Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (10)
Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương X: “CUỘC TRANH ĐẤU TIẾP TỤC KHÔNG NGỪNG”…
THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932)
CHƯƠNG X: CUỘC TRANH ĐẤU TIẾP TỤC KHÔNG NGỪNG
GIAI ĐOẠN 1931-1932
Từ tháng 3 năm 1931, VNQDĐ không còn tuyên truyền đồng thời như trước nữa trên khắp lãnh thổ Bắc Việt. Cuộc tuyên truyền được thu hẹp từng gia đình và chỉ trong một vài tỉnh mà những người lãnh đạo đầu tiên còn gây ảnh hưởng bản thân lâu dài. Ngoài những thành phố Hà Nội và Hải Phòng, những vùng Phú Thọ, Vĩnh Yên, Hải Dương và Bắc Ninh đặc biệt còn bị ảnh hưởng của VNQDĐ mà chính quyền Pháp gọi là còn “nhiễm uế”.
Những người cầm đầu những mưu toan khác biệt này dần dần đưa đến đồng nhất nguyên lý để giữ một kỷ luật phải hoàn toàn “Mật”, họ tiên liệu quy chế đối với tất cả các cấp bậc của Đảng, của một ban ám sát. Họ quyết định trừng phạt không chùn tay những ai phản bội “Lời thề”.
Một trong những người chủ mưu can đảm nhất trong việc tổ chức lại công việc tuyên truyền là Vũ Tiến Lữ bị xử án khuyết tịch, đã tham gia nhiều vụ làm kinh tài trong tỉnh Thái Bình cho Đảng.
Từ đầu năm 1931, Lữ qui tụ được một số lớn đảng viên trong vùng Hà Nội và Hải Phòng, và nhanh chóng xem như là lãnh tụ. Nếu Vũ Tiến Lữ không bị bắt buộc phải rời khỏi Bắc Việt, bị tầm nã gắt gao bởi mật thám, và tự cảm thấy gần kề bị bắt, Vũ Tiến Lũ vượt biên giới vào cuối năm 1931, trốn sang Vân Nam, trở nên một người lãnh đạo đáng sợ nhất thuộc Chi bộ của đảng cách mạng do Nguyễn Thế Nghiệp tổ chức ở Vân Nam (Trung Hoa).
Từ khi có cuộc đàn áp, Vân Nam là nơi trốn tránh của những cá nhân bị lùng bắt hay bị xử khiếm diện, nhiều người, trong số có vợ của Nguyễn Ngọc Sơn và một cô giáo khác theo đường qua Vân Nam. Còn hai giáo viên là phần tử ưu tú của Đảng: Trần Ngọc Tuân và Bùi Văn Hạch cũng vượt biên giới.
Từ khi Vũ Tiến Lữ ra đi, không có lãnh tụ nào tỏ ra có khả năng điều khiển ở quốc nội một hành động tổng hợp của Đảng; những cố gắng đều rời rạc. Ngoài ra mỗi lần có ý định tổ hợp thì lại xảy ra bố ráp của sở mật thám, họ mở những cuộc bắt bớ quan trọng.
Vào tháng 10 năm 1931, mười đảng viên bị bắt trong tỉnh Vĩnh Yên, vào tháng Giêng và tháng Hai năm 1932, xảy ra hơn 40 vụ bắt bớ làm Đảng hoàn toàn tan rã trong tỉnh này là trung tâm kháng chiến của VNQDĐ.
Đầu năm 1932, những tổ trong tỉnh Hải Dương do phong trào đàn áp còn bỏ sót, bắt đầu nhóm lại với ảnh hưởng của một chiến sĩ bị xử án khiếm diệm là Đào Nguyên Huân tục gọi Khóa Vát (1). Những đảng viên có ảnh hưởng nhất đứng ra tổ chức nhiều tổ mới mà họ điều khiển luôn luôn thuộc vào bộ trung ương. Một vài công chức của Nhà nước cũng tán trợ nhiều hay ít phong trào, và nhiều buổi hội họp được tổ chức tại nhà của nhiều người. Như vậy Đảng gây ảnh hưởng mau lẹ trong những vùng Kinh Môn, Chí Linh và Cẩm Giàng.
Nhóm người ấy không từ chối những âm mưu khủng bố và ám sát. Bởi vì Đảng chưa nghĩ tới chuyện ám sát; nhưng đã tổ chức ban ám sát gồm: 1 chủ tịch, 1 tổng thư ký, 1 thu ngân viên, 2 ủy viên và 1 liên lạc viên.
Ủy ban ám sát có nhiệm vụ chẳng những loại trừ kẻ địch ra khỏi Đảng, mà còn lo điều hành việc tài chính, có thể lập bao nhiêu tiểu tổ, nếu xét ra thấy cần.
Bom cũng được chế tạo theo phương thức mới. Các đảng viên thuộc Chi bộ Vân Nam gửi về công thức và sơ đồ. Sơ đồ do chính tay Vũ Tiến Lữ ghi chú. Nhiều quả bom thuộc loại mới này tìm thấy dấu trên mái của một căn nhà trong một làng của tỉnh Bắc Ninh, tình cờ nổ ngày 29 tháng 2 năm 1932.
Sau đó ít lâu, Đảng quyết định ám sát một cựu đảng viên tên là Nguyễn Trung Khuyến bị tình nghi là đã gây ra nhiều vụ bắt bớ tại Hải Phòng trong tháng 4 năm 1931. Ngày 16 tháng 4 năm 1932, hắn bị xử tử với nhiều vết gươm và dao gần Đáp Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh. Vụ ám sát này làm cho 2 đảng viên bị bắt.
Ngày 19 tháng 9 năm 1932, các đảng viên của VNQDĐ trong tỉnh Hải Dương tổ chức bầu cử một ủy ban Liên Tỉnh, nhiệm vụ tập hợp lại và điều khiển những tổ trong các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tổ chức mới đề nghị gửi đảng viên qua Vân Nam để viết sách tuyên truyền, lập những tổ phụ nữ huấn luyện tuyên truyền gồm các binh sĩ bản xứ, và tổ chức những tổ thanh niên có nhiệm vụ ghi chép bản đồ của các trại quân lính.
Đảng không có thì giờ đem chương trình ra áp dụng. Ngày 4 tháng 10 năm 1932, một cuộc bố ráp quan trọng trong hai tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh, chặn bắt 74 đảng viên.
Từ cuối năm 1931, Hội Đồng Đề Hình không họp, bởi vì Đảng nay suy yếu nhiều, và tuyên truyền của Đảng bị đàn áp. Tòa án thường đã biết tất cả những vụ đặc phát này và xét xử rời ra.
Từ khi xảy ra những vụ bắt bớ ở Hải Dương, chỉ còn một mưu toan nổi dậy được ghi nhận. Mưu định ấy bộc phát tại trung tâm Bắc Quang (Hà Giang), tổ chức bởi một kẻ cô lập với chủ đích gây lại lòng yêu nước của lính Khố Đỏ và tù nhân trong trại giam. Phong trào cuối cùng quay lại làm lợi cho Cộng Sản khi tất cả cơ cấu bị bắt vào tháng 5 năm 1933. (2)
=================
Chú Thích:
(1) Đào Nguyên Huân tục gọi Khóa Vát, sinh năm Đinh Hợi (1887) tại làng Hưng Triện, huyện Gia Binh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Không những là một nhà lão thành cách mạng chân chính, mà lại còn là một nhà văn, thơ lỗi lạc.
(2) Chương X này chúng tôi cũng trích dịch trong cuốn “Contribution à Histoire des Mouvements Politiques de L’Indochine Française” do Marty, giám đốc mật thám Đông Dương, viết ra, ấn hành vào năm 1933.