Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (15)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Hai (1930-1940) / Chương III: “CỦNG CỐ NỘI BỘ PHÁT TRIỂN NGOẠI GIAO

THIÊN THỨ HAI (1930-1940)

CHƯƠNG III:  CỦNG CỐ NỘI BỘ PHÁT TRIỂN NGOẠI GIAO

Nhận thấy tình hình nội bộ của VNCMĐMH ngày thêm rối loạn. Vũ Hồng Khanh cùng Nghiêm Kế Tổ rút lui về Côn Minh, củng cố và phát triển đoàn thể VNQDĐ rồi cùng nhau đi Trùng Khánh để giải quyết mọi vấn đề khẩn yếu. Hai người lưu lại ở Trùng Khánh hơn một tháng, rồi trở lại Côn Minh khai hội, thảo ra một kế hoạch, tựu chung có hai điểm chính yếu:

 1. Đưa điện đài thu, phát thanh về đặt ở 3 phần tại quốc nội.

 2. Cử phái viên về mời một phái đoàn trong nước sang Côn Minh để thương nghị đại kế. 

Lê Khang (Bí danh Lê Ninh) một nhà hùng biện Việt Quốc năm 1945-1946 người dân có câu: “Việt Quốc Lê Ninh – Việt Minh Trần Văn Giàu” là hai nhà hùng biện lúc bấy giờ

Kế hoạch đã được hội nghị thông qua. Vũ Hồng Khanh đi Đông Hưng để thi hành kế sách. Lê Khang được cử bí mật về quốc nội để mời một phái đoàn. Vũ Quang Phẩm chịu trách nhiệm chuẩn bị cán bộ để cùng Nghiêm Kế Tổ đưa điện đài từ Trùng Khánh đến Đông Hưng để di chuyển về quốc nội; còn cách tổ chức yểm hộ và đặt cơ sở thì đã có một bức thư riêng trao cho Lê Khang thi hành. Làm xong nhiệm vụ ở Đông Hưng, Vũ Hồng Khanh trở về đảm nhiệm trọng trách ở Côn Minh. Nghiêm Kế Tổ đưa điện đài đến Đông Hưng được độ nửa tháng, còn đương thu xếp máy móc và lựa chọn phái viên gửi về nước, thì đột nhiên Đốc Sát Sứ Đông Hưng, một cơ quan thuộc Đệ Tứ Chiến Khu Trung Hoa ra lệnh bắt giam, vu cáo cho họ Nghiêm là đã liên lạc với người Anh làm trở ngại vấn đề nhập Việt của quân đội Trung Hoa.

Tóm lại, tất cả sự kiện trên xảy ra đều do Tiêu Văn chủ mưu để phá hoại VNQDĐ vì Vũ Hồng Khanh cùng Nghiêm Kế Tổ đã vạch trần bộ mặt thực và phản đối kịch liệt Tiêu Văn trong những ngày tổ chức VNCMĐMH ở Liễu Châu, rồi bỏ ra về Côn Minh hồi mấy tháng trước. Để trả thù, Tiêu Văn còn gửi báo cáo mật về Trùng Khánh, vu cáo Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, kẻ thì làm gián điệp cho Nhật, người thì làm gián điệp cho Anh. Yêu cầu cho phép nhà đương cuộc Vân Nam bắt Vũ Hồng Khanh trao lại cho Đệ Tứ Chiến Khu xét xử.

Giam giữ ở Đông Hưng ít ngày, Nghiêm Kế Tổ bị giải về giam ở ngục thất Liễu Châu. Tiêu Văn ra lệnh xiềng xích rất tàn nhẫn và định thủ tiêu luôn. Cách ít ngày sau, Vũ Quang Phẩm cũng bị bắt ở Đông Hưng giải về cùng giam ở Liễu Châu.

Nhờ có sự can thiệp của các đồng chí ở ngoài, Trung ương Đảng bộ TQQDĐ cũng cứu xét, được biết rõ âm mưu của Tiêu Văn và bè lũ là muốn thừa cơ giặc giã mà vu khống để ám hại; liền đánh điện tín bắt buộc phải phóng thích ngay Nghiêm Kế Tổ và Vũ Quang Phẩm.

Cuối năm 1944, nhận thấy tình hình quốc tế sắp có biến chuyển mạnh, Đảng bộ ở Côn Minh đặc phái một số cán bộ thanh niên đã được huấn luyện chia thành từng tổ, đi hoạt động tại các biên khu, và một số bí mật trở về và hoạt động ngay tại quốc nội. Công cuộc lo liệu thủ tục giấy tờ cho các đồng chí do Nghiêm Kế Tổ phụ trách tại Trùng Khánh.

Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, được tin quân đội Nhật Bản đảo chính Pháp tại Đông Dương. Trước sự biến chuyển quan trọng ấy, Ủy ban Chấp hành Hải ngoại bộ liền thảo một bản tuyên ngôn đối với thời cuộc và một ý kiến thư gửi đến các Lãnh Sự trên lãnh thổ Trung Hoa.

HẢI NGOẠI BỘ VNQDĐ PHÁT TRIỂN LIÊN LẠC VỚI CÁC ĐẢNG CÁCH MẠNG TRONG NƯỚC

Trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, có một số đảng phái xuất hiện trong nước. Ngoài Bắc có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Xã, Đại Việt Dân Chính, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh). Trong Nam, những Tôn giáo có tính cách chính trị được thành lập như Cao Đài, Hòa Hảo.

Thời gian ấy Chu Bá Phượng làm cho Công ty hỏa xa Vân Nam, là một cán bộ của VNQDĐ Hải ngoại bộ, có dịp thường đi lại trên đường Hà Nội – Côn Minh, và làm liên lạc cho cách mạng ngoài và trong nước. Trong sự liên lạc có “Đại Việt Quốc Dân Đảng”. Đảng này thành lập vào khoảng mùa đông năm 1939, do Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Sĩ Dinh, và mấy cán bộ của VNQDĐ là Nguyễn Văn Viễn, Giáo Lai, Đặng Xuân Tiếp tức Đội Tiếp… Chủ trương và đường lối của Đảng này là chống thực dân Pháp và Cộng Sản, giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh dưới một chế độ Cộng Hòa.

Tuy có sự liên lạc với VNQDĐ, song sự hợp tác chưa có gì! Vào khoảng đầu năm 1943, sự liên lạc giữa những người cách mạng Việt Nam trong và ngoài nước được tăng cường rất nhiều. Vì thế ĐVQDĐ cũng bí mật cử một đồng chí là Võ Văn Hải vượt biên giới sang Trung Hoa.

Vì tình hình thế giới và tình hình chính trị Việt Nam lúc bấy giờ, ĐVQDĐ vẫn giữ lập trường gần như không ngả về phe nào “Trục hoặc Đồng Minh”! Tuy có cảm tình với phe Đồng Minh hơn và vẫn hết sức chống Cộng Sản và thực dân Pháp. Tóm lại ĐVQDĐ thân thiện với những đảng thân Nhật để hạ Pháp.

Nhận thấy VNQDĐ Hải ngoại bộ lúc bấy giờ vì địa vị của Pháp đã sút kém trên trường Quốc Tế, đứng dưới cả Trung Hoa, đã có một thế đứng tại Côn Minh, và sự hoạt động cũng hữu hiệu hơn. Tuy nhiên ngoại quốc vẫn hướng về quốc nội; cho nên sự có mặt của một phái đoàn gồm những người cách mạng ở trong nước ra rất là quan trọng, và gây thêm tín nhiệm cho họ. Cho nên VNQDĐ Hải ngoại bộ đã báo tin này về nước, và ĐVQDĐ lúc bấy giờ đã chuẩn bị một phái đoàn ngoại giao đợi dịp xuất ngoại.

PHÁI ĐOÀN QUỐC NỘI SANG TRUNG HOA 

Ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, vì thái độ của Nhật Bản đã khiến cho ĐVQDĐ có một thái độ dứt khoát về chính sách ngoại giao, cho nên luôn luôn liên lạc mật thiết với VNQDĐ Hải ngoại bộ.

Vào khoảng cuối tháng 3.1945, Võ Nguyên Hải bí mật vượt biên giới về nước báo cáo về VNQDĐ Hải ngoại bộ. Đồng thời Lê Ninh tức Lê Khang, một cán bộ cao cấp và rất nhiệt thành ưu tú ở Hải ngoại cũng về nước với mục đích hướng dẫn phái đoàn, những người cách mạng ở trong nước ra ngoài.

Ngày 12.4.1945, Nguyễn Tiến Hỷ cầm đầu phái đoàn, gồm có: Nguyễn Sơn Hải, Nguyễn Định Quốc, Nguyễn Sĩ Dinh, Phạm Khải Hoàn, Phan Bá Trọng, Đặng Vũ Trứ bí mật vượt biên giới Lao Kai, Hồ Kiều sang Côn Minh.  Cùng đi theo với Phái đoàn có một số cán bộ ĐVDCĐ và một số của VNQDĐ. Mục đích họ sang Trung Hoa là để theo những lớp huấn luyện về quân sự.

Cũng lúc này một phái đoàn của “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” tức là Việt Minh cũng sang Trung Hoa.  Họ đi đường Quảng Tây, đến Bát Sát thì bị các nhà chức trách địa phương Trung Hoa mời ở lại đó không cho lên Trùng Khánh, không tiếp đón thảo luận gì cả, vì họ bị nghi là Cộng Sản.  

Đầu tháng 5.1945, tiếp được điện tín của Lê Khang từ Hà Khẩu (địa đầu Trung Hoa) báo tin Đại Biểu đoàn từ trong nước ra đã tới địa đầu Trung Hoa, nhưng không có giấy thông hành, nên không đi được! Hải ngoại bộ vội vàng yêu cầu Trung ương Đảng bộ TQQDĐ can thiệp, để Đại Biểu đoàn được tới Côn Minh một cách nhanh chóng. Năm ngày sau, Đại Biểu đoàn tới nơi.

VNQDĐ Hải ngoại bộ liền thông tri cho Bí thư trưởng trung ương TQQDĐ là Ngô Thiết Thành biết. Đồng thời khai hội cắt đặt một số nhân viên để hợp với Đại Biểu đoàn từ trong nước tới để lên Trùng Khánh, thủ phủ của Trung Hoa Dân Quốc. Những nhân viên được đề cử là: Vũ Hông Khanh, Nguyễn Tường Tam, Lê Khang, Nghiêm Kế Tổ, còn Vũ Quang Phẩm được toàn thể cử ở lại Côn Minh xử lý thường vụ.

Tới Trùng Khánh, sau khi gặp Bí thư trưởng Ngô Thiết Thành, Phái đoàn được mời đi khảo sát các cơ quan giáo dục, văn hóa, công xưởng, y viện, các trường đại học, trường chuyên môn, xưởng in giấy bạc…  Tiếp tục Phái đoàn bắt đầu hội kiến với Trung ương Đảng bộ TQQDĐ và các cơ quan quân sự.

Tưởng Thống Chế Chủ tịch gửi thiệp mời Phái đoàn vào Dinh hội kiến, do Đại Biểu Trung ương TQQDĐ hướng dẫn. Phan Trâm (Nguyễn Tiến Hỷ) nhân danh Đoàn trưởng đứng lên đáp từ một cách nhã nhặn lịch sự.

Phái đoàn được nhà lãnh đạo tối cao Trung Hoa nhận giúp đỡ về phương diện quân sự. Trung Hoa hứa trang bị lần thứ nhất cho một Tiểu đoàn “Quốc Dân Đảng” Việt Nam; và từ đó cứ 3 tháng một lại trang bị cho một Tiểu đoàn khác. Đồng thời Chính phủ Trung Hoa sẽ giới thiệu Cách mạng Việt Nam với những bạn Đồng Minh về phương diện ngoại giao. Chính phủ Trung Hoa hứa sẽ giới thiệu Phái đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị San Francisco vào cuối năm 1945 để thành lập LHQ nếu Việt Nam có thể gửi sang kịp lúc bấy giờ một phái đoàn để đi sang Mỹ quốc.

Sư liên lạc ngoại giao quan trọng ấy đến nỗi Đại sứ Pháp tại Trùng Khánh lúc bấy giờ đã có lúc phải phản kháng với Chính phủ Trùng Khánh.

THỐNG NHẤT “ĐẠI VIỆT QUỐC DÂN ĐẢNG”, “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG” VÀ “ĐẠI VIỆT DÂN CHÍNH ĐẢNG” LẦN THỨ NHẤT.

 Phái đoàn ĐVQDĐ sang Trung Hoa lúc bấy giờ còn có một nhiệm vụ đối nội rất quan trọng, đó là vấn đề thống nhất một cách chính thức 3 đoàn thể: ĐVQDĐ – VNQDĐ – ĐVDCĐ. Bởi tuy vẫn có sự hoạt động chung ở trong nước cũng như ở ngoài nước; song chưa có một điều lệ chính thức nào, nên phái đoàn cần phải làm công tác ấy.

Thật ra thì vấn đề thống nhất ai cũng muốn cả, cho nên đến khi thảo luận không có gì là khó khăn!

Lần đầu tiên Nguyễn Tiếp Hỷ gặp Nguyễn Tường Tam ở ga Khai Viễn, hai bên đã đồng ý cố kết với nhau, và Nguyễn Tường Tam hứa là không bao giờ dùng đến tên ĐVDC nữa!

Lần thứ hai, Nguyễn Tiến Hỷ họp với Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Quang Phẩm, Nguyễn Tường Tam; thì cả 3 phe đều đồng ý thống nhất về nguyên tắc như sau: “Ở hải ngoại thì lấy tên là VNQDĐ vì ngoại quốc biết nhiều hơn! Trái lại, ở trong nước thì lấy tên là ĐVQDĐ. Các điều khác sẽ bàn sau”.

Một hội nghị thứ ba, họp ở Trùng Khánh có đủ mặt các người nói trên, thêm Nguyễn Sĩ Dinh và Phạm Khải Hoàn. Hội nghị quyết định thống nhất tên Đảng theo như trên. Về cờ Đảng, Nguyễn Tiến Hỷ trình bày lá cờ “Sao Trắng”, hội nghị chấp nhận. Đồng thời dùng ngay lại Trung Hoa lần thứ nhất vào khoảng tháng 6 năm ấy. Về Đảng ca, nghĩ sáng tác sau này.

Ngày cuối cùng, nhân danh TQQDĐ Trung ương Đảng bộ mời Đại Biểu đoàn dự một dạ yến, gồm có các vị Bộ trưởng và đại diện các cơ quan trọng yếu. Bí Thư trưởng Ngô Thiết Thành đứng lên diễn thuyết nói về lịch sử hai dân tộc và sự tương quan giữa hai đảng cách mạng anh em. Nguyễn Tiến Hỷ trịnh trọng đáp từ; ngỏ ý trông mong vào sự giúp đở của Trung Hoa, để sớm hoàn thành nhiệm vụ phục quốc và tăng uy thế cho hai đảng cách mạng anh em.

Qua ngày hôm sau, lại có một cuộc hội nghị giữa Đại Biểu đoàn “Quốc Dân Đảng” và Trung ương Đảng bộ TQQDĐ do Ngô Bí thư chủ tọa.

Nhận thấy tình hình thế giới biến chuyển ngày càng mau lẹ, nên sau khi làm xong nhiệm vụ, Đại Biểu đoàn liền cáo biệt trở lại Côn Minh.

Về Côn Minh, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Tường Tam chịu trách nhiệm hoạt động ngoại giao ở Hải ngoại. Hải ngoại bộ được giao cho Vũ Quang Phẩm, một cán bộ ưu tú rất đắc lực tổ chức lại, và chỉ huy dưới sự kiểm soát của ba ông trên. Nguyễn Sĩ Dinh được cử ở lại Hải ngoại để tăng cường về phương diện kinh tế cho Đảng.

Nguyễn Tiến Hỷ, Phạm Khải Hoàn… lần lượt bí mật trở về công tác trong nước, và lo tổ chức một phái đoàn khác có tính cách ngoại giao hơn để đưa sang Mỹ. (1)

==========================

Ghi Chú:

(1) Tài liệu này do sự tham khảo cùng Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ tức Phan Trâm.

[Bấm vào đọc chương trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt