Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (14)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Hai (1930-1940) / Chương II: “VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI (VNCMĐMH)”

THIÊN THỨ HAI (1930-1940)

CHƯƠNG II:  VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI (VNCMĐMH)

Năm 1940, cuộc chiến tranh Trung-Nhật bước vào giai đoạn gay go kịch liệt. Ngày 23 tháng 9, quân đội Nhật Bản từ lãnh thổ Trung Hoa tiến vào Lạng Sơn, một tỉnh địa đầu của quốc gia Việt Nam.

 Một tổ chức cách mạng quốc gia Việt Nam là “Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội” do lãnh tụ Trần Phúc An, Trần Trung Lập, Hoàng Lương và Đoàn Kiểm Điểm (1) lãnh đạo, đảng viên gồm đủ thành phần: sĩ, nông, công, thương, binh hàng ngàn người, lợi dụng tình thế vào chiếm đóng tỉnh thành Lạng Sơn, được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng.

Trần Phúc An chịu trách nhiệm phát động phong trào cách mạng giành độc lập từ Hà Nội vào tới miền Nam Việt Nam. Để che mắt Pháp quân, Trần Phúc An đeo lon cấp tướng quân đội Nhật Bản.

 Trần Trung Lập với sứ mạng Tổng chỉ huy mặt trận Cao Bắc Lạng với chiến thuật du kích chiến trường kỳ chống cả Pháp lẫn Nhật.

 Hoàng Lương với nhiệm vụ đặc phái viên chính trị.

Sau ngày Pháp đầu hàng Nhật Bản, quân đội Thiên Hoàng rút khỏi Lạng Sơn. Kịch chiến với Pháp quân suốt ba ngày ròng rã, vì kém khí giới, VNPQĐMH phải rút lui ra bưng biền kháng chiến.

Sau thời gian vài tháng chiến đấu chống Pháp, Trần Trung Lập, Đoàn Kiểm Điểm, Vũ Chương cùng hàng trăm đồng chí bị Pháp bắt rồi sát hại tại thành Lạng Sơn. Còn Trần Phúc An cùng quân đội Nhật Bản rút khỏi Lạng Sơn về Hà Nội bị Nguyễn Tường Tam ra lệnh giết chết.

Hoàng Lương và Nguyễn Văn Phi lãnh đạo hơn ngàn đảng viên nam, nữ vượt biên giới sang Trung Hoa. Thừa cơ hội của kẻ bại trận lưu vong, Pháp tố cáo với nhà đương cuộc Trung Hoa là một bọn thổ phỉ Việt Nam; còn Việt Cộng thì tuyên truyền là thân Nhật, là gián điệp của Nhật Bản.

Vì các lẽ trên, Phục Quốc Quân (PQQ) phải nằm ở biên giới đến 6, 7 tháng trời để chờ cuộc điều tra của nhà cầm quyền Trung Hoa. Không làm cách gì hơn được, Hoàng Lương phải viết một bài tỏ bày hết sự thực gửi đăng trên các báo chí Trung Hoa; một mặt viết bức tâm thư gửi lên trình bày cùng Thống chế Tưởng Giới Thạch. Thống chế họ Tưởng liền phái mật vụ đến mở cuộc điều tra tại chỗ. Kết quả được công nhận VNPQĐMH là một tổ chức cách mạng Việt Nam. Tưởng Thống chế ra lệnh cho Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ Tứ Chiến Khu, phải tập hợp ngay các đảng phái cách mạng Việt Nam lưu vong thành một tổ chức duy nhất trên lãnh thổ Trung Hoa để Chính phủ bảo trợ; chứ không thể viện trợ hoặc ủng hộ cho riêng một cá nhân hoặc một đoàn thể nào! Sự thực là để nhà cầm quyền Trung Hoa dễ bề kiểm soát trong khi Trung Hoa bị Nhật Bản xâm lăng.

Tư lệnh Trương Phát Khuê cho mời Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trương Trung Phụng, Trần Báo ủy thác nhiệm vụ soạn thảo chương trình thành lập tổ chức này. Ngoài ra còn có Hoàng Lương, Lý Quang Hoa… phụ trách việc tuyên truyền cổ động.

 Nhưng vì nội bộ bất hòa, xô xát lẫn nhau, rồi tan vỡ, mỗi người đi mỗi nơi.

 Thấy tình trạng lâm vào cảnh bế tắc, Chính phủ Trùng Khánh gửi điện văn sang Vân Nam mời Đại Biểu VNQDĐ sang phối hợp.

Đảng bộ VNQDĐ tại Côn Minh khai hội, quyết định cử một phái đoàn gồm có Vũ Hồng Khanh, Lê Khang, Tân Phấn Dũng, Đặng Lộc, Nguyễn Chí Minh, Phạm Huy Kỳ, Vũ Bằng Rực, Nguyễn Duy Quang, Nghiêm Kế Tổ.  Phái đoàn được chia làm hai toán tiến đến Liễu Châu (là một huyện trong tỉnh Quảng Tây).

 Sau cuộc diễn thuyết của Đại Biểu VNQDĐ, do Đệ Tứ Chiến Khu tổ chức, Trung tướng Lương Hoa Thịnh rất tán thành, mời VNQDĐ phụ trách thảo luận với các nhóm, đảng cách mạng Việt Nam để tổ chức thành một cơ cấu thống nhất cách mạng Việt Nam.

Suốt trong nửa tháng trời, Đại Biểu VNQDĐ thảo luận với các đoàn thể bạn, đồng quyết nghị thành lập một tổ chức lấy danh hiệu là “VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI”. Nhưng chưa chính thức, bị cản trở bởi vấn đề nhân sự, các nhóm tranh chấp lẫn nhau, đôi khi còn xô xát kịch liệt. Có một số người lại dựa vào thế lực Đệ Tứ Chiến Khu gây nên chuyện đổ vỡ vô cùng phức tạp. Phái đoàn VNQDĐ phải phái Đại Biểu lên Trùng Khánh, yêu cầu Quân sự Ủy viên hội ra lệnh đình chỉ ngay sự can thiệp vô lý của Đệ Tứ Chiến Khu do Trung Tướng Lương Hoa Thịnh đại diện Thống chế Tưởng Giới Thạch trong công cuộc chỉ đạo đoàn thể cách mạng Việt Nam. Vì thế Đệ Tứ Chiến Khu có sự bất bình với VNQDĐ về sau này.

Đến ngày mồng 10 tháng 10 năm 1942, hội nghị mới khai mạc được, tổ chức “VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI” được chính thức thành lập. Trụ sở đặt tại số 15 Ngữ Phong Cái, Liễu Châu; với thành phần Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương như sau:

 A. VÔ ĐẢNG PHÁI, 4 Đại Biểu: Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Trần Báo, Trương Trung Phụng.

 B. VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG, 2 Đại Biểu: Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ.

 C. VIỆT NAM PHỤC QUỐC ĐỒNG MINH HỘI, 4 Đại Biểu: Bồ Xuân Luật, Nguyễn Văn Phúc, Lê Duy Thịnh, Trần Đình Xuyên.

 D. VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI (VM), 1 Đại Biểu: Hồ Đức Thành.

 Hậu Bổ ủy viên: Lê Tùng Sơn, Nông Kính Dần…

 Nhân viên công tác trạm: Đặng Văn Ý, Vũ Kim Thành, Nguyễn Văn Giảng, Lê Khang, Nghiêm Xuân Quảng, Nguyễn Văn Huân, Lương Khâm Thành…

Với thành phần trên, VNCMĐMH tổ chức thành hai ngành hoạt động:

A. Trung ương Chấp hành Ủy viên hội: Trương Bội Công Biện Công Thính Chủ nhiệm…

B. Trung ương Chấp hành Giám sát Ủy viên hội: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ…

 Cụ Nguyễn Hải Thần không đồng ý cử Trương Bội Công làm Chủ nhiệm, nên tỏ ý phản đối, bỏ đi ra Khúc Giang.

Mặc dầu có sự xích mích ấy, Ban Chấp hành vẫn tiếp tục hoạt động, phân công nhau đi công tác các nơi: Tư lệnh Trương Phát Khuê cử Vũ Hồng Khanh đi Côn Minh lập Chi hội VNCMĐMH, Trần Báo đi Tĩnh Tây; Nghiêm Kế Tổ, Lê Khang, Nghiêm Xuân Quảng cùng đi Đông Hưng tổ chức công tác trạm; Nguyễn Văn Huân, Lương Khâm Thành phụ trách công tác trạm ở Trình Tây để liên lạc và thu lượm tin tức quốc nội.

 Một ngàn thanh niên chia làm 4 đại đội, trong số có một Trung đội phụ nữ được thu dụng vào học trường Võ Bị Hoàng Phố, khóa 41-44.

 Trương Bội Công giữ nhiệm vụ thường trực hội quán. Hội hoạt động được khoảng nửa năm, rồi bởi Trương Bội Công vốn là quân nhân, tính thẳng nhưng nóng nảy, khiến anh em thanh niên cho là độc tài, nổi lên phong trào phản kháng, cấm hẳn họ Trương không cho hoạt động gì nữa!

 Trương Trung Phụng, Nông Kính Dần cũng đều bất lực, chẳng còn biết dàn xếp cách nào, đành để cho Tổng Bộ lâm vào cảnh vô chủ. Cách ít lâu, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trần Báo tiếp tục trở về Liễu Châu cùng nhau tổ chức lại VNCMĐMH, Nguyễn Hải Thần được cử làm Chủ nhiệm thay thế Trương Bội Công. (2)

Trong khi ấy có tin Nguyễn Tường Tam bị nhà chức trách địa phương Trung Hoa bắt giam ở hang đá Liễu Châu.

Nguyên từ sau ngày quân đội Nhật Bản tiến vào Việt Nam, ĐVDCĐ bị Pháp khám phá và đàn áp, anh em ông Nguyễn Tường Tam trốn thoát sang Trung Hoa vào cuối năm 1942. Sang Trung Hoa, ông Tam đổi tên là Nguyễn Tường Dũng, gặp giữa lúc Trương Bội Công bị thanh niên đảng viên đả đảo. Nhà chức trách địa phương Trung Hoa tình nghi Nguyễn Tường Dũng là gián điệp của Nhật Bản được phái từ Quảng Châu tới, để phá hoại tổ chức VNCMĐMH. 

Vũ Hồng Khanh cùng Nghiêm Kế Tổ xin phép Trương Phát Khuê được phép vào hang đá thăm Nguyễn Tường Tam. Tư lệnh Trương Phát Khuê cho biết còn có một người cách mạng Việt Nam nữa cũng bị bắt giam, khai tên là Hồ Chí Minh. Hai họ Vũ, Nghiêm xin vào thăm luôn, nhưng với cái tên Hồ Chí Minh mới lạ quá, trong giới cách mạng Việt Nam lưu vong, chưa hề thấy ai nói đến cái tên ấy cả. Tình nghi là Nguyễn Ái Quốc, thì lại mới đây có tin từ quốc nội đưa sang, nói là Nguyễn Ái Quốc đã chết ở nơi biên khu rồi! Đến lượt cụ Nguyễn Hải Thần được mời vào nhận diện, vì cụ đã gặp mặt Nguyễn Ái Quốc một vài lần thật, nhưng nay vì tuổi già mắt đau nặng, nên cụ cũng không thể nhận ra là ai? Nhưng dầu sao thì cũng là người cách mạng Việt Nam, nên sau khi trở về Hội quán, hai họ Vũ, Nghiêm cũng đề nghị với Ban Chấp hành VNCMĐMH đứng ra can thiệp xin trả tự do cho Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh.

Sau ít ngày, Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh, kẻ trước người sau đều được trả tự do về ở hội quán VNCMĐMH. Nguyễn Tường Tam, Hồ Chí Minh, Đặng Nguyên Hùng được đặt vào hàng “Hậu Bổ Ủy Viên” trong tổ chức VNCMĐMH. Tóm lại, từ cụ già Nguyễn Hải Thần đến các nhân viên trong tổ chức (trừ Hồ Đức Thành) không một người nào biết rõ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc cả. Chính Tư lệnh Trương Phát Khuê, một viên kiện tướng chống cộng một cách triệt để, phái mấy người Tàu thường xuyên vào hội quán thăm Hồ Chí Minh để dò xét tông tích, nhưng cũng chẳng biết gì hơn! Hồ Chí Minh đứng vào thành phần vô đảng phái, kê ghế bố nằm khèo ở góc phòng, đôi người bạn đồng hương đến thăm hỏi, ông trả lời hết sức khéo léo, không hề làm mất lòng ai, ông đóng vai trò hết sức lơ đãng và kiên nhẫn đợi thời cơ.

Thời cuộc biến chuyển mau lẹ, cuối năm 1943, VNCMĐMH phát động phong trào tuyên truyền cổ động cho tổ chức vào nội địa Việt Nam; đồng thời thiết lập thêm trạm giao thông liên lạc ở biên khu để thu lượm tin tức và tuyên truyền VNCMĐMH vào quốc nội.

Trước hội nghị, mọi yếu nhân các đảng phái quốc gia đều làm lơ, không biết lợi dụng cơ hội đó để mà phát triển cơ sở, lợi dụng thế Đồng Minh lãnh trách nhiệm, phái cán bộ về nội địa phối hợp với các đồng chí để hoạt động, mà mọi người đương mong đợi từ lâu.

Trước hội nghị, duy có ông Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong. Ông Hồ liền được cấp đầy đủ giấy tờ và công tác phí là 20 vạn Quốc tệ với 20 thanh niên cán bộ, do ông Hồ tự ý lựa chọn những phần tử để điều khiển, mà hầu hết là đảng viên VNPQĐMH.

Trước khi xuất phát, ông Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ đều phải làm lễ phát thệ dưới lá cờ VNCMĐMH.  Nguyện trung thành với VNCMĐMH rồi dự một bữa tiệc linh đình trước khi lên đường ra biên khu.

Sau khi Hồ Chí Minh trở ra biên khu, Nguyễn Tường Tam cũng rời bỏ Liễu Châu trở lên Côn Minh liên kết với Hải ngoại bộ VNQDĐ.

Sư tử được thả về rừng, có tiền thêm cán bộ và lại nhiều khí giới, lại đứng vào thế cờ Đồng Minh, được Hoa Kỳ nhiệt liệt ủng hộ. Ông Hồ về lập chiến khu ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, khoác bộ áo lãnh tụ VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI (VNĐLĐMH) tức là Việt Minh, chà đạp lại tổ chức VNCMĐMH. Phát động tuyên truyền cho VNĐLĐMH, thu hút quần chúng, những người dân Việt đã quá đau khổ và đã quá chán ngán cả Pháp lẫn Nhật và Triều Đình Huế, đã chạy theo Việt Minh, một đảng trá hình Quốc Gia.

Đến năm 1945, khi Việt Minh cướp được chính quyền, nhân tài số 1 của Hoa Kỳ là John Deway bị giết lầm tại Sài Gòn. Chính phủ VM tại Hà Nội cử phái đoàn đến phân ưu, thì Hoa Kỳ giả lờ chối phắt là họ không có ai tên ấy tại Sài Gòn cả.

Thời gian sau, biết rõ chủ tịch Hồ Chí Minh chính thực là Nguyễn Ái Quốc, Hoa Kỳ lại phái Harolld Issaac là người có ơn riêng đối với Nguyễn Ái Quốc đến Hà Nội để thuyết phục cho Hồ Chí Minh đừng có “sắp hàng” theo Nga, và Hoa Kỳ sẽ chấp nhận việc Cộng Sản Việt Nam tổ chức một “CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA DÂN TỘC”.

Tuy việc không thành, nhưng Hoa Kỳ chưa nản lòng. Đến năm 1949, hãy còn đặc phái William Bullitt qua Hà Nội, hầu kéo kháng chiến về phía tự do. Nhưng vì Mao Trạch Đông đã nắm trọn Hoa Lục, khiến cho Việt Minh Cộng Sản phải chạy theo luôn. Và từ đấy, Hoa Kỳ bắt đầu tham gia vào công cuộc chống Cộng tại Việt Nam cho đến bây giờ, qua các triều đại Pháp, Ngô Đình Diệm đến Đệ Nhị Cộng Hòa.

=========================

Chú Thích:

(1) Trần Phúc An tự Trần Hy Thánh, nguyên quán tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (Nam Việt). Xuất dương từ thời Đông Du, gia nhập quân đội Nhật Bản làm đến cấp Tướng.

 Trần Trung Lập nguyên quán tỉnh Bắc Giang.

 Đoàn Kiểm Điểm nguyên quán tại tỉnh Lạng Sơn, là cựu sinh viên trường Hoàng Phố.

 Hoàng Lương chính tên là Đỗ Văn Tuân, nguyên quán tại tỉnh Vĩnh Yên. 

(2) Thành phố Liễu Châu bị phi cơ Nhật Bản đến oanh tạc dữ dội, trụ sở VNCMĐMH bắt buộc phải di chuyển đến các địa phương an toàn khác. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Trương Bội Công trên đường trở lại Côn Minh (Vân Nam) bị Việt Cộng giết chết.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài kế tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt