Syria: Làn sóng dân chủ làm rung chuyển chế độ độc tài Syria

Sau Tunisia, Ai Cập và Libya, nay đến lượt Syria bị rung chuyển vì những cuộc biểu tình phản kháng chưa từng có, buộc chính quyền Tổng thống Bachar al-Assad phải nhượng bộ.

Những người biểu tình ở Syria tiếp tục gây áp lực đòi TT ra đi

Từ 40 năm qua, quốc gia này vẫn sống dưới một chế độ độc tài cha truyền con nối. Đặc điểm của Syria là người allaouite, một nhánh của hệ phái Hồi giáo chiite, chiếm thiểu số nhưng lại nắm quyền lãnh đạo từ năm 1963 đến nay, trong khi đa số dân ở nước này là người Hồi giáo hệ phái sunnite. Dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, mọi hình thức đối lập đều bị đàn áp dữ dội. Năm 1982, Tổng thống Syria đã ra lệnh oanh tạc vào thành phố Hama để dập tắt cuộc nổi dậy do tổ chức Huynh đệ Hồi giáo khởi xướng.

Thay cha lên nắm quyền, Tổng thống đương nhiệm Bachar al-Assad đã tìm cách đưa Syria khỏi tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế bằng một số cải cách thận trọng, nhưng trong nội bộ chế độ, phe bảo thủ chống lại những thay đổi đó. Mặt khác, cùng với đà mở cửa, một số kẻ đã giàu lên nhanh chóng, trong khi đa số dân chúng chẳng được hưởng gì cả. Sự cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng. Cộng thêm vào đó là nạn hạn hán từ mấy năm qua khiến người dân nông thôn kéo lên các vùng ngoại ô thành thị kiếm sống ngày càng đông, mặc dù ở những nơi này, việc làm cũng khan hiếm.

Tức nước thì vỡ bờ, nỗi bất mãn chế độ dồn nén từ hàng chục năm qua đã bùng lên thành phong trào biểu tình phản kháng, được thúc đẩy bởi làn gió dân chủ từ Tunisia, Ai Cập,. .. Phong trào đã bắt đầu từ ngày 15/3 tiếp theo một lời kêu gọi trên mạng Facebook thúc giục người dân xuống đường chống chế độ Tổng thống Bachar al-Assad. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ đã diễn ra ở thủ đô Damas, nhưng đã nhanh chóng bị giải tán. Tuy nhiên chính là từ thành phố Deraa, cách Damas 100 km về phía Nam, mà phong trào phản kháng đã bùng lên mạnh mẽ, sau vụ bắt giữ 15 học sinh đã viết lên tường những khẩu hiệu kêu gọi lật đổ chế độ. Những người biểu tình tấn công vào các biểu tượng của chế độ, đốt phá các cơ sở điện thoại di động, mà sở hữu chủ là một người bà con của Tổng thống Syria.

Lực lượng an ninh Syria đã thẳng tay đàn áp biểu tình ở Deraa, đặc biệt là hôm thứ tư vừa qua đã giết chết hơn 100 người, theo nguồn tin từ các nhà đấu tranh. Chính quyền Damas đổ lỗi cho “một băng đảng vũ trang” đã gây ra bạo động, kết tội “những thế lực nước ngoài” đã tuyên truyền dối trá và khẳng định là những tin nhắn SMS đã được gởi chủ yếu từ Israel, kêu gọi dân chúng Syria làm loạn. Nhưng hôm qua, hơn 20 ngàn người đã đến dự đám tang của các nạn nhân bị bắn chết hôm thứ tư và cuộc tập hợp cũng đã biến thành biểu tình chính trị.

Để xoa dịu dân chúng, chính quyền Damas hôm qua đã vội ra tuyên bố sẽ nghiên cứu việc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp được ban hành từ năm 1963, hứa sẽ đề ra những biện pháp chống tham nhũng và loan báo tăng lương 30% cho công chức. Về phần đài truyền hình Nhà nước loan tin là toàn bộ những người bị bắt trong những ngày qua sẽ được thả ra. Một cố vấn của Tổng thống Syria thậm chí còn nhìn nhận rằng những yêu sách của người dân ở Deraa là “chính đáng”. Bản thân Tổng thống Bachar al-Assad thì cam kết sẽ ra một đạo luật về tự do báo chí và về các chính đảng ở Syria.

Ngoài sức mạnh của phong trào phản kháng, một yếu tố khác khiến chính quyền Syria phải nhượng bộ, đó là áp lực của quốc tế, vì nhiều nước phương Tây như Pháp, Anh và Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền như Ân xá Quốc tế đã đồng loạt lên án việc sử dụng bạo lực chống người biểu tình, và yêu cầu chính quyền Syria tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân.

Như vậy, có thể nói là phong trào phản kháng ở Syria đã đạt thắng lợi đầu tiên và không chỉ ở Deraa, mà ngay cả ở thủ đô Damas và ở các tỉnh, bức tường sợ hãi đã bắt đầu rạn nứt. Bên cạnh những áp phích ca ngợi Tổng thống Assad và những “thành quả lịch sử” của đảng Baas đang cầm quyền, là những áp phích với hai chữ “Tự Do”.

Thanh Phương (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt