Lập Trường của Người Việt Quốc Gia

Nguyễn văn Thái, Ph.D 

Người viết bài này xin được minh xác ngay cùng quý vị độc giả ở trong cũng như ở ngoài nước là tiêu đề “Lập Trường của Người Việt Quốc Gia” được đưa ra như là một đề nghị để được phán xét, chứ không hề có ý trịch thượng khẳng định là người Việt quốc gia phải có một lập trường như thế nào. Lí do đưa đến ý nghĩ cần phải trình bày một đề nghị cho “Lập Trường của Người Việt Quốc Gia” bắt nguồn từ hiện tượng hoang mang trong các cộng đồng người Việt, nhất là các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đề nghị này cũng có thể có ích cho những người ở trong nước đang nỗ lực đấu tranh cho tự do và dân chủ. Sự hoang mang này được gây ra bởi sự kiện có một số người hoặc nhóm người thường chỉ trích hay kết án những người hay nhóm người khác là cộng sản hay có những phát biểu hoặc việc làm có lợi cho cộng sản. Sự kiện này xảy ra thường xuyên, nhất là với phương tiện kĩ thuật điện toán phổ biến của thời đại tin học. Những người chỉ trích và kết án này có thể được xếp thành ba nhóm người khác nhau:

1.    Những chỉ trích và kết án này có thể bắt nguồn từ lòng yêu nước nhiệt thành của những người không thể “đội trời chung” với bất cứ những gì là cộng sản, và đây là một hành động hoàn toàn tự do và đáng được kính trọng. 

2.    Nhưng những chỉ trích và kết án cũng có thể là do mưu mô của những cán bộ cộng sản tuân theo Nghị quyết 36 thẩm nhập vào cộng đồng người Việt quốc gia với mục đích phá vỡ sự đoàn kết trong nỗ lực đấu tranh cho tự do và dân chủ. 

3.    Người ta cũng không thể loại bỏ giả thuyết là cũng có thể có những người Việt làm công cụ – vô tình hay hữu ý – cho chính quyền Mĩ và đã ngăn cản những hoạt động đi ngược lại với chính sách của Hoa Kì. 

Chính sách hiện nay của Hoa Kì là ổn định vùng, mà hoà hợp hoà giải là một trong những chiến thuật có tác dụng ổn định vùng. Hiện nay người Mĩ không còn muốn phải bị mất mát về nhân mạng cũng như tài sản nữa mà ngược lại, với chính sách ổn định vùng, họ có cơ hội đầu tư vào nhân lực phong phú (62% dưới tuổi 40) của Việt Nam, và trong dài hạn sẽ chinh phục được Việt Nam vào quỹ đạo đồng minh của họ bằng kinh tế và văn hoá. 

Theo góc nhìn về quyền lợi của nước Mĩ thì điều này có thể xem là một chiến lược hữu lí, nhưng nhìn từ góc cạnh quyền lợi của dân tộc Việt Nam, thì đất nước phải chịu khổ luỵ cho đến bao giờ? Cho đến lúc Việt Nam biến thành một quận lị của Trung quốc? Hay cho đến lúc một số nhỏ quan liêu thái thú bái phục quan thầy Trung cộng và đày đoạ hàng thứ dân như những tên nô lệ thời thượng cổ? 

Có một điểm mà người ta thấy rõ suốt dọc dài lịch sử ngoại giao của nước Mĩ là chính sách của Hoa Kì – để có được ổn định vùng – thường xuyên hỗ trợ lực lượng nào chiếm được quyền lực hay ít nhất là làm nghiêng được quyền lực về phe mình. Mĩ đã từng hỗ trợ những nhà độc tài như Shah của Iran, Gaddafi của Lybia, và Mubarak của Egypt. Nhưng dù sao thì trước công luận thế giới, chính sách của Mĩ là vẫn phải hỗ trợ – trên nguyên tắc – tự do và dân chủ. 

1.    Hệ quả của việc chỉ trích hay kết án 

Ba nhóm người thường chỉ trích hay kết án những người khác là cộng sản hay có những phát biểu hoặc hành động có lợi cho cộng sản, như liệt kê ở phần trên, có thể có cơ sở cho lí luận của họ. Những điều họ nói có thể đúng và cũng có thể sai. Đúng hay sai là một vấn đề quan trọng vì có thể gây ảnh hưởng lên hành động của những người khác, nhưng có lẽ không quan trọng bằng hệ quả của những chỉ trích hay kết án. Người dân bình thường không có tin tức tình báo để có thể rút ra cho mình những kết luận về các thông tin do những người chỉ trích hay kết án cung cấp. Mà dù người dân có được nguồn tin tình báo đi nữa, thì tin tình báo cũng chưa chắc đã chính xác hay có thể bị bóp méo theo mục đích của người cung cấp thông tin, như trường hợp bộ trưởng ngoại giao Mĩ – Colin Powell – dưới thời tổng thống Bush đã làm về vụ vũ khí sát thương tập thể ở Iraq với mục đích loại bỏ Saddam Hussein. Do đó người dân, một mặt không có cơ sở để thiết định cho mình một lập trường chính trị vững chắc, mặt khác trở nên hoang mang và có thể trở nên chán nản, thờ ơ đối với tất cả mọi hoạt động chính trị, dù những hoạt động này sai hay đúng, giả dối hay chính trực. 

2.    Cơ sở cho lập trường chính trị 

Như vậy làm thế nào để người Việt quốc gia có được một cơ sở để thiết định cho mình một lập trường vững chắc trong nỗ lực đấu tranh cho dân chủ và tự do cho Việt Nam mà không bị hoang mang và phân hoá? 

Dữ kiện duy nhất mà người dân có được là những phát biểu và hành động của những người mang danh nghĩa là những người Việt quốc gia đấu tranh cho tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam. Khi nào những phát biểu và hành động của những người này đúng với những mục tiêu của mô thức tự do và dân chủ thì điều này chứng tỏ họ đang đóng góp vào công cuộc đấu tranh chính đáng. Khi nào những phát biểu và những hành động của họ đi lệch những mục tiêu hay đi ngược lại những mục tiêu này thì họ – hoặc vô tình hay hữu ý – đã đi lạc hướng hay đang phục vụ một ý đồ hay âm mưu thâm độc nào đó. 

2.1. Những điều kiện của tự do cho Việt Nam 

Vậy những mục tiêu của mô thức tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam là gì? 

Để cho người dân Việt Nam có thể có tự do, nghĩa là có quyền tự quyết về đời sống của mình, có quyền tự quyết đeo đuổi hạnh phúc của mình; thì điều kiện tiên quyết là phải giải thể chế độ CSVN. Không giải thể chế độ CSVN thì người dân không bao giờ có được tự do. 

Có người đặt câu hỏi là tại sao lại phải giải thể mà không là hợp tác, tức “hoà hợp hoà giải”. Tiêu biểu trong số những người này là nhạc sĩ Trúc Hồ, mà người viết nghĩ là đại diện cho SBTN khi ông phát biểu về vấn đề đất nước. Ông đã có nói (không trích nguyên văn mà chỉ lấy đại ý, những từ trong ngoặc kép là trích nguyên văn) là chúng tôi chỉ muốn “có được quyền làm người” và chúng tôi sẵn sàng “hợp tác” nếu chúng tôi có được “quyền làm người”. Có ba cái lỗi lầm chính yếu trong lời phát biểu của nhạc sĩ Trúc Hồ: Thứ nhất, phát biểu của nhạc sĩ Trúc Hồ nghe như một lời van xin, do đó mặc nhiên công nhận vai trò chủ nhân ông, vai trò hợp pháp và có chính danh của chế độ bất hợp pháp CSVN. Thứ hai, nhạc sĩ Trúc Hồ khi phát biểu đã tin rằng tất cả những người Việt khác cũng suy nghĩ giống như ông, nghĩa là đồng ý sẵn sàng hoà hợp hoà giải nếu CSVN cho ông cái “quyền làm người”, điều mà những người có kinh nghiệm cũng như hiểu biết lịch sử đất nước, nhất là lịch sử của Đảng CSVN, tin chắc là sẽ không bao giờ xảy ra. Sai lầm thứ hai này dẫn đến sai lầm thứ ba: nhạc sĩ Trúc Hồ đã dùng từ “nếu”; từ “nếu” chuyên chở hai nội hàm: (1) “nếu” với viễn ảnh của hi vọng rằng điều kiện đưa ra – tức “quyền làm người” – sẽ được thoả mãn, và (2) “nếu” với nội hàm mang ý nghĩa hùng biện (rhetoric) vì biết chắc rằng điều kiện mình đưa ra sẽ không bao giờ được thoả mãn. Những người có kinh nghiệm với người CS hay có kiến thức lịch sử về đảng CS có lẽ đều hi vọng là nhạc sĩ Trúc Hồ đã dùng từ “nếu” với nội hàm (2), nhưng thực tế cho thấy rõ là ông đã dùng từ này trong ý nghĩa của nội hàm (1), vì nếu ngược lại, thì ông đã không đề xuất lá bài hợp tác hay nói cách khác là hoà hợp hoà giải. Tôi không chỉ trích hay kết án nhạc sĩ Trúc Hồ. Ngược lại tôi vinh danh nhạc sĩ Trúc Hồ vì ông đã, qua những công tác văn nghệ, có rất nhiều đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam, những đóng góp mà ít ai khác có thể làm nổi như ông. Nhưng tin vào viễn tượng chế độ CSVN sẽ thực sự tôn trọng nhân quyền để rồi người Việt hải ngoại trở về hợp tác xây dựng đất nước trong hoà hợp hợp hoà giải, thì nếu không nói được đó là một lập trường hay một hành động ngây ngô, thì cũng chỉ có thể nói được là một ảo giác, hoàn toàn không có cơ sở hiện thực. Tại sao? 

Vì bản chất của Đảng CSVN là chuyên môn lừa lọc, lường gạt và gian trá như Cựu Tổng Bí Thư Liên bang Sô viết Mikhail Gorbachev đã nói: “…Đảng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá”. Bằng chứng dối trá và lường gạt này cũng được chứng minh qua chính phủ liên hiệp (tức hoà hợp hoà giải) Trần Trọng Kim. Hơn nữa, trong lịch sử ngoại giao quốc tế trong liên hệ với chiến tranh, khi nào người ta nói đến hoà ước, tức người ta nói đến một bên thua và một bên thắng. Và trong hoà ước, bên thua cuộc luôn luôn bị thiệt thòi. Người Việt hải ngoại không phải là bên thắng cuộc cũng không phải là bên có thế mạnh hay có quyền lực, cho nên hoà hợp hoà giải chỉ có thể có nghĩa là chịu quy phục dưới trướng của Đảng CSVN với những tệ hại cứ tiếp diễn như người ta đang chứng kiến mà thôi. 

CSVN là một chế độ bất hợp pháp, độc tài toàn trị, kiểm soát tất cả mọi lãnh vực của đời sống người dân và đàn áp dân lành vô tội. Chế độ CSVN là một chế độ bất hợp pháp vì từ khi Hồ Chí Minh cướp chính quyền với sự hỗ trợ của quân lính Trung cộng năm 1945 cho đến ngày hôm nay, chưa bao giờ người dân có được cái quyền tự do ra ứng cử và tự do bầu cử cả; nếu có thì chỉ là “Đảng cử, dân bầu”. Chính quyền CSVN là một chính quyền “tự phong”, độc đoán, đặt nhân dân dưới sự kiểm soát chặt chẽ của 14 nhân vật gian nịnh của Bộ ChínhTrị, bao che cho công an, cán bộ tham nhũng bóc lột nhân dân đến tận xương tuỷ, tịch thu đất đai của nông dân, bắt bớ và hành hạ những người yêu nước chống ngoại xâm, đàn áp dã man những tín đồ các tôn giáo không thuộc hệ quốc doanh, bóc lột lao động không cho thành lập những công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, bao che cho những vụ buôn và bóc lột lao động ra nước ngoài, những vụ buôn trẻ em từ 5 đến 10 tuổi làm nô lệ tình dục ở Kampuchia, buôn bán phụ nữ sang Trung cộng, Đài Loan, Nam Hàn để làm vợ cho những người già nua, tật nguyền, v.v… và trong một số trường hợp phải làm “vợ” cho cả gia đình từ cha, đến chú, đến con; trong một số trường hợp khác thì bị bán vào các nhà “thổ”. Đa số nhân dân thì nghèo khổ: có những em bé xông xáo trong đống rác từ 3 giờ sáng để kiếm miếng ăn; những em khác khoảng 9, 10 tuổi khiêng hàng mấy chục miếng gạch trên chiếc lưng nhỏ bé để xây công trường; những bà già bảy, tám mươi tuổi còng lưng gánh hai thúng rau ra chợ bán hay ngồi co ro, lạnh lẽo bên chiếc ghế công viên. Trong lúc đó tập đoàn lãnh đạo cộng sản và phe nhóm hối lộ, tham nhũng, giàu “nứt đố đổ vách”, ăn tô phở tốn đến gần 40 đô; con cái đem tiền ra đốt chơi để tỏ sự giàu sang của mình. Quyền lực đã cho phép họ có được những cơ hội này. Những nhà độc tài nhất quyết không bao giờ buông rơi quyền lực của mình. Ngược lại, họ luôn luôn kềm kẹp người dân vào khuôn khổ kiểm soát của họ để họ bảo toàn quyền lực, nhất là thứ quyền lực đã được hun đúc một cách có hệ thống do lí thuyết và tổ chức cộng sản tạo ra. Hoà hợp hoà giải chỉ là con bài của người CS muốn thu tóm toàn dân, bao gồm cả những người Việt hải ngoại, với mục đích là toàn thể nhân dân phải phục tòng họ mà thôi. 

Do đó đối với chế độ CSVN, phương cách duy nhất để người dân Việt Nam có được tự do là phải giải thể chế độ này. Vì ngoài những lí do rõ ràng vừa nêu trên, những người CS kì cựu được sinh ra và trưởng thành trong cái “nôi” của chủ nghĩa CS, nước Nga, như Boris Yeltsin, cựu Tổng Thống Nga mà phải thốt lên “Cộng sản không thể sửa chữa mà phải đào thải nó”. Cựu bí thư đảng CS Nam Tư Milovan Djilas phát biểu là “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu”. Cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên sô Mikhail Gorbachev cũng đã từng nói: “Tôi đã bỏ nửa cuộc đời cho lí tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá.” Đương kim Tổng Thống Nga Vladimir Putin thì nói: “Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu; kẻ nào làm theo lời cộng sản là không có trái tim”. Đức Dalai Lama thì nói rằng: “ Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời”

Thế thì làm thế nào mà hợp tác, hoà hợp hoà giải, với chế độ CSVN được? Muốn có tự do thì chỉ có cách duy nhất là giải thể chế độ CSVN, tức là đào thải nó đi mà thôi. Và do đó, điều kiện quan trọng thứ hai là không bao giờ hoà hợp hoà giải với chế độ CSVN. 

Ngoài ra, để cho người dân Việt Nam có thể có tự do thì tất cả mọi người dân cũng còn cần phải có bổn phận tôn trọng và bảo vệ sự trọn vẹn của chủ quyền, lãnh thổ, và lãnh hải của quốc gia, và chống lại tất cả mọi chính sách bá quyền (hegemony) bất cứ từ đâu đến, và hiện nay là từ Trung cộng. Trung cộng đã xâm chiếm gần khoảng 800 cây số vuông vùng đất biên giới phía Bắc, bao gồm cả Ải Nam Quan, thác Bản Giốc; khai thác hằng trăm cây số vuông rừng đầu nguồn; khoán chiếm vùng đất cao nguyên để khai thác bauxite, vùng đất yết hầu về quân sự và quốc phòng theo quan điểm của Tướng Việt cộng Võ Nguyên Giáp và còn có thể gây tác hại môi sinh vì chất thải bùn đỏ tạo thiệt hại về đời sống cho khoảng 16 triệu dân cư ở vùng cuối sông Đồng Nai. Biển Đông gần như bị chiếm trọn vẹn với bản đồ hình lưỡi bò của Trung cộng: ngư dân Việt Nam sinh sống bằng nghề đánh cá trong vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa suốt mấy trăm năm nay, nay bị lính Trung cộng bắt, đánh đập, tịch thu ngư sản và tàu đánh cá, lại còn bắt phải trả tiền chuộc. Tàu Việt Nam đi tìm mõ dầu thì bị cắt giây cáp bao nhiêu lần. Người dân Trung hoa thì nhập khẩu Việt Nam không cần chiếu khán. Hậu quả là bao nhiêu làng người Hoa mọc lên đầy dẫy khắp nước, từ Bắc chí Nam; hàng hoá và thực phẩm phế thải ở Trung cộng được du nhập tràn lan vào Việt Nam, giết chết nền kinh tế và nông nghiệp Việt Nam, đồng thời gây tai hại về sức khỏe cho toàn dân. Với một chính sách “ác với dân, hèn với giặc” như thế của tập đoàn lãnh đạo CSVN, thì Trung cộng không cần phải dùng đến sức mạnh quân sự mà chỉ cần một vài mươi năm nữa, nếu dân tộc Việt Nam không bị tiêu diệt vì bệnh hoạn thì cũng sẽ trở thành một quận lị của Trung quốc mà thôi. 

Ý thức được điều này, vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã để lại lời di chúc sau đây: 

“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn : “Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.  Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”. (http://vietnamclassical.files.wordpress.com/2010 <http://vietnamclassical.files.wordpress.com/2010> ). 

2.2. Những điều kiện của dân chủ cho Việt Nam 

Về vấn đề dân chủ, thì hiện nay nhiều người – bao gồm cả 72 trí thức trong nước và nhiều nhóm trí thức hải ngoại – yêu cầu Đảng CSVN bỏ điều 4 hiến pháp, nghĩa là bỏ điều khoản tôn vinh đảng CS là đảng lãnh đạo Nhà nước và phải để cho những đảng khác có cơ hội tham gia vào công cuộc xây dựng quốc gia. Một số người khác đòi hỏi một thể chế có tam quyền (hành pháp, lập pháp, và tư pháp) phân lập. Thêm vào đó, một phong trào đang rộ nở trong nước cũng như tại hải ngoại tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, yêu sách Đảng CSVN và vận động các quốc gia tự do áp lực Đảng CSVN phải tôn trọng những quyền căn bản của con người. Những tranh đấu này minh chứng ý thức vùng dậy của người dân, cần được vinh danh và hỗ trợ. 

Tuy nhiên, đối với chính quyền CSVN độc tài và bất hợp pháp, thì những tranh đấu này phải là những đòi hỏi chứ không thể là những lời yêu cầu hay van xin. Yêu cầu hay van xin là mặc nhiên công nhận tính hợp pháp và chính danh của tập đoàn CSVN. Tranh đấu là đòi hỏi những quyền bẩm sinh của con người, là khẳng định quyền lực của nhân dân, là xác quyết vai trò đầy tớ – phải phục vụ nhân dân – của bất cứ chính quyền nào. 

Đa nguyên đa đảng và một chính quyền có tam quyền phân lập là những điều kiện quan trọng cho một nền dân chủ, nhưng những điều kiện này cũng chỉ là những điều kiện đủ của dân chủ chứ không phải là điều kiện cần. Điều kiện cần cho một nền dân chủ thực sự là quyền lực phải thực sự nằm trong tay người dân. 

Nhưng khi nào và như thế nào thì quyền lực mới thực sự nằm trong tay người dân? -Thưa, là khi người dân đã được thông tin và hiểu biết về quyền lực của mình, là khi người dân biết rõ là họ có tự do ra ứng cử và có tự do bầu cử trước khi người dân thực thi quyền lực của mình bằng lá phiếu tự do trong lãnh vực lập hiến, lập pháp, và chọn lựa thể chế (dưới sự bảo trợ và giám sát của Liên Hiệp Quốc trong một thời gian được ấn định rõ ràng). 

Một khi điều kiện “cần” cho việc xây dựng dân chủ này đã được hội đủ rồi, thì những điều kiện “đủ” phải được thực thi, nghĩa là những người có khả năng sẽ ra ứng cử để nhân dân bầu vào quốc hội lập hiến. Trách nhiệm duy nhất của quốc hội lập hiến là soạn thảo và hoàn thành một hiến pháp mới bao gồm những luật căn bản nhằm mục đích tạo an ninh, trật tự cho quốc gia, bảo vệ những quyền căn bản của người dân, và ấn định những nguyên tắc thiết lập một thể chế dân chủ. Mặc dù không ai có quyền ấn định trước những nguyên tắc này, nhưng có những nguyên tắc phổ quát đã được các nước dân chủ, văn minh, tiến bộ chấp nhận và tôn trọng, đó là: (1) nguyên tắc đa nguyên đa đảng và (2) nguyên tắc tam quyền – hành pháp, lập pháp, và tư pháp – phân lập và độc lập. Còn thể chế thì đại diện được dân bầu vào quốc hội lập hiến có thể chọn bất cứ thể chế dân chủ nào: tổng thống chế, tổng thống chế có thủ tướng, đại nghị chế, quân chủ lập hiến, v.v…tuỳ thuộc vào ước vọng của người dân được phản ảnh qua sự lựa chọn các vị dân biểu lập hiến sau khi các vị này đã trình bày lập trường chính trị của mình trước khi được bầu chọn. Nhiệm kì của quốc hội lập hiến sẽ chấp dứt sau khi các vị dân biểu hoàn thành hiến pháp có phần quy định những nguyên tắc ứng cử và bầu cử cho quốc hội lập pháp, ngành tư pháp, và hành pháp. 

Diễn tiến tiếp theo là nhân dân bầu quốc hội lập pháp, những lãnh đạo của ngành tư pháp, và những vị lãnh đạo của ngành hành pháp. Dĩ nhiên là hiến pháp có quy định nhiệm kì của các nhà lãnh đạo trong các ngành lập pháp, tư pháp, và hành pháp để bảo đảm là quyền lực luôn luôn nằm trong tay người dân. Nếu những giới chức được bầu này không thoả mãn những nhu cầu của người dân, thì người dân sẽ cất chức họ bằng lá phiếu của họ trong nhiệm kì tới. 

Nhiều người trong và ngoài nước đã đưa ra đề nghị sửa đổi hiến pháp hiện nay của Đảng CSVN. Điều này có nghĩa là vẫn tiếp tục duy trì nguyên trạng về chính thể với hi vọng là Đảng CSVN sẽ tuân thủ hiến pháp. Hiến pháp của chế độ CSVN là một hiến pháp do tập đoàn lãnh đạo cộng sản soạn thảo ra, không phản ảnh quyền lợi và nhu cầu của nhân dân và của đất nước mà chỉ phản ảnh quyền lợi của Đảng CSVN. Quan trọng hơn nữa là: vì quyền lực vẫn nằm trong tay Đảng CS chứ không nằm trong tay người dân, thì dù có cả ngàn bản hiến pháp tuyệt hảo cũng không ích lợi gì vì những bản hiến pháp này dù tốt đẹp đến bao nhiêu cũng sẽ chỉ nằm ở một góc phòng nào đó, hứng bụi, trong lúc Đảng Cộng sản vẫn cứ tiếp tục làm những điều mà họ vẫn thường làm: đàn áp nhân dân, thu tóm của cải làm giàu cho bản thân mãi cho đến lúc người dân teo tóp thành những cái xác không hồn, vật vưởng trong một thế giới thiếu vắng tình người. 

3.    Xác định một thế đứng 

Để trở lại một vấn đề then chốt liên hệ đến cơ sở cho lập trường chính trị, thì khi nào những phát biểu cũng như những hành động của những người mang danh nghĩa là người Việt quốc gia đấu tranh cho tự do và dân chủ đáp ứng được những mục tiêu nói trên thì họ đang đóng góp vào công cuộc xây dựng dân chủ cho đất nước Việt Nam. Khi nào những phát biểu và hành động của họ đi lệch hay đi ngược lại những mục tiêu nói trên thì – vô tình hay cố ý – họ đã đi sai con đường xây dựng dân chủ hay là họ có thể đang thi hành một âm mưu thâm độc nào đó để phục vụ quyền lợi của Đảng CSVN hay phục vụ quyền lợi của Hoa Kì. 

Quyền lợi của Hoa Kì có khi đi đôi với quyền lợi của dân tộc Việt Nam; có khi không. Những người Mĩ gốc Việt là những công dân Mĩ, nên cũng có bổn phận phải tôn trọng và phục vụ quyền lợi của quốc gia này. Tuy nhiên, Hoa Kì là một quốc gia tự do, cởi mở nên người dân có quyền có những tư tưởng chính trị khác biệt. Ổn định vùng bằng cách hỗ trợ chính thể CSVN – bằng cách giữ y nguyên trạng hay bằng giải pháp hoà hợp hoà giải – có thể có cái lợi thiết thực, tức thời trước mắt cho nước Mĩ, nhưng lại là một lập trường có tầm nhìn ngắn và có hại cho uy tín của quốc gia Hoa Kì, vì trước công luận thế giới, Hoa Kì sẽ mang tiếng là chỉ vì cái lợi ngắn hạn mà sẵn sàng hỗ trợ độc tài, miễn sao có được ổn định và là Hoa Kì không quan tâm đến những nguyên tắc luân lí và những đau khổ của những dân tộc bất hạnh đang phải chịu sự bóc lột và đàn áp khắc nghiệt hằng ngày trong hiện tại. Hỗ trợ nỗ lực thiết lập một chính thể dân chủ cho Việt Nam trong đó người dân có tự do phát triển con người và phát triển khả năng sáng tạo là một đầu tư vừa có ý nghĩa vì làm vơi nỗi đau của dân tộc Việt Nam và, trong dài hạn, vừa làm đẹp cho hình ảnh của Hoa Kì trước công luận thế giới vì Hoa Kì có chính danh của một quốc gia văn minh xứng đáng với vai trò lãnh đạo thế giới. Cho nên giải thể chế độ độc tài CSVN vừa phục vụ quyền lợi tối thượng của dân tộc Việt Nam, vừa là một hình thức tôn trọng và phục vụ quyền lợi của quốc gia Hoa Kì trong chiến lược dài hạn và có ý nghĩa. 

Có thể lập trường của người Việt quốc gia về vấn đề giải thể chế độ CSVN, trong giai đoạn hiện tại, không có được sự đồng thuận hoàn toàn của chính sách của Hoa Kì, một chính sách có tầm nhìn ngắn. Nhưng một khi nhân dân Việt Nam đã làm nghiêng được cán cân quyền lực về phía mình thì Hoa Kì sẽ thấy cái lợi đầu tư vào phe kẻ mạnh, nhất là kẻ mạnh với lí thuyết tự do và dân chủ làm nền tảng cho xã hội. Vả lại, có được tự do và dân chủ hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định của người dân đang chịu đau khổ, chứ không tuỳ thuộc vào bất cứ ai khác. 

Với những mục tiêu rõ ràng như thế, người Việt ở trong cũng như ngoài nước có được những tiêu chuẩn rõ ràng để nhận diện ai là những người Việt quốc gia tranh đấu cho tự do và dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam, đồng thời cũng có những tiêu chuẩn rõ ràng để nhận định những lời chỉ trích hay kết án – dù có thiện ý hay ác ý – có giá trị hay không, do đó có thể rút ra được những kết luận cho con đường mình đi mà không bị hoang mang hay chán nản đến mức độ thờ ơ hay ghê tởm mọi hoạt động chính trị. 

Con người không thể không có thái độ chính trị; vì không tham gia chính trị cũng đã là một thái độ chính trị rồi, nhưng thái độ chính trị có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: hỗ trợ, bác bỏ hay tẩy chay bằng lời nói và hành động, hỗ trợ bằng cách không quan tâm đến những phát biểu hay hành động không có giá trị, hỗ trợ bằng tài chánh, hỗ trợ bằng hành động tham gia vào những công tác giúp đạt những mục tiêu nói trên. Mỗi một cá nhân đều có thể đóng góp trong cương vị và khả năng của mình: sự đóng góp này không khẩn thiết đòi hỏi những hành động anh hùng, xuất chúng như là chết cho lí tưởng tự do và dân chủ mà chỉ có một số ít người có thể làm được mà thôi, mặc dù trong một số trường hợp đặc biệt, tuẫn quốc là một điều cần thiết, đáng được kính trọng và vinh danh. Tuy nhiên, tuẫn quốc không hẳn luôn luôn là hành động có hiệu quả nhất. Không có một đóng góp nào là nhỏ cả: Góp gió thành bão. 

Một điểm khác cần được làm sáng tỏ thêm là những người mang danh nghĩa đấu tranh cho tự do và dân chủ có thể có những phần phát biểu hay những hành động đáp ứng những mục tiêu của mô thức tự do và dân chủ, nhưng cũng có thể có những phần phát biểu hay hành động khác lại đi lệch hướng hay đi ngược lại những mục tiêu này, thì thái độ của  người dân phải như thế nào? Theo thiển ý, lí lịch của một người có thân nhân là CS không là bằng chứng để kết án họ là người CS hay làm việc cho CS. Không thiếu gì những người quốc gia chân thành và hăng say chống cộng, đấu tranh cho tự do và dân chủ, có thân nhân là những giới chức cao cấp Cộng sản. Bao giờ họ còn nói đúng và làm đúng thì họ đang đóng góp vào công cuộc xây dựng tự do và dân chủ. Đến khi nào họ nói và hành động sai hay đi ngược lại những mục tiêu dân chủ thì chúng ta cần vạch ra những sai lầm đó để họ sửa sai. Nếu họ vẫn tiếp tục đi vào con đường sai lạc, thì chúng ta biết là họ không đi trên cùng một con đường với mình và rất có thể họ đang phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản. Và phản ứng hẵng sẽ là rất dứt khoát, tuỳ thuộc vào lập trường của từng cá nhân và từng đoàn thể. 

Một điểm quan trọng đã được bàn ở trên, nhưng cần được làm sáng tỏ hơn vì là điểm nhạy cảm. Đó là lập trường không hoà hợp hoà giải với CSVN. Điểm này cần phải được minh xác rõ ràng là – theo thiển ý cá nhân – người Việt quốc gia không bao giờ hoà hợp hoà giải với chế độ CSVN, với tập đoàn lãnh đạo CSVN, và với những người trung thành với lí thuyết Cộng sản. Còn đối với toàn thể dân tộc Việt Nam; dù một số những người này vẫn đang còn ở trong hàng ngũ CS, nhưng đã nhận thấy chủ thuyết Cộng sản là sai lầm, đã thấy tập đoàn lãnh đạo Cộng sản phản bội nhân dân, và nhận thấy thể chế dân chủ là một thể chế tôn trọng con người và quyền làm người, và muốn trở về với dân tộc, thì hoà hợp hoà giải là một vấn đề không cần phải đặt ra, bởi vì những người này cùng với gần 90 triệu người dân khác chỉ là một, không có xung khắc, thì tại sao lại phải hoà hợp hoà giải? 

Sự khác biệt hay xung khắc không khoan nhượng chính là sự khác biệt hay xung khắc đối với tập đoàn lãnh đạo Cộng sản độc tài, đối với những thành phần ngu muội còn tin vào lí thuyết Marxist đã mục rữa, hay đối với những thành phần vì hám danh hám lợi mà bỏ mất “lương tri”, đành tâm hành hạ những người dân nghèo khổ, vô tội hay những người dân yêu nước. Đối với những hạng người này thì không thể có hoà hợp hoà giải được mà phải lật đổ chế độ đang dung dưỡng họ. 

Người viết bài tham luận như là một đề nghị này hi vọng đóng góp được một phần nào vào việc xoá bỏ những hoang mang, những hiểu lầm, những ngộ nhận, những bất đồng ý kiến hầu mong giúp đem lại sự đoàn kết cho những người dân trong nước cũng như những người Việt tại hải ngoại có lòng yêu quê hương đang tranh đấu cho tự do và dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam thân yêu. 

Nguyễn văn Thái, Ph.D

Pennsylvania, Ngày 12 Tháng 8, Năm 2013 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt