Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (20)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương V: “Nhiệm Vụ Lịch Sử của các chiền sĩ VNQDĐ”
Thiên Thứ Ba (1940-1946)
Chương V: “Nhiệm Vụ Lịch Sử của các chiền sĩ VNQDĐ”
CÁC CHIẾN SĨ TỪ TRUNG HOA TRỞ VỀ NƯỚC
Theo sự dự đoán của cấp lãnh đạo VNQDĐ ở Côn Minh, thì Nhật Bản sẽ bị bại trận vào khoảng tháng 9 năm 1945. Không ngờ sự bại trận của Nhật Bản lại sớm hơn, mọi sự xếp đặt đều vội vàng; lại một sự bất ngờ nữa, Việt Minh Cộng Sản đã cướp được chính quyền, phe quốc gia hoàn toàn thất bại, cơ hội ngàn năm một thuở!
Mặc dầu biết rằng đại cuộc đã lỡ, nhưng mọi người vẫn tích cực hoạt động, đồng quyết nghị để Nghiêm Kế Tổ ở lại Côn Minh xử lý mọi việc liên hệ, còn các khu đều được lệnh trở về quốc nội. Thoạt đầu, Hải Ngoại Bộ vận động để Vũ Hồng Khanh cùng mấy cán bộ đáp phi cơ trở về nước trước khi Lư Hán tới Hà Nội, nhưng cuộc vận động đã không thành. Mãi đến ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945, Vũ Hồng Khanh cùng toàn thể đồng chí mới từ biệt Côn Minh do đường Mường Khương tiến vào ngã Lao Kai. Số võ khí mà Chính phủ Trùng Khánh hứa viện trợ cho một Tiểu đoàn đầu tiên cũng chưa kịp tiếp nhận.
Thời gian ấy quân đội Lư Hán rầm rộ tiến vào Bắc Việt, các báo chí ở Côn Minh đều loan tin: “Đại Tướng Lư Hán định tổ chức Quân Chính phủ tại Việt Nam và hiện đương tìm người đảm nhiệm các cơ quan Hành chính…”
Xét thấy rất có hại cho tiền đồ Tổ Quốc, đại diện Hải Ngoại Bộ VNQDĐ ở Côn Minh liền lập một bản kiến nghị gửi đến Trung ương Đảng bộ TQQDĐ, nhờ chuyển đến Thống Chế Tưởng Giới Thạch, phản kháng việc lập Quân Chính phủ tại Việt Nam. Bởi vậy Lư Hán không thực hiện được ý định ấy.
Ngày 15 tháng 9, Vũ Hồng Khanh cùng các đồng chí của ông mới về tới thị trấn Lao Kai, lại vấp phải tình hình tỉnh Lao Kai lúc ấy từ Hành chính đến Quân sự đều đã ở trong tay VM CS. Tỉnh trưởng là Đàm Quang Vinh thấy các chiến sĩ VNQDĐ về tới Lao Kai, lo cho thân thế mình không có gì bảo đảm, liền bí mật đem một số vàng đến hối lộ Lý Du Sinh để cầu sự che chở.
Lý Du Sinh nguyên là Giới nghiêm Tư lệnh quân đội Trung Hoa được Đại tướng Lư Hán phái đến Lao Kai trước để giữ an ninh, và liên lạc với bộ đội Trung Hoa sắp tới. Lý Du Sinh lại vốn là kẻ tham ô, không kể gì đến danh nghĩa, và bởi món quà quá hậu, họ Lý hứa dùng đủ mọi cách ngăn ngừa mọi hoạt động của VNQDĐ.
Để tránh sự đổ máu vô ích, Vũ Hồng Khanh phái Triệu Việt Hưng hướng dẫn Vũ Việt Hùng, Trần Viên, Hoàng Hiền, Nguyễn Văn Mộng và Nguyễn Bá Thành vào Chapa dùng thủ đoạn chính trị đoạt chính quyền để gây cơ sở phát động.
Nhận thấy rõ sự hoạt động có phương pháp của VNQDĐ có cơ nguy hại cho mình, Đàm Quang Vinh tìm hết lời lẽ xuyên tạc và đem thêm vàng khẩn cầu Tư lệnh Lý Du Sinh. Du Sinh không ngần ngại dùng võ lực áp bức, hạ lệnh cho Đại úy Vương Ngọc Tường đồn trú ở Chapa bắt Triệu Việt Hưng cùng 5 cán bộ tống giam, đồng thời ở Lao Kai, cũng cho mời Vũ Hồng Khanh đến Tư lệnh bộ, rồi giữ luôn.
Xét thấy bọn Lý Du Sinh vì lợi riêng mà làm trái luật Quốc Tế, uy hiếp một cách dã man, các đảng viên VNQDĐ ở ngoài đánh điện tín kháng nghị với chính phủ Trung ương Trung Hoa. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch lập tức hạ lệnh cho Lý Du Sinh phải để cho VNQDĐ được tự do hoạt động, và cảnh cáo Lý Du Sinh về tội làm việc bất hợp pháp.
Ngày 12 tháng 10, Vũ Hồng Khanh cùng 6 cán bộ được Lý Du Sinh trả tự do, và lại bắt đầu hoạt động.
Vì thời gian cấp bách, Triệu Việt Hưng, Vũ Việt Hùng, Lê Tùng Anh và Trương Nghĩa Xương được cử ở lại Lao Kai hoạt động; còn Vũ Hồng Khanh và các đồng chí của ông vội trở về Hà Nội. Hôm ấy là ngày 20 tháng 10 năm 1945, tức là tới sau Lư Hán cách một tháng trời.
Trên đường trở về Hà Nội, họ Vũ ghé qua thăm các đồng chí mới chiếm được 2 tỉnh Yên Bái và Vĩnh Yên.
Trong khi ấy ở Hà Nội, VM CS giật dây. Mấy đảng viên của VNQDĐ là Nguyễn Văn Xuân, Bùi Văn Hạch, Phạm Quang Chúc, Trần Ngọc Tuân tức là Trần Quốc Kính, Trần Đức Chính… đứng ra lập Ủy Ban Vận Động Cải Tổ VNQDĐ do Nghiêm Toản làm chủ tịch, hoạt động được ít ngày, nhưng không thu hút được ai, nên tự động giải tán. Trừ giáo sư Nghiêm Toản, còn đều chạy theo phục vụ cho VM CS.
Nguyễn Hải Thần, cụ đã cùng quân đội Trung Hoa trở về nước từ đầu tháng 9, được “Đại Việt Quốc Xã Đảng” tôn lên địa vị lãnh tụ tối cao, thành lập hai trụ sở công khai: số 21 Đường Quan Thánh và ở Đường Lò Lợn, Hà Nội, kéo lá cờ VNCMĐMH. Nhượng Tống được mời làm Bí thư, Nguyễn Triệu Luật làm Chánh trị Ủy viên, Tạ Nguyên Hối Kinh tài Ủy viên…
Ngày lễ “Song Thập” được tổ chức tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội. Cụ Nguyễn Hải Thần lên diễn đàn, chỉ trích Cộng Sản thậm tệ. Tiêu Văn ngồi cạnh khuyến cáo cụ chỉ nên nói đến cuộc cách mạng Tân Hợi mà thôi. Cụ Nguyễn liền quay lại mắng thẳng vào mặt Tiêu Văn trước sự hiện diện của quan khách ngoại quốc và đám quần chúng đông đảo, làm cho Tiêu Văn mất mặt.
Sau cuộc hành lễ, quân đội VM CS được phái đến đánh úp trụ sở của VNCMĐMH ở đường Lò Lợn. Kết quả quân đội của cụ Hồ bị tử thương mất một số; bên VNCMĐMH bị thương có một chiến sĩ. Còn trụ sở Đường Quan Thánh, một đạo quân của cụ Hồ tiến đến Vườn Hoa Hàng Đậu, bị quân đội Trung Hoa chặn lại bắt quay trở về, vì họ đã nghe thấy tiếng súng nổ ở về phía Lò Lợn.
TRUNG ƯƠNG QUỐC DÂN ĐẢNG
1
Thực thi việc thống nhất 3 đảng cách mạng: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng, chiếu quyết nghị ở Trùng Khánh hồi tháng 5 năm 1945, Trung ương Đảng bộ Quốc Dân Đảng đã được công bố thành lập. Trụ sở công khai đặt tại Trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị, Hà Nội từ ngày 15 tháng 12 năm 1945. Đảng kỳ vẫn là lá cờ “Sao Trắng”, Đảng ca là bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” (1). Trung ương Đảng bộ được tổ chức thành hai bộ phận: bí mật và công khai.
A) Tối cao bí mật chỉ huy bộ:
Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam.
B) Chủ tịch đoàn công khai:
Chủ tịch : Trương Tử Anh (ĐVQDĐ)
Bí thư trưởng : Vũ Hồng Khanh (VNQDĐ)
Ủy viên : Xuân Tùng (VNQDĐ), Nguyễn Tường Long (ĐVDCĐ), Phạm Khải Hoàn (ĐVQDĐ)
Ủy viên Trung ương:
Tổng thư ký Trung ương Đảng bộ : Nguyễn Tường Tam (ĐVDCĐ)
Ủy viên : Nguyễn Tường Bách (ĐVDCĐ), Chu Bá Phượng (VNQDĐ), Nguyễn Văn Chấn (VNQDĐ),Vũ Đình Chí (VNQDĐ), Phạm Văn Hể (VNQDĐ), Nghiêm Kế Tổ (VNQDĐ), Nguyễn Tiến Hỷ (ĐVQDĐ), Phạm Ngọc Chi (ĐVQDĐ)
Và sau đấy một thông tri được gởi đi khắp Chi bộ cũng như chiến khu, ra lệnh chỉ được phép dùng danh từ duy nhất là “Quốc Dân Đảng”.
Cơ quan tranh đấu chính trị của “Quốc Dân Đảng” là tờ Nhật báo “Việt Nam” và tờ Tuần báo “Chính Nghĩa”.
Đồng thời mở nhiều lớp huấn luyện: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng quân sự, chính trị.
Tại Bắc Việt và Trung Việt được chia ra làm 7 Chiến khu Đảng bộ, phái cán bộ phụ trách từng khu để chống Thực, Cộng một cách hữu hiệu hơn.
Thời gian ấy, các giới quan lại, công chức, tư bản đều bị CS khủng bố dữ dội; để bảo vệ đời sống của họ, đa số những phần tử trong các giới nói trên đều xin gia nhập vào QDĐ.
Trước hoàn cảnh đặc biệt ấy, thiếu hẳn sự điều tra lựa chọn, Đảng đã kết nạp đảng viên một cách quá dễ dàng để có ngay một lực lượng đông đảo để chống VM CS, khiến có một số đã lợi dụng danh nghĩa Đảng làm càn.
2
Về kinh tế, QDĐ không có một nguồn lợi kinh tế nào! Mọi ngành hoạt động đều trông vào sự hy sinh đóng góp của các đảng viên. Trái lại, đối phương đã có tuần lễ vàng, và còn biết bao sự quyên cúng thường xuyên của toàn dân! Bao thuế khóa và tài nguyên phong phú của cả một quốc gia mà nhân dân đang hăng say về nền độc lập.
Về chính trị, đối phương đã nắm vững được guồng máy hành chính trong toàn quốc, có một lực lượng quân đội, công an, đặc vụ hùng hậu, nhất là công an nhân dân. Và hơn nữa, các cán bộ cao cấp đều được un đúc ở Nga Sô, rút được nhiều kinh nghiệm về tuyên truyền rất quý giá. Vấn đề tuyên truyền được đặc vào hàng đầu, người dân vốn chất phát dễ tin tưởng ngay. Bất cứ người nào và hành động nào trái với đường lối của CS là bị gán ngay cho cái danh từ là “phản động”, là “Việt gian” để có những lý do bắt bớ giam cầm thủ tiêu; mà phần đại đa số dân chúng thì lại yên trí rằng: “Việt Minh Cộng Sản mới thực là những người Quốc Gia yêu nước nhất.”
Bởi vậy sự tuyên truyền của các Đảng phái Cách mạng Quốc Gia, nhất là QDĐ không thể đi sâu vào quần chúng, bởi guồng máy công an mật vụ của Cộng Sản quá nhiều, khiến cho quần chúng không thể thấu hiểu đâu là chính nghĩa Quốc Gia! Đâu là Cộng Sản Quốc Tế!
Về phương diện ngoại giao, QDĐ trông cậy phần nào vào TQQDĐ, nhưng không may gặp phải giữa lúc tình thế nước Trung Hoa hồi ấy nội bộ đương xảy ra nhiều sự rắc rối vô cùng! Nguyên từ Hội nghị Postdam, Đồng Minh đã quyết định sau khi Nhật Bản đầu hàng, Quân đội Trung Hoa được phái sang Đông Dương từ Vĩ Tuyến 16 trở ra, để thi hành với nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật Bản, giữ trật tự ở những miền quân Nhật chiếm đóng, và giúp đỡ phương tiện hoặc giáo dục, hoặc giám sát cho dân chúng địa phương để tự tổ chức lấy một chính phủ nhân dân.
Nhẽ ra Tướng Trương Phát Khuê được cử giữ trọng trách đó, vì họ Trương là Đại tướng chỉ huy Đệ Tứ Chiến Khu, nơi tiếp giáp biên giới Việt-Hoa, nhưng họ Trương lại là người chống đối Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Đó là một bất lợi cho QDĐ.
Để tránh mọi sự nguy hiểm có thể xảy ra, Tưởng Thống Chế cử Đại tướng Quan Lâm Trương chỉ huy Đệ Tứ Tập đoàn quân, lại là cán bộ cao cấp trung thành của TQQDĐ. Rất có lợi thế cho QDĐ.
Giữa khi ấy một biến cố quan trọng xảy ra, Long Vân, Chủ tịch tỉnh Vân Nam lại mưu tạo phản chống lại Chính phủ Trung ương, khiến Tưởng Thống Chế phải rút lệnh cử Đại tướng Quan Lâm Trương, và ra lệnh cử Đại tướng Lư Hán đem đạo quân tỉnh Vân Nam sang giải giới quân đội Nhật Bản ở phía bắc Đông Dương. Tức là kế “Điệu hổ ly sơn”, chặt hết tay chân của Long Vân, vì Lư Hán có họ ngoại với Long Vân.
Sau khi Lư Hán kéo hết quân đội Vân Nam vào nội địa Việt Nam, Tưởng Thống Chế liền phái quân đội Trung ương đến hạ Long Vân, bắt giải về Nam Kinh giam giữ, cử Lý Tôn Hoằng làm Chủ tịch tỉnh Vân Nam.
Tới Hà Nội mới được ít ngày, thì được tin Long Vân đã bị Chính phủ Trung ương bắt giam. Lư Hán đâm ra chán nản thất vọng, chỉ muốn làm xong nhiệm vụ giải giới, vơ vét một số vàng, bạc, châu báu rồi mau trở về Trung Hoa. Tuy Thiều Bá Xương với danh nghĩa là đại diện Chính phủ Trung ương cử sang hiệp trợ giải giới quân đội Nhật Bản, nhưng trong thực tế, họ Thiều vẫn phải phụ thuộc dưới quyền của đại tướng Lư Hán. Còn Tiêu Văn với danh nghĩa đại diện Tướng Trương Phát Khuê sang Việt Nam với nhiệm vụ là Chính trị viên Chỉ đạo, hiệp trợ cho VNCMĐMH lập chính phủ. Nói đến VNCMĐMH thì gồm những thành phần: Vô đảng phái, VNQDĐ, VNPQĐMH, VNĐLĐMH. Nhưng Tiêu Văn đã bỏ rơi hết, thiên về “TÚI VÀNG” của Cộng Sản Việt Nam.
Quốc Dân Đảng trước sau nhận được 2 công điện của chính phủ Trung ương Trùng Khánh đánh sang Hà Nội, báo đến Bộ Tổng Tham Mưu của Đại Tướng Lư Hán để tiếp nhận số võ khí mà quân đội Trung Hoa đã giải giới được của quân đội Nhật Bản dọc theo thiết lộ từ Việt Trì đến Lao Kai. Đại diện QDĐ đến giao thiệp, bọn tướng lãnh Tầu phù đổ lẫn trách nhiệm cho nhau, rồi cuối cùng đâm lánh mặt.
Cho mãi tới khi quân đội Trung Hoa sửa soạn rút lui, mới phái người đến gặp Đại Biểu QDĐ yêu cầu phái người đến tiếp nhận võ khí. Đến khi mở cửa các kho mà bề ngoài cánh cửa còn niêm phong hẳn hòi, dấu đỏ đóng to bằng cái mẹt, nhưng bên trong chỉ còn toàn là quần, áo, giày, bít tất cũ đã rách nát của quân đội Nhật Bản bỏ lại mà thôi! Sự thật 80.000 khẩu súng gồm đủ các loại đã tước được của quân đội Nhật Bản, Lư Hán và bè lũ đã bán hết cho Cộng Sản VN lấy hàng chục va-li (valise) vàng đưa về Côn Minh bằng đường hàng không rồi. Còn một số súng đạn rỉ thì đưa về kho chứa ở Hà Khẩu, mệnh danh là “Chiến lợi phẩm”, còn đâu nữa mà giao cho Quốc Dân Đảng?
Giữa thời cần phải tranh đấu bằng giải pháp quân sự, mà QDĐ không có một nguồn lợi kinh tế, thiếu súng đạn, thiếu lương thực; quần chúng lại bị lũng đoạn ở trong vòng gọng kìm của quân đội và công an cảnh sát Việt Minh Cộng Sản. Hỏi làm sao mà tránh sự thất bại không chóng thì chầy được? Mặc dầu tinh thần của các chiến sĩ trong hàng ngũ QDĐ rất cao.
Tóm lại, Quốc Dân Đảng đã vấp phải mọi sự không thuận tiện một tý nào! Từ thiên thời, địa lợi đến nhân hòa. Nhưng mặc dầu đứng trước tình thế bất lợi và nguy hiểm ấy, người chiến sĩ cách mạng QDĐ vẫn cố gắng làm tròn nghĩa vụ của mình đối với quốc gia dân tộc.
================================
(1) VIỆT NAM MINH CHÂU TRỜI ĐÔNG
Tác giả: Hùng Lân
Việt Nam! Minh Châu Trời Đông.
Việt Nam! Nước thiêng Tiên Rồng!
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi.
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.
Máu ai còn vương cỏ hoa.
Giục đem tấm thân sẻ với sơn hà.
Chung tâm cương quyết ta ôn lời thệ ước.
Hy sinh tâm huyết mong báo đền ơn nước.
Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề – Trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.