Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (16)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Ba (1940-1946)/ Chương I: “PHONG TRÀO CHÍNH TRỊ SÔI ĐỘNG”

THIÊN THỨ BA (1940-1946)

CHƯƠNG I:  PHONG TRÀO CHÍNH TRỊ SÔI ĐỘNG 

ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI HỘI NGHỊ

Sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa oanh liệt của VNQDĐ đầu năm 1930, từ Bắc đến Nam liên tiếp có những cuộc dân chúng biểu tình phản kháng chính quyền thực dân, khiến chính quyền phải dùng vũ lực đàn áp, sát hại cả ông già, đàn bà và trẻ con, cùng đốt nhà dân, tù đày hàng ngàn người để giữ vững ngôi thống trị.

Mấy năm kế tiếp, những đệ tử Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế tranh giành nhau ảnh hưởng và tìm đủ mọi cách phá hoại các đảng phái quốc gia đối lập, tạo nên cơ hội thuận tiện cho Thực dân dễ bề đàn áp. Phong trào cách mạng dân tộc trong nước hầu như tê liệt. Mãi đến năm 1936, Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm chính quyền, mới có một luồng không khí mới dễ thở ở các thuộc địa. Các nhóm cách mạng Việt nam thừa cơ hội gây phong trào tổ chức Đông Dương Đại Hội, yêu cầu chính quyền Pháp cải cách chính trị và phóng thích chính trị phạm.

 Để phát động phong trào chính trị một cách sâu rộng trong quảng đại quần chúng Việt Nam, ngày 17 tháng 6 năm 1936, nhân ngày 13 vị liệt sĩ VNQDĐ lên máy chém ở Yên Bái, các nhà ái quốc miền Nam, gồm cả các bạn Đệ Tam, Đệ Tứ Quốc Tế đã tổ chức lễ kỷ niệm rất long trọng, và được dân chúng tham dự rất đông đảo tại Rạp Hát Bội Đại lộ Galliéni (Đại lộ Trần Hưng Đạo bây giờ) Sài Gòn. Chúng tôi còn nhớ có một Đại Biểu phụ nữ lên diễn đàn nói về hoạt động cách mạng của Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang.

Lệnh phóng thích bắt đầu, một số lớn quốc sự phạm Việt Nam được trả tự do; riêng các chiến sĩ VNQDĐ được phóng thích có trên 100 người; nhưng chỉ có một số ít, những người sinh quán ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng là được ở lại hai thành phố ấy, còn đều bị đưa về nguyên quán chịu nốt cái án 5 năm biệt xứ (interdiction de séjour), nói là biệt xứ, nhưng sự thực là quản thúc, không hơn không kém, vì Thực dân ngầm ra lệnh cho chức dịch địa phương phải ngày đêm theo dõi canh chừng, khiến cho những người bị đưa về nguyên quán không còn cách gì hoạt động được.

 Phạm Tuấn Tài (1) về tới quê nhà được ít lâu thì tạ thế. Hồ Văn Mịch cùng hàng trăm đồng chí của anh đã bỏ mình ngoài Côn Đảo. Tóm lại lịch sử cách mạng VNQDĐ ở trong nước bắt đầu im lìm từ đầu năm 1933 đến cuối năm 1936 mới có sự hoạt động trở lại. 

Cuối năm 1936, Nguyễn Thế Nghiệp cũng được phóng thích từ Thượng Hải trở về Hà Nội cùng Nguyễn Ngọc Sơn và một số đồng chí có mặt tại Hà Nội, kết hợp lại bắt đầu hoạt động trong một phạm vi có thể làm được. Cơ quan ngôn luận xuất bản tờ “Tân Báo” do Nguyễn Văn Lộ (2) làm Chủ nhiệm, Nguyễn Thế Nghiệp làm Chủ bút. Tân Báo ra đời được ba tháng, bị chính quyền thực dân ra lệnh đóng cửa. Tiếp theo lại xuất bản tờ báo “Dân” do Nguyễn Đình Đa làm Chủ nhiệm, Nguyễn Văn Chấn Chủ bút, Nguyễn Ngọc Sơn Giám đốc Chính trị (1937-1938). 

ĐẠI VIỆT QUỐC GIA LIÊN MINH 

1939, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.

1940, Quân đội Nhật Bản đổ bộ Đông Dương.

Các đảng cách mạng cũ: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đông Dương Cộng Sản Đảng, Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội ở quốc nội thừa cơ hội bắt đầu hoạt động.

Các đảng cách mạng mới: Đại Việt Quốc Xã Đảng (3), Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính Đảng (4), Đại Việt Duy Dân Đảng (5), Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (tức Mặt Trận Việt Minh gồm ba đảng tham dự: Đông Dương Cộng Sản Đảng, Dân Chủ Đảng và Đảng Xã Hội Việt Nam) cũng tiếp tục ra đời, ráo riết hoạt động. 

Để đề phòng sự chống đối trong khi có mặt quân đội Phù Tang tại Đông Dương, Chính quyền Thực dân Pháp ra lệnh bắt giữ một số đông những chính khách và những nhà cách mạng Việt Nam tập trung tại Sơn La và Vụ Bản (Hòa Bình). Cho mãi đến cuối năm 1942 đầu 1943, Chính quyền Pháp mới lần lần trả tự do cho những phần tử trên. Họ trở về lại bắt đầu hoạt động.

“Việt Nam Quốc Dân Đảng” cũng như “Đại Việt Quốc Dân Đảng” tại quốc nội đều có thành lập chiến khu ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang và Thanh Hóa, không ngoài mục đích làm nơi rèn luyện quân sự cho các thanh niên đảng viên.

“Đông Dương Cộng Sản Đảng” trá hình khoác bộ áo quốc gia, thành lập “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh” (tức Việt Minh) lập chiến khu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Đông Triều, lãnh tụ là ông Nguyễn Ái Quốc. 

Cũng như “VNQDĐ Hải Ngoại Bộ”, “VNĐLĐM” (VM) đều đứng trong tổ chức “Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội” thành lập năm 1942 tại Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa); một tổ chức đứng hẳn về phe Đồng Minh chống lại phe Trục: Đức-Ý-Nhật.

Tại quốc nội, vì tình thế đặc biệt phải đương đầu với cả hai kẻ thù thế lực đều hùng mạnh: Nhật và Pháp. Để làm tấm bình phong che đỡ cho toàn thể đảng viên ở quốc nội, một số cán bộ mà tên tuổi đã quá lộ liễu như Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Hữu Đạt, Ngô Thúc Địch và Nhượng Tống họp nhau ở một căn nhà trước vườn hoa phố Cửa Nam, rồi ra công khai “Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng” ở số 61 phố Trường Thi Hà Nội.

Để thực hiện mục đích một cách hữu hiệu, “Tân VNQDĐ” đứng ra liên minh với các đảng bạn: ĐVQDĐ, ĐVQXĐ và ĐVDCĐ thành lập mặt trận “Đại Việt Quốc Gia Liên Minh” vào đầu năm 1944 với mục đích là “Thân Nhật để hạ Pháp.”

Thành phần Ban Chấp hành Trung ương “Đại Việt Quốc Gia Liên Minh” gồm có: Nguyễn Xuân Tiếu, Nguyễn Tường Long, Trương Tử Anh, Ngô Thúc Địch, Bùi Như Uyên, Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Xuân Dương tức Lạc Long, Nguyễn Xuân Tiếu được cử làm chủ tịch.

===================

Chú Thích:

(1) Phạm Tuấn Tài sinh quán tại làng Phù Cừ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vì hoạt động quá sức, vốn người lại yếu, nên anh mắc chứng lao phổi. Bị đầy ra Côn Đảo, vì chế độ lao tù quá cực khổ, khiến bệnh anh mỗi ngày mỗi trầm trọng.

Năm 1934, thời kỳ bệnh phát nặng, bị đưa ra bệnh viện cùi. Các đồng chí phải kiếm tre, lá dựng cho anh một cái lều riêng để ở, và hàng ngày lo liệu tiếp tế thực phẩm cho anh.

Mặc dầu bị trùng lao tàn phá, buồng phổi mỗi ngày một trầm trọng, tinh thần Phạm Tuấn Tài vẫn mạnh mẽ, anh bí mật ra một tờ báo phát hành trong nhà tù, cổ động anh em giữ vững tinh thần cách mạng mệnh danh là báo “Tiếng Gọi.”

 Đến thời kỳ bệnh tình suy nhược, Phạm Tuấn Tài đổi tờ báo “Tiếng Gọi” ra báo “Tiếng Rên.” Qua thời kỳ bệnh tình trầm trọng, họ Phạm đổi là báo “Tiếng Gào.”

 Phạm Tuấn Tài tạ thế tại nguyên quán, được giới cách mạng, trí thức và sinh viên học sinh tỉnh Nam Định tổ chức lễ truy điệu rất long trọng. 

(2) Nguyễn Văn Lộ là một đảng viên VNQDĐ ngay từ ngày Đảng mới thành lập, nguyên quán tại tỉnh Thái Bình.  Sau ngày VC cướp được chính quyền, Nguyễn Văn Lộ cùng người con trai của ông bị VC bắt đem chôn sống ở bãi Đồng Châu thuộc tỉnh Thái Bình. 

(3) “Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng” viết tắt là “Đảng Đại Việt Quốc Xã” do Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha sáng lập từ năm 1936, lấy chủ nghĩa “Duy Trung Tâm Vật,” luật tắc là “Hỗ Tương” khác với “Duy Vật Mâu Thuẫn, Duy Tâm Vật Định Mệnh.”

(4) Để đón tiếp luồng gió mới, lợi dụng người Nhật để có cơ hội giải phóng cho đất nước Việt Nam. Năm 1940 nhóm Tư Lực Văn Đoàn do Nguyễn Tường Tam lãnh đạo cùng một số đồng chí của ông thành lập “Đại Việt Dân Chính Đảng.” Nguyễn Tường Long được cử làm Tổng Thư ký.

(5) “Đại Việt Duy Dân Đảng” do Nguyễn Hữu Thanh, một đoàn viên trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn”; sau gia nhập “VNPQĐMH” là chính trị viên, đi sát với Hoàng Lương lánh sang Trung Hoa vào cuối năm 1940, nghĩa là sau ngày “Phục Quốc Quân” bị thất bại ở Lạng Sơn, lấy bí danh là “Ngọc Thỏ”.  Vào khoảng cuối năm 1941 đầu 1942, sáng lập ra “Đại Việt Duy Dân Đảng” ở Trung Hoa, đổi tên là Lý Đông A.

Cuối năm 1944 trở về nước, tuyên truyền vào giới sinh viên đại học như Lê Quang Luật, Nghiêm Xuân Hồng.

1946, “ĐVDDĐ” mưu cuộc đảo chính, bị Việt Cộng bắt, một số lãnh đạo bị sát hại ở Hòa Bình (Bắc Việt).

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt