Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (2)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương 2: “Thành Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng”

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG II: THÀNH LẬP VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG 

TỔ CHỨC NAM ĐỒNG THƯ Xà

Từ cuộc mưu sát Toàn quyền Méc-Lanh (Merlin) ở Sa Điện đến vụ bắt cóc cụ Phan Bội Châu đưa về giam ở ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội; tiếp đến lễ an táng hai nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can. Trong những năm 1924, 1925, 1926 và 1927, phong trào chính trị trong nước thật sôi động. 

Tổ chức Nam Đồng Thư Xã

Đáp ứng phong trào chính trị sôi động ấy. Cuối năm 1925, ba thanh niên trí thức: Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân (1) đứng ra tổ chức “NAM ĐỒNG THƯ XÔ (NĐTX) ở số 6 đường 96 khu Nam Đồng (trước bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội). Chuyên trước tác, dịch thuật và xuất bản các sách thuộc loại ái quốc như: Cách Mạng Trung Hoa, Lịch Sử Tôn Dật Tiên, Cách Mạng Thế Giới, Chủ Nghĩa Tam Dân, v.v… là loại sách phổ thông, lại bán giá bình dân, nên đã gây được một tiếng vang không nhỏ và đã lôi cuốn được một số thanh niên trí thức sinh viên thường lui tới. Nhưng đặc biệt có cảm tình mật thiết hơn, có Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại; Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao Đẳng Công Chính; Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm. Ngoài ra còn có: Trần Vỹ, Lưu Văn Phùng, Vũ Hiển, sinh viên trường Cao Đẳng Y Khoa cũng thường hay lui tới. Họ thường gặp nhau, đề tài thảo luận say sưa là vấn đề chính trị trong nước cũng như ngoài nước.

Công tác hoạt động thường xuyên của nhóm thanh niên sinh viên này: Về xã hội: tổ chức lớp học tối dạy quốc ngữ cho anh chị em

Phạm Tuấn Tài

lao động được miễn phí, gây quỹ tiết kiệm “Đồng Xu” cho giới thợ thuyền,… Về chính trị: hô hào đồng bào tham dự đông đảo vào biểu tình đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu, vận động đồng bào, nhất là giới sinh viên học sinh tham dự lễ truy điệu hai nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can; và nhất là bí mật trực tiếp can thiệp với đồng bào ở Hải Phòng, không nên mắc mưu sâu độc của thực dân về vụ “xung đột, tẩy chay” với Hoa Kiều.

Bởi vậy mật thám Pháp để ý bắt đầu theo dõi từng người thường xuyên lui tới NĐTX.

 

Về sách xuất bản của NĐTX chúng để cho in xong rồi tịch thu, nhiều cuốn đã phát hành từ trước, chúng ra nghị định cấm lưu hành và tàng trữ. Số vốn đã không có là bao bị hao mòn dần, đi tới quyết định đình chỉ công tác và xuất bản. Vào khoảng giữa năm 1927, người cột trụ của NĐTX là nhà giáo Phạm Tuấn Tài phải đổi lên tỉnh Tuyên Quang, nhưng thường hàng tháng, họ Phạm vẫn về Hà Nội sinh hoạt với các đồng chí.

Ở Tuyên Quang, Phạm Tuấn Tài vẫn bí mật tuyên truyền tổ chức được một nhóm tại đấy, đa số là những nhà giáo trẻ tuổi. Sau khi VNQDĐ chính thức thành lập, họ Phạm tránh sự để ý của mật thám, nên anh đã cử nhà giáo trẻ tuổi là Nguyễn Triệu Luật làm Đại Biểu Tỉnh Đảng bộ Tuyên Quang về Hà Nội họp Tổng Bộ sau này. 

NGÀY ĐẢN SINH VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG 

Nguyễn Thái Học (Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng)

Nguyễn Thái Học với tuổi ngoài đôi mươi, vốn sẵn có bầu máu nóng thương nước yêu nòi, ông tin tưởng phần nào vào Xã Hội Chủ Nghĩa. Năm 1925, Nguyễn Thái Học gửi cho Va-Ron (Varenne), (2) Toàn quyền Đông Dương hai bức thư đề nghị cải cách nền công-thương Việt Nam, và nhất là nên thiết lập một trường Cao Đẳng Công Nghệ ở Hà Nội; và kèm theo dự án giúp đỡ dân nghèo được sống cuộc đời tương đối dễ chịu hơn. Nhưng cả hai bức thư cũng như dự án đều không được phúc đáp.

Chưa chịu thất vọng hoàn toàn, tháng 6 năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gửi đơn lên Thống Sứ Bắc Kỳ, xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là “NAM THANH” với mục đích là phổ biến, nâng cao trình độ Trí Đức Thể Dục cho đồng bào ông, khuyến cáo họ bỏ lối hư danh mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp. Nhưng cũng không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận, viện lý do là địa chỉ không đúng. Sự thực bởi Nguyễn Thái Học ở trong tổ chức Nam Đồng Thư Xã, nên đã bi ghi vào “sổ đen” của sở mật thám Bắc Kỳ.

Trong khi ấy, tại tỉnh Bắc Ninh có một số thảo dã anh hùng, đứng đầu là Quản Trạc và hai sĩ quan trong Cơ Binh Khố Đỏ tỉnh Bắc Ninh hợp cùng dư đảng của cụ Hoàng Hoa Thám, định dùng võ lực chiếm cứ yếu điểm quân sự quan trọng của Pháp quân ở Bắc Ninh và Đáp Cầu, làm một cuộc khởi nghĩa. 

Có một đồng chí tiết lộ cho biết tại Hà Nội có nhóm Cách Mạng Nam Đồng, Quản Trạc liền phái Đại Biểu sang Hà Nội liên lạc; yêu cầu khi họ xuất quân thì nhờ nhóm “Cách Mạng Nam Đồng” giúp đỡ họ việc ném bom ngay tại Hà Nội, để cầm chân Pháp quân không thể tiếp cứu được cho Bắc Ninh, Đáp Cầu. Cuộc khởi nghĩa được dự định vào ngày 11.11.1927.

Sau khi tiếp xúc với Đại Biểu nhóm Bắc Ninh, nhóm Nam Đồng liền triệu tập cuộc họp để thảo luận vấn đề “Nên giúp hay không?”. Khi lấy biểu quyết, số tán thành “Nên giúp” nhiều hơn. Phe thiểu số bị nhóm Bắc Ninh đe dọa, trong số đó có Nhượng Tống; nên sau đó có mấy bạn: Trần Vỹ, Lưu Văn Phùng, Vũ Hiển,… rút lui không tới Nam Đồng nữa.

Công tác ủng hộ nhóm Bắc Ninh bắt đầu bằng một bài “HỊCH” được trao cho Nhượng Tống khởi thảo. Nhưng sau ít ngày thì được tin mưu toan cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, khắp nơi trong hạt Bắc Ninh đã xảy ra nhiều vụ khám xét nhà và bắt người.

Sau ngày cuộc âm mưu nổi dậy của nhóm quân nhân Bắc Ninh bị bại lộ và Phạm Tuấn Tài bị cấp tốc đổi đi Tuyên Quang, nhóm Nam Đồng Thư Xã ở số 6 đường 96 bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội, chỉ còn lại vỏn vẹn hơn 10 người.

Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) Trưởng Ban Tuyên Truyền

Vào khoảng cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp, và đưa ra ý định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực lật đổ chế độ Thực dân Phong kiến, lập nên một chính thể Cộng Hòa, nhằm đem lại độc lập tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân. Ý kiến này được mọi người tán thành và để tranh thủ thời gian, những người hiện diện liền tự động kết hợp lại thành một tổ chức, tạm gọi là “Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã” do Nguyễn Thái Học làm Chi Bộ Trưởng, và các ủy viên gồm có: Hồ Văn Mịch, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, Vũ Huy Chân, Nguyễn Hữu Đạt, Lê Thành Vị Nguyễn Thái Trác, Phạm Tuấn Tài và Phạm Quang Vân. Số người này liền chia tay nhau, mỗi người đi một nơi, liên lạc với những người yêu nước lẻ tẻ, như nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, Hoàng Văn Đào ở Thanh Hóa, Đoàn Mạnh Chế, Hàn Kều ở Hưng Yên, Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu ở Phủ Lạng Thương, Đặng Đình Điển tức Hào Điển ở Thái Bình, v.v… 

Trong thời gian không đầy một tháng, đã thành lập tất cả là 18 chi bộ, rải rác trên 14 tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, với tổng số đảng viên trên 200 người. Thật là một kết quả vô cùng khả quan và đáng khích lệ cho tất cả mọi người.

Ít lâu sau, Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã lại được tăng cường với Nguyễn Ngọc Sơn (vừa ở Pháp về), Nguyễn Thế Nghiệp và Đỗ Văn Sinh; và rồi sau lại có thêm: Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Cân, Lưu Văn Huệ.

Đầu tháng 12 năm 1927 trong một phiên họp tổng kết các thành quả đã thâu lượm được, Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị triệu tập một Đại Hội Đại Biểu toàn thể các tỉnh để hợp thức hóa việc thành lập đảng. Đề nghị được mọi người hoan nghênh và chấp thuận ngay. Sau một hồi trao đổi ý kiến, toàn thể lại đồng thanh quyết nghị một chương trình tổ chức sau:

 – Ngày giờ khai hội: Đúng 20 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1927.

 – Địa điểm hội trường: Làng Thể Giao thuộc thành phố Hà Nội (tại nhà đồng chí Lê Thành Vị).

 – Thành phần tham dự: 

Các địa phương: Mỗi tỉnh từ 1 đến 2 Đại Biểu, tùy theo số Đảng Viên nhiều hay ít. 

Tại Trung ương: Tất cả các đồng chí Chi bộ NĐTX với danh nghĩa ban tổ chức Đại Hội.

 Đồng thời một ủy ban trù bị và tổ chức Đại Hội cũng được thành lập với thành phần như sau:

 – Chủ Tịch: Nguyễn Thái Học.

 – Tiểu ban dự thảo chương trình và điều lệ: Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống.

 – Tiểu ban hội trường và đón tiếp: Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác.

 – Tiểu ban an ninh trật tự: Nguyễn Hữu Đạt, Đỗ Văn Sinh.

Ngoài ra, các anh em khác như Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Huy Chân, Phạm Quang Vân,… cũng được phân phối mỗi người một công tác, hoặc phụ tá cho một tiểu ban.

Qua ngày hôm sau, mọi người đều đi lo phổ biến những quyết định trên các địa phương do mình liên lạc và tổ chức để họ kịp thời cắt cử đại diện về tham dự Đại Hội. Đồng thời các tiểu ban cũng tích cực hoạt động và chuẩn bị sẵn sàng.

Phó Đức Chính

Ngày 24 tháng 12 năm 1927, các Đại Biểu các tỉnh đã tề tựu đông đủ tại Hà Nội, riêng khiếm diện Phạm Tuấn Tài. Hầu hết các Đại Biểu đều có phương tiện tự trú và tự túc.

Qua ngày 25, tối đến nhân lúc đường xá đông đúc, các nhà thờ Công Giáo chuẩn bị đi lễ đêm, các Đại Biểu tiếp tục đến hội trường (nhà đồng chí Lê Thành Vị). Hội trường là căn nhà ngang ở góc trại, lát gạch, lợp lá, tường xây, rộng chừng 4 mét, dài hơn 10 mét, trang trí thật là tôn nghiêm. Trên tường căng biểu ngữ dài với những dòng chữ “NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG  ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ I VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG 25.12.1927.”

Hội trường được các đồng chí cắt đặt nhau canh gác rất cẩn mật.

Đúng 20 giờ, Đại Hội khai mạc với sự hiện diện của 36 Đại Biểu đại diện cho 14 tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, và Thanh Hóa.

 Chương trình nghị sự gồm có các mục:

 1. Phần khai mạc:

 a) Đại diện ban tổ chức chào mừng các vị Đại Biểu và tuyên bố lý do.

 b) Giới thiệu ban tổ chức, giới thiệu các vị Đại Biểu các tỉnh.

 c) Bầu vị chủ tọa phiên họp.

 2. Phần thảo luận:

 a) Biểu quyết thông qua Danh Xưng, Mục Đích, Tôn Chỉ và Điều Lệ Đảng.

 b) Bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời nhiệm kỳ I.

 c) Thông qua chương trình hành động tổng quát.

 d) Các vấn đề linh tinh.

 3. Phần bế mạc:

 a) Lễ tuyên thệ của Tổng Bộ đắc cử.

 b) Bàn giao quyền hành Chi Bộ NĐTX trước quyền nhiệm.

 c) Giải tán.

Mở đầu, Nguyễn Thái Học nhân danh ban tổ chức, đứng lên trịnh trọng nói mấy lời chào mừng Đại Hội, ca tụng tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của các Đại Biểu, đã không quản nguy hiểm gian lao, hăng say về tham dự Đại Hội một cách đông đảo và nồng nhiệt. Tiếp, nói đến lý do và mục đích của phiên họp, sự cần thiết phải thành lập gấp một đảng cách mạng bí mật, theo chủ trương thiết huyết, dùng võ lực lật đổ chánh quyền thống trị thực dân phong kiến, lập lên một chế độ Cộng Hòa, mang lại độc lập vinh quang cho Tổ Quốc, và tự do hạnh phúc cho toàn dân.

Qua phần giới thiệu, Nguyễn Thái Học trình diện với Đại Hội từng nhân viên trong ban tổ chức; đồng thời cũng là Chi Bộ NĐTX rồi lần lượt đến những vị Đại Biểu của mỗi tỉnh, cùng những thành quả đã thâu lượm được ở mỗi địa phương.

Để bầu Chủ Tịch Hội Nghị, Nguyễn Thái Học yêu cầu Đại Hội đề cử một vị cao niên trong hàng ngũ Đại Biểu các tỉnh, để phiên họp được thêm phần long trọng, và sự phân công cũng công bằng và hợp lý hơn. Tuy nhiên các vị Đại Biểu này, có vị đã gần 70 tuổi như cụ Đặng Đình Điển ở Thái Bình, vẫn nhất quyết từ chối, viện lẽ rằng các đồng chí đã nói là ban tổ chức, lại đã quen công việc, nên xin nhường để mấy anh em đề cử người điều khiển cho phiên nhóm được dễ dàng và mau lẹ hơn. Rút cuộc Nguyễn Ngọc Sơn được bầu làm Chủ Tọa, Nguyễn Hữu Đạt và Đỗ Văn Sinh giữ trật tự. Là đảng cách mạng bí mật, nên vấn đề thủ tục và pháp lý không mấy cần thiết và phải được giản dị hóa tới mức tối đa, do đó việc bầu thư ký được bỏ qua.

Bước sang phần thảo luận, vấn đề lập Đảng và danh xưng được đề cập đến trước hết. Toàn thể hội nghị đã chấp thuận và thông qua một cách nhanh chóng: Thành lập một đảng cách mạng với danh xưng là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG”, viết tắt là “VNQDĐ”.

Đến mục đích và tôn chỉ, cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, nhiều ý kiến khác nhau được nêu lên, vì trong bản dự thảo điều lệ cũng ở khoản này, lại có đoạn ghi: Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Bốn chữ “cách mạng thế giới” đã gây hoang mang cho các hội thảo viên, có người cho rằng thế là thiên tả. Có người cho rằng như thế sẽ trở thành Cộng Sản và đòi phải xóa bỏ hoặc sửa lại. Tuy nhiên sau ít phút thảo luận, Hội nghị đã đồng ý quyết định sửa đổi lại đoạn này như sau:

“Mục đích và Tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc Lập Cộng Hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao, Cao Miên.” (3)

Sang phần còn lại, từ hệ thống tổ chức, điều kiện gia nhập, đến nghĩa vụ Đảng viên, v.v… Toàn văn bản dự thảo đã được hội nghị biểu quyết thông qua, sau khi sửa đổi một vài chi tiết không mấy quan trọng.

Chiếu bản điều lệ này, Đảng được tổ chức theo hệ thống dọc, hạ tầng cơ sở là Chi bộ, rồi đến Tỉnh bộ, Kỳ Bộ và thượng tầng cơ sở là Tổng Bộ. Số đảng viên tối đa là 19 người. Vì theo luật lệ hiện hành, bất cứ cuộc họp hành nào có 20 người trở lên, đều phải xin phép trước với nhà cầm quyền. Mỗi Chi bộ được bầu ra một Chi bộ trưởng, một ủy viên đại diện lên Tỉnh bộ và 4 trưởng ban: Tổ Chức, Tuyên Truyền, Tài Chính và Trinh Thám, hợp lại thành ban chấp hành Chi bộ và cứ 6 tháng bầu lại một lần.

Tỉnh bộ lập thành bởi các Đại Biểu các Chi bộ cử lên, cũng gồm 19 người, có một Tỉnh bộ trưởng, một ủy viên đại diện lên Kỳ Bộ và 4 trưởng ủy ban như Chi bộ.

Trên Tỉnh bộ là Kỳ Bộ, nguyên tắc tổ chức cũng vậy, và mỗi Kỳ Bộ được cử một số ủy viên đại diện lên, để hợp thành Tổng Bộ. (4)

Tổng Bộ là cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng, có một vị Chủ Tịch Đảng, một phó Chủ Tịch và 8 trưởng Ủy Ban: Tổ Chức, Tuyên Truyền, Tài Chánh, Trinh Thám, Ngoại Giao, Binh Vụ, Giám Sát và Ám Sát. Tổng Bộ cũng 6 tháng bầu lại một lần và gồm tối đa là 19 thành viên.

Cách tổ chức này hoàn toàn theo nguyên tắc đại nghị, cực kỳ dân chủ và đúng với câu “tuyển chọn rồi phục tòng” (élire et obéir).

Đến điều kiện muốn gia nhập Đảng, phải có 2 đảng viên cũ giới thiệu và bảo lãnh, phải qua sự điều tra trước của ủy ban Trinh Thám (ít nhất là nửa tháng), phải được toàn thể ban chấp hành Chi bộ ưng thuận; và sau chót, phải làm lễ tuyên thệ (5) trước bàn thờ Tổ Quốc trong một phiên họp khoáng đại Chi bộ, có sự giám sát của nhân viên Tỉnh bộ.

Còn nghĩa vụ của bất cứ người Đảng viên nào, thì cũng phải là hy sinh tất cả cho Đảng, cho Quốc Gia Dân Tộc, kể cả xương máu.

Sau khi thông qua bản điều lệ, thì sắp đến 23 giờ, Hội nghị bắt đầu nghỉ giải lao, thì anh Phạm Tuấn Tài đến (6). 

23 giờ 15 phút, hội nghị tái nhóm, thảo luận sang vấn đề bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời.

Về vấn đề này, các Đại Biểu các tỉnh nêu lên hai ý kiến:

1) Một số Đại Biểu cho rằng từ trước đến nay, nhóm anh em NĐTX tuy chỉ khiêm tốn xưng danh là một Chi bộ nhưng trong thực tế, chính là một ban sáng lập, hành xử như một cơ quan lãnh đạo lâm thời, kiêm nhiệm hết thẩy mọi công tác về vận động và tổ chức. Do đó, giờ đây các vị nầy đề nghị Đại Hội chính thức biểu quyết tín nhiệm đề cử toàn thể Chi bộ NĐTX vào chức vụ Tổng Bộ Lâm Thời nhiệm kỳ đầu tiên nầy, hầu tránh mọi sự xáo trộn và bỡ ngỡ có thể xảy ra với những thành phần mới lạ; đồng thời cũng để ghi công với những người đã tích cực góp sức vào sự nghiệp xây dựng nên Đảng.

2) Một số Đại Biểu khác lại quan niệm rằng, việc chính thức bầu ra một Tổng Bộ Lâm Thời lúc nầy là cần thiết và bắt buộc, theo đúng trong bản Điều lệ vừa được Đại Hội biểu quyết và thông qua; hơn nữa để có thêm uy tín và rộng quyền hành động trong tương lai. Cơ quan này phải có tính cách công cử cùng sự đại diện rộng rãi của các địa phương. Đề cập đến Chi bộ NĐTX các vị này cho rằng đây không những chỉ có vấn đề ghi công, mà còn cần để đánh dấu và lưu niệm mãi mãi một cơ quan hạ tầng căn bản đầu tiên đã phát nguyên ra đảng. Do đó Hội nghị phải suy tôn bằng một vinh dự gì xứng đáng hơn, vĩnh cửu hơn việc chỉ đề cử chức vụ “Tổng Bộ Lâm Thời” trong một thời gian hữu hạn và ngắn ngủi.

Ý kiến này được hầu hết các Đại Biểu tán thành, và sau khi thảo luận qua loa, hội nghị đồng thanh quyết định như sau:

1) Suy tôn Chi Bộ “NAM ĐỒNG THƯ XÔ là “ĐỆ NHẤT CHI BỘ”.

2) Bầu “TỔNG BỘ LÂM THỜI” theo đúng những nguyên tắc trong bản điều lệ vừa được thông qua.

Đến đây, Nguyễn Thái Học thay mặt cho Chi bộ NĐTX đứng lên nhận lãnh vinh hiệu “ĐỆ NHẤT CHI BỘ” và tỏ lời cám ơn toàn thể Đại Hội.

Vừa dứt lời, thì có tin báo động từ phía nhà đồng chí Nguyễn Thái Trác ở phố chợ Đuổi đưa vào. Phiên họp lập tức được tuyên bố tạm ngưng. Các Đại Biểu bình tĩnh theo các hướng dẫn viên rút lui qua đường nhà thương đau mắt, tản mác và mang theo tất cả những tài liệu quan trọng (7). Hội trường cũng được cấp tốc thu dọn, và không để lại một vết tích gì khả nghi nữa.

Đúng 2 giờ 30 phút, hội nghị tái nhóm tại căn lầu NĐTX, Nguyễn Hữu Đạt yêu cầu đừng ai ghi chép gì cả, và cũng đừng giữ trong mình giấy tờ gì có liên quan đến cuộc họp.

Hội nghị bắt đầu bằng việc bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời. Tuy gọi là bầu, nhưng thực ra thì chẳng có một ai dám ứng cử hay tranh cử cả mà chỉ là một cuộc đề cử khiêm tốn, nhường đi nhường lại hồi lâu, rồi mới đưa đến được kết quả:

Chủ Tịch:   Nguyễn Thái Học

Phó Chủ Tịch:    Nguyễn Thế Nghiệp

Ủy Ban Tổ Chức:   Phó Đức Chính (trưởng ban),  Lê Văn Phúc (phó)

Ủy Ban Tuyên Truyền:  Nhượng Tống (trưởng ban)

Ủy Ban Ngoại Giao:  Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch 

Ủy Ban Tài Chính:  Đặng Đình Điển, Đoàn Mạnh Chế

Ủy Ban Giám Sát:  Nguyễn Hữu Đạt, Hoàng Trác

Ủy Ban Trinh Sát:  Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm

Ủy Ban Ám Sát:  Hoàng Văn Tùng

Ủy Ban Binh Vụ: (8)

 Để kết thúc phần thảo luận, Đại Hội cũng đã biểu quyết chấp thuận trên nguyên tắc một chương trình cách mạng tổng quát, phân làm hai giai đoạn: “phá hoại” và “kiến thiết”. 

A. GIAI ĐOẠN PHÁ HOẠI ĐƯỢC CHIA LÀM 3 THỜI KỲ: 

1) Thời kỳ phôi thai: Xây dựng Đảng và thu nạp Đảng Viên (hoạt động hoàn toàn bí mật).

2) Thời kỳ dự bị: Phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng: Lập các nông, công đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn… (hoạt động bán bí mật, bán công khai).

3) Thời kỳ hành động: Dùng võ lực đánh đổ bộ máy thống trị thực dân phong kiến, lập nên chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, nhằm mang lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc, tiến bộ cho toàn dân. 

B. GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT CŨNG CHIA LÀM 3 THỜI KỲ: 

1) Thời kỳ quân chính: Quân cách mạng chiếm được đâu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó. 

2) Thời kỳ huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp giáo hóa dân quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v… Trong hai thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng trị quốc”.

3) Thời kỳ hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu cử Quốc Dân Đại Hội, xây dựng Hiến pháp và trao trả chính quyền lại cho toàn dân. 

Đã hơn năm giờ sáng, hội nghị chuyển sang phần bế mạc bằng lễ tuyên thệ của Tổng Bộ mới. Tuy trong bản điều lệ không thấy nói đến, nhưng theo thông lệ lúc bấy giờ, thì mặc dầu đã tuyên thệ ở Chi bộ rồi, bất luận một đồng chí nào, khi được đề cử lên một cấp bộ cao hơn, đều phải tuyên thệ một lần nữa trước cơ quan mới này.

 Lần lượt 16 đồng chí, già từ sáu, bảy mươi tuổi đến trẻ hai, ba mươi tuổi, nghiêm trang tuyên thệ trước bàn thờ Tổ Quốc, nguyện:

 “Quyết tâm làm tròn sứ mạng đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho nước và cho đảng,… Nếu sai lời xin chịu tội tử hình”

Và sau đó là lễ chuyển giao quyền hành từ “Đệ Nhất Chi Bộ” cho “Tổng Bộ Lâm Thời” tân cử, do Đỗ Văn Sinh niên trưởng Chi bộ chủ tọa, thay cho Nguyễn Thái Học đã làm Chủ Tịch Đảng.

 Lúc này trời đã rạng đông, và Đại Hội Đại Biểu Đảng lần thứ nhất tuyên bố bế mạc sau một đêm ròng thảo luận, suy tư trong một khung cảnh tuy sơ sài giản dị, nhưng mang một ý nghĩa thiêng liêng và trọng đại.

 Thế là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG” đã đản sinh cùng ngày với vị Giáo Chủ Thiên Chúa Giáo, và cũng như vị Giáo Chủ ấy, người lãnh tụ của chúng ta đã mang tất cả để hy sinh cho chủ nghĩa mình (Theo lời Nhượng Tống nói hồi năm 1947). (9) 

VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG 

Trong phiên họp thường lệ ban chấp hành Tổng Bộ ngày mồng 7 tháng 4 năm 1928, các trung ủy đều nhận xét thế lực của thực dân bành trướng mỗi ngày một mạnh, mà các Đảng cách mạng trong nước tuy cùng một mục đích chung là đánh đuổi thực dân, giành lại nền độc lập cho quốc gia; nhưng vì hành động riêng rẽ, nên lực lượng bị phân tán; hơn nữa, còn vấp phải cái tệ hại là dẫm chân lên nhau và phản tuyên truyền. Bởi vậy Tổng Bộ quyết định vận động thống nhất các Đảng cách mạng trong nước lại thành một khối duy nhất. Các Đảng cách mạng trong nước hoạt động mạnh mẽ nhất thời ấy, ngoài VNQDĐ còn có hai đảng: “TÂN VIỆT CÁCH MẠNG ĐẢNG (TVCMĐ)”. (10)

 Năm 1927, Phục Việt đổi ra “Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội”

 Năm 1928, lại đổi ra “Tân Việt Cách Mạng Đảng”

Đến cuối năm 1929, một số các bộ cao cấp bị chính quyền Pháp bắt giam, trong số đó có lãnh tụ Lê Văn Huân tự tử tại ngục thất Hà Tĩnh ngày 13 tháng 9 năm 1929, và cũng là ngày phong trào cách mạng của TVCMĐ đi vào con đường suy vong. Một số thanh niên đảng viên gia nhập trong hàng ngũ ĐDCSĐ với Trần Văn Cung; một số khác đứng ra tự tổ chức “Đông Dương Liên Đoàn Cộng Sản”. 

Và “VIỆT NAM THANH NIÊN CÁCH MẠNG ĐỒNG CHÍ HỘI (VNTNCMĐCH)” (11).

Để thực hiện thống nhất ba đảng cách mạng, Tổng Bộ VNQDĐ cử Hoàng Văn Tùng làm Đại Biểu giao thiệp với Đại Biểu TVCMĐ là Tôn Quang Phiệt, và cử Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc làm Đại Biểu giao thiệp với VNTNCMĐCH. 

Đại Biểu ba đảng gặp nhau nhiều lần. Kết Quả Đại Biểu TVCMĐ từ chối, viện ra những lý lẽ mơ hồ; còn VNTNCMĐCH thì đòi để Tổng Bộ ở hải ngoại, vì Tổng Bộ sẽ không bao giờ bị chính quyền thực dân động chạm tới, mặc dầu chúng có tìm hết cách đàn áp đi nữa, thì lúc nào cũng có một sức trung kiên để chỉ huy công tác.

Trái lại VNQDĐ thì chủ trương để Tổng Bộ ở trong nước, vì để Tổng Bộ ở ngoài nước sẽ sống cách biệt dân chúng ở quê hương, các lãnh tụ khó lòng biết cách chỉ huy cho đúng hoàn cảnh. Gặp việc phải xách động quần chúng đấu tranh, nếu việc bị vỡ lở, thì chỉ có đảng viên và quần chúng ở trong nước mắc họa của thực dân, các lãnh tụ ở ngoài vẫn sống ung dung; hơn nữa, rất có thể một số cán bộ giao thông lộng quyền, có thể bán rẻ anh em, một khi họ là người xấu, dầu họ là những phần tử tốt đi nữa, nếu không may bị bắt, bị tra tấn, cũng có thể gây cho toàn thể Đảng vô cùng nguy hiểm; mà việc họ bị bắt, là việc lúc nào cũng xảy ra được! Để Tổng Bộ ở ngoài tức là cách mạng một cách “Ném đá dấu tay”. Bởi vậy một số thanh niên cách mạng thiên tả đã quả quyết đổi ý kiến không tham gia vào VNTNCMĐCH mà cùng nhau gia nhập vào VNQDĐ.

Ý kiến xung đột, cuộc tranh luận nhiều khi trở nên quá khích, điều đình không xong. Cuối cùng Đại Biểu VNTNCMĐCH cho biết rằng mình không đủ thẩm quyền để quyết định một vấn đề trọng đại như vậy, đề nghị VNQDĐ cử một phái đoàn sang Xiêm (Thái Lan) vào ngày lễ kỷ niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái, ngày ấy thế nào Tổng Bộ VNTNCMĐCH ở Quảng Châu (Trung Hoa) cũng phái Đại Biểu về Xiêm dự lễ. Nhân cơ hội, Đại Biểu hai bên sẽ gặp nhau bàn việc thống nhất.

Ngày 22 tháng 5, Tổng Bộ VNQDĐ họp hội đồng quyết định cử Nguyễn Ngọc Sơn làm trưởng phái đoàn cùng Hồ Văn Mịch, Phạm Tiềm làm phái viên sang Thái Lan. Ngày mồng 2 tháng 6, phái đoàn đáp xe lửa từ Thanh Hóa vào Đông Hà rồi đáp xe hơi đi Savanakhet, thuê thuyền qua Cửu Long Giang, tiến xuống U don, một thị trấn ở về phía đông bắc Thái Lan. Được hai Đại Biểu VNTNCMĐCH là Hy Tống và Ngọc Ẩn(12) đón tiếp rất nồng hậu.

 Đến ngày 19, ngày lễ kỷ niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Nhân danh VNQDĐ, Phạm Tiềm đọc bài văn tế, Nguyễn Ngọc Sơn và Hồ Văn Mịch đăng đàn diễn thuyết. Bài văn tế cũng như diễn văn của Đại Biểu VNQDĐ đã khiến kiều bào ở U don cảm động đến rơi lệ và tỏ ra rất có cảm tình với VNQDĐ.

Sau cuộc hành lễ, đợi mãi năm, bảy ngày cũng không thấy Đại Biểu VNTNCMĐCH ở Quảng Châu tới. Cho là họ không thực tâm muốn đoàn kết tiến đến sự thống nhất, phái đoàn VNQDĐ từ giã đất Thái trở về đất nước. Mật thám đã bố trí định vây bắt phái đoàn này, nhưng chúng đã không thành công.

 Nhân tiện cuộc hành trình, phái đoàn đồng ý để Phạm Tiềm trở về Hà Nội báo cáo công tác với Tổng Bộ, còn Nguyễn Ngọc Sơn cùng Hồ Văn Mịch đi thẳng vào Sài Gòn với mục đích liên lạc với các nhóm cách mạng miền Nam, đồng thời phát triển đảng viên, tổ chức chi bộ.

Trong thời gian này Chu Dưỡng Bình thường lui tới Nam Đồng Thư Xã cho Nguyễn Thái Học biết y quen thuộc nhiều với các giới quân nhân cũng như chính khách Trung Hoa, và y còn biết được một mỏ vàng ở tiếp giáp biên giới Việt-Hoa, hiện có mẫu mang theo, nếu chịu bỏ tiền ra khai thác, sẽ thu vào quỹ Đảng được một số tiền quan trọng.

Nguyễn Thái Học đã cấp cho y một số tiền. Nhưng sau mở cuộc điều tra, được biết y đã quy thuận chính quyền thực dân từ năm 1913. Và sau khi nhận được tiền của Đảng y không hề vượt biên giới, nên Chu Dưỡng Bình bị khai trừ ra khỏi Đảng từ đấy. 

KHÁCH SẠN VIỆT NAM 

 Chiếu điều lệ đảng, 6 tháng phải bầu cử lại ban chấp hành các cấp bộ. Phiên nhóm bầu cử lại ban chấp hành Tổng Bộ nhiệm kỳ II nhằm vào ngày mồng 1 tháng 7 năm 1928 tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm.

Kiểm điểm lại mọi phương diện đều tiến hành một cách rất khả quan. Các công, tư chức, nhất là giáo chức, thương gia cùng nông, công nghiệp gia nhập Đảng khá đông. Trong quân ngũ, riêng ở Bắc Việt, đang kết nạp hàng trăm đồng chí quân nhân.

Nguyễn Thái Học lại được toàn thể Đại Biểu cử làm Chủ Tịch, Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống đều không tham dự khóa này. Trung sĩ không quân Trần Văn Môn (13) được cử làm trưởng ban Binh vụ, Bùi Tiến Mai được Tỉnh Đảng bộ Thái Bình cử lên thay thế Trung Ủy Đặng Đình Điển. Hoàng Văn Đào được Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa cử lên thay thế Trung Ủy Hoàng Văn Tùng.

Đến ngày mồng 7 tháng 8, Hội Đồng Tổng Bộ nhóm phiên họp thường lệ tại đường Tuyên Quang, Hà Nội, quyết định lập một cơ quan kinh tài và còn là nơi liên lạc cho Đảng. Đoàn Mạnh Chế, Đại Biểu Tỉnh Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được cử giữ chức Trưởng Ủy ban Kinh tài (thay thế Đặng Đình Điển), được cử phụ trách nhưng viện dẫn lý do bận nhiều việc riêng, nhất quyết từ khước. Cuối cùng Tổng Bộ quyết định trao trọng trách cho Hoàng Văn Đào, bắt buộc không được phép từ chối.

Quỹ đảng rất eo hẹp, lão đồng chí Đặng Đình Điển phải giới thiệu Hoàng Văn Đào với Mai Du Lân chủ nhiệm tờ Thực Nghiệp Dân Báo mới mượn được số tiền 500 đồng bạc. Lê Thành Vị giới thiệu với bà cô họ mượn được 300 đồng bạc, thuê ngôi nhà của Thuận Thành Ký tại số 38 phố Hàng Bông Đệm, giáp ngõ Tam Thương Hà Nội, đặt tên thương điếm là “KHÁCH SẠN VIỆT NAM”

Vì sự khuếch trương quá lớn lao, số tiền vốn lại không có là bao! Nguyễn Ngọc Sơn, Đỗ Hữu Uẩn, và Lê Thành Vị phải thương lượng mua chịu nhiều vật dụng cần thiết ở các hãng Gô Đa, Descourd et Cabaud, Poinsard et Veyret, Guillauneau frères, Quảng Hưng Long, v.v…

Đứng tên xin phép mở phòng trọ cùng bán rượu khai vị trong khách sạn là đồng chí Lê Thành Vị. Đốc lý Hà Nội không cho phép Hoàng Văn Đào, lý do có tên trong “sổ đen” của sở mật thám Pháp, vì những hoạt động có tính cách chính trị.

Ngày 30 tháng 9 năm 1928, Khách Sạn Việt Nam chính thức khai trương. Các nhân viên phụ trách trong khách sạn có Trương Văn Miễn thủ quỹ, Hoàng Thúc Dzi kế toán, Nguyễn Hữu Đạt kiểm soát, tiếp tân có Nguyễn Đức Lung, Nguyễn Văn Kinh, phụ trách việc xuất nhập kho tàng là Đặng Trần Nghiệp tức Ký Con. Sự kiểm soát rất chặt chẽ và chu đáo. Đến đầu bếp trong khách sạn, một số đông cũng là đoàn viên trong giới đầu bếp ở tỉnh Đảng bộ Hải Phòng cử lên đảm nhiệm.

Trừ các khách sạn của người ngoại quốc thời ấy ở Hà Nội thì “Khách Sạn Việt Nam” là một khách sạn lớn vào bậc nhất đối với người Việt Nam. Ban đầu thực khách rất là đông đảo, vì các món ăn ở đấy đã ngon lại bán với giá bình dân.

Giám Đốc sở mật thám Đông Dương là Louis Marty đã viết trong cuốn “Contribution à l’histoire des mouvements politiques l’Indochine Française” rằng “Ngay hôm khai trương công cộng, mọi người đều biết trụ sở phải dùng vào mục đích nào?”

Sở mật thám Bắc Việt hết sức chú ý, phái thám tử trá hình đến thuê phòng ở trọ, phóng tiền túi để sai khiến những người bồi bàn hòng thu lượm tin tức. Nhưng chúng đã lầm, bởi không qua được con mắt của những nhà hữu trách của Khách Sạn Việt Nam. Chỉ có sự liên lạc, chứ không bao giờ lại có sự tổ chức những buổi họp đông người ở đấy.

Louis Marty đã viết: “Đêm mồng 1 rạng mồng 2 tháng 11 năm 1928, Tổng Bộ VNQDĐ sẽ tổ chức Đại Hội tại đấy. Mật thám định trèo lên mái ngói rồi leo xuống khách sạn và tìm những tài liệu mang chứng tích pháp luật của cuộc âm mưu, nhưng những người lãnh đạo VNQDĐ vào phút chót đã thay đổi nơi hội họp, nên mật thám đành chịu cảnh thất bại chua cay!”

Không thể làm gì hơn được! Sở mật thám bèn cho thi hành thủ đoạn phá hoại kinh tế, phao tin Khách Sạn Việt Nam là “Cơ quan kinh tài hội kín”, khiến cho nhiều người sợ liên lụy không dám tới lui, làm phương hại rất nhiều trong bước đường tiến triển. Nhưng cũng mãi sau ngày Bazin bị ám sát, ngày 17 tháng 2 năm 1929, mật thám mới đến bổ vây khám xét Khách Sạn Việt Nam và ra lệnh đóng cửa. 

DANH DỰ CHỦ TỊCH ĐẢNG 

Cụ Phan Bội Châu (Chủ Tịch Danh Dự VNQDĐ)

Tổng Bộ nhiệm kỳ II, Nguyễn Thế Nghiệp không tham dự nên anh có dịp vào Sài Gòn. Tại nơi đây, Nguyễn Thế Nghiệp đã xuất bản một tạp chí bằng Pháp ngữ, nhan đề là “Revue Economique”.

Trong dịp này Nguyễn Thế Nghiệp lại bắt liên lạc được với Vũ Đình Dy và Nguyễn Văn Ngọc (14) mới từ Ba Lê (Paris) trở về nước. Sau nhiều lần trao đổi ý kiến, ba người cùng nhau trở ra Hà Nội.

Một cuộc họp “Mật” tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn ở phố Nhà Hỏa, Hà Nội. Đại diện VNQDĐ có Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp và Hoàng Văn Tùng; đại diện Phục Việt tức VNĐLĐ hợp nhứt có Nguyễn Đình Dy, Nguyễn Đắc Lập và Nguyễn Văn Ngọc.

 Mục đích cuộc họp “Mật” này là vấn đề thống nhất giữa VNQDĐ và VNĐLĐ nhưng không thu lượm được kết quả, vì Đại Biểu VNQDĐ vẫn giữ vững lập trường là phải thống nhất dưới danh hiệu “Việt Nam Quốc Dân Đảng”.

Ngày 15 tháng 9, phiên họp Tổng Bộ theo thường lệ. Ngoài các vấn đề hệ trọng đã được giải quyết. Cuối cùng trở lại “vấn đề thống nhất các lực lượng cách mạng quốc gia”. Tổng Bộ quyết định cử Đại Biểu vào Huế vấn an cụ Phan Bội Châu, tặng cụ chức “Danh dự Chủ Tịch Đảng” và yêu cầu cụ giúp Đảng hai việc:

 1) Yêu cầu cụ đem uy tín và đạo đức của cụ ra thuyết phục để thống nhất các đảng phái.

 2) Yêu cầu cụ giúp đỡ về phương diện ngoại giao, vì cụ quen biết nhiều các chính khách ngoại quốc.

 Vị Đại Biểu được Tổng Bộ đề cử là lão đồng chí Đặng Đình Điển lên đường vào Huế ngày mồng 2 tháng 10. Hai nhà lão thành cách mạng gặp nhau rất tương đắc, hoan hỉ vô cùng. Cụ Phan đã vui lòng nhận là một đảng viên của VNQDĐ, cụ nói: 

  “Tôi tuy già yếu thật, nhưng nếu có thể giúp ích được gì cho Tổ Quốc, thì tôi nguyện đem hết sức mình phục tòng mệnh lệnh của Đảng.”

 Đến khi chia tay từ biệt, cụ Phan Sào Nam trao cho lão đồng chí Đặng Đình Điển (15) một tấm danh thiếp, phía sau đề 4 chữ “Khả dĩ đoạn kim” đề phòng khi Tổng Bộ có cử phái viên vào, thì cầm tấm danh thiếp ấy làm tin. Sự tham gia của nhà ái quốc Phan Bội Châu đã làm tăng uy tín cho VNQDĐ rất nhiều, các đảng viên đảng ấy vô cùng phấn khởi. 

Cụ Nguyễn Khắc Nhu

 

Nguyễn Thái Học xin từ chức Chủ Tịch, Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu, biệt hiệu Song Khê được đắc cử Chủ Tịch ban Lập Pháp, Nguyễn Thái Học đắc cử phó Chủ Tịch. Chủ Tịch ban Hành Pháp là Nguyễn Thế Nghiệp, phó Chủ Tịch là Cử Nhân Lê Xuân Hy.

Ngoài sự giải quyết các vấn đề hệ trọng, Tổng Bộ mới quyết định cử một phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa, Nhật Bản. Nguyễn Thái Học và Nhượng Tống được trao phó nhiệm vụ vào Huế yêu cầu cụ Phan Sào Nam (16) viết cho mấy bức thư giới thiệu.

Cũng trong phiên họp Tổng Bộ ấy, về phần báo cáo công tác, Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo đã liên lạc với nhóm Trần Nguyên Phú, Nguyễn Đình Kiên, còn Nguyễn An Ninh đã đi đường lối rõ rệt là Đệ Tứ Quốc Tế. Đồng thời cũng thành lập được Chi bộ đặc biệt ở Sài Gòn (17) và 6 Chi bộ ở miền Đông và miền Tây Nam Kỳ, trong số có nhiều võ trang đồng chí (18).

====================================

Chú thích:

(1) Phạm Tuấn Tài biệt hiệu Mộng Tiên, giáo viên tại trường kiểu mẫu Yên Thành, Hà Nội. Phạm Tuấn Lâm biệt hiệu Dật Công là bào huynh của Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân biệt hiệu Nhượng Tống. Hai ông này là bỉnh bút của Thực Nghiệp Dân Báo do Mai Du Lân làm chủ nhiệm, Mai Đăng Đệ làm chủ bút tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Mỗi tờ báo được bán với giá là 2 xu (0,02đồng).

(2) Varenne là Đảng viên Đảng Xã Hội Pháp.

(3) Sau này có một cán bộ tối cao của Đảng không biết rõ, lại viết rằng: “Theo bản điều lệ đầu tiên, thì mục đích và tôn chỉ của đảng là “làm cách mạng Quốc Gia và cách mạng Thế Giới”. Thực là một sự nhầm lẫn vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc!

(4) Trong suốt thời gian từ 1927 đến 1930, vẫn chưa có sự tổ chức Kỳ Bộ.

(5) Nguyên văn phát thệ: 

– “Trước giang sơn Tổ Quốc, trước anh em Đồng Chí, tôi tên là…, tuổi…, nguyên quán…, bí danh…, hân hạnh được gia nhập VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG. Tôi xin thề:

 – “Tuyệt đối trung thành với Đảng.

 – Tuyệt đối phục tòng mệnh lệnh của Đảng.

 – Tuyệt đối giữ bí mật công việc của Đảng.

 – Tuyệt đối hy sinh cho Đảng.

 – Nếu trái lời thề, tôi xin chịu tội tử hình.”

(6) Phạm Tuấn Tài cho biết: Ngay từ khi anh bước chân ra đi, Công Sứ Tuyên Quang đã lập tức đánh điện về sở Mật Thám Hà Nội. Nên khi anh về tới bến xe đò Hà Nội, liền bị thám tử đón và chúng đã theo dõi hơn một ngày. Nay anh tới được đây là đã đánh lạc được hướng của chúng rồi.

(7) Sở dĩ có sự báo động, hội nghị phải tạm ngưng, dời đi nơi khác, là vì có 2 tên thám tử theo dõi Phạm Tuấn Tài. Chúng theo cách xa, nên họ Phạm nhầm tưởng là đã đánh lạc hướng được chúng. Dè đâu chúng vẫn đứng rình ở xa. Người nhà Nguyễn Thái Trạc để ý nên vội cấp báo. Tương kế tựu kế, họ Phạm lang thang đi dạo phố một mình cho tới sáng để cuộc họp Nam Đồng được tiếp tục yên.

(8) Riêng Ủy Ban Binh Vụ thì chưa có người đảm nhiệm. Phải đợi đến kỳ Tổng Bộ thứ 2, do Trần Văn Môn Đội Tầu Bay phụ trách

(9) Một phần tài liệu quan trọng trên, do sự bổ khuyết của cụ Lê Thành Vị.

(10) Năm 1921, các nhà lão thành cách mạng: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hoàng Văn Khải, Nguyễn Đình Kiên, Phúc Đình, v.v… người được ân giảm, hoặc mãn án tù đày trở về cùng các bạn trẻ, đa số là sinh viên, thanh niên trường Cao Đẳng Hà Nội: Nguyễn Văn Phùng, Tôn Quang Phiệt, Lê Xuân Phương, Đặng Thái Mai, Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đắc Lộc, Trần Vỹ, Nguyễn Văn Ngọc, v.v… tổ chức ra “Đảng Phục Việt”, Đảng phát triển mạnh trong 3 tỉnh phía Bắc Trung Việt: Thanh, Nghệ, Tĩnh. 

(11)  Sau vụ liệt sĩ Phạm Hồng Thái liệng trái tạc đạn vào khách sạn Vích-tô-ri-a, ở Sa Điện vào buổi tối 19 tháng 6 năm 1921, thừa cơ hội đồng bào trong nước thức tỉnh, cụ Phan Bội Châu thành lập: “Tâm Tâm Xã” ở Quảng Đông. Trước tác và dịch thuật sách báo cổ võ cách mạng, phái người chuyển về nước cổ động tuyên truyền.

Giữa khi ấy Tôn Trung Sơn áp dụng chính sách “Liên Nga dung Cộng”. Lenine cử Rorodine làm cố vấn chính trị, Le Galen (tức Thống Chế Blucher sau này) làm cố vấn quân sự; Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh sau này) đã được huấn luyện tại Nga Sô làm bí thư cho phái đoàn.

Tháng Chạp năm 1924, phái đoàn Nga sang tới tỉnh Quảng Đông, Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Thụy tìm tới “Tâm Tâm Xã” được gặp cụ Phan Bội Châu và các anh em cách mạng Việt Nam. Lý Thụy đề nghị đổi “Tâm Tâm Xã” ra tổ chức “Liên Đoàn Các Dân Tộc Bị Trị”, gọi là “Á Tiểu Á Bị Áp Bức Nhược Tiểu Dân Tộc Việt Nam Chi Bộ”.

 Năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc đưa về nước, thừa cơ hội ấy, Lý Thụy liền đổi ra “Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” do Lý Thụy làm Tổng Bí Thư, trụ sở Tổng Bộ đặt tại Quảng Châu.

Đến ngày mồng 1 tháng 5 năm 1929, toàn quốc Đại Biểu Đại Hội của VNTNCMĐCH khai hội ở Hương Cảng. Trong số Đại Biểu có Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự và Nguyễn Tuân tức Kim Tôn đưa ra đề nghị hủy bỏ tổ chức VNTNCMĐCH để lập ra “Cộng Sản Đông Dương”. Đề nghị bị bác bỏ, Cung, Tự và Tuân liền bỏ hội nghị trở về nước phát tuyên ngôn, rồi thành lập “Đông Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ).”  

(12) Hy Tống là bí danh của Đông Tùng tức Bồng, một cán bộ của VNTNCMĐCH hiện nay có mặt ở Sài Gòn. Trùng biệt hiệu với Hy Tống Phạm Nguyên Cảnh cán bộ của VNQDĐ. Ngọc Ẩn chính tên là Hoàng Ngọc Ẩn, sang Thái Lan đổi tên Thái là Nai Thông, sau khi về nước (1915) lấy tên là Hoàng Văn Hoan, đại sứ VC tại Bắc Kinh.

(13) Trong chế độ Pháp thuộc, binh lính là người Việt chỉ được đóng lon Trung sĩ trở xuống. Có một thiểu số sĩ quan cao cấp người Việt, đó là những người biệt lệ, thuộc hạng tay sai trung thành của Pháp

(14) Nguyễn Văn Ngọc tự Quang Minh, sinh quán ở tỉnh Thanh Hóa. Là sáng lập viên “Việt Nam Độc Lập Đảng (VNĐLĐ)” (Parti de l’indépendance Annamité). Nguyễn Văn Ngọc đứng tên đại diện cho Đảng ở tờ tuyên cáo trước hội Quốc Liên đòi quyền độc lập tự quyết năm 1926 (Manifeste addresses à la S.D.N. à Genève pour réclamer les droits des peoples à disposer d’eux mème)

(15) Cụ Đặng Đình Điển sinh ngày mồng 10 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1868) tại làng Ô Mễ, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Xuất thân làm Chánh Tổng, rồi được thăng chức Huyện Hào, nên người trong hạt thưởng gọi là cụ Hào Điển. Vụ án Bazin xảy ra, cụ bị Hội Đồng Đề Hình bắt giam, rồi kết án 5 năm tù treo và 5 năm biệt xứ.

Tháng 2 năm 1952, Phạm Văn Bính làm Thủ Hiến Bắc Việt, khẩn khoản mời cụ lên phủ Thủ Hiến hội kiến. Sau khi trở lại quê nhà đêm 23 tháng 12 năm ấy, cán bộ CS đem du kích vào nhà bắt cụ đem giam tại làng Thần Huống thuộc phủ Thái Ninh tỉnh Thái Bình.

Sau một thời gian bị giam cầm, cụ Đặng Đình Điển đã tuyệt thực quyên sinh vào ngày mồng 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ (21.2.1953, hưởng thọ 85 tuổi)

Được tin cụ mất, anh em cách mạng quốc gia, nhân sĩ xiết bao cảm động, thương tiếc vô cùng! Văn Hóa Hiệp Hội Bắc Việt cử Đại Biểu về phân ưu và có câu đối viếng:

 – “Cụ đi đâu, phút chốc bặt tăm hơi, tất dạ thương nòi, đất Bắc mịt mù cơn gió lốc!”

  “Người đã mất, ngàn năm còn khí tiết, tấm lòng yêu nước, trời Nam vằng vặt bóng trăng soi.”

 Nhân sĩ thân hào tỉnh Thái Bình cũng có câu đối viếng:

 – “Non sông gạt lệ tiếc anh hùng, gần trăm tuổi không lùi khí tiết!

  “Trời đất đương còn tung gió bụi, bỗng một chiều nào thấy tăm hơi!”

(16) Cụ Phan Bội Châu tạ thế tại Cố đô Huế vào ngày 29 tháng 9 năm Canh Thìn (29.10.1940).

(17) Chi bộ đặc biệt Sài Gòn gồm có: Trần Huy Liệu (Chi bộ trưởng), Đỗ Xuân Viên, Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Phương Thảo, Võ Công Tồn tức Hội Đồng Tồn, Nguyễn Hiền Lương, Cao Hữu Tạo, Phạm Hoài Xuân và Hà Thuận Hồng.

(18) Theo tài liệu cũ của Louis Marty, giám đốc sở mật thám Đông Dương, thì vào cuối năm 1928, VNQDĐ đã thành lập được 120 Chi bộ và kết nạp được 1.500 đảng viên, trong số có 120 thuộc thành phần quân sự

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt