Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (12)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Hai (1930-1940) / Chương I: “HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG LƯU VONG” (phần 1)
THIÊN THỨ HAI (1930-1940)
CHƯƠNG 1: HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG LƯU VONG (phần 1)
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG “VÂN NAM ĐỆ NHẤT ĐẠO BỘ”
Từ năm 1929 đến năm 1932, số đảng viên VNQDĐ bị thực dân chém giết và tù đầy tới ngót một ngàn người. Sự hoạt động cách mạng ở quốc nội hầu như tê liệt. Nhưng có một đảng viên nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương trốn sang lãnh thổ Trung Hoa, bắt đầu tổ chức lại Đảng, hoạt động cách mạng lưu vong, ấy là Nguyễn Thế Nghiệp. Nguyễn Thế Nghiệp bị mật thám bắt giam từ ngày 17.12.1929, giao lại Hội Đồng Đề Hình xét xử. Trong những ngày bị thẩm vấn trước Hội Đồng đề hình, Nguyễn Thế Nghiệp đã dùng thủ đoạn lung lạc được ông Brides, Chủ tịch Hội Đồng Đề Hình, giữa khi ông này đã tìm hết cách mà không bắt được Nguyễn Thái Học. Biết rõ nỗi lòng lo âu của ông Brides, Nguyễn Thế Nghiệp đề nghị với ông này thả Nghiệp ra, anh sẽ đi dụ Nguyễn Thái Học cùng Nguyễn Khắc Nhu ra đầu thú. Sự mưu tính rất là khôn khéo và bí mật vô cùng. Nguyễn Thế Nghiệp vẫn bị giam và đưa ra Tòa xử ngày mồng 2 tháng 7 năm 1929 như mọi đảng viên khác, Nguyễn Thế Nghiệp bị kết án mười năm cấm cố. Đợi đến ngày phát vãn cuối tháng 8, thừa khi mọi người thu xếp lộn xộn, kẻ đi Côn Đảo, người đi Hà Giang, Yên Bái… Brides thả Nguyễn Thế Nghiệp ra, cấp giấy tờ, tiền bạc cho Nghiệp đi làm nhiệm vụ mà anh đã cam kết với ông Brides. Nắm được đầy đủ giấy tờ và tiền bạc trong tay nhưng Nguyễn Thế Nghiệp đã không đi tìm Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, mà anh đã đi thẳng lên Lao Kai, tìm đến nhà một đồng chí là Nguyễn Kim Ngữ. Sau khi bàn tính, Nguyễn Kim Ngữ đưa Nguyễn Thế Nghiệp vượt biên giới lên thẳng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Hoa), giới thiệu với một thanh niên kiều bào nhân viên sở hỏa xa đường Hà Nội – Vân Nam là Đào Chu Khải, hai người rất tương đắc. Sau ít ngày, hai họ Nguyễn, Đào thuê nhà lập trụ sở, tuyên truyền kết nạp kiều bào ở Côn Minh gia nhập tổ chức VNQDĐ vào cuối tháng 9 năm 1929.
Như vậy, Nguyễn Thế Nghiệp có phải là người của Đảng không? Theo ý tác giả, đó chỉ là một thủ đoạn để trốn thoát gông cùm của thực dân, hầu có cơ hội xây dựng lại Đảng.
Nguyễn Thế Nghiệp đổi tên là Trương Nguyên Minh, bắt liên lạc với một kiều bào là Nguyễn Văn Thọ, Thọ giới thiệu Trương Nguyên Minh với Lê Thọ Nam và Hoàng Vân Nội (1). Hai kiều bào này là sáng lập viên “Trung Việt Cách Mạng Liên Quân”.
Hai họ Lê, Hoàng đều nhận định rằng, số anh em cách mạng hoạt động ở Hải Ngoại không có được là bao! Lại đảng này nhóm nọ, không những lực lượng bị phân tán, đôi khi vì hiểu lầm còn có thể xảy ra sự xô xát lẫn nhau.
Đầu năm 1930, Lê Thọ Nam triệu tập hội nghị, các Đại Biểu đều đồng ý đưa tổ chức “Trung Việt Cách Mạng Liên Quân” sáp nhập vào tổ chức “VNQDĐ” với danh xưng là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG VÂN NAM ĐỆ NHẤT ĐẠO BỘ” (VNQDĐ-VNĐNĐB). Trương Nguyên Minh được cử làm Đạo Bộ Trưởng, Đào Chu Khải tuyên truyền, Hoàng Vân Nội ngoại vụ.
Sau khi đã tổ chức xong cơ sở, Nguyễn Thế Nghiệp liền phái liên lạc về quốc nội báo cáo tin tức đầy đủ với Nguyễn Thái Học.
VNQDĐ-VNĐNĐB hoạt động rất mạnh mẽ, kết nạp được rất nhiều đảng viên, vì tình máu mủ đồng bào rất thắm thiết, nhất là ở trong hoàn cảnh ly hương xa tổ quốc. Khiến lãnh sự Pháp tại Côn Minh hết sức quan tâm, cố tìm cơ hội để phá vỡ. Nhân có vụ Ngô Học Hiển và Lý Thiếu Trung là 2 tên tướng giặc Tàu ở Mông Tự, Mường Là, Lâm An và A Mi Châu, thế lực rất lớn, chống đối chính phủ Vân Nam do Long Vân là chủ tịch. Chính phủ Trung Ương ở Nam Kinh gửi một số khí giới cho chính phủ địa phương Vân Nam để dẹp loạn ấy; nhưng phải gửi qua Hải Phòng để chuyển đường xe lửa lên Côn Minh.
Chụp ngay lấy cơ hội, nhà đương cuộc Pháp ở Việt Nam ra lệnh giữ số khí giới ấy lại ở Hải Phòng, rồi ngoại giao với chính phủ địa phương Vân Nam đòi dẫn độ những người cách mạng Việt Nam hiện cư ngụ trên đất Vân Nam cho Pháp, Pháp sẽ cho chuyển ngay số khí giới ấy đến Vân Nam. Long Vân lập tức bắt chín đảng viên VNQDĐ giam vào Cảnh sát cuộc Côn Minh.
Nhờ sự quen biết Cảnh sát trưởng Côn Minh. Hoàng Vân Nội đã ngoại giao và ngầm đưa được số dao găm vào cho các đồng chí khoét tường trốn thoát. (2) Do sự khủng bố này, các cán bộ phải phân tán, mỗi người tạm trú mỗi nơi. Nguyễn Thế Nghiệp phải tạm lánh xuống miền Mông Tự, Mường Là.
Ngày 20 tháng 6 năm 1930, Vũ Văn Giản từ trong nước vượt biên giới trốn thoát sang tới Côn Minh, đổi tên là Vũ Hồng Khanh, bắt đầu liên lạc với các đồng chí Kiều bào hoạt động trở lại. Vũ Hồng Khanh được cử làm Đạo bộ trưởng thay Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Chu Khải tuyên truyền, Dương Tự Thành tổ chức, Trần Thụy Nam tức Vũ Ngọc Liên kinh tài. Tân Đạo bộ thuê một ngôi nhà lớn ở Công An hạng, tầng lầu làm trụ sở Đảng bộ, tầng dưới thiết lập công xưởng để dung nạp một số công nhân đảng viên bị công ty hỏa xa Vân Nam sa thải, xưởng chuyên môn chế tạo sườn sắt, cửa sắt, v.v..
Nguyễn Thế Nghiệp được tin Vũ Văn Giản có mặt ở Côn Minh, liền từ Mông Tự trở về. Hoàng Vân Nội đưa ra đề nghị chuyển một bộ phận đảng viên sang Miến Điện lập đồn điền, tính cách vĩnh cửu. Vì nơi ấy không những sinh hoạt đã dễ dàng, hơn nữa lại là xứ cai trị của người Anh, được Quốc Tế công pháp che chở, sẽ tránh được nạn khủng bố của chính phủ Vân Nam, mỗi khi gặp khó khăn trên trường ngoại giao với nước Pháp, lại đem những người cách mạng Việt Nam mang ra làm vật đổi chác. Đồn điền ở Miến Điện sẽ là nơi tập hợp những anh em cách mạng từ trong nước trốn thoát ra Hải Ngoại.
Đề nghị ấy được chấp thuận. Nguyễn Thế Nghiệp được cử làm trưởng phái đoàn, Hoàng Vân Nội ngoại giao cùng với 14 đồng chí lao động, trong số có 2 nữ đồng chí là chị Nguyễn Thị Nhất biệt hiệu Mỹ Nương, Lê Thị Thăng (3) và 2 thiếu nữ là Liên và Thảo. Phái đoàn lên đường sang Miến Điện vào ngày 15 tháng 9 năm 1930.
Sau khi phái đoàn Nguyễn Thế Nghiệp rời khỏi Côn Minh được ít ngày, Lãnh sự Pháp tại Côn Minh lại dò biết được mọi hoạt động của VNQDĐ-VNĐNĐB bèn lo ngoại giao hối lộ với chủ tịch Long Vân, vu cáo là có một số Cộng Sản Việt Nam thuê nhà ở Công An hạng, bí mật chế tạo khí giới cung cấp cho Ngô Học Hiển và Lý Thiếu Trung để chống chính phủ Vân Nam; và còn là nơi chứa chấp những phần tử chuyên đi ăn cướp giết người, v.v…
Long Vân ra lệnh cho Cảnh sát Công An đến vây khám trụ sở Đạo bộ vào hồi 1 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 1930, bắt Vũ Hồng Khanh cùng 24 người gồm cả đàn ông đàn bà, tịch thu hết mọi tài liệu cùng ấn tín, v.v…
Trong khi thẩm vấn, mọi người đều khai là làm nghề cách mạng và là đảng viên của VNQDĐ. Sau nhờ có ngoại giao sứ Vân Nam là Trương Duy Hàn, một nhà Cách Mạng chân chính đặt bàn giấy ngay tại Công An cục, xét đủ bằng chứng quả thật là đảng viên VNQDĐ nên hết sức bênh vực và phản kháng với Long Vân. Hơn nữa, lại nhờ được Tỉnh Đảng bộ Trung Quốc Quốc Dân Đảng can thiệp, khiến Long Vân không thể nuốt trôi số vàng của Lãnh sự Pháp, bắt buộc phải thả hết. Tuy vậy cũng bị giam giữ mất ngót hai tháng trời.
Sau khi được thả tự do, trụ sở Đạo bộ được thuyên đến đường Hưng Nhân, công khai hoạt động, phát triển Đảng viên một cách đại quy mô, dọc theo thiết lộ suốt từ Hà Khẩu, nơi tiếp biên giới Việt-Hoa. Cách ít lâu, vì nhu cầu Đảng vụ, trụ sở Đạo bộ lại chuyển đến đường Bắc Môn; trụ sở cũ được dùng làm nơi cư trú riêng cho các cán bộ.
Thời kỳ này lại có một số Đảng viên từ trong nước trốn thoát sang Côn Minh là Trần Ngọc Tuân tức giáo Tuân (4), Bùi Văn Hạch tức giáo Hạch (5), Lê Tùng Sơn (6), Vũ Tiến Lữ (7), Hoàng Quốc Chính và Trúc Lâm.
Đã có một số cán bộ nòng cốt, VNQDĐ-VNĐNĐB phát triển liên lạc với Tỉnh Đảng bộ Trung Quốc Quốc Dân Đảng, mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng đến cả các tầng lớp Kiều bào ở Vân Nam: công chức, Sen Đầm, bồi bếp, v.v… khiến họ không phải lấy thẻ tùy thân và đóng sưu cho tòa Lãnh sự Pháp nữa! Đồng thời còn thủ tiêu một số người chuyên môn làm thám tử sát hại cách mạng Việt Nam từ trước tới nay.
Để đào tạo nhân tài, VNQDĐ-VNĐNĐB đưa một số thanh niên đảng viên vào Giảng Võ Đường tức Quân Quan Học Hiệu ở Côn Minh, sau sáu tháng tốt nghiệp được đổi sang làm phân hiệu thứ 5 của trường Hoàng Phố tức Trung Ương Lục Quân, Vân Nam đệ ngũ phân hiệu. Đồng thời lại tuyển một số đảng viên vào tập sự tại Binh Công Xưởng Côn Minh do Lê Phú Hiệp làm giám đốc. Nhân đà phát triển mạnh mẽ, VNQDĐ-VNĐNĐB đặc phái một số cán bộ đi tổ chức công tác trạm để hoạt động tại các biên khu:
– Mường Là, Đổng Trạm hoạt động vào Phong Thổ, Lai Châu.
– Lữ Tống Hà hoạt động vào Mường Hum.
– Giang Thành (Mường Lê) hoạt động vào Phong Sa Ly.
– Bảo Sơn (Nạm Hua) là một trạm liên lạc quan trọng giữa Mường Là với Đạo bộ Côn Minh và Hà Khẩu.
Các trạm này tồn tại cho mãi đến sau ngày kháng Pháp ở Phong Thổ hồi năm 1947-1948.
MỐI THÙ TRUYỀN KIẾP: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG – VÂN NAM ĐỆ NHẤT ĐẠO BỘ LẠI BỊ THỰC DÂN MƯU HẠI
Ngày mồng 2 tháng 11 năm 1930, phái đoàn Nguyễn Thế Nghiệp đặt chân lên đất Diến Điện, nhưng không đạt được theo dự định, nên ngày 28 tháng 11 năm ấy, Nguyễn Thế Nghiệp lại từ giã đất Diến trở về Côn Minh, giữ công tác ngoại vụ bộ VNĐNĐB. Còn Hoàng Vân Nội cũng từ biệt đất Diến vào ngày 19-8-1931 trở về hoạt động tại Quảng Châu.
Thanh thế và lực lượng tại tỉnh Vân Nam lúc bấy giờ thật mãnh mẽ vô cùng, khiến chính quyền Pháp tại Đông Dương hết sức lưu tâm chú ý.
Một cơ hội thuận tiện đã tới với Pháp, ấy là vụ VNQDĐ-VNĐNĐB đã thủ tiêu một đảng viên bị kết về tội phản Đảng là Nguyễn Kim Ngữ, đem xác đến đặt gần nơi Lãnh Sự quán Pháp ở Côn Minh để cảnh cáo thực dân và bè lũ. Nguyên nhân vụ án ấy như sau:
Nguyễn Kim Ngữ là con trai Lý Ngôn, là một nhà chuyên buôn bán nha phiến rất lớn ở Lao Kai, có chi điếm ở Hà Khẩu nơi địa đầu Trung Hoa, tiếp giáp biên giới với Việt Nam. Đầu năm 1928, VNQDĐ tổ chức đến địa hạt tỉnh Lao Kai, Nguyễn Kim Ngữ gia nhập Chi bộ đầu tiên. Nhận thấy là người có năng lực hoạt động, nên được bầu làm Chi bộ trưởng, tổ chức lan đến các châu; tổng số lên tới 9 chi bộ vào đầu năm 1929.
Đầu năm 1929, xảy ra vụ án Bazin, một đảng viên thuộc Chi bộ Lao Kai bị khai trừ ra khỏi đảng là Nông Quốc Độ, ra đầu thú mật thám Pháp. Chi bộ Nguyễn Kim Ngữ gồm 9 người bị bắt hết. Hội Đồng Đề Hình tha 7 người, còn hai người là Nguyễn Kim Ngữ và Vũ Đức Hiếu đưa ra xử phiên công khai, kết án mỗi người là 2 năm tù treo.
Cuối năm 1929, Nguyễn Thế Nghiệp được Brides thả ra, liền lên Lao Kai liên lạc với Nguyễn Kim Ngữ, rồi Ngữ đưa Nghiệp lên Côn Minh hoạt động tổ chức Đảng. Ít lâu sau vì thấy đời sống chật vật quá, Ngữ bỏ về Lao Kai, sống cuộc đời sung túc với gia đình.
Lãnh Sự Pháp tại Côn Minh thông báo cho Công Sứ tỉnh Lao Kai biết rõ mọi chi tiết. Công Sứ Lao Kai liền ra lệnh cho lùng bắt hết những chuyến thuốc phiện hàng 100 thùng sắt tây mà gia đình Nguyễn Kim Ngữ vận tải từ Vân Nam qua Lao Kai, làm nền kinh tế của gia đình Nguyễn Kim Ngữ trở nên khủng hoảng trầm trọng.
Biết rõ như vậy, Công Sứ Lao Kai cho triệu Nguyễn Kim Ngữ đến tư dinh. Kết quả hai bên thỏa thuận với điều kiện: Pháp bằng lòng để cho gia đình Nguyễn Kim Ngữ được tự do vận chuyển thuốc phiện qua đường Lao Kai; còn Nguyễn Kim Ngữ thì nhận làm tay sai cho Pháp, chịu trách nhiệm phá vỡ tổ chức VNQDĐ ở Vân Nam.
Điều kiện xong xuôi, Nguyễn Kim Ngữ trở lên Côn Minh gặp Ban Chấp hành Đạo bộ, đưa ra ý kiến là Đạo bộ cần phải hoạt động mạnh mẽ hơn nữa! Và xin tham gia công tác Đảng, với lý do hiện nay đã có hoàn cảnh thoát ly gia đình. Dĩ nhiên là các đồng chí của Nguyễn Kim Ngữ rất tán thành, và cũng từ đấy Nguyễn Kim Ngữ ở luôn tại trụ sở với cán bộ đảng viên công nhân ở đường Hưng Nhân, Nguyễn Kim Ngữ từ đấy tìm đủ cách phá hoại, gây chia rẽ trong cấp lãnh đạo, để nghi ngờ tàn sát lẫn nhau.
Xét thấy tình trạng khả nghi, ban đặc vụ Đạo bộ ra lệnh theo dõi, bắt được quả tang liên lạc với Lãnh Sự quán Pháp. Thu thập được đầy đủ chứng cớ, tài liệu xác thực, là Nguyễn Kim Ngữ phản Đảng. Ban Chấp hành Đạo bộ họp hội nghị kỷ luật khẩn cấp, quyết nghị xử tử Nguyễn Kim Ngữ. Bản án ấy đã thi hành vào ngày 21 tháng 5 năm 1931 tại ngay trong trụ sở đường Hưng Nhân. Xác Nguyễn Kim Ngữ được đem đặt gần nơi Lãnh Sự quán Pháp.
Lãnh Sự Pháp cho chụp hình thi thể Nguyễn Kim Ngữ, rồi kháng nghị với chính phủ Vân Nam, yêu cầu trừng trị bọn sát nhân để bảo vệ an ninh trật tự. Nhưng vì không có nguyên cáo, nên chủ tịch Long Vân cũng làm ngơ không xét đến. Lãnh Sự Pháp một mặt phái tên Tầu lai họ Quách, tên này trước làm kiểm soát viên (controleur) cho công ty hỏa xa Vân Nam, sau được Lãnh sự Pháp thu dụng làm gián điệp, chuyên về dọ thám những hoạt động của các nhà cách mạng Việt Nam trên đất Trung Hoa. Họ Quách nói tiếng Việt rất sõi, giả mạo là nhà cách mạng Trung Hoa, len lỏi trong hàng ngũ cách mạng lưu vong Việt Nam từ lâu. Nay được lệnh quan thầy bí mật giao thiệp với chủ tịch Long Vân, phân trần lợi hại, khuyên chủ tịch Long Vân nên bắt hết những người lãnh đạo VNQDĐ dẫn độ cho Pháp, chính phủ Pháp sẽ xin vi thiền một số vàng hay phi cơ nếu chủ tịch muốn. Một mặt khác, phái họ Quách đến nhà Cả Mẫn, Mụ Phấy mưu toan cùng một vài tên phản đảng nữa, tìm Lý Ngôn là cha đẻ của Nguyễn Kim Ngữ xúi giục phát đơn khởi tố đích danh 12 người.
Ngày 25 tháng 5 năm 1931, chủ tịch Long Vân ra lệnh cho Công An cục đến vây khám trụ sở Đạo bộ, bắt Vũ Hồng Khanh, Đào Chu Khải, Nguyễn Thế Nghiệp, Lý Xuân Lâm, Phạm Văn Khoái, Điêu Đình Lục, Nguyễn Văn Bồn, Quý, Đức, Long, Hồi, Hiếu đưa đến giam tại Ngũ Hoa Sơn cạnh dinh chủ tịch Long Vân.
MỘT SỰ HY SINH CAO QUÝ NHẤT TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG
Xét thấy một số cán bộ Đảng, những người lãnh đạo bị bắt giam, công tác Đảng bị ngưng trệ, cần phải cứu vãn ngay tình thế để 12 đồng chí được trở về tự do hoạt động. Một lão đồng chí là Dương Tự Thành thân đến Công An cục tự thú nhận chính mình mới là thủ phạm giết Nguyễn Kim Ngữ. Đến tới hai lần nhưng đều bị Công An cục mời về, không chịu thụ lý. Đã quyết tâm, họ Dương lại thân đến lần thứ ba, khăng khăng đòi nhận chính thực mình mới là thủ phạm. Lần này Công An cục mới chịu lấy lời cung khai, và ra lệnh giam họ Dương vào cùng với 12 đồng chí của ông, thành con số “13”.
Lãnh Sự Pháp giao thiệp yên cầu chủ tịch Long Vân: nếu không thể dẫn độ được, xin xử tử Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Thế Nghiệp chiếu theo hình luật Trung Hoa “Sát Nhân Giả Tử”.
Do sự can thiệp của TQQDĐ Tỉnh Đảng bộ Vân Nam, chủ tịch Long Vân không dám làm theo ý của Lãnh Sự Pháp, ông ra lệnh cho một tiểu đội lính Trung Hoa vận binh phục trắng, súng ống chỉnh tề, vào ngục thất Ngũ Hoa Sơn dẫn Dương Tự Thành (8) ra Chợ Con Côn Minh làm lễ chào, rồi bắn chết.
Sau khi đã xử tử Dương Tự Thành, Long Vân ra lệnh trả tự do cho Lý Xuân Lâm, Phạm Văn Khoái, Điêu Đình Lục, Nguyễn Văn Bồn, Quý, Long, Hồi. Còn Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Thế Nghiệp, Đào Chu Khải, Đức, Hiếu, bị đưa đến giam cầm tại ngục thất Mô Phạm.
Đám táng họ Dương được các đồng chí VNQDĐ Hải ngoại và kiều bào ở Côn Minh đi đưa đám rất đông và rất trọng thể, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người trong tổ chức Đảng cũng như Kiều bào ngoài tổ chức đều chít khăn trắng để tang đúng 3 tháng. Các đồng chí của họ Dương ở trong ngục thất Ngũ Hoa Sơn tổ chức lễ truy điệu, căng tấm băng đề “VỊ QUỐC VONG THÂN” và tuyệt thực ba ngày.
Tin Dương Tự Thành đã vì Đảng hy sinh tính mạng được loan truyền khắp nơi, các sinh viên trường Đại học Côn Minh cùng nhau tổ chức một buổi diễn kịch: một người đóng vai Lãnh Sự Pháp trao túi vàng cho chủ tịch Long Vân; Long Vân dắt tay từng người cách mạng Việt Nam trao cho Lãnh Sự Pháp… Vở kịch ấy đã gây một xúc cảm mãnh liệt đến các người Trung Hoa, khiến mọi người đều tỏ cảm tình nồng nhiệt đến với các nhà cách mạng Việt Nam lưu vong.
Về công tác Đảng vụ, sau ngày 12 cán bộ bị chính quyền Vân Nam bắt giam, Ninh Hoài Nam biệt hiệu là Kỳ Anh gia nhập VNQDĐ ở Côn Minh từ năm 1931, tự đảm nhiệm chức Đạo bộ trưởng kiêm Ngoại vụ bộ, Ngô Đình Ninh Giám sát kiêm Đặc vụ, Nguyễn Văn Đước Tài chính, Nguyễn Sĩ Nghiêm Tuyên truyền.
Các đảng viên các Chi bộ địa phương nhận thấy Ninh Hoài Nam mọi hoạt động trái với đường lối chủ trương của Đảng, nổi lên công phẫn phản đối; lại nhân một số đảng viên mới được Long Vân trả tự do, các Chi bộ trưởng ở Côn Minh liền triệu tập toàn thể các Chi bộ trưởng ở các địa phương khai hội, báo cáo những hành động của nhóm Ninh Hoài Nam. Kết quả hội nghị quyết định bãi bỏ tổ chức của Ninh Hoài Nam, bầu lại ngay Ban Chấp hành Đạo bộ Lâm thời, để đối phó và duy trì Đảng vụ. Điêu Đình Lục được toàn thể hội nghị cử làm Đạo bộ trưởng Lâm thời và ngầm ra lệnh cho Đặc vụ thủ tiêu Ninh Hoài Nam, nhưng được họ Điêu che chở nên Ninh Hoài Nam đã trốn thoát trở về quốc nội.
===================
Ghi chú:
(1) Khi “Việt Nam Quang Phục Hội” ở Trung Hoa đương trong thời kỳ phồn thịnh, thì có hai đồng bào ta từ trong nước trốn sang là Đậu Cơ Quang và Nguyễn Hắc Sơn. Nhưng có biết đâu Hắc Sơn là người mà họ Đậu tin cậy lắm lại chính là một thám tử của Pháp; khiến sau này cả họ Đậu và một số đồng bào ta bị Pháp bắt giết hết.
Nguyên vào khoảng đầu năm 1913, ông Đậu Cơ Quang từ Quảng Đông đi Vân Nam, ông mang theo nhiều tài liệu sách báo của Quang Phục Hội, rồi vận động tổ chức Kiều bào đủ các giới và cả người Hoa Kiều từ Hà Khẩu đến Côn Minh, trên 50 người gia nhập VNQPH. Lại được Lãnh Sự Đức Quốc ở Mông Tự giúp đỡ; đến Côn Minh, trên 50 người gia nhập VNQPH. Lại được Lãnh Sự Đức Quốc ở Mông Tự giúp đỡ; lại nhờ được lính gác đường xe lửa đường Hải Phòng-Vân Nam, ông Đậu lẻn về được Hà Nội ngầm kết liên với hai người Đội lính Khố Đỏ, ăn thề với nhau định làm một cuộc bạo động khởi nghĩa.
Người liên can vào vụ án của họ Đậu là một người Đội và những Việt kiều ở Vân Nam, duy có Lê Phú Hiệp trốn thoát. Còn từ Ký Lan trở xuống, hơn 50 người bị Pháp bắt hết đưa về chém ở Hà Khẩu vào ngày 2.12.1944, trong số có cả ông Đậu Cơ Quang, Hắc Sơn thì được thưởng hàm Bát Phẩm, còn thầy của Hắc Sơn là Nguyễn Hà Trường được bổ làm Tri huyện. (Theo tài liệu của cụ Phan Sào Nam trong cuốn “Tự Phán” nơi trang 165-166.)
Trốn thoát lên Côn Minh, Lê Phú Hiệp đổi tên là Lê Thọ Nam được Tổng Đốc Vân Nam là Đường Kế Nghiên trọng dụng cử làm Giám đốc Binh Công Xưởng Côn Minh.
Năm 1924, Lê Thọ Nam gặp Hoàng Vân Nội, cùng nhau lập nên tổ chức “Trung Việt Cách Mạng Liên Quân” với mục đích kết nạp những thanh niên Kiều bào ưu tú đưa vào học trường Giảng Võ, Côn Minh để huấn luyện thành những cán bộ quân dân tương lai về kháng Pháp.
Hoàng Vân Nội, sinh năm 1903 tại Hà Nội, được gia quyến đem sang Trung Hoa từ thuở còn thơ ấu. Xuất thân làm thư ký hãng dầu Shell ở Côn Minh. Tháng 7 năm 1933 bị thám tử bắt ở Hương Cảng đưa về Việt Nam.
(2) Nhà giam trong Cảnh sát cuộc Côn Minh thời ấy tường xung quanh đều đắp bằng đất.
(3) Mỹ Nương là vợ Trần Ngọc Tuân tức là Trần Quốc Kính tức Đông A; còn Lê Thị Thăng là vợ anh Nguyễn Ngọc Sơn.
(4) Trần Ngọc Tuân sang Tầu đổi tên là Trần Quốc Kính biệt hiệu Đông A. Năm 1945, theo Việt Minh về nước đổi tên là Trần Xuân Sinh làm chủ bút tờ báo Cứu Quốc của VM.
(5) Bùi Văn Hạch sang Tầu đổi tên là Bùi Hữu Hiệp, 1945 chạy theo VM đổi tên là Bùi Đức Minh làm Tổng giám đốc Công An VM tại Hà Nội.
(6) Lê Tùng Sơn về nước năm 1945 cũng chạy theo VM
(7) Vũ Tiến Lữ sang Tầu đổi tên là Vũ Bằng Dực biệt hiệu Kính Tùng.
(8) Dương Tự Thành chính tên là Nguyễn Ngọc Cừ, nguyên quán tại làng Ban Hiếp, phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây (Bắc Việt). Được Đảng trưởng Nguyễn Thái Học phái sang Trung Quốc từ cuối năm 1929, để liên lạc với Nguyễn Thế Nghiệp và giao thiệp mua một số khí giới, công việc giao thiệp mua bán chưa xong thì ông được tin cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã bị thất bại, nên ông quyết ở lại Vân Nam, đổi tên là Dương Tự Thành.