉnh lỵ Bắc Giang. Còn tại Lạng Sơn, VNPQH đóng quân ngay tại trong thành, do Nông Quốc Long chỉ huy.

VNQDĐ đóng quân ở Đáp Cầu được ít ngày, CS đem quân đến bao vây. Quốc, Cộng dàn quân đánh nhau liên tiếp hai trận, nhưng Quốc Dân Quân chiếm được ngọn đồi cao, một địa điểm quân sự tối quan trọng, nên Cộng quân không chống cự nổi phải rút lui.

Từ sau ngày QDĐ và CS ra bản tuyên ngôn đoàn kết, Đệ Nhị Chiến Khu cũng như các chiến khu khác của VNQDĐ đều tạm yên tĩnh một thời gian; vả lại chủ trương của VNQDĐ không định dùng giải pháp quân sự ở chiến khu này.

Sang đến đầu tháng 7 năm 1946, sự đoàn kết giữa QDĐ và CS hầu như đã tan vỡ hoàn toàn, Võ Nguyên Giáp ra lệnh bao vây, và bắt đầu tấn công các căn cứ quân sự của VNQDĐ. Trung ương Đảng bộ ra lệnh cho Quân sự Ủy viên trưởng An Sinh phải rút hết cơ cấu về Đệ Tam Chiến Khu.

Định rút về Chiến Khu Việt Trì, nhưng đường giao thông bị chặn. Trung ương Đảng bộ lại ra lệnh cho rút quân lên tỉnh Bắc Giang để hợp tác với Tỉnh Đảng bộ ĐVQDĐ.

Lên tới Bắc Giang, lại gặp phải giữa lúc nội bộ Tỉnh Đảng bộ ĐVQDĐ tranh giành nhau cấp chỉ huy giữa Vũ Đình Huyên và Phạm Cao Hùng.

Xét thấy tình hình nội bộ ĐVQDĐ tại Bắc Giang rối ren và phức tạp vô cùng, nên An Sinh định dẫn 200 Quốc Dân Quân vào vùng Cai Kinh, Yên Thế là chiến khu của Đảng đã tổ chức từ đầu năm 1945. Nhưng cũng vẫn vấp phải vấn đề giao thông bị cản trở, không thể nào rút lui về đấy được. Nên bắt buộc phải ở lại Bắc Giang hợp tác với ĐVQDĐ. Sau một thời gian, lại cùng ĐVQDĐ cùng rút lên Lạng Sơn với mục đích liên kết với Phục Quốc Quân, để gây thành một lực lượng hùng hậu chống Cộng Sản và Thực Dân.

Đến Lạng Sơn cũng lại vấp phải tình trạng tranh giành nhau địa vị chỉ huy như ở Bắc Giang giữa Vũ Đình Huyên và Phạm Cao Hùng. Nông Quốc Long thì đột nhiên bí mật bỏ thành kéo quân rút lên Đồng Đăng với dụng ý là để ngỏ cho CQ kéo quân vào đánh VNQDĐ và ĐVQDĐ. 

Thành Lạng Sơn bỏ trống suốt một đêm, mãi đến sớm ngày hôm sau, Quốc Dân Quân mới hay biết. An Sinh liền ra lệnh đem Quốc Dân Quân tiến vào thành đóng giữ, thượng Đảng kỳ lên kỳ đài; còn quân đội của ĐVQDĐ vẫn đóng lại ở Kỳ Lừa.

CS hay tin, bèn huy động quân số đông đảo đến vây trùng trùng điệp điệp ở phía ngoài thành. Quốc dân quân phải chia lực lượng làm hai: một phần để lại giữ thành, một phần phái đến giúp sức Phạm Cao Hùng để giữ mặt Kỳ Lừa.

Sau nhiều trận giao phong kịch liệt, Cộng quân phải rút lui. Lại tiếp đến sự mâu thuẫn giữa Huyên và Hùng bắt đầu trở nên càng ngày càng kịch liệt, cơ hồ đi đến một còn một mất. Nhận thấy không thể để sự tranh chấp nội bộ kéo dài thêm mãi, An Sinh bắt buộc phải đứng ra hòa giải cả hai bên. Câu chuyện xích mích giữa Huyên và Hùng được chấm dứt, lại cùng bắt tay nhau hoạt động như thường.

Thành phố Lạng Sơn và Kỳ Lừa đã không có ánh sáng điện từ lâu. Để kiến thiết thành phố, vị đại diện VNQDĐ cho vận tải than đá và huy động thợ thuyền trở lại làm việc, thành phố lại bắt đầu có điện. Đồng thời dân chúng được kêu gọi về hợp tác, các cửa hàng lại bắt đầu mở cửa buôn bán trở lại, lá đảng kỳ tung bay phất phới khắp mọi nhà, tinh thần Quốc Gia được phổ biến sâu rộng vào quảng đại quần chúng. Về mặt quân sự cũng được tăng cường và chuẩn bị luôn luôn. Xung quanh tỉnh lỵ, Cộng quân tăng gia bao vây kinh tế và nổ súng uy hiếp liên tiếp suốt ngày đêm. Quốc Dân Quân vẫn giữ vững được tình thế; nhưng dần lâm vào cảnh hết lương thực, mỗi ngày quân đội chỉ được ăn có một bữa cơm, vả lại quân số lại quá chênh lệch, tiếp viện không thể nào có nên tự lượng quyết phải rút lui.

2

Một đêm vào cuối tháng 8 năm 1946, Quốc Dân Quân bắt đầu rút khỏi thành phố Lạng Sơn. Vừa đến địa đầu Kỳ Lừa thì chạm trán với Cộng quân. Quốc Dân Quân lâm vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan. Chỉ huy Quốc Dân Quân cương quyết mở con đường máu để đi. Thoát qua một đêm rong ruổi trong đường rừng, 5 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau đến Tam Lung, lại bị lọt vào vòng vây của Cộng quân, tức là hậu quân của Cộng quân vây PQQ ở Đồng Đăng.  Tiền quân do Phạm Cao Hùng chỉ huy đã đi thoát; còn hậu quân do An Sinh chỉ huy phải đương đầu với Cộng quân.  Trận đánh kéo dài đến 8 tiếng đồng hồ mới đánh bại được Cộng quân đi thoát. Tuy vậy, cũng phải bỏ lại mất khá nhiều quân dụng cùng một số khí giới hạng nặng, và có một số ít quân chạy lạc lên khu PQQ ở Đồng Đăng.

Tiến đến đồn Bảo Lâm giáp giới Trung Hoa, QDQ tập trung tại đấy nghỉ ngơi.

Tại Đồng Đăng, PQQ hay tin, liền phái liên lạc đến Bảo Lâm, yêu cầu phái Đại Biểu đến tiếp nhận số quân đã chạy lạc đến. Phạm Cao Hùng được phái đi. Nông Quốc Long đề nghị mời toàn bộ QDQ trở lại Đồng Đăng hợp tác với PQQ. Nhưng đề nghị này đã bị cấp chỉ huy QDQ bác bỏ, và đồng ý trở lại Chiến Khu Cai Kinh, vì đấy không những là nơi hiểm yếu mà vấn đề quân lương cũng không đến nỗi phải quá lo âu. Nhưng muốn tiến đến Chiến Khu Cai Kinh, trước hết phải phái người đi tìm đường. Đến khi tìm được đường, nghĩa là phải đi đường vòng biên giới. Lập tức toàn bộ lên đường, ngày nghỉ đêm đi, cũng có khi ngày đi đêm nghỉ tùy theo từng chặng đường. Ngủ giữa rừng hoang, uống nước khe suối, còn ăn thì thiếu thốn cực khổ vô cùng.

Ròng rã 15 ngày đi tới làng La Phát, một địa điểm tích trữ rất nhiều lương thực của VC, có quân đội đóng giữ.  QDQ liền đánh chiếm La Phát, lương thực trở nên đầy đủ, nhưng về đạn dược lại thiếu vì trong những ngày đi rừng, quân sĩ vì quá mệt nhọc, nên đã lén vứt bớt một số đạn ở dọc đường.

Bị mất kho lương, VC chuyển thêm binh sĩ đến tấn công, uy hiếp suốt ngày đêm. QDQ bắt buộc phải vượt qua biên giới mua đạn; nhưng số đạn mua được ngày nào chỉ đủ dùng bắn trả lại CQ trong nội ngày hôm ấy.

CQ tấn công ròng rã suốt một tháng trời liên tiếp, QDQ phần thiếu đạn, phần binh sĩ lại bị ốm nhiều, thuốc men không có lấy một chút, nên có một số chết. Giữa khi ấy lại phát sinh nội phản, có kẻ manh tâm thông đồng báo tin cho CQ biết rõ tình hình khủng hoảng của QDQ. Đột nhiên một phong thư do một bàn tay bí mật đặt trong văn phòng cấp chỉ huy QDQ, trong thư CQ vạch rõ đúng hết tình hình nội bộ rối ren, rồi đề nghị hợp tác.

Một cuộc họp cán bộ quân, chính được triệu tập, toàn thể cương quyết bác bỏ đề nghị của CQ rồi tập trung binh sĩ giải thích mọi lý do, hạ lệnh chuẩn bị rút lui. Lực lượng QDQ khi ấy hiện còn hơn 400 người: VNQDĐ còn 210 người, ĐVQDĐ hơn 200 người.

Cuối tháng 9 năm 1946, vào hồi 1 giờ khuya, QDQ mở con đường máu rút qua biên giới. Vì có kẻ nội phản, CQ kéo đến vây kín ba mặt. QDQ vừa đánh vừa tiến sang địa phận huyện Minh Giang thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa).

Trước khi rút khỏi La Phát, một số gồm 50 người: già, ốm, đàn bà, trẻ con xin được trở về nguyên quán, vì không còn đủ sức đi theo. Khi họ trở về đến Lộc Bình, bị CS bắt hết giữ lại, rồi chờ đến đêm khuya, bắt lột hết quần áo, dẫn ra giếng khơi, đẩy hết xuống chôn sống.

3

Sang qua biên giới, chiếu luật Quốc Tế, toàn bộ QDQ bị chính phủ địa phương tước hết khí giới, rồi tập trung ở Kỵ Mã, một đồn tiền tuyến, giáp biên thùy Việt-Hoa.

Sau một tháng nghỉ ngơi, và liên lạc được với Tỉnh Đảng bộ TQQDĐ Quảng Tây, toàn thể QDĐ được chuyển đến Minh Giang và chia làm ba toán: 1 toán đến Ninh Minh; 1 toán ở Minh Giang; 1 toán ở Tư Lạc; lương thực được tiếp tế một cách chu đáo.

Nhờ vậy, tinh thần và vật chất của toàn bộ được khôi phục. Cấp chỉ huy bắt đầu tổ chức huấn luyện chính trị, văn hóa và tăng gia sản xuất, phá rẫy trồng lúa, đậu, sắn, ngô, v.v…

Tháng Giêng 1947, bắt liên lạc được với các đồng chí ở Cai Kinh, Yên Thế.

Sang tháng 2, từ Minh Giang, QDQ kéo về đánh đồn Tà Lùng do Pháp quân đồn trú, chiếm được một số võ khí, rải truyền đơn kêu gọi đồng bào xiết chặt hàng ngũ với QDQ để đánh đuổi Thực Cộng, rồi rút lui.

Trở về Minh Giang, các chiến sĩ VNQDĐ chiêu mộ “Chí Nguyện Quân” khắp giải biên giới Ung Châu, Khâm Châu, Thập Vạn Đại Sơn, Tĩnh Tây, huấn luyện thành một đạo quân hùng mạnh, để chờ cơ hội trở về nước diệt Thực Cộng cứu quốc.

Đến đầu năm 1948, các chiến sĩ VNQDĐ lại kéo về tập kích một đồn binh Pháp tại Cao Bằng, nơi tiếp giáp biên giới Trung Hoa, với mục đích thăm dò lực lượng và đường lối giao thông.

Với sứ mạng chống Thực Dân và Cộng Sản, các chiến sĩ VNQDĐ đồn trú ở Ninh Minh, Minh Giang và Tư Lạc cũng cử một số đồng chí tham gia vào hàng ngũ Quốc Quân Trung Hoa đánh dẹp Hồng Quân tại các địa phương ấy.

=====================================

Chú thích:

(1) Bạch Thái Tòng là con trai cụ Bạch Thái Bưởi, bị CS bắt cóc ở Khu Tự Vệ Việt Quốc ở Kiến An vào cuối năm 1946.  Đưa lên giam ở Nha Công An, rồi vào Hỏa Lò, Hà Nội. Trước ngày chiến tranh Việt-Pháp (12.1946), đưa lên giam ở Phúc Yên, rồi Vĩnh Yên, rồi Thái Nguyên, rồi Lò Than tới Bắc Cạn. Mất tích vào 1948-1949 cùng với Nguyễn Triệu Luật, Đặng Vũ Trứ, Lê Thế, Trịnh Như Tấu, Thanh Minh, v.v…

(2) Vệ An Quốc chính tên là Vi Văn Lưu, khi ấy được Nhật quân tín dụng, giao cho giữ chức Giám đốc Bảo An Binh, Móng Cái.

[Bấm Vào Đọc Chương Trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt