Lễ tưởng niệm ngày tang Yên Báy lần thứ 84 tại thủ đô người Việt tị nạn
Ngày 17/06/1930, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 liệt sỹ đã lên đoạn đầu đài đền nợ nước cùng các chiến sỹ VNQDĐ đã bị qu6n thực dân xâm lược Phàp đày đi con đảo, rừng sâu, đặc biệt 325 cán bộ đảng viên VNQDĐ đã lưu đày biệt xứ sang tận Guyane Nam Mỹ không bao giờ trở lại quê hương. Tinh thần yêu nước đó đã là ngọn đuốc soi đường qua bao nhiêu thế hệ, vang vọng mãi trong giòng sinh mệnh của dân tộc.
Năm nay, Khu Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nam California, đã tổ chức lễ tưởng niệm ngày tang Yên Báy lần thứ 84 (1930-2014), ngày cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ lên đoạn đầu đài đền nợ nước tại địa danh Yên Báy vào sáng mờ sương 17/06/1930 quận Cam, thủ đô tình thần người Việt tị nạn.
WESTMINSTER, California (NV) – Ngày Tang Yên Báy, ngày 13 liệt sĩ của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đền nợ nước sau khi tạo cuộc khởi nghĩa bất thành chống thực dân Pháp vào ngày 17 Tháng Sáu, 1930, vừa được Khu Bộ Việt Nam Quốc Dân Ðảng Nam California và đoàn Thanh Sinh Phó Ðức Chính tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Báo, Westminster, hôm Chủ Nhật.
Lễ tưởng niệm đã diễn ra trong không khí bi hùng trước bàn thờ có bức di ảnh Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học. Khi vào phút tưởng niệm mọi người đều đứng nghiêm chỉnh hướng về bàn thờ trên sân khấu, trong khi tiếng xướng ngôn viên dõng dạc nêu danh 13 liệt sĩ đã tử tiết: Bùi Tứ Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Phó Ðức Chính, và Nguyễn Thái Học.
Trưởng ban tổ chức buổi lễ đã nhắc lại biến cố đã đi vào lịch sử cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Mười ba đảng viên Quốc Dân Ðảng đã đứng lên phất ngọn cờ khởi nghĩa nửa vàng nửa đỏ, chiếm được một số đồn bót của thực dân Pháp trong các tỉnh ở miền Bắc, nhưng đã bị nhà cầm quyền thực dân Pháp đang đô hộ dẹp được ngay vì chưa vận động được toàn dân.
Những vị liệt sĩ này cũng đã biết trước, nhưng cũng phải làm để thức tỉnh người dân Việt đứng lên làm cách mạng thoát khỏi cuộc sống nô lệ.
“Không Thành Công Cũng Thành Nhân” là lời khuyến khích của đảng trưởng với các đồng chí của mình (từ “đồng chí” là các đảng viên Quốc Dân Ðảng dùng để gọi nhau, có trước khi đảng Cộng Sản ra đời năm 1932). Câu nói ấy đã được truyền tụng lại qua các thế hệ.
Theo nhiều vị thức giả thì hai chữ “thành nhân” không nên hiểu thiển cận là “thành danh” như nhiều người đã dùng. Thành nhân ở đây là thành người Việt Nam yêu nước, thành người ý thức được chuyện “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.”
Quả vậy, lời nói của Nguyễn Thái Học đã đi vào thực tế tranh đấu của toàn dân Việt sau đó để khi thời cơ đến đã làm nên cuộc khởi nghĩa 19 Tháng Tám của toàn dân Việt Nam mà cộng sản đã cướp được thời cơ lợi dụng được cuộc khởi nghĩa này lấy làm của mình.
Diễn giả cũng nhấn mạnh: “Sự hy sinh của 13 liệt sĩ cũng như của rất nhiều đảng viên Quốc Dân Ðảng trong công cuộc cứu nước là hy sinh vì tổ quốc, vì dân tộc không phải cho đảng và cho một chủ nghĩa như những người cộng sản.”
Buổi lễ sau đó đã được ông Phan Thanh Châu, bí thư Ðảng Vụ Hội Đồng Chấp Hành Trung Ương, lên phân tích tình hình Việt Nam hiện tại trước khi đọc Tuyên Cáo.
Trong phần phân tích, ông Phan Thanh Châu khởi đi từ sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan dầu chiến lược HD-981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam là để thử thách các nước ASEAN, Hoa Kỳ cũng như Cộng Sản Việt Nam. Ngoài ra, điều này được làm còn vì nhu cầu kinh tế chính trị đối với thế giới.
Nhưng trông bề ngoài thì Trung Quốc tưởng như đã là một cường quốc vững mạnh. Thực ra thì Trung Quốc đang phải đối diện với những khó khăn trong nội bộ. Những cuộc chống đối biểu tình, tự thiêu của người dân Tây Tạng, những cuộc tấn công mà Trung Quốc gọi là khủng bố của người dân Tân Cương Duy Ngô Nhĩ vào tận Bắc Kinh, ngay trước bức ảnh khổng lồ của Mao Trạch Ðông trước quảng trường Thiên An Môn và nhiều nơi khác, những cuộc biểu tình của người dân lục địa trước những bất công tham nhũng bè phái của bọn cầm quyền, tất cả đang như những trái mìn nổ chậm, nên đảng Cộng Sản Trung Quốc phải đánh lạc cái nhìn của người dân bằng cách gây chiến hung hãn ở Hoa Ðông, ở Biển Ðông.
Trước hiện tình đó, hiện tình Trung Quốc ngang nhiên chiếm lãnh vùng biển của Việt Nam thì đảng CSVN và nhà cầm quyền Hà Nội chỉ lên tiếng lấy lệ và thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Về những cuộc biểu tình đốt phá các cơ xưởng của Trung Quốc, Ðài Loan và Nam Hàn, ông Phan Thanh Châu có nhận định đó là do các bàn tay của CSVN và tình báo Hoa Nam để làm cớ cho nhà cầm quyền Hà Nội thẳng tay đàn áp, tiêu diệt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Sau khi phân tích tình hình khá chi tiết, ông Châu kết luận: “Nếu CSVN thực tâm muốn bảo vệ đất nước thì phải lên tiếng mạnh mẽ, phải trả tự do cho tất cả những người đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ trước đến nay.”
Nhưng theo ông, CSVN đã không làm như vậy, thế thì giải pháp để cứu nguy cho đất nước là giải pháp nào. Ông Phan Thanh Châu khẳng định: “Giải pháp giải thể chế độ CSVN, một chế độ đã rõ là tay sai, bán nước mà cả người dân trong nước cũng như người Việt hải ngoại phải cùng chung tay góp sức tiến hành.”
Sau cùng, ông Châu đại diện Việt Nam Quốc Dân Ðảng đọc bản Tuyên Cáo của đảng, trong đó có năm điểm lên án Trung Quốc bá quyền, lên án CSVN bán nước, kêu gọi toàn dân đoàn kết đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản, kêu gọi quốc tế ủng hộ công cuộc bảo vệ đất nước và bày tỏ Việt Nam Quốc Dân Ðảng sẽ sát cánh cùng đồng bào trong cuộc đấu tranh này.
Nguyên Huy / Nhật Báo Người Việt